Đại biểu Lưu Bình Nhưỡng: "Trong 25 chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội, chưa hề có dân tộc, miền núi". Đại biểu
Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng, nước ta có 53 dân tộc thiểu số với 13,6
triệu người ở trên hơn 5.000 xã của cả nước. Mặc dù Đảng, Nhà nước, các cấp
các ngành đã dành sự quan tâm đầu tư phát triển kinh tế xã hội miền núi,
nhưng đây vẫn là nơi khó khăn nhất, là lõi nghèo của cả nước. Tỷ lệ hộ nghèo
vùng dân tộc cao gấp ba lần bình quân chung. 21% người trên 15 tuổi chưa đọc
thông viết thạo tiếng Việt, tỷ lệ hôn nhân cận huyết, tảo hôn ở một số dân
tộc trên 50%... Mặc dù có chính sách nhưng còn thiếu nguồn lực, một số nơi
còn thiếu quan tâm, đầu tư hiệu quả thấp, lãng phí.
"Vì thế,
rất cần QH giám sát để thấy được thực tiễn của các chính sách, qua đó khắc
phục hạn chế, thiếu sót, để có những quyết sách thiết thực, thỏa đáng hơn đối
với dân tộc và thiểu số, miền núi hiện nay”, đại biểu Thúy đề xuất.
Đại biểu
Lưu Bình Nhưỡng (Bến Tre) phân tích 25 cuộc giám sát tối cao theo thống kê từ
năm 2004-2017, trong đó có 11 giám sát liên quan đến kinh tế và xây dựng nông
thôn mới, bảy cuộc giám sát về quản lý Nhà nước, ba cuộc về xã hội; các lĩnh
vực xây dựng pháp luật, tư pháp, giáo dục và môi trường đều có một cuộc...
Nhưng chưa có một cuộc giám sát nào về chính sách dân tộc.
Đại biểu
Nhưỡng cho biết ông đã có hai chuyến đi vào bản ở Sơn La, Hà Giang gần đây và
không thể cầm lòng được. "Tôi băn khoăn là tất cả chính sách của chúng ta
hiệu quả đến đâu, có cần điều chỉnh không? Bởi chính sách dân tộc là một
chính sách tổng hợp cả kinh tế, xã hội, an ninh quốc phòng chứ không chỉ là
vấn đề thông thường”, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng nói.
Vì thế,
đại biểu này tha thiết đề nghị Quốc hội, bên cạnh việc tập trung vào một
chuyên đề kinh tế là vấn đề cổ phần hóa DN Nhà nước, cần giám sát tối cao về
chính sách đối với đồng bào dân tộc.
"Chúng ta
đang chuẩn bị xây dựng Luật dân tộc, và cần lấy kết quả cuộc giám sát này
phục vụ cho việc xây dựng luật vào năm 2018 hiệu quả hơn, khỏi chệch hướng,
bảo đảm tính đậm đà bản sắc dân tộc và thể hiện mối quan tâm cao nhất của
Quốc hội đối với đồng bào dân tộc, vùng sâu vùng xa” đại biểu Nhưỡng kết luận.
Giám
sát tối cao không phải "đi ô tô nhìn cảnh”
Nhìn vấn
đề ở một góc độ khác, đại biểu Dương Văn Thống (Yên Bái) phân tích chương
trình giám sát của khoảng 10 năm trở lại đây, và cho thấy giám sát Quốc hội
có ưu điểm là rất rộng, nhưng chưa tạo được chuyển biến tích cực, vẫn có vấn
đề gây lo lắng bức xúc kéo dài sau giám sát.
Ông Thống
đưa ra thí dụ, năm 2006 Quốc hội giám sát việc quy hoạch sử dụng đất đai
nhưng đến nay vấn đề quản lý sử dụng tài sản đất rất bức xúc. Năm 2009, Quốc
hội giám sát hai chuyên đề về vệ sinh an toàn thực phẩm nhưng đến nay chuyển
biến rất chậm, và giám sát tập đoàn, tổng công ty nhưng lại để xảy ra thất
thoát lớn…
Đại biểu
Thống phân tích, nguyên nhân phải chăng do giám sát chưa sâu nên chưa đi đến
tận cùng, nhiều vấn đề chưa được làm rõ, không ngăn chặn được, hiệu quả cũng
không cao. Một nguyên nhân khác là có thể do giám sát của Quốc hội không gắn
với thanh tra kiểm tra của Đảng nên hiệu quả không cao.
Nên dù
Luật giám sát mới có hiệu lực hơn một năm, nhưng đại biểu này cho rằng cần
nghiên cứu bổ sung để giám sát có hiệu quả, hiệu lực hơn và kiểm soát quyền
lực lẫn nhau.
Đại biểu
Thống cũng cho rằng, kế hoạch giám sát, đề cương giám sát phải tập trung làm
rõ những vấn đề bức xúc. Những đề cương giám sát vừa rồi qua thực tiễn không
đáp ứng được. Ngày xưa nói là "cưỡi ngựa xem hoa” còn nay là "đi ô tô nhìn
cảnh” mà thôi.
Theo đại
biểu Bùi Sỹ Lợi (Thanh Hóa), ngoài các vấn đề giám sát tối cao, Quốc hội cần
dành thời gian lựa chọn để thảo luận tại hội trường những vấn đề bức xúc do
các hội đồng hay ủy ban Quốc hội giám sát như chuyên đề giám sát quỹ bảo hiểm
xã hội, tình hình thực hiện chính sách phòng, chống ma túy…
Đây là
phiên thảo luận cuối cùng về Nghị quyết về Chương trình hoạt động giám sát
của Quốc hội năm 2018. Dự kiến, Nghị quyết này sẽ được Quốc hội biểu quyết
thông qua vào sang 12-6 tới.
|
|
TheoNhandan