(HBĐT) - Bộ máy các cơ quan hành chính Nhà nước cồng kềnh, trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, kéo theo đó là lực lượng cán bộ, công chức, viên chức (CB,CC,VC) đông đảo, không đồng đều tạo gánh nặng cho ngân sách… Đó là thực trạng chung ở nhiều địa phương trong cả nước hiện nay và tỉnh Hòa Bình không phải là ngoại lệ. Xác định rõ điểm hạn chế này, BTV Tỉnh ủy đã và đang lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt việc sắp xếp lại tổ chức bộ máy đảm bảo vừa gọn, vừa tinh, làm tiềm lực thúc đẩy Hòa Bình phát triển.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của BTV Tỉnh ủy, trong giai đoạn
2014- 2017, UBND đã ban hành các quyết định sáp nhập, giải thể hàng chục cơ
quan, đơn vị; chỉ đạo sắp xếp lại các trường phổ thông công lập, mô hình các tổ
chức, đơn vị thuộc Sở Y tế để đảm bảo tinh gọn, hiệu quả.
Nhận diện một bộ máy
cồng kềnh
Năm 2011, tỉnh Hòa Bình có 24 cơ quan, đơn vị thuộc UBND
tỉnh, trong đó có 19 sở, ban, ngành; 17
chi cục và tương đương; 161 phòng, ban chuyên môn và 154 đơn vị sự nghiệp thuộc
và trực thuộc các sở, ban, ngành.
Ở cấp huyện có 143 phòng chuyên môn; 41 đơn vị sự nghiệp
trực thuộc và 677 trường học. Có một sự tính toán khá chi tiết đó là ở tỉnh ta
cứ 40 người dân thì có một người công tác trong ngành giáo dục. Bởi ngành giáo
dục hiện tại có tới 20.767 cán bộ, giáo viên, nhân viên. Đội ngũ cán bộ ngành y tế cũng không kém phần hùng hậu bởi ở
mỗi huyện, thành phố đều có Bệnh viện Đa khoa, Trung tâm y tế dự phòng và cả
Phòng y tế. ở cấp xã có Trạm y tế với 6- 10 cán bộ hưởng lương ngân sách. Từ
nhiều năm nay, số lượng CB, CC, VC của tỉnh dao động ở khoảng 32.000- 32.600
người, thời điểm hiện tại (tháng 8/2017 là 32.626 người).
Thăm và làm việc với nhiều cơ quan, đơn vị, nhìn vào hiệu
quả công việc đem lại, so sánh với mức chi ngân sách hàng năm cho việc trang bị cơ sở vật chất,
tài sản và trả lương cho đội ngũ CB,CC,VC làm việc trong các cơ quan hành chính,
đơn vị sự nghiệp trong những năm qua, đồng chí
Bùi Văn Tỉnh, UVBCH T.ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy chỉ rõ tỉnh ta đang tồn tại
một bộ máy khá cồng kềnh nhưng kém hiệu quả. Trong đó đề cập sâu tới sự tồn tại
"bất hợp lý” của một số cơ quan, đơn vị gây trùng lắp về chức năng, nhiệm vụ và
tạo gánh nặng cho ngân sách.
Trong diễn đàn về KT-XH của tỉnh và cả trong các chuyến đi
về với cơ sở, với nhân dân, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhắc nhiều tới phần việc
cần làm, đó là: Sáp nhập một số cơ quan, đơn vị để tinh gọn bộ máy. Chủ trương
đó được đưa ra trong bối cảnh Hòa Bình đang
tích cực triển khai, thực hiện Kết luận số 64, Hội nghị BCH T.ư Đảng
khóa XI "Một số vấn đề tiếp tục đổi mới,
hoàn thiện hệ thống chính trị từ T.ư tới cơ sở”; Nghị định số 108/2014/NĐ-CP
của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế và Nghị quyết số 39 -NQ/TW ngày
17/7 2015 của Bộ Chính trị về "Tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ CB,CC,VC”
nên đã sớm tạo sự đồng thuận.
Trung tâm Hành chính
công của tỉnh và các huyện, thành phố
được thành lập là bước đột phá trong công tác CCHC, nâng cao tính chuyên nghiệp
của đội ngũ CB,CC, tinh gọn bộ máy. Ảnh: Giờ làm việc tại Trung tâm Hành chính
công tỉnh.
Những viên gạch đầu tiên trong hành trình sáp nhập
Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt của BTV
Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã tiến hành rà soát, điều chỉnh bổ sung chức năng, nhiệm vụ,
quyền hạn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị các cấp. Trên cơ sở đó ra quyết
định phê duyệt đề án sáp nhập một số cơ quan, đơn vị. Mở đầu cho hành trình sáp
nhập này là khối các trường học. Làm điểm từ năm 2015, đến nay, toàn tỉnh đã
hoàn thành việc sáp nhập Trung tâm GDTX với Trung tâm dạy nghề 10 huyện; sáp
nhập Trung tâm GDTX thành phố Hòa Bình với Trung tâm GDTX tỉnh. Năm học 2016-2017,
ngành giáo dục tỉnh đã thành lập 10 trường PTDTNT, THCS và THPT; sáp nhập 113
trường mầm non, tiểu học, THCS có quy mô nhỏ thành 56 trường. 31 BQL dự án các
sở được giải thể để thành lập 3 BQL dự án thuộc UBND tỉnh; 145 BQL dự án các
huyện, thành phố được sáp nhập thành 11 BQL dự án thuộc UBND huyện và bỏ 365
BQL dự án cấp xã đã có từ trước. Cùng chung lộ trình này, một số chi cục, trung
tâm trực thuộc Sở NN&PTNT đã được sáp nhập. 11 văn phòng đăng ký quyền sử
dụng đất của các huyện, thành phố sáp nhập vào Văn phòng đăng ký đất đai trực
thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường. Đồng thời, giải thể các đơn vị: Đoàn điều
tra quy hoạch nông, lâm nghiệp trực thuộc Sở NN& PTNT; Trung tâm xúc tiến
thương mại thuộc Sở Công Thương. Từ tháng 1/2017, tiến hành sáp nhập Trung tâm
y tế dự phòng với Bệnh viện đa khoa cấp huyện thành Trung tâm y tế huyện…
Đồng chí Nguyễn Viết Trọng, Giám đốc Sở Nội vụ
cho biết: "Việc sắp xếp, điều chỉnh các đơn vị và tinh giản biên chế ở tỉnh ta
được triển khai, thực hiện một cách thận trọng, phù hợp với thực tiễn của từng
địa phương, đơn vị. Đi kèm với đó là các cơ chế, chính sách cụ thể để tránh
giảm "cơ học” mà quan trọng là hướng tới nâng cao chất lượng thực thi công vụ,
xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu quả. Thực hiện đồng bộ việc tinh gọn bộ máy với
tinh giản biên chế theo Nghị định số 108
của Chính phủ, trong 2 năm 2015 và 2016, toàn tỉnh đã tinh giản được 381 người.
Trong đó, số CB, CC,VC tinh giản do dôi dư trong quá trình sắp xếp bộ máy, vị
trí việc làm 45 người.
Hạn chế dần cán bộ "sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”
Chưa có con số cụ thể về CB,CC,VC dôi dư do sắp
xếp lại bộ máy vì hành trình còn đang biến động. Thế nhưng điều có thể thấy rõ
là mỗi CB,CC ở các cơ quan, đơn vị đã được sáp nhập hoặc đang trong lộ trình
sáp nhập đã nêu cao ý thức, trách nhiệm trong thực thi công vụ. Bởi ai cũng
hiểu rõ, khi bộ máy được thu gọn thì số lượng CB,CC,VC cũng phải giảm theo và
điều đương nhiên người không đáp ứng được yêu cầu sẽ bị đào thải.
Trước đây, khi chưa sáp nhập giữa Trung tâm GDTX
và Trung tâm dạy nghề huyện Tân Lạc, công việc của cán bộ ở 2 đơn vị này quá
nhẹ nhàng vì chỉ phải phục vụ lượng học viên hết sức khiêm tốn. Thế nhưng, từ
khi sáp nhập 2 đơn vị thành Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện ( tháng 1/2015),
không khí làm việc ở đơn vị khác hẳn. Đồng chí Dương Thị Hạnh, Phó Giám đốc phụ
trách Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp huyện Tân Lạc cho biết: Sau hơn 2 năm thực
hiện có thể khẳng định việc sáp nhập 2 trung tâm là chủ trương lớn của Đảng,
Nhà nước, phù hợp với tình hình thực tế. Để nâng cao hiệu quả công việc, Trung
tâm đã chủ động cử cán bộ, giáo viên phụ trách các xã, thị trấn vừa làm công
tác tuyển sinh, vừa đẩy mạnh công tác tuyên truyền để cán bộ, nhân dân trên địa
bàn nâng cao nhận thức về công tác dạy nghề và GDTX. Tăng cường hoạt động điều
tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của người lao động với phương châm
"dạy cái người ta cần chứ không dạy cái mình có”. Theo đó, số lượng học viên tham gia các lớp
học ở Trung tâm tăng lên rõ rệt.
Tháng 1/2017, 11 Trung tâm y tế các huyện, thành
phố trong tỉnh được thành lập trên cơ sở
sáp nhập Bệnh viện Đa khoa và Trung tâm y tế dự phòng ( Hòa Bình là một trong
những tỉnh đi đầu trong việc thực hiện chủ trương sáp nhập này theo Thông tư
liên tịch số 51, ngày 11/12/2015 giữa Bộ Y tế và Bộ Nội vụ) . Vẫn còn nhiều khó
khăn, lúng túng trong quá trình điều hành hoạt động ở một số đơn vị. Tuy nhiên,
theo đồng chí Trần Quang Khánh, Giám đốc Sở Y tế: Việc sáp nhập này là một giải
pháp mang tính CCHC, sắp xếp, kiện toàn lại nhằm giảm đầu mối và nâng cao hiệu
quả của hệ thống y tế. Việc sáp nhập đã thể hiện được sự thống nhất trong quản lý, điều hành, phòng, trị
bệnh. Phát huy vai trò người đứng đầu trong mối quan hệ tập thể lãnh đạo, cá
nhân phụ trách. Ngoài việc tập trung được cơ sở vật chất, nguồn nhân lực, tiết
kiệm được nguồn kinh phí thì cái lợi trước nhất được kể đến là tạo thuận lợi
cho người dân khi tham gia khám, chữa bệnh.
Để có một bộ máy tinh gọn, hiệu quả.
Qua quá trình sáp nhập, giải thể và thành lập
một số cơ quan, đơn vị, đến nay, toàn tỉnh còn 805 đơn vị sự nghiệp công lập
trực thuộc sở, ban, ngành và UBND huyện, thành phố, trong đó có 24 đơn vị tự
chủ tài chính không giao biên chế. Theo đồng chí Nguyễn Viết Trọng, Giám đốc Sở
Nội vụ: Hệ thống tổ chức bộ máy các đơn vị sự nghiệp công lập hiện nay vẫn còn
khá cồng kềnh, nhiều đầu mối; hiệu quả hoạt động của một số đơn vị sự nghiệp
chưa cao…Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy tại Công văn số 850,
ngày 22/6/2016, về việc "tham mưu, đề xuất sắp xếp một số chi cục, trung tâm,
đơn vị sự nghiệp” và Kết luận của Thường trực Tỉnh ủy tại Thông báo số 858,
ngày 17/4/2017, Sở Nội vụ đã xây dựng dự thảo Đề án "Sắp xếp, kiện toàn, tổ
chức lại các đơn vị sự nghiệp công lập tỉnh Hòa Bình” đưa ra lấy ý kiến các sở,
ngành, các huyện, thành phố vào ngày 24/8 /2017. Trong phương án sắp xếp và lộ
trình thực hiện có nêu rõ 10 đơn vị cần giải thể; thành lập 2 đơn vị là Bệnh
viện Sản Nhi và Trung tâm bồi dưỡng cán bộ y tế thuộc Sở Y tế; sáp nhập 14 đơn
vị thành 7 đơn vị. Hợp nhất các trung
tâm có chức năng y tế dự phòng thành Trung tâm kiểm soát bệnh tật của Sở Y tế;
hợp nhất Đài TT-TH với Trung tâm văn hóa - thể thao cấp huyện và chuyển một số
đơn vị sang tự chủ hoàn toàn chi thường xuyên và tự chủ một phần chi thường xuyên để giảm biên
chế…
Theo tính toán từ phía Sở Nội vụ: khi đề án được
triển khai thực hiện sẽ giảm được 26 đầu mối đơn vị sự nghiệp và giảm được 718
biên chế đang hưởng lương từ ngân sách Nhà nước sang hưởng lương do nguồn thu
của đơn vị. Ngoài ra, sau sắp xếp sẽ tinh giản được nhiều chỉ tiêu biên chế do
sáp nhập các đơn vị có nhiều bộ phận trùng lặp. Đó sẽ là tiền đề để nâng cao
hiệu lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị trên địa bàn trong thời
gian tới
Thúy Hằng