Vào hồi 23 giờ 12 phút ngày 1-10-2018, đồng chí Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam đã vĩnh biệt chúng ta. Chúng tôi tiếp tục giới thiệu các ý kiến của người dân khắp nơi trên cả nước bày tỏ lòng tiếc thương và tình cảm đối với đồng chí Đỗ Mười.



Tổng Bí thư Đỗ Mười thăm một hộ làm kinh tế giỏi ở thị trấn Chũ, huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang (tháng 9-1994). (Ảnh: Xuân Lâm/TTXVN)

 

Người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Biết đồng chí Đỗ Mười tuổi đã cao, sức yếu, nhưng khi nghe tin đồng chí qua đời tôi không khỏi xúc động, thương tiếc người lãnh đạo cấp cao suốt đời vì nước, vì dân.

Khi là Phó Chủ nhiệm Chính trị Sư đoàn 320, Quân đoàn 3, tôi có dịp gặp đồng chí Đỗ Mười khi đồng chí đến thăm đơn vị trên cương vị Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng. Sau khi thăm các đơn vị trong quân đoàn, đồng chí có buổi nói chuyện với các cán bộ, nêu rõ ràng, thẳng thắn tình hình thế giới và trong nước trong bối cảnh Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ. Trên tinh thần ấy, đồng chí yêu cầu cán bộ phải thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc trước bối cảnh quốc tế có nhiều biến động. Đồng thời, đồng chí căn dặn phải quan tâm nhiều hơn nữa đến đời sống của các chiến sĩ như hướng dẫn tăng gia sản xuất; kiểm tra, sắp xếp chỗ ăn, chỗ nghỉ; chú trọng thăm khám sức khỏe… Là người đứng đầu Chính phủ, phải xử lý nhiều việc lớn của đất nước mà đồng chí vẫn quan tâm sâu sát đến đời sống chiến sĩ làm chúng tôi thật sự ấn tượng, cảm phục. Tác phong công tác mẫu mực, sâu sát thực tiễn đời sống, gần gũi, thân tình với các tầng lớp nhân dân là tấm gương cho chúng tôi học tập. Đồng chí Đỗ Mười thật sự là người học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; đã thực hiện nghiêm túc lời dạy của Người là cán bộ phải: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư.

Thiếu tướng

TRẦN ĐÌNH HẠNG

Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh TP Hồ Chí Minh

Người con ưu tú của quê hương Đông Mỹ

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười sinh ra và lớn lên ở xã Đông Mỹ, một địa phương có truyền thống cách mạng, nơi thành lập chi bộ đầu tiên ở vùng ngoại thành Hà Nội. Chi bộ thôn Đông Phù cũng là nơi rèn luyện, kết nạp đồng chí Đỗ Mười vào Đảng. Trong thời gian giữ cương vị cao nhất của Đảng, mặc dù rất bận, nhưng đồng chí luôn dành những tình cảm nồng ấm cho quê hương. Những lần về thăm quê, đồng chí luôn gần gũi, thân mật với người dân. Đồng chí ân cần hỏi thăm cuộc sống, cách làm ăn của bà con, trò chuyện thân tình với những người từng tham gia hoạt động cùng đồng chí.

Mỗi lần gặp lãnh đạo xã, đồng chí thăm hỏi tình hình đời sống nhân dân địa phương một cách cặn kẽ, nhất là việc phát triển kinh tế, giúp các hộ dân thoát nghèo. Đồng chí dành sự quan tâm đặc biệt đến sự nghiệp giáo dục của địa phương. Đồng chí đã tặng Trường THCS Đông Mỹ mười bộ máy tính, ủng hộ kinh phí cho Hội Khuyến học xã để động viên các em học sinh nghèo vượt khó, các học sinh đạt thành tích cao trong học tập. Những năm gần đây, dù tuổi đã cao, đồng chí vẫn quan tâm đến tình hình địa phương. Đồng chí căn dặn Đảng ủy, chính quyền, nhân dân phải phát huy lợi thế vùng đất bãi, đổi mới cơ cấu kinh tế, xây dựng nông thôn mới, tiếp nối truyền thống quê hương cách mạng.

LÊ MẠNH CHIẾN

Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã Đông Mỹ, huyện Thanh Trì, Hà Nội

Giản dị, gần gũi với bà con dân làng

Cho đến bây giờ, tôi vẫn nhớ mãi lần đầu được gặp đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười khi về thăm làng. Đó là ngày 27-5-1992, khi trên đường đồng chí đi vào kiểm tra tình hình triển khai xây dựng Nhà máy thủy điện Ya Ly thì ghé vào làng thăm bà con. Khi ấy đồng chí Đỗ Mười mặc áo trắng vải lụa, là một người giản dị, gần gũi, giọng nói sang sảng, dễ nghe. Tại làng Prông, với tình cảm chân thành, gần gũi và cởi mở, đồng chí Tổng Bí thư đã ân cần thăm hỏi người già, tặng quà các cháu thiếu nhi; cùng với các già làng uống rượu cần và tham gia các sinh hoạt văn hóa của làng. Đồng chí Tổng Bí thư nhắc nhở và mong muốn đồng bào hãy nghe theo Đảng, theo lời Bác Hồ, tiếp tục củng cố và ổn định đời sống, tích cực lao động sản xuất, phát triển chăn nuôi, nhất là đẩy mạnh phát triển kinh tế hộ gia đình để từng bước nâng cao đời sống, làm giàu cho gia đình, làm giàu cho buôn làng và làm giàu cho tỉnh, cho xã hội. Một hình ảnh gây xúc động và để lại ấn tượng trong lòng người dân là dù biết thời gian làm việc rất khẩn trương, đi lại nhiều nơi, tiếp xúc nhiều đối tượng, nhưng đồng chí Tổng Bí thư Đỗ Mười vẫn không quên tặng các cháu thiếu nhi những gói kẹo thơm ngon nhân sắp đến ngày vui của các cháu: Tết Trung thu!

RƠ MAH SANH (60 tuổi)

(Làng Prông, xã Ia Sao, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai)

Đồng chí Đỗ Mười với người dân Kim Bảng

Trên cương vị Tổng Bí thư, đồng chí Đỗ Mười đã có hai lần về thăm, làm việc với Đảng bộ và nhân dân huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam. Đối với quê hương Kim Bảng, khoảng những năm 1950, có thời gian đồng chí Đỗ Mười làm Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam và trực tiếp phụ trách Đảng bộ huyện Kim Bảng trong thời gian bảy tháng, trong lúc tổ chức điều động đồng chí Bí thư Huyện ủy ở đây đi làm Bí thư Huyện ủy Duy Tiên.

Lần thứ nhất về thăm huyện, khi đến thăm các gia đình chính sách, đồng chí Đỗ Mười đã nhận ra đồng chí Tâm Cầu, trước đây làm liên lạc cho mình thời kỳ còn kháng chiến. Ngay sau đó, đồng chí đã yêu cầu các cơ quan chức năng ở địa phương hoàn thiện hồ sơ để công nhận danh hiệu cán bộ lão thành cách mạng cho đồng chí Tâm Cầu. 

Lần thứ hai đồng chí về thăm và làm việc với huyện Kim Bảng là năm 1996, khi đó tôi là Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy. Làm việc với cán bộ chủ chốt, đồng chí Đỗ Mười căn dặn chúng tôi phải phấn đấu xây dựng huyện Kim Bảng trở thành một huyện điểm toàn diện của tỉnh. Vì Kim Bảng là huyện có truyền thống cách mạng, nhân dân một lòng đi theo cách mạng. Phải phát huy tiềm năng, thế mạnh của huyện Kim Bảng là vùng bán sơn địa, huyện cần quan tâm phát triển kinh tế miền núi, nhất là du lịch, công nghiệp, để phát triển kinh tế bền vững. Quan tâm đầu tư cơ sở hạ tầng thủy lợi để khắc phục tình trạng úng lụt trên địa bàn, nâng cao năng suất cây trồng, góp phần cải thiện đời sống cho nhân dân. Đồng chí Đỗ Mười đã chỉ ra cho huyện chúng tôi thấy tiềm năng, thế mạnh để phát triển đúng hướng.

Được may mắn tiếp xúc với đồng chí nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, chúng tôi ấn tượng với cách nói dân dã, dễ hiểu, nhưng rất sâu sắc của đồng chí. Ông là con người hành động, nói và làm rất quyết liệt. Tôi nhớ mãi hình ảnh khi về thăm bà con tại xóm Mạnh Tiến, xã Kim Bình, đồng chí không đi theo các địa chỉ gia đình đã được địa phương chọn trước. Trên đường đi, khi thấy có một vài gia đình nghèo, đồng chí đã rẽ vào thăm. Đồng chí quan tâm hỏi han đến từng bữa cơm của bà con. Từ đó, chỉ cho bà con cách chăn nuôi, trồng trọt phù hợp để nâng cao đời sống của gia đình.

PHẠM VĂN LẪM

Nguyên Bí thư Thị ủy Phủ Lý, Bí thư Huyện ủy Kim Bảng

Người cán bộ giản dị, gần gũi với nhân dân

Nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười là cán bộ mẫu mực, sống giản dị, có tấm lòng kiên trung vì nước, vì dân. Ông là người lãnh đạo bản lĩnh, năng động và sáng tạo, đã trực tiếp điều hành đất nước trải qua những giai đoạn nhiều khó khăn, thách thức. Hình ảnh giản dị trong đời sống hằng ngày và những cống hiến của ông trong sự nghiệp xây dựng, phát triển đất nước là tấm gương sáng cho các thế hệ cán bộ và tuổi trẻ Việt Nam.

Thế hệ chúng tôi được biết nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười từ thời ông làm Bộ trưởng Xây dựng, đến sau này, khi giữ vị trí cao nhất của đất nước, hình ảnh in đậm trong tâm tưởng chúng tôi là người cán bộ giản dị trong bộ quần áo ka-ki, nụ cười thường trực trên môi. Ông có phong thái rất gần dân và có tấm lòng cảm thông sâu sắc đối với hoàn cảnh của các tầng lớp nhân dân, nhất là những người công nhân, lao động nghèo. Sự quan tâm ân cần của ông đối với từng trường hợp cụ thể đã tạo được tình cảm đặc biệt trong lòng người dân. Từ mảnh đất Quảng Nam - Đà Nẵng kiên trung, anh dũng, tôi và nhiều người dân vô cùng thương tiếc nhưng rất đỗi tự hào về ông, người chiến sĩ cách mạng kiên trung, đã sống cuộc đời trọn vẹn vì nước, vì dân.

HOÀNG VĂN ĐIỀN

(Tổ dân phố 60, phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng)

                                                             TheoNhandan

Các tin khác


Đổi mới sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh

Những năm qua, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Qua đó góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công đoàn cơ sở

LTS: Hòa chung khí thế cả nước hân hoan kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024); 138 năm ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2024) và hướng đến kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024); 73 năm thành lập Công đoàn tỉnh Hòa Bình (1951 - 2024), phóng viên Báo Hòa Bình có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Mạnh Cương, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh về sự lớn mạnh của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tỉnh trong phát triển KT - XH địa phương.

Lễ Thượng cờ ''Thống nhất non sông'' tại Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Sáng 30/4, tại Kỳ đài ở khu Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ Thượng cờ "Thống nhất non sông” nhân dịp Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), 52 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2024).

Tuổi trẻ huyện Tân Lạc thắp sáng truyền thống quê hương anh hùng

Tân Lạc là huyện có bề dày lịch sử. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân huyện Tân Lạc đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu, lao động, sản xuất. Với khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, huyện Tân Lạc đã đóng góp trên 45.000 tấn lương thực, thực phẩm; trên 2.900 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 190 gia đình có từ 2 - 4 con đi bộ đội.

Chuyển động trong công tác xây dựng Đảng

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó đặc biệt quan tâm công tác cán bộ, lấy sản phẩm để đánh giá năng lực cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhờ vậy đã tạo nên sự chuyển động của bộ máy cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục