Tham dự Hội nghị còn có các Ủy viên T.Ư Đảng: Vũ Đức Đam, Phó
Thủ tướng Chính phủ; Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng LĐ-TB-XH; Đào Việt Trung, Chủ
nhiệm Văn phòng Chủ tịch nước; Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó
Trưởng Ban Tuyên giáo T.Ư, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam. Đại diện lãnh đạo các
cơ quan T.Ư và địa phương: Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Quốc
hội, Ban Dân vận T.Ư, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu.
Đặc biệt là sự có mặt của 355 đại biểu,
đại diện cho hơn chín triệu người có công với cách mạng trong cả nước.
Hội nghị biểu dương người có công với
cách mạng tiêu biểu toàn quốc năm 2018 là dịp toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ta
tiếp tục thể hiện tình cảm, trách nhiệm, lòng biết ơn sâu nặng của Đảng, Nhà
nước và nhân dân ta đối với sự cống hiến, đóng góp, hy sinh của các Bà mẹ Việt
Nam Anh hùng, Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động, thương binh, bệnh binh, người
có công với cách mạng trong cả nước.
Đây cũng là dịp Đảng, Nhà nước trân
trọng, tôn vinh, biểu dương những tấm gương tiêu biểu là người có công có nhiều
thành tích xuất sắc trong lao động, sản xuất, công tác và học tập, tiếp tục
cống hiến cho sự nghiệp đổi mới, cho sự phát triển của đất nước, quê hương.
Báo cáo tại Hội nghị, Bộ trưởng LĐ-TB-XH
Đào Ngọc Dung nêu rõ, 71 năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn quan tâm,
chăm lo, thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa đối với người có công với cách
mạng và thân nhân của họ. Hệ thống chính sách, pháp luật ưu đãi người có công
đang từng bước hoàn thiện và phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất
nước.
Đối tượng người có công ngày một mở
rộng, chế độ ưu đãi ngày một nâng cao gắn liền với sự bảo đảm công bằng, sự
đồng thuận của toàn xã hội. Đến nay, việc xác nhận các đối tượng người có công
với cách mạng cơ bản đã hoàn thành với hơn chín triệu người (trong đó, có hơn
1,2 triệu liệt sĩ, 127 nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, hơn 800 nghìn thương
binh, 110 nghìn người hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày và gần 320 nghìn
người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học được
công nhận),… với ngân sách nhà nước hằng năm hơn 30 nghìn tỷ đồng.
Hằng năm, Chủ tịch nước cũng dành gần
900 tỷ đồng tặng quà cho các đối tượng chính sách nhân dịp Tết Nguyên đán và
dịp kỷ niệm Ngày Thương binh, liệt sĩ.
Cùng với chính sách của Đảng và Nhà
nước, phong trào đền ơn đáp nghĩa được phát triển rộng khắp trong cả nước, chỉ
tính riêng từ năm 2013 - 2017, Quỹ Đền ơn đáp nghĩa của địa phương vận động
được gần 5.200 tỷ đồng. Phong trào tặng sổ tiết kiệm của cả nước, với 63.523
sổ, tổng kinh phí gần 2,9 nghìn tỷ đồng. Xây dựng mới hơn 44.650 nhà tình
nghĩa, sửa chữa 40.760 nhà tình nghĩa trị giá hơn 10,7 nghìn tỷ đồng.
Hội nghị đã được gặp, được nghe, được
chứng kiến nhiều tấm gương tiêu biểu, nhiều câu chuyện rất xúc động về sự phấn
đấu bền bỉ, sáng tạo và ý chí, nghị lực rất đáng khâm phục của các đồng chí
thương binh, bệnh binh, cựu chiến binh, cựu thanh niên xung phong và thân nhân
liệt sĩ trên nhiều lĩnh vực.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ
tịch nước Trần Đại Quang đánh giá cao và nhiệt liệt biểu dương các Mẹ Việt Nam
Anh hùng, Anh hùng LLVTND, Anh hùng Lao động, các đồng chí thương binh, bệnh
binh, thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công với cách mạng đã phát huy
truyền thống anh hùng vẻ vang, nỗ lực phấn đấu vươn lên, tiếp tục góp phần to
lớn vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Chủ tịch nước khẳng định, Đảng, Nhà nước
và nhân dân ta luôn dành cho thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, gia
đình người có công với cách mạng sự quan tâm, chăm lo về vật chất và tinh thần
với tấm lòng trân trọng, biết ơn sâu sắc và trách nhiệm cao cả.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh,
thời gian tới, các cấp ủy Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức
chính trị - xã hội và đoàn thể cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tiếp tục quán
triệt, tuyên truyền sâu rộng hơn nữa quan điểm, chủ trương của Ðảng, chính
sách, pháp luật của Nhà nước đối với thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ,
người có công với cách mạng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân; trọng tâm là thực
hiện tốt Chỉ thị số 14 của Ban Bí thư T.Ư Đảng (Khóa XII) "Về tiếp tục tăng
cường sự lãnh đạo của Ðảng đối với công tác người có công với cách mạng”.
Tập trung chăm lo các gia đình người có
công với cách mạng có hoàn cảnh khó khăn, người có công cô đơn, không nơi nương
tựa, các gia đình người có công vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng
xa, vùng căn cứ địa cách mạng.
Quan tâm đầu tư trang thiết bị, phương
tiện, ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tìm kiếm, quy tập và xác định
danh tính hài cốt liệt sĩ; chú trọng tu bổ, tôn tạo mộ liệt sĩ, nghĩa trang
liệt sĩ, các công trình ghi công liệt sĩ.
Ưu tiên, ưu đãi, khuyến khích, tạo cơ
chế tốt nhất về lao động, việc làm cho người có công với cách mạng và gia đình
người có công với cách mạng hội nhập sâu rộng vào các mặt của đời sống kinh tế
- xã hội.
Phó
Thủ tướng Vũ Đức Đam và đồng chí Thuận Hữu, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân trao
bằng khen và hoa tặng các đại biểu người có công với cách mạng tiêu biểu toàn
quốc.
Đồng chí Thuận Hữu, Ủy viên T.Ư Đảng,
Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam thay mặt Ban tổ chức
phát biểu bế mạc Hội nghị, khẳng định những câu chuyện, chia sẻ của các đại
biểu người có công càng làm chúng ta thấm thía hơn, trân trọng hơn sự hy sinh,
cống hiến to lớn của các Anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh, những người
có công với nước; thấu hiểu và chia sẻ những nỗi nhọc nhằn, vất vả, khâm phục ý
chí vượt khó và sự nỗ lực phấn đấu vì cuộc sống tốt đẹp hơn của các đối tượng
chính sách trong thời gian qua.
Đồng chí Thuận Hữu cho biết, trong những
năm qua, Báo Nhân Dân luôn là đơn vị đồng hành cùng Bộ LĐ-TB-XH, Bộ Quốc phòng,
Bộ Công an, UBND các tỉnh, thành phố tổ chức các Hội nghị biểu dương người có
công với cách mạng tiêu biểu hằng năm, với nhiều chủ đề khác nhau.
Hằng năm, phối hợp các địa phương, các
bộ, ngành liên quan tổ chức các chương trình giao lưu nghệ thuật tri ân người
có công với cách mạng, với nhiều chương trình gây tiếng vang như : "Đồng Lộc –
Ngã ba bất tử”, "Huyền thoại Truông Bồn”, "Bài ca Đường 9”... và ngày 25-7 tới
đây là Chương trình nghệ thuật đặc biệt "Ký ức Thời hoa đỏ” do Báo Nhân Dân và
Bộ LĐ-TB-XH phối hợp tổ chức.
Trên các ấn phẩm của Báo Nhân Dân,
Truyền hình Nhân Dân luôn tuyên truyền về chủ đề này một cách thật trang trọng,
xứng đáng. Các cán bộ, phóng viên của Báo đã đi sâu tìm hiểu phong trào "Đền ơn
đáp nghĩa”, "Uống nước nhớ nguồn” ở các địa phương, cơ sở và với tình cảm trân
trọng, bằng nhiều hình thức thể hiện phong phú, để giới thiệu trên mặt báo
nhiều điển hình tiên tiến trong công tác đền ơn, đáp nghĩa trên khắp mọi miền
đất nước, nhất là những tấm gương vượt khó vươn lên của chính các đối tượng
chính sách.
Bên cạnh đó, Báo Nhân Dân cũng đã có
nhiều hoạt động cụ thể giúp đỡ các đối tượng chính sách có hoàn cảnh khó khăn,
như tặng nhà tình nghĩa, giúp vốn sản xuất, nhận đỡ đầu con thương binh, thân
nhân liệt sĩ; thăm hỏi; tặng quà nhân ngày Tết cổ truyền của dân tộc với mong
muốn góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta thực hiện mục tiêu cải
thiện và nâng cao mức sống của gia đình chính sách.