(HBĐT) - Tiết trời sang thu gợi lên bao cảm xúc trong lòng mỗi người dân đất Việt nói chung và nhân dân các dân tộc Hòa Bình nói riêng về Cách mạng tháng Tám lịch sử. Trời đất xoay vần, 73 mùa cây đã thay lá nhưng ký ức hồi sinh của dân tộc không bao giờ quên lãng. Tự trong đáy lòng, trong miền ký ức, trong các trang hồi ký, cuộc cách mạng vẫn là một sự kiện diệu kỳ, có tính bước ngoặt của lịch sử dân tộc và dường như xúc động, ý nghĩa hơn vào mỗi dịp tháng Tám.

Cây bàng cổ thụ ở đầu đường Nguyễn Du, phường Phương Lâm (TP Hòa Bình) vẫn xanh tươi. Đây từng là địa điểm "tổ công chức cứu quốc” treo, rải truyền đơn vận động nhân dân tham gia mặt trận Việt Minh khởi nghĩa giành chính quyền. Nhớ lại những năm tháng hào hùng, lão thành cách mạng Lê Thị Tâm dù ở cái tuổi xưa nay hiếm vẫn hào hứng kể: "Đầu năm 1945, trong đói khổ, thiếu thốn, phong trào cách mạng ở thị xã vẫn lên cao. Để củng cố lòng tin của nhân dân với mặt trận Việt Minh, phát triển đội ngũ cứu quốc vững chắc trong quần chúng, vạch trần luận điệu lừa bịp của Nhật và tay sai, một đợt tuyên truyền mạnh mẽ được thực hiện. Tôi đã trực tiếp tham gia viết, rải truyền đơn khắp thị xã Hòa Bình để đả đảo phát xít Nhật, cùng tổ thanh niên cứu quốc may và treo cờ đỏ sao vàng qua sông Đà. Những chiến sỹ cộng sản đã mưu trí, sáng tạo treo hiên ngang lá cờ giữa sông mùa nước lũ cuồn cuộn, khiến binh lính Nhật và bè lũ tay sai sợ hãi, loay hoay, đùn đẩy trong việc tháo gỡ. Sự kiện này được nhân dân rất thán phục, gây tiếng vang lớn, thúc đẩy phong trào cách mạng trong tỉnh sục sôi, chuẩn bị cho khởi nghĩa giành chính quyền”.

Khi thời cơ đã chín muồi, đêm 17/8, Xứ uỷ Bắc Kỳ họp quyết định khởi nghĩa trong toàn xứ. Hôm sau, lệnh khởi nghĩa được truyền tới Hoà Bình. Đồng chí Vũ Thơ, Trưởng Ban chỉ huy khởi nghĩa tỉnh đã kịp thời phát lệnh khởi nghĩa với phương án tập trung ở một điểm chắc thắng rồi tiến lên giành chính quyền tỉnh, các châu khác và châu Lạc Sơn là điểm đầu tiên được chọn. Ngày 20/8/1945, theo đúng kế hoạch, đơn vị vũ trang tập trung, tự vệ chiến đấu và quần chúng từ căn cứ cách mạng Mường Khói rầm rập tiến ra thị trấn Vụ Bản. Nhân dân và các xóm khu vực xung quanh biểu tình phối hợp cùng lực lượng của khu căn cứ chiếm châu lỵ Lạc Sơn. "Chúng tôi tập hợp anh em tự vệ cứu quốc, huy động đông đảo quần chúng, đội quân khởi nghĩa nhanh chóng hợp thành đội ngũ hùng hậu, đầy khí thế bạt núi lấp sông cấp tốc hành quân về Vụ Bản. Mọi người chia thành nhiều mũi, cùng các thanh niên tự vệ địa phương dẫn đường vượt lên trước, chiếm trận địa, yểm trợ cho đoàn quân khởi nghĩa. Dinh cơ châu Lạc Sơn bị lực lượng võ trang của ta khép kín, một mũi tiến thẳng vào công đường dẫn đầu đoàn quân khởi nghĩa tiến vào như nước vỡ bờ. Đoàn biểu tình giương cao cờ, tri châu Quách Hàm cùng hơn chục người lấm lét bước ra đầu hàng.” - nguyên Bí thư Huyện ủy Lạc Sơn Quách Đức Rưỡng chia sẻ trong cuốn Hồi ký cách mạng Hòa Bình.

Ngay sau khi giành chính quyền tại châu Lạc Sơn, đoàn quân khởi nghĩa tiếp tục giành chính quyền trong toàn tỉnh. Từ ngày 19 - 21/8, các phố, xóm của thị xã Hòa Bình hừng hực khí thế khởi nghĩa. Sáng 22/8, đông đảo nhân dân thị xã, nòng cốt là tự vệ cứu quốc xông thẳng vào trụ sở của hội đồng thị xã, quân địch phải đầu hàng, giao nộp đồng triện, bằng sắc, tài liệu, sổ sách cho quân cách mạng. Nhân dân phấn khởi từ các ngả đường tập trung về chợ Phương Lâm tham dự cuộc mít tinh mừng khởi nghĩa thị xã thắng lợi. Cuộc mít tinh nhanh chóng biến thành cuộc biểu tình vũ trang tiến về chiếm châu đường Kỳ Sơn. ở khu vực tả ngạn sông Đà, một bộ phận quần chúng cứu quốc đã xuống xã Hòa Bình - Thịnh Lang cùng tổ quần chúng cứu quốc ở đây vận động, tổ chức nhân dân thu tước đồng triện, địa bạ, sổ sách của tổng lý địa phương. Cuộc mít tinh thành lập chính quyền cách mạng được tiến hành tại sân đình Thịnh Lang. Đến 14h ngày 23/8, cùng với lực lượng chiến đấu của căn cứ Tu Lý - Hiền Lương, hàng trăm chiến sỹ tự vệ được nhân dân bờ phải chở đò vượt sông Đà sang bờ trái, nơi tập trung công sở chính quyền bù nhìn đầu tỉnh. Vô cùng hoảng sợ, tỉnh trưởng ra tận bờ sông xin đầu hàng. Lực lượng khởi nghĩa toả đi chiếm lĩnh cách công sở, vị trí trọng yếu. Cuộc mít tinh lớn đã được tổ chức ngay hôm sau tại chợ Phương Lâm. Chưa đầy 10 ngày sau đó, các châu trong tỉnh lần lượt giành được chính quyền.

Là người được hòa mình vào cuộc mít tinh thành lập chính quyền cách mạng tại đình Thịnh Lang, ông Nguyễn Văn Dưỡng, người có uy tín ở tổ 10, phường Thịnh Lang vẫn nhớ rõ ngày trọng đại đó. ông kể: Niềm vui khôn xiết, mọi người cùng reo hò mừng chính quyền về tay nhân dân. Sau đó, tôi tiếp tục theo các anh chị thanh niên cứu quốc chèo thuyền vượt sông sang chợ Phương Lâm mang theo cờ, nỏ, súng kíp cùng hàng ngàn người hô vang: "Chính quyền nhân dân muôn năm”, "Mặt trận Việt Minh muôn năm!”. Có trải qua giai đoạn bị áp bức, bóc lột cực khổ mới nhận thấu được sự thay đổi to lớn từ cuộc cách mạng không chỉ với quốc gia mà với chính mỗi người. Trân trọng thành quả cách mạng, quyết tâm xây dựng và bảo vệ quê, hương, Tổ quốc ngày càng phồn vinh là mong mỏi của thế hệ cha anh với thế hệ trẻ.

Cẩm Lệ



Các tin khác


Lãnh đạo Huyện tiếp xúc đối thoại với đoàn viên thanh niên

(HBĐT) - Ngày 16/8, Huyện ủy Kim Bôi tổ chức hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo huyện với cán bộ, ĐVTN năm 2018. Hội nghị thu hút gần 200 ĐVTN trên địa bàn huyện tham gia.

Huyện Kỳ Sơn nâng cao chất lượng cán bộ, công chức cấp xã

(HBĐT) - Huyện Kỳ Sơn hiện có 10 đơn vị cấp xã, gồm 9 xã và 1 thị trấn. Đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã có 213 người, trong đó 100 cán bộ chuyên trách, 113 công chức. Về trình độ chuyên môn, 77 người có trình độ đại học, chiếm 36,1%; cao đẳng 20 người, chiếm 9%; trung cấp 115 người, chiếm 53,9%. Về trình độ lý luận chính trị, trung cấp có 133 người, chiếm 62,4%; sơ cấp 34 người, chiếm 15,9%; chưa qua đào tạo 46 người, chiếm 21,5%. Số cán bộ không chuyên trách cấp xã toàn huyện có 134 người. Những năm qua, huyện luôn chú trọng nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã đảm bảo đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Việc bầu cử, bổ nhiệm được thực hiện theo đúng tiêu chuẩn, quy định. Việc quản lý, sử dụng dần đi vào nề nếp, hầu hết cán bộ, công chức phát huy vai trò, trách nhiệm với công việc.

Chủ tịch Quốc hội tiếp Ðiều phối viên thường trú LHQ và Trưởng đại diện UNICEF tại Việt Nam

Chiều 15-8, tại Nhà Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân tiếp ông C.Man-hô-tra, Ðiều phối viên thường trú Liên hợp quốc (LHQ), Trưởng đại diện thường trú Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam. Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự hỗ trợ của LHQ, Chương trình phát triển LHQ đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam.

Thủ tướng Chính phủ dự phiên họp toàn thể Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30

Ngày 15-8, trong khuôn khổ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 diễn ra tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao tổ chức phiên họp toàn thể với chủ đề "Phương hướng đối ngoại: Ðẩy mạnh ngoại giao phục vụ phát triển trong thời kỳ hội nhập quốc tế sâu rộng”. Ðây là phiên họp quan trọng nhằm đánh giá kết quả triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong công tác ngoại giao phục vụ phát triển từ Hội nghị Ngoại giao lần thứ 29 tới nay và xác định các nhiệm vụ của ngành ngoại giao nhằm hỗ trợ yêu cầu phát triển của đất nước giai đoạn từ nay đến năm 2020.

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh sẵn sàng mở cửa đón đồng bào từ ngày 16/8

Chiều 15/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã trực tiếp kiểm tra công tác tu bổ định kỳ Công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh năm 2018 và làm việc với Ban Quản lý Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh về kết quả thực hiện nhiệm vụ sáu tháng đầu năm 2018.

Lực lượng Cảnh sát biển cần tiếp tục đồng hành với ngư dân có chiều sâu và thực chất

Nhân kỷ niệm 73 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 và 20 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát biển (28-8-1998 - 28-8-2018), ngày 15-8, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Đại Quang gặp mặt Đoàn đại biểu cảnh sát biển đồng hành cùng ngư dân.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục