Lãnh đạo T.ư Hội LHPN Việt Nam, Hội LHPN tỉnh thăm quan các gian hàng của hội viên phụ nữ tại "Phiên chợ truyền thông - sáng tạo khởi nghiệp cho phụ nữ dân tộc thiểu số” tại huyện Lương Sơn.
Song song với chủ trương đưa nội dung "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” là một trong những nội dung lớn của nhiệm kỳ, T.ư Hội LHPN Việt Nam đã tham mưu, đề xuất Chính phủ ban hành Quyết định số 939/QĐ-TTg, ngày 30/6/2017 về phê duyệt Đề án Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025 (gọi tắt là Đề án 939) nhằm mục tiêu: Đến năm 2020 sẽ có 35% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ trong tổng số hơn 1 triệu doanh nghiệp của cả nước. Đến năm 2025 sẽ hỗ trợ 20.000 phụ nữ khởi sự kinh doanh và khởi nghiệp; phối hợp hỗ trợ thành lập 1.200 tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ quản lý; 100.000 doanh nghiệp của phụ nữ mới thành lập được tư vấn, hỗ trợ phát triển doanh nghiệp. Tại Hòa Bình, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 91/KH-UBND, ngày 27/6/2018 về thực hiện Đề án 939, giai đoạn 2018-2025 trên địa bàn tỉnh là căn cứ khơi nguồn cho phụ nữ khởi nghiệp, góp phần thực hiện các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu phụ nữ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVI (nhiệm kỳ 2016 - 2021).
Hội LHPN tỉnh đã chủ động phối hợp với chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể chỉ đạo Hội LHPN các cấp tổ chức nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường một cách thiết thực, hiệu quả trong việc cải thiện chất lượng cuộc sống, nâng cao vai trò, vị thế của phụ nữ. Các phong trào phát triển kinh tế của hội viên, phụ nữ đã có đóng góp không nhỏ vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH của tỉnh, góp phần xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh. Nhiều tấm gương phụ nữ sản xuất, kinh doanh giỏi không chỉ mang lại lợi ích cho xã hội mà còn tạo ra sức lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng, thúc đẩy các phong trào thi đua vượt khó, làm giàu; chủ động phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạnh hoạt động tập huấn chuyển giao KH-KT, dạy nghề cho phụ nữ gắn kết chặt chẽ với giới thiệu, hỗ trợ tạo việc làm cho lao động nữ nhằm tuyên truyền, tư vấn nghề nghiệp, liên kết dạy nghề, xây dựng mô hình giải quyết việc làm tại chỗ sau học nghề. Đồng thời, các cấp Hội đã phối hợp với các ngành chức năng, chính quyền địa phương duy trì và thành lập mới các mô hình HTX, tổ hợp tác, tổ/nhóm liên kết chăn nuôi, trồng trọt, kinh doanh, dịch vụ, làng nghề; chỉ đạo xây dựng và duy trì hiệu quả mô hình phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế. Tiêu biểu như: Hợp tác xã sản xuất rau an toàn tại xã Quyết Chiến (Tân Lạc); Hợp tác xã An Sinh sản xuất cao dược liệu, xã An Bình (Lạc Thủy); Hợp tác xã chăn nuôi gà của chị Bùi Thị Xa, xã Chí Thiện và hợp tác xã mây - tre đan của chị Bùi Thị Sành, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn). Một số huyện duy trì các mô hình Tổ liên kết do Hội LHPN tỉnh hỗ trợ thành lập như: Tổ liên kết sản xuất chổi chít Hợp Thành (Kỳ Sơn); trồng và tiêu thụ nhãn Sơn Thủy và nuôi lợn ở xã Đông Bắc (Kim Bôi)... Các mô hình kinh tế tập thể trên đều do phụ nữ làm chủ, tỷ lệ thành viên là nữ chiếm từ 50% trở lên, có mô hình 100% thành viên là nữ, thu nhập từ 4 - 5 triệu đồng/người/tháng.
Tuy vậy, phong trào phụ nữ khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp nhiều khó khăn. Các mô hình khởi nghiệp chủ yếu đều ở giai đoạn bắt đầu, nhỏ lẻ. Nguyên nhân là do nhiều phụ nữ có năng lực nhưng chưa chủ động tìm hiểu thị trường, chính sách, chưa mạnh dạn phát huy thế mạnh của mình để khởi nghiệp. Một số chị có ý tưởng nhưng do thiếu vốn nên không thực hiện được ý tưởng của mình. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, tư vấn cho phụ nữ khởi nghiệp vẫn chưa sâu rộng. Để thực hiện hiệu quả trọng tâm Đề án 939, Hội LHPN các cấp đã chú trọng thực hiện các hoạt động nâng cao kiến thức, nhận thức về khởi nghiệp và nêu gương phụ nữ khởi nghiệp. Mô hình tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hoá qua "Phiên chợ truyền thông - câu chuyện khởi nghiệp dành cho phụ nữ dân tộc thiểu số” đã đem lại ý nghĩa, hiệu quả cao. Hội LHPN tỉnh đã tổ chức tập huấn về xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu sản phẩm và các nội dung liên quan đến các hoạt động hỗ trợ. Tổ chức hội thảo hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối thị trường sản phẩm đầu ra giữa Hội LHPN tỉnh với một số doanh nghiệp. Các sản phẩm đến từ các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ gia đình, trang trại do phụ nữ làm chủ được giới thiệu tại hội thảo. Trong tháng 10 này, Hội LHPN tỉnh có 3 ý tưởng được gửi đi Trung ương để thực hiện chương trình Ngày phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp của Trung ương tổ chức.
Để tiếp tục thực hiện hiệu quả Đề án "Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp” giai đoạn 2018 - 2025 trên địa bàn tỉnh, các cấp Hội phụ nữ tiếp tục đẩy mạnh các phong trào thi đua, các cuộc vận động, huy động nội lực của các tầng lớp phụ nữ trong tỉnh; phối hợp với các ban, ngành chức năng tổ chức tốt các hoạt động kết nối, hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tiếp cận các dịch vụ, nguồn lực, tăng cường khai thác, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn vay; tổ chức các hoạt động, những cuộc thi ý tưởng sáng tạo, tôn vinh, bình chọn và nhân rộng các ý tưởng, mô hình kinh doanh, khởi nghiệp thành công. Đối với hội viên phụ nữ cần chủ động, tích cực học hỏi, tự tin đổi mới để tạo ra sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường trong nước và quốc tế, đồng thời đáp ứng được yêu cầu bảo vệ môi trường và an toàn sức khỏe cho cộng đồng.
Hoàng Thị Duyên
TUV, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh
(HBĐT) - Chiều 17/10, đoàn công tác của Bộ GTVT do đồng chí Nguyễn Văn Thể, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bộ trưởng Bộ GTVT làm trưởng đoàn đã làm việc tại tỉnh ta. Tiếp và làm việc với đoàm có các đồng chí: Trần Đăng Ninh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy; Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Quang, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành chức năng.