Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận - ảnh trên) chất vấn Bộ trưởng
Trần Hồng Hà về quản lý sử dụng đất đai ở các đô thị hiện nay, gây lãng phí rất
lớn cho quỹ đất. "Hiện nay đô thị rất thiếu bãi đỗ xe nhưng cứ đề xuất xây bãi
đỗ xe thì trả lời là không có quỹ đất. Mới đây Hà Nội rà soát có 499 bãi đỗ xe
trái phép, con số này theo tôi chưa phải là con số cuối cùng vì đây là các bãi
trông giữ ô tô còn xe máy thì chắc còn rất nhiều. Việc trông giữ xe như vậy thì
tiền trôi về đâu? Hầu hết các trường học đã biến thành bãi trông giữ xe ngày và
đêm, Bộ trưởng có ý kiến như thế nào về vấn đề này?”, đại biểu này đặt câu hỏi.
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Bộ trưởng
Tài nguyên và Môi trường cho biết vai trò quản lý đất đô thị thuộc về UBND các
tỉnh, thành phố và liên quan đến các cấp từ quận, huyện, xã, phường. Trên thực
tế thì chúng ta có quy hoạch đất đai trong quy hoạch đô thị, quy hoạch phân khu
chi tiết. "Các dự án không có quỹ đất để thực hiện là lỗi của chúng tôi vì
thiếu quy hoạch chi tiết sử dụng đất đai cho địa phương đó”, Bộ trưởng thừa
nhận.
Hiện nay Hà Nội chỉ có 7% dành cho giao thông. Các nước
phát triển đều phải xây dựng các công trình ngầm để phục vụ giao thông cũng như
các công trình cho giao thông tĩnh thông minh. Nhu cầu phát triển phương tiện
giao thông của các đô thị là rất lớn, trong thời gian vừa qua, mặc dù đã sử
dụng quỹ đất để làm bãi trông giữ xe nhưng do quản lý kém nên đã sử dụng không
đúng mục đích ban đầu. Khi cổ phần hóa, các doanh nghiệp còn nhiều quỹ đất có
thể sử dụng, nhiều dự án doanh nghiệp đang để treo làm bãi trông giữ xe, nếu
cần thiết chúng ta hoàn toàn có thể thu hồi để đáp ứng các yêu cầu phục vụ xã
hội.
Về việc các nhà trường lại sử dụng sân trường làm bãi
trông giữ xe, quan điểm của Bộ trưởng Trần Hồng Hà là không đồng tình. "Điều
này làm ảnh hưởng đến môi trường giáo dục và ảnh hưởng đến sinh hoạt, học tập
của học sinh, sinh viên. Cần phải có những quy hoạch căn cơ cho vấn đề bãi
trông giữ xe trong tương lai”, Bộ trưởng nói.
Tranh luận việc ô
nhiễm bụi ở các thành phố lớn
Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Hà Nội) chất vấn Bộ trưởng Tài
nguyên và Môi trường: Ô nhiễm bụi rất nghiêm trọng, nhất là tại các TP lớn.
Theo tôi biết, cứ 10 ngày thì 9 ngày người dân Hà Nội hít thở không khí bụi quá
mức cho phép. Bộ trưởng có biện pháp gì ngăn chặn một các hiệu quả tình trạng
trên?
Thứ hai, hiện nay thị trường đất đai ở địa phương sắp
thành đặc khu như Vân Đồn, Bắc Vân Phong, Phú Quốc đang hết sức sôi động và
diễn biến phức tạp. Bộ trưởng biết chuyện đó không? Chính phủ, Bộ Tài nguyên và
Môi trường và địa phương đã giải quyết như thế nào và thật sự yên tâm chưa?
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng câu hỏi của đại biểu hay
nhưng không đồng tình với số liệu công bố đó vì được công bố từ trạm quan trắc
của một tổ chức, phản ánh mang tính cục bộ. Còn các trạm quan trắc của Bộ Tài
nguyên và Môi trường tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chưa phản ánh tình trạng
nghiêm trọng như vậy. Chúng ta thừa nhận ô nhiễm môi trường không khí tại các
đô thị lớn, các đô thị tập trung đặc biệt liên quan đến nguồn bụi từ giao thông
lớn. Hiện nay, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu Thủ tướng ban hành quyết
định về kế hoạch kiểm soát ô nhiễm không khí trong nguồn nước. Trong đó xác
định các địa phương đầu tư hệ thống giám sát môi trường không khí xung quanh.
Cùng với đó, chúng ta sẽ biết nguồn ô nhiễm chính ở đâu, khi nào và phải công
bố số liệu cho dân biết chính xác. "Chúng ta không nói không ô nhiễm, nhưng
chưa nghiêm trọng đến mức như đại biểu phản ánh, chưa đáng quan ngại như vậy.
Tuy nhiên, Bộ Y tế sẽ cần đánh giá ô nhiễm không khí ảnh hưởng thế nào đến sức
khỏe”, Bộ trưởng Trần Hồng Hà bày tỏ.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Trịnh Ngọc Phương (Tây
Ninh) cũng chất vấn: Việt Nam có mức độ ô nhiễm không khí đặc biệt cao so với
đất nước trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Theo thống kê cho thấy, có tới
5% số ngày trong năm có không khí kém, dẫn tới ảnh hưởng sức khỏe. "Bộ đã kiểm
soát tình trạng ô nhiễm này không? Giải pháp cụ thể và căn cơ để giải quyết đến
mức an toàn cho tình trạng như trên cũng như làm giảm tác hại của nó đến biến
đổi khí hậu?”, đại biểu Trịnh Ngọc Phương hỏi.
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng cho biết, hiện nay tình
trạng đốt rơm rạ, rác thải nông thôn là nguyên nhân gây ô nhiễm. Tầm giải quyết
hiện nay về ô nhiễm đô thị, tôi cho rằng, thực hiện của Thủ tướng Chính phủ hết
sức bài bản. Thêm nữa chúng ta phải kiểm soát nguồn đặc biệt nguồn giao thông.
Hiện nay kiểm soát giao thông cá nhân khó khăn. Các đô thị văn minh, phải có
biện pháp kiểm soát ô nhiễm các phương tiện trước khi vào thành phố.
Tranh luận lại về vấn đề ô nhiễm bụi, đại biểu Nguyễn Anh
Trí cho rằng số liệu ông lấy được công bố trên báo chí. Nhưng đó là một chuyện,
vấn đề quan trọng là với tư cách mọt bác sĩ, ông thấy vấn đề ô nhiễm bụi ảnh
hưởng cực kỳ nghiêm trọng đến sức khỏe của con người.
Cần mô hình lò xử lý rác
mẫu
Trả lời chất vấn của đại biểu Lê Công Nhường (Bình Định)
chất vấn về giải pháp trước mắt và lâu dài xử lý tình trạng ô nhiễm môi trường;
công nghệ, mô hình xử lý tình trạng rác thải cho các địa phương..., Bộ trưởng
Trần Hồng Hà thừa nhận, hiện nay chúng ta chưa kiểm soát, giảm thiểu được tình
hình ô nhiễm nguồn đất, nguồn nước. Khẳng định, vấn đề rác thải là vấn đề hết
sức bức xúc hiện nay, Bộ trưởng nhận trách nhiệm trên cương vị Bộ trưởng Tài
nguyên và Môi trường. Đồng thời, Bộ trưởng cho rằng vấn đề này có liên quan đến
nhiều bộ ngành như: Bộ Xây dựng thì chịu trách nhiệm về vấn đề quy hoạch, Bộ
Khoa học và Công nghệ giải quyết về vấn đề công nghệ. Do đó,các Bộ thống nhất
đề xuất trình Thủ tướng Chính phủ ban hành chiến lược quản lý tổng hợp về xử lý
chất thải trên quan điểm, nguyên tắc và mục tiêu đặc biệt là chú trọng đến công
nghệ xử lý rác có tính toán phù hợp của các điều kiện kinh tế của các đô thị.
Theo tính toán của Bộ, đến năm 2030, Việt Nam phải có các
nhà máy phát điện bằng cách sử dụng các công nghệ xử lý rác. Các công nghệ này
hiện nay đang được kiểm chứng và đánh giá cho đầy đủ, tuy nhiên việc lựa chọn
các mô hình của thế giới sẽ phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam, sau khi
được thẩm định qua Bộ KH-CN sẽ được công bố để các địa phương trong cả nước
biết và thực hiện.
Đại biểu Lê Công Nhường tranh luận: một số địa phương đầu
tư tràn lan các lò xử lý rác nhỏ không bảo đảm tiêu chuẩn, đại biểu này đề nghị
Bộ Tài nguyên và Môi trường phối hợp Bộ Khoa học và Công nghệ sớm ban hành mô
hình mẫu.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà tiếp thu và nói thêm mô hình mẫu
nhiều nhưng vấn đề này cần nhân dân tham gia thì mới có mô hình hợp lý để triển
khai thực tế.
Địa phương phải chịu
trách nhiệm về nguồn thải
Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Văn Hùng (Thái Nguyên)
về giải pháp khắc phục ô nhiễm môi trường, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường
Nguyễn Hồng Hà thừa nhận ô nhiễm môi trường nói chung và ô nhiễm ở các khu vực
sông nói riêng là những vấn đề nóng đối với ngành môi trường hiện nay. Có một
số nguyên nhân chính gây nên ô nhiễm khu vực sông như: Trong quá trình phát
triển, chúng ta chưa quan tâm đến việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải trước
khi đưa ra môi trường. Đồng thời theo thống kê hiện nay, có 93% lượng nước thải
sinh hoạt chưa được xử lý khi đưa ra môi trường, bên cạnh đó, các làng nghề
truyền thống, với công nghệ lạc hậu, biến tướng tham gia vào khu vực này, ngành
môi trường với năng lực và điều kiện hạn chế vì vậy chưa kiểm soát hết được các
làng nghề truyền thống, các khu công nghiệp là một thực tế.
Giải pháp cho vấn đề này, Bộ trưởng cho rằng từng thành
phố phải chịu trách nhiệm với nguồn nước thải của mình, đồng thời phải có sự
đầu tư, huy động từ các nguồn lực xã hội để thu gom nguồn nước thải song song
với việc đầu tư công nghệ thích hợp để xử lý vấn đề hết sức quan trọng nữa là
phải có cách để người dân cùng tham gia vào vấn đề này, có như vậy, cùng với
trách nhiệm của địa phương, sự đầu tư của nhà nước và sự ủng hộ của người dân
chúng ta có thể xử lý được vấn đề trong tương lai gần.
Về vấn đề phòng chống xói lở bờ sông, nhất là khu vực
ĐBSCL do đại biểu Lê Công Định (Long An) chất vấn, Bộ trưởng cho biết, hiện đã
có đầy đủ cơ sở khoa học đánh giá nguyên nhân (do phù sa bị giữ ở các nước
thượng nguồn; khai thác cát sỏi trái phép; quy hoạch, đầu tư các công trình
thủy lợi,...), từ những nguyên nhân trên, cần có giải pháp quản lý chặt việc
quản lý khai thác cát, trong đó xác định rõ trách nhiệm của các địa phương,
quận huyện, phường xã; đồng thời có quy hoạch tổng thể giữa các công trình thủy
lợi tác động đến dòng chảy; tiến hành quy hoạch lại các khu dân cư để tránh
những ảnh hưởng tiêu cực bởi quy luật dòng chảy (bên lở, bên bồi); xã hội hóa,
huy động các nguồn lực để đầu tư hạ tầng kỹ thuật ứng phó biến đổi khí hậu...
Theo dự kiến từ 15 giờ 10 phút đến 17 giờ chiều 4-6, Bộ
trưởng Trần Hồng Hà sẽ trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ hai: Công tác quản lý
đất đai tại các thành phố lớn, các địa phương có nhiều khiếu nại, tố cáo. Tình
trạng ô nhiễm môi trường và kiểm soát hoạt động xả thải của các doanh nghiệp.
Các biện pháp ứng phó với biến đổi khí hậu tại các vùng, địa phương, đặc
biệt là đồng bằng sông Cửu Long.
TheoNhandan