Trong buổi thảo luận tổ về Quyết toán ngân sách 2016, đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 (trong đó có kết hợp thảo luận cùng Báo cáo về kết quả thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2017), các đại biểu Quốc hội đã đưa ra nhiều kiến nghị liên quan mật thiết đến đời sống xã hội.


Theo các đại biểu, báo cáo của Chính phủ được Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình trình bày trước Quốc hội đã thể hiện mạnh mẽ các cải cách thủ tục hành chính thời gian vừa qua. Tuy nhiên, còn nhiều vấn đề cần phải xem xét, kiến nghị.

Tránh chống lãng phí nửa vời

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội), lãng phí gây hậu quả nặng nề mà nguyên nhân chủ yếu do thiếu trách nhiệm hoặc không biết do thiếu năng lực. Vì thế, nên tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ chưa tốt. Có nhiều dự án bị trì hoãn cả năm trời, giá đất tăng lên khiến khả năng đền bù giải tỏa càng khó khăn hơn, dẫn tới đội vốn các dự án. Dự án càng lớn thì hậu quả càng nặng nề.


Các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí cho rằng, cần phải chống lãng phí mạnh mẽ hơn, giống như chống tham nhũng hiện nay. Toàn đảng, toàn dân cùng phải vào cuộc chống lãng phí, phải nhận diện đúng lãng phí, đánh giá lãng phí, có biện pháp phát hiện lãng phí, cách khắc phục hậu quả lãng phí, có chế tài phù hợp với lãng phí. "Cần có Nghị quyết Trung ương về chống lãng phí”, đại biểu Nguyễn Anh Trí nói.


Đại biểu Vũ Thị Lê Mai (Hà Nội - ảnh trên) thẳng thắn nói, hiện nay có nhiều vi phạm cụ thể và được nhận diện tên, địa chỉ. Tuy nhiên, chúng ta mới chỉ nêu việc lãng phí này như một hiện tượng mà không có biện pháp xử lý đến tận cùng, truy cứu trách nhiệm. "Như vậy chúng ta mới chống lãng phí nửa vời. Nếu có địa chỉ rõ ràng, chúng ta cần đưa ra xem xét để bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật”, đại biểu Vũ Thị Lê Mai đề nghị.

Về vấn đề phòng chống tham nhũng, các đại biểu đều đánh giá cao sự quyết liệt của Chính phủ đưa ra xử lý nhiều vụ án tham nhũng động chạm đến tất cả các lĩnh vực và cán bộ, kể cả lực lượng cán bộ đã nghỉ hưu. Kết quả đạt được tạo niềm tin rất lớn cho người dân tin vào sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ.

Tuy nhiên, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) đặt câu hỏi, kết quả phòng chống tham nhũng chưa thật sự hiệu quả, vì bên cạnh việc xử lý cán bộ, người gây ra hậu quả đó thì vấn đề thu hồi tiền, tài sản như thế nào?


Đại biểu Nguyễn Hữu Chính (ảnh trên), Chánh án Tòa án Nhân dân TP Hà Nội cho biết, trong các vụ án tham nhũng, mới chỉ nghiêm trị bị cáo bằng hình phạt còn phần lớn không thu hồi được tài sản. "Chống lãng phí là vấn đề quan trọng nhưng tinh thần chỉ đạo chống lãng phí, tiết kiệm hiện nay vẫn coi nhẹ và chưa có biện pháp dẫn tới lãng phí của công, lãng phí tiền bạc nhà nước”, đại biểu Nguyễn Hữu Chính nói.

Tăng chế tài xử phạt trong lĩnh vực y tế, văn hóa

Tại buổi thảo luận, các đại biểu đều bày tỏ băn khoăn, những năm gần đây và đặc biệt năm vừa qua, ngành y tế đối mặt với nhiều vấn đề lớn như bạo hành cán bộ y tế; sai phạm trong sản xuất, buôn bán thuốc giả VnPharma, thực phẩm chức năng giả Vinaca… gây tâm lý hoang mang trong người dân. Một vụ việc cũng gây bức xúc trong dư luận và lo lắng trong giới nhân viên y tế chính là sự không công bằng trong xét xử vụ án chín người tử vong do chạy thận nhân tạo tại Hòa Bình đối với bác sĩ Hoàng Công Lương.

Về việc này, đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) cho rằng, việc xét xử bác sĩ Hoàng Công Lương tại thời điểm chưa có kết luận tuyên án nhưng diễn biến của phiên tòa thực sự chưa đúng người, đúng tội, chưa nghiêm minh. Mặt khác nữa, phiên tòa xét xử đang bị sai lệch, gây bức xúc lớn trong toàn xã hội, nhất là cán bộ ngành y tế.

Trong báo cáo của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tình trạng vệ sinh an toàn, thực phẩm, sản xuất hàng giả, hàng nhái, sử dụng thuốc cấm… đe dọa đến sức khỏe và sự phát triển của người dân, đất nước. Theo đại biểu Nguyễn Anh Cường (Hà Nội), Chính phủ cần có chế tài mạnh hơn để xử lý các vụ vi phạm trong lĩnh vực an toàn thực phẩm.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, hiện tượng bạo lực với cán bộ y tế đang xảy ra ngày càng nhiều và nghiêm trọng. "Nhiều người cho rằng, các bác sĩ thời kinh tế thị trường, muốn họ khám, chữa bệnh phải đóng tiền đã. Vì thế dẫn tới nhiều vụ bạo hành cán bộ y tế”, đại biểu Khánh nói.

Đại biểu Khánh cho rằng, những vụ việc lớn về văn hóa, y tế thời gian qua là mặt trái của kinh tế thị trường khi chúng ta thực hiện xã hội hóa. Vì thế, để bác sĩ yên tâm khám bệnh, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đề xuất bác sĩ chỉ làm nghề chữa bệnh, không lo đi thu tiền của bệnh nhân. Cần ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước trong lĩnh vực y tế, để bác sĩ yên tâm khám, chữa bệnh không bị mang tiếng "bác sĩ kiêm chặt chém”, góp phần giảm bớt bức xúc của xã hội.

Năm 2017, đầu năm 2018 nhiều vụ vi phạm trong lĩnh vực văn hóa cũng gây bức xúc dư luận. Theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, những vụ nóng như người mẫu mặc bikini hở hang đón đoàn U23 Việt Nam, hình ảnh tượng đầu thú tại Đồ Sơn… chưa được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trả lời và xử lý thỏa đáng. Vì thế, theo đại biểu Khánh, những ai yêu đất nước và văn hóa đất nước cần được bố trí đứng đầu ngành văn hóa cho xứng tâm, xứng tầm, nếu không sẽ rất nguy hiểm.

Cần siết chặt trật tự an toàn xã hội

Tình trạng mất trật tự xã hội trong thời gian gần đây ở một số địa phương, đặc biệt là tình trạng cướp giật tại TP. Hồ Chí Minh cũng được nhiều đại biểu đề cập đến tại buổi thảo luận tổ.

Đây cũng là đề tài mà Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng đề cập khi đóng góp ý kiến vào Báo cáo bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2017; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2018 của Chính phủ.

Phó Chủ tịch Quốc hội nói: "Cần quan tâm hơn nữa đến trật tự xã hội, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân. Dân hiện nay đã ăn no hơn, nhưng ngủ đã yên được chưa? Tình hình tội phạm ngang nhiên tấn công chỗ này chỗ kia, tại sao lại như thế được? Đây là vấn đề chúng ta cần phải nghiên cứu”.

Cũng chung lo lắng về vấn đề trật tự xã hội, đại biểu Bùi Văn Phương (Ninh Bình) cho rằng, ngay trong thời gian đầu năm, đã có những việc khiến cho người dân lo lắng, như tình hình an ninh trật tự xã hội. Người dân không khỏi đặt câu hỏi tại sao chúng ta có cả một bộ máy nhưng hoạt động lại không đi vào chiều sâu. Trộm cắp ngang nhiên nhưng người dân chỉ có tay không, không thể làm gì được. Tôi cho rằng dùng các biện pháp nghiệp vụ tốt thì sẽ bắt được”.

Đại biểu Bùi Văn Phương chia sẻ, khi đoàn đại biểu tiếp xúc cử tri, người dân đã rất bức xúc về vấn đề này và đề nghị cơ quan chức trách cần phải suy nghĩ, hành động trong chỉ đạo điều hành.


Theo Nhandan

Các tin khác


Khai mạc Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV

Sáng 21-5, Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV đã chính thức khai mạc tại Hà Nội. Trước giờ khai mạc, các đại biểu Quốc hội đã vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đối thoại với gần 1.000 công nhân, lao động

Sáng 20-5, tại Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh Hà Nam, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc gặp gỡ, đối thoại với gần 1.000 công nhân, lao động các khu công nghiệp vùng đồng bằng sông Hồng. Chương trình do Tổng Liên đoàn Lao động (LÐLÐ) Việt Nam phối hợp các LÐLÐ địa phương khu vực đồng bằng sông Hồng tổ chức, với chủ đề "Năng suất cao hơn, phúc lợi tốt hơn". Cùng dự cuộc đối thoại, có các đồng chí: Trương Thị Mai, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Ðảng, Trưởng Ban Dân vận T.Ư; Vũ Ðức Ðam, Ủy viên T.Ư Ðảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; lãnh đạo các bộ, ngành ở T.Ư, địa phương.

Hôm nay, khai mạc Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XIV

Quốc hội dành 12 ngày cho công tác xây dựng pháp luật và 3 ngày để tổ chất vấn và trả lời chất vấn với một số cải tiến nhằm tăng cường tranh luận.

Truyền hình trực tiếp phiên khai mạc Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XIV

Thứ Hai, ngày 21/5, Quốc hội khóa XIV nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khai mạc trọng thể kỳ họp thứ 5 tại thủ đô Hà Nội. Kỳ họp thứ 5 dự kiến bế mạc vào ngày 15/6/2018.

Kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh

Kỷ niệm 128 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 - 19-5-2018), sáng 18-5, Đoàn đại biểu Ban Chấp hành T.Ư Đảng, Chủ tịch nước, Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam đã đặt hoa và vào Lăng viếng Bác.

Hành trình về nguồn báo Đảng các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và Thủ đô Hà Nội năm 2018

(HBĐT) - Ngày 19/5, Báo Hòa Bình đã đăng cai tổ chức Hành trình về nguồn báo Đảng các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc và Thủ đô Hà Nội năm 2018. Tham dự hành trình có trên 130 đại biểu đại diện cho gần 1.000 cán bộ, ĐV – TN của 16 cơ quan báo Đảng.


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục