Ngày 10/10/2007, Ban Tổ chức T.ư ban hành Hướng dẫn số 10-HD/BTCTW về việc thành lập chi bộ cơ quan (CBCQ) xã, phường, thị trấn (gọi tắt là CBCQ). Sau 8 năm thực hiện, nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, tồn tại của mô hình này, Ban Tổ chức T.ư ban hành Hướng dẫn số 28-HD/BTCTW, ngày 10/10/2014 thay thế Hướng dẫn số 10. Đến nay, qua 10 năm thực hiện mô hình CBCQ cho thấy, bên cạnh kết quả cũng bộc lộ những hạn chế; còn nhiều ý kiến khác nhau về tính hiệu quả của mô hình. Vấn đề này cần được đánh giá, nhìn nhận khách quan để có hướng đi phù hợp.

 

Bài 1: Hiệu quả và bất cập

Đến ngày 31/12/2013, tất cả 210 xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh đã thành lập CBCQ và duy trì hoạt động đến nay. Qua tìm hiểu thực tế, các ý kiến đều cho rằng, mô hình CBCQ cùng với ưu điểm còn những hạn chế, bất cập.

100% xã, phường, thị trấn trong tỉnh thành lập CBCQ

Sau khi có Hướng dẫn số 10 của Ban Tổ chức T.ư, BTV Tỉnh ủy đã chỉ đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy hướng dẫn các Đảng bộ huyện, thành phố chỉ đạo, triển khai thực hiện, đảm bảo đồng bộ trong toàn tỉnh. Khi Ban Tổ chức T.ư ban hành Hướng dẫn số 28 về tổ chức và hoạt động của mô hình CBCQ thay thế Hướng dẫn số 10, BTV Tỉnh ủy đã ban hành Công văn số 591-CV/TU, ngày 25/11/2014 về việc sắp xếp, hoàn thiện cơ cấu, tổ chức và hoạt động của CBCQ; Quy định số 15-QĐ/TU, ngày 26/11/2014 về chức năng, nhiệm vụ của CBCQ.

Hướng dẫn mới được kỳ vọng nhằm phát huy ưu điểm, khắc phục hạn chế, tồn tại về tổ chức và hoạt động của mô hình CBCQ. Trong đó, đáng chú ý, về cơ cấu CBCQ gồm đảng viên là cán bộ, công chức (CB, CC) xã, phường, thị trấn. Về tổ chức, mỗi xã, phường, thị trấn chỉ lập 1 CBCQ với điều kiện ở các khu dân cư (KDC) đều có chi bộ và mỗi chi bộ có từ 9 đảng viên chính thức trở lên. Dừng thành lập mới CBCQ không đúng với Hướng dẫn số 28 từ ngày 10/10/2014…


Chi bộ cơ quan phường Tân Thịnh (TP Hòa Bình) duy trì nền nếp sinh hoạt định kỳ hàng tháng. ảnh: Chi bộ cơ quan phường sinh hoạt tháng 9/2017.

Tỉnh Hòa Bình có 210 xã, phường, thị trấn, đến ngày 31/12/2013, 100% xã, phường, thị trấn đã thành lập CBCQ. Trong đó, 191 CBCQ xã, 8 CBCQ phường, 11 CBCQ thị trấn. Do thành lập trước khi có Hướng dẫn số 28 nên các CBCQ vẫn duy trì hoạt động đến nay, mặc dù theo báo cáo tại thời điểm tháng 7/2017 của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, toàn tỉnh vẫn còn 1 xóm "trắng” tổ chức Đảng và 124 chi bộ sinh hoạt ghép.

Theo kết quả rà soát của Ban Tổ chức Tỉnh ủy, tổng số đảng viên của 210 CBCQ có 4.366 đồng chí. Về cơ cấu, bí thư chi bộ do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã đảm nhiệm chiếm 78,57%; đồng chí ủy viên BTV Đảng ủy xã đảm nhiệm chiếm 10% và đồng chí đảng ủy viên đảm nhiệm 11,43% (Phó Chủ tịch UBND, Chủ tịch MTTQ, Phó Chủ tịch HĐND). Nhìn chung, CBCQ đã xây dựng quy chế hoạt động, duy trì nền nếp sinh hoạt định kỳ hàng tháng. Trong sinh hoạt bám sát theo chức năng, nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng, Quy định số 15 của BTV Tỉnh ủy. Hầu hết CBCQ thống nhất thời điểm sinh hoạt định kỳ sau các chi bộ KDC và chi bộ khác để các đồng chí cấp ủy viên được phân công phụ trách nắm bắt tình hình. Công tác quản lý, phân công công tác cho đảng viên; bồi dưỡng, phát triển đảng viên mới là nguồn CB,CC xã, phường, thị trấn được quan tâm. Chất lượng xếp loại CBCQ xã hàng năm đạt trong sạch, vững mạnh trên 80%. Năm 2016 có 81,4% CBCQ đạt trong sạch, vững mạnh; 15,23% chi bộ hoàn thành tốt nhiệm vụ; 2,85% chi bộ hoàn thành nhiệm vụ.

Hiệu quả và bất cập

TP Hòa Bình đã thành lập 15 CBCQ với 366 đảng viên, trong đó 7 CBCQ xã, 8 CBCQ phường. Tân Thịnh là phường trung tâm bờ trái sông Đà. Đảng bộ phường có 27 chi bộ trực thuộc với 617 đảng viên, trong đó chi bộ tổ 18 có 8 đảng viên, còn lại đều từ 10 đảng viên trở lên. CBCQ phường có 24 đảng viên do đồng chí Phan Văn Trọng, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy làm Bí thư chi bộ. Cán bộ không chuyên trách chuyển về sinh hoạt tại chi bộ KDC theo Hướng dẫn số 28.

Đồng chí Phan Văn Trọng cho biết: Mô hình CBCQ phù hợp với nơi đảng viên đông, địa bàn thuận lợi như phường. Sinh hoạt CBCQ thực hiện 1 lần/tháng vào ngày mùng 6 hoặc chậm 1 - 2 ngày khi có việc đột xuất sau khi các chi bộ KDC sinh hoạt (từ ngày 1 - 5 hàng tháng). Việc quản lý, phân công nhiệm vụ cho đảng viên sát thực là cơ sở để đánh giá toàn diện việc thực hiện nhiệm vụ của CB, CC phường. Ví dụ, khi Đảng ủy ra Nghị quyết về học tập NQT.ư 5 (khóa XII), CBCQ ban hành Nghị quyết ghi rõ và chi tiết hơn, yêu cầu 100% đảng viên, người lao động trong cơ quan phường học tập, viết thu hoạch nghiêm túc. Các Nghị quyết về phát triển kinh tế, phòng - chống lũ bão… của Đảng ủy đều được cụ thể hóa chi tiết trong Nghị quyết của CBCQ. Công tác phát triển đảng là CB, CC và bố trí nơi sinh hoạt cho cán bộ cũng thuận lợi hơn. Mối liên hệ với chi bộ tổ dân phố đã được kết nối bằng việc Đảng ủy phân công đảng ủy viên phụ trách KDC, khối dân vận dự giao ban với chi ủy và các đoàn thể KDC.

Tuy nhiên, tìm hiểu ở nhiều xã vùng nông thôn, việc thành lập CBCQ ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của chi bộ thôn, bản. Đơn cử ngay tại TP Hòa Bình nhưng đồng chí Nguyễn Văn Trung, Bí thư CBCQ xã Thái Thịnh - xã vùng lòng hồ thủy điện chủ yếu đi lại bằng thuyền rất khó khăn lại cho rằng: CBCQ thuận lợi cho CB, CC sinh hoạt, nhất là CB, CC cư trú ở các phường: Tân Thịnh, Hữu Nghị, Thịnh Lang. Song, CB, CC đã tham gia nhiều cuộc họp bàn công việc của Đảng ủy, UBND xã, trong khi hoạt động của một số chi bộ KDC hạn chế.

Đối với xã Tân Mỹ (Lạc Sơn), Đảng bộ có 27 chi bộ trực thuộc, trong đó có 21 chi bộ xóm. CBCQ có 14 đảng viên do đồng chí Phó Chủ tịch HĐND xã làm bí thư. Thực hiện theo hướng dẫn mới chuyển cán bộ không chuyên trách về sinh hoạt tại chi bộ KDC và Đảng ủy đã chủ động chuyển 8 đảng viên CBCQ về sinh hoạt tại chi bộ các xóm nhưng hiện vẫn còn 13 chi bộ xóm có dưới 9 đảng viên. Bí thư Đảng ủy xã Bùi Văn Khoa cho biết: Thành lập CBCQ giúp công tác quản lý, đánh giá đảng viên là CB, CC xã tốt hơn nhưng ảnh hưởng đến sức mạnh của chi bộ xóm - "mắt xích” gần dân nhất. Mấy năm trước, các xóm: Ngheo, Kho, Dồn, Bu số lượng đảng viên chưa đủ điều kiện thành lập chi bộ nên phải sinh hoạt ghép. Khi Đảng ủy chuyển một số đảng viên của CBCQ về mới xóa "trắng” được tổ chức Đảng. Đơn cử chi bộ xóm Bu mới được thành lập năm 2015 nhờ Đảng ủy tăng cường đồng chí Trưởng Công an xã về và đồng chí Phó Bí thư Đoàn xã sinh hoạt tại chi bộ xóm Nại về làm bí thư chi bộ. Từ khi thành lập, chi bộ xóm Bu hoạt động hiệu quả. ANTT ở nơi từng là điểm trước đây khai thác vàng trái phép nay ổn định, thu nhập bình quân đầu người từ 12 triệu đồng (năm 2015) tăng lên 18 triệu đồng (năm 2016).

Huyện Lạc Sơn có 29 CBCQ với 625 đảng viên. Kết quả bình xét năm 2016 có 23,4% đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ; 70% đảng viên hoàn thành tốt nhiệm vụ; 10% đảng viên hoàn thành nhiệm vụ; 0,6% đảng viên không hoàn thành nhiệm vụ. Theo nhận xét của Huyện ủy, công tác đánh giá, phân loại chi bộ và đảng viên còn nể nang, né tránh, chưa chặt chẽ và thực sự thực chất. Số đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ hằng năm chiếm tỷ lệ cao.

Chưa có sự thay đổi đột phá

Qua tìm hiểu thực tế và trao đổi với các đồng chí trong chi ủy CBCQ, BTV Đảng ủy cơ sở, BTV Huyện ủy đa số đều đánh giá: Sau 2 năm thực hiện Hướng dẫn số 28 của Ban Tổ chức T.ư, tình hình hoạt động của CBCQ dường như vẫn chưa có sự thay đổi đột phá so với thời điểm trước khi ban hành.

Tại huyện Kim Bôi, Huyện ủy đã chỉ đạo thành lập 28 CBCQ. Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Bùi Văn Hiến, đảng viên CBCQ đều là CB, CC cấp xã hiểu rõ công việc, kết quả thực hiện nhiệm vụ của nhau, tự phê bình và phê bình sát thực nên nhận xét, đánh giá chất lượng đảng viên chính xác hơn, kịp thời phát hiện, ngăn chặn tiêu cực, vi phạm. Tuy nhiên, vai trò lãnh đạo và tổ chức thực hiện nhiệm vụ chính trị của một số CBCQ còn nhiều lúng túng trong xác định nhiệm vụ chính trị của loại hình. Chất lượng sinh hoạt chưa được nâng cao và đổi mới. Việc điều hành, lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chi bộ của một số chi ủy còn chồng chéo, lẫn sang nhiệm vụ của Đảng ủy, HĐND, UBND, MTTQ và các đoàn thể. Việc ban hành nghị quyết, quy chế hoạt động chung chung, thiếu cụ thể. Một số chi bộ KDC hoạt động hạn chế do thanh niên đi làm ăn xa, không phát triển được đảng viên trẻ, trong khi số đảng viên của chi bộ chuyển sinh hoạt đến CBCQ...

Huyện Kỳ Sơn có 130 chi bộ trực thuộc Đảng uỷ 10 xã, thị trấn, trong đó có 85 chi bộ KDC, 10 CBCQ. Đảng bộ không còn chi bộ KDC sinh hoạt ghép, không còn xóm "trắng” đảng viên. Đồng tình với những ưu điểm của mô hình CBCQ đã nêu trên, đồng chí Nguyễn Hữu Thiệp, Bí thư Huyện ủy cho biết thêm: Khi tổ chức CBCQ, đảng viên trẻ ngại góp ý phê bình với đảng viên là lãnh đạo. Một số đảng viên phụ trách xóm không sâu sát, chưa kịp thời nắm bắt tình hình, tư tưởng trong nhân dân, tiếp thu ý kiến đóng góp của chi bộ và các đoàn thể nơi cư trú. Hoạt động của CBCQ những năm qua chưa được sự đồng tình của đảng viên và nhân dân nơi cư trú, gây hẫng hụt lực lượng cốt cán, nhân tố tích cực trong chi bộ KDC.

Tất cả 11 huyện, thành phố trong tỉnh đã báo cáo tổng kết mô hình CBCQ. Trên cơ sở tổng hợp các ý kiến, Ban Thường vụ Tỉnh ủy nhận xét: Mô hình CBCQ tháo gỡ được khó khăn trong bố trí nơi sinh hoạt Đảng đối với đảng viên là CB, CC không phải là người địa phương hoặc được tăng cường, điều động, luân chuyển từ nơi khác đến. Việc phân công nhiệm vụ cho đảng viên được thực hiện thuận lợi và cụ thể hơn. Đảng viên có điều kiện giám sát, đánh giá việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của CB,CC cấp xã để thực hiện nguyên tắc tự phê bình và phê bình trong sinh hoạt Đảng. Hạn chế, bất cập là việc thành lập CBCQ làm cho số lượng đảng viên của một số chi bộ KDC giảm, có nơi không còn đủ đảng viên để thành lập chi bộ, phải sinh hoạt ghép. Đồng thời, ảnh hưởng và làm giảm chất lượng sinh hoạt chi bộ ở KDC có số lượng đảng viên ít. Có sự trùng lặp trong lãnh đạo của CBCQ và Đảng ủy cơ sở. Đảng viên ở CBCQ không thường xuyên nắm bắt, trao đổi thông tin với chi bộ KDC.

(Còn nữa)

Bài 2: Cần có hướng mở cho phù hợp với thực tiễn địa phương

CL

Nhóm ý kiến :

Có biểu hiện cán bộ xa dân

Huyện Tân Lạc đã thành lập 24 CBCQ và hiện có 450 đảng viên. Thành lập CBCQ thuận lợi trong sinh hoạt Đảng, đánh giá, phân loại tổ chức Đảng, đảng viên hàng năm. Tuy nhiên, trong sinh hoạt có nhiều nội dung trùng lặp với nội dung họp của Đảng uỷ, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể CT-XH. Việc tham gia đóng góp ý kiến xây dựng nghị quyết chi bộ, đấu tranh tự phê bình và phê bình của đảng viên hạn chế. Một bộ phận đảng viên có biểu hiện xa dân, không thường xuyên sâu sát nắm tình hình, ngại tiếp xúc với dân; chưa kịp thời tiếp thu ý kiến đóng góp của chi bộ, các đoàn thể và nhân dân nơi cư trú.

Bùi Văn Sơn

Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Tân Lạc

Phù hợp với nơi chi bộ KDC có đông đảng viên

Trung Minh là xã liền kề với các phường trên địa bàn TP Hòa Bình, giao thông thuận lợi, theo lộ trình sẽ nâng cấp lên phường vào năm 2020. Đảng bộ xã có 10 chi bộ trực thuộc, trong đó có 7 chi bộ xóm, phố. Hiện nay, chi bộ xóm Ngọc có ít đảng viên nhất cũng đã có 15 đồng chí, còn lại các chi bộ khác có từ 30 - 50 đồng chí. Việc thành lập CBCQ phù hợp với nơi các chi bộ KDC có đông đảng viên như Đảng bộ xã. CBCQ giúp cho việc phân công nhiệm vụ, đánh giá đảng viên, CB, CC sát thực hơn nếu về sinh hoạt ở chi bộ KDC.

Nguyễn Thành Công

Bí thư Đảng ủy xã Trung Minh (TP Hòa Bình)

Nghị quyết của chi bộ cơ quan na ná 80% Nghị quyết của Đảng ủy xã

Đảng bộ xã Mông Hóa (Kỳ Sơn) có 22 chi bộ trực thuộc, 385 đảng viên. Trong 17 chi bộ KDC còn chi bộ xóm Bãi Nai 2 có dưới 9 đảng viên. CBCQ hiện có 20 đảng viên. Chi bộ đã xây dựng quy chế hoạt động, duy trì nền nếp sinh hoạt định kỳ hàng tháng. Mô hình CBCQ giúp việc đánh giá đảng viên thuận lợi nhưng cũng bộc lộ hạn chế. Đơn cử Nghị quyết của CBCQ ná ná 80% Nghị quyết của Đảng ủy xã như việc thực hiện các chỉ tiêu: thu nhập bình quân đầu người, không sinh con thứ 3, tỷ lệ tham gia bảo hiểm y tế… Nội dung họp chi bộ đôi khi gần trùng lặp với nội dung họp Đảng ủy.

Nguyễn Xuân Phục

Bí thư CBCQ xã Mông Hóa (Kỳ Sơn)



Các tin khác


Đảng bộ xã Tú Lý khẳng định vai trò lãnh đạo

Sau sáp nhập, xã Tú Lý có địa bàn rộng, dân số đông. Trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020 - 2025, xã định hướng tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng; thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả để nâng cao thu nhập cho người dân và giảm nghèo bền vững. Để đạt được điều này, Đảng bộ xã xác định vai trò lãnh đạo của cấp ủy và sự tiên phong, gương mẫu của đảng viên là hết sức quan trọng.

Đại hội thi đua yêu nước "Cựu chiến binh gương mẫu" huyện Kim Bôi lần thứ VII

Ngày 26/4, Hội Cựu chiến binh huyện Kim Bôi tổ chức Đại hội thi đua yêu nước "Cựu chiến binh gương mẫu" lần thứ VII, giai đoạn 2019 - 2024.

Phát huy mạnh mẽ vai trò của các tầng lớp nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

Sáng 26/4, Học viện Báo chí và Tuyên truyền trực thuộc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức Hội thảo khoa học "Phát huy vai trò của các tầng lớp nhân dân trong bảo vệ nền tảng tư tưởng (BVNTTT) của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch hiện nay”.

Thông tin kỳ họp lần thứ 26 của Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy

Ngày 26/4, Ủy ban Kiểm tra (UBKT) Tỉnh ủy tiến hành kỳ họp lần thứ 26, khóa XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đồng chí Nguyễn Tiến Sinh, Chủ nhiệm UBKT Tỉnh ủy chủ trì kỳ họp. Tại kỳ họp, UBKT Tỉnh ủy đã xem xét, kết luận các nội dung:

Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam huyện Tân Lạc lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2024 - 2029

Trong 2 ngày 25 - 26/4, Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Tân Lạc tổ chức Đại hội đại biểu lần thứ XXI, nhiệm kỳ 2024 – 2029. Đây là đơn vị được Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chọn tổ chức Đại hội điểm cấp huyện. Đồng chí Bùi Tiến Lực, Ủy viên BTV Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vân Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh dự và chỉ đạo Đại hội.

Trung ương Đoàn triển khai quyết định về công tác cán bộ tại Tỉnh Đoàn Hòa Bình

Sáng 26/4, tại Tỉnh Đoàn Hòa Bình, T.Ư Đoàn tổ chức hội nghị triển khai công tác cán bộ. Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Thường trực BCH T.Ư Đoàn, Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam; Bùi Thị Minh, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Tổ chức Tỉnh ủy…

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục