Được sự quan tâm của TT Đảng
ủy xã, Bùi Thị Anh (nữ trong ảnh) hiện là phó bí thư Đoàn xã Tử Nê (Tân Lạc) đã
hoàn thành chương trình đào tạo đại học chuyên ngành công tác xã hội, thuận lợi
cho việc bố trí "đầu ra” trong nhiệm kỳ tới.
Loay
hoay giải quyết công việc cho cán bộ đoàn "quá tuổi”
Câu nói "cán bộ nào, phong trào ấy" luôn
được khẳng định, đặc biệt là với công tác Đoàn và phong trào TTN. Vì vậy, quan
tâm đầu tư, nâng cao chất lượng cán bộ Đoàn được BTV Tỉnh Đoàn coi là nhiệm vụ
quan trọng số 1. Vì một số lí do hiện nay tình trạng cán bộ Đoàn quá tuổi quy
định vẫn không thể bố trí công việc mới phù hợp ít nhiều đã và đang gây ảnh
hưởng đến phong trào Đoàn ở cơ sở.
Hết tháng 9/2017, các cơ sở Đoàn trong toàn tỉnh đã hoàn thành việc tổ chức Đại hội song vẫn có 15 cán bộ đoàn giữ chức vụ ở cơ sở quá 35 tuổi, trái với Quyết định 289. Sở dĩ xảy ra tình trạng này, theo khảo sát vì các đồng chí cán bộ đoàn tuy quá tuổi nhưng vẫn nhận được tín nhiệm cao của ĐVTN hoặc do địa phương chưa bố trí sắp xếp được công việc mới.
Số cán bộ đoàn "quá tuổi” còn lại đã được các địa phương xử lý bằng việc xin đặc cách chuyển sang làm cán bộ Văn hóa, cán bộ Văn phòng UBND xã (huyện Kim Bôi). Một số địa phương khác thì luân chuyển sang làm cán bộ hợp đồng, cán bộ chuyên trách hoặc bán chuyên trách của các hội đoàn thể….Tuy nhiên, nhìn chung, do "bị động” nên một số cán bộ được sắp xếp công việc mới không đúng với chuyên môn nghiệp vụ, năng lực sở trường.
40 tuổi, gần 20 năm gắn bó với công tác Đoàn ở cơ sở, song do không bố trí được việc làm phù hợp, tại Đại hội Đoàn xã vừa qua, anh Hà Công Yêng (xã Piềng Vế, Mai Châu) đã thôi giữ chức Bí thư Đoàn, chấp nhận làm cán bộ hợp đồng phụ trách giao thông- thủy lợi. Anh cho biết: Tuy vẫn còn tâm huyết, nhiệt tình với Đoàn, nhưng tôi nhận thấy mình đã không còn năng động, xông xáo bằng thế hệ trẻ. Không thể để mình là "điểm nghẽn”, cản trở người trẻ có năng lực cũng như phong trào Đoàn ở cơ sở.
Ngoài ra, quyết định 289 cũng đã khiến cho nhiều cán bộ Đoàn "nản”, lo lắng trước ngưỡng cửa tuổi 35. Tâm tư với chúng tôi, đồng chí Quách Văn Giáp, Phó Bí thư Đoàn xã Văn Nghĩa (Lạc Sơn) trăn trở: Tôi đã có gần 10 năm tham gia công tác Đoàn. Tôi cảm thấy tâm huyết, yêu thích và muốn gắn bó với công việc này. Tuy nhiên, theo quy định thì sau 35 tuổi, tôi sẽ không được bố trí làm công tác đoàn nữa. Điều này khiến tôi rất băn khoăn về công việc trong thời gian tới. Mong rằng cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các ngành liên quan sẽ xem xét, điều chỉnh, có hướng giải quyết hợp lý, thỏa đáng cho cán bộ Đoàn sau 35 tuổi.
Nhận
diện khó khăn, tìm giải pháp tháo gỡ
Qua khảo sát thực tế tại các địa phương, cho thấy nguyên nhân của tình trạng này là do một số cấp ủy chưa thực sự chú trọng tới việc bố trí, luân chuyển, đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch nguồn cán bộ, do đó không có nhiều vị trí để bố trí công tác đối với cán bộ Đoàn, đặc biệt là những người đã quá tuổi theo quy định. Mặt khác, số lượng biên chế của cấp xã có hạn, trong khi đó các chức danh trong bộ máy hoạt động của xã đã đủ, muốn bố trí phải chờ có người về hưu, chờ vị trí trống để "thế chỗ”. Một số trường hợp là do chất lượng "đầu vào” của cán bộ Đoàn cơ sở nhiều nơi còn thấp, trong quá trình công tác lại chưa sắp xếp được thời gian đi học, nâng cao trình độ để đáp ứng các tiêu chí về chức danh công chức xã, phường, thị trấn nên đánh mất cơ hội được luân chuyển, bố trí sang vị trí khác hoặc xét tuyển, thi tuyển công chức.
Đáng lưu ý là một số địa bàn có số lượng Bí thư đoàn quá tuổi khá nhiều như Lạc Sơn (9 trường hợp), Mai Châu (6 trường hợp), Kim Bôi (6 trường hợp), Lạc Thủy (6 trường hợp)…nhưng riêng thành phố Hòa Bình và huyện Tân Lạc không có tình trạng này. Trao đổi với đồng chí Lê Chí Huyên, Trưởng Ban tổ chức Huyện ủy Tân Lạc, chúng tôi được biết: Huyện đã có nhiều bước chuẩn bị để bố trí vị trí cho cán bộ Đoàn ngay từ đầu mỗi nhiệm kỳ với phương châm "cấp ủy ở đâu lo nhân sự ở đó”.
Xã Tử Nê (Tân Lạc) là một trong những đơn vị đã có sự chủ động trong đào tạo nguồn nhân lực cũng như quy hoạch cho cán bộ Đoàn đến tuổi trưởng thành. Bùi Văn Mạnh (sinh năm 1986) đã có hơn 1 nhiệm kỳ là Bí thư Đoàn xã, trong lộ trình đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch cán bộ, anh đã được cấp ủy cử tham gia lớp trung cấp LLCT và Đại học chuyên ngành Luật. Đồng chí Bùi Văn Lương, Bí thư Đảng ủy xã cho biết: Ngay từ khi bổ nhiệm các đồng chí vào BCH Đoàn xã thì chúng tôi đã có hướng cho cán bộ Đoàn đi học để chuẩn hóa trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cũng như trình độ chính trị, phù hợp với năng lực và sở trường, sau đó có phương án ưu tiên bố trí những vị trí công tác thích hợp đối cán bộ Đoàn đã quá tuổi. Ở Tử Nê, Bí thư Đoàn xã tiền nhiệm là anh Bùi Văn Thái (sinh năm 1984) đã được bố trí sang làm cán bộ văn phòng UBND xã. Hiện nay, Phó Bí thư Đoàn xã cũng đã có trình độ Đại học chuyên ngành công tác xã hội. Có thể nói, kinh nghiệm của Tử Nên là quan tâm từ chất lượng "đầu vào” nên "đầu ra” không quá khó.
Thực tế cho thấy, ở đâu cấp ủy quan tâm, làm tốt công tác quy hoạch cán bộ thì ở đó đầu ra cho cán bộ Đoàn cũng sẽ thuận lợi hơn, do đó, theo anh Hoàng Đức Minh, Phó Bí thưTỉnh Đoàn, để công tác luân chuyển cán bộ Đoàn kịp thời, đảm bảo độ tuổi trưởng thành đúng như Quyết định 289 tránh hiện tượng "dồn toa” thì cần có sự phối hợp giữa cấp ủy Đảng với các cấp bộ Đoàn trong chủ động xây dựng lộ trình cụ thể, dài hơi từ công tác tuyển dụng đầu vào đến khâu đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, quy hoạch cán bộ...
Tuy nhiên, trước những yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao về việc "chuẩn hóa” chất lượng đội ngũ cán bộ thì điều quan trọng nhất là bản thân người cán bộ Đoàn phải "tự khẳng định mình”, có ý thức tự học, chủ động tham gia các lớp đào tạo phù hợp với năng lực và nhu cầu thực tế tại địa phương, tránh tình trạng làm cán bộ phong trào thì giỏi nhưng đến tuổi trưởng thành lại chẳng biết bố trí vào đâu vì thiếu bằng cấp và trình độ chuyên môn không phù hợp.