Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 12/11, các đại biểu Quốc hội thảo luận ở tổ về hai dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công.


Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. (Ảnh: Phương Hoa/TTXVN)

Thảo luận về hai dự án luật, đại biểu cho rằng Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công có mối tương quan với nhau, nếu quản lý thuế tốt, chống thất thu thì mới có tiền để đầu tư công.

Ngược lại, đầu tư công mà hiệu quả thì người nộp thuế mới thấy đồng lòng, đầu tư công mà lãng phí dẫn đến việc thu thuế khó khăn. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cần xem xét mối tương quan này.

Thủ tục đầu tư công dài lê thê

Góp ý vào quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng Nhân dân trong quyết định đầu tư, đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Thành phố Hồ Chí Minh) tán thành với quan điểm của Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội, cho rằng dự án Luật quy định Thường trực Hội đồng Nhân dân được phép thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng Nhân dân cùng cấp trong thời gian giữa các kỳ họp của Hội đồng Nhân dân, Thường trực Hội đồng Nhân dân có nhiệm vụ báo cáo Hội đồng Nhân dân cùng cấp tại kỳ họp gần nhất... là sửa đổi căn bản về thẩm quyền, song Thường trực Hội đồng Nhân dân không phải là một cấp, không thể làm thay nhiệm vụ của Hội đồng Nhân dân, Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng không quy định vấn đề này. Do đó, đại biểu đề nghị không quy định nội dung này trong dự thảo Luật.

Đại biểu chỉ ra rằng Hội đồng Nhân dân có thể họp bất thường và trong thực tiễn, ở Thành phố Hồ Chí Minh, chưa có trường hợp đầu tư nào bị vướng lại do Hội đồng Nhân dân không tổ chức họp được. 

Không thể lý giải vì kỳ họp Hội đồng Nhân dân ít mà giao quyền này cho Thường trực Hội đồng Nhân dân.

Đầu tư công là đầu tư từ ngân sách nhà nước, cân đối ngân sách nhà nước là nhiệm vụ của Hội đồng Nhân dân, để quyết định đầu tư công sử dụng ngân sách nhà nước phải tính trên tổng thể của từng địa phương. Giao cho Thường trực Hội đồng Nhân dân quyết định vấn đề này là không cần thiết và không đủ điều kiện. 

Quốc hội cần cân nhắc, nếu giao cho Thường trực Hội đồng Nhân dân quyết định có thể "đẻ” ra hệ lụy làm cho chính quyền địa phương, nhất là Ủy ban Nhân dân địa phương chủ quan. Nguyên nhân là do Thường trực Hội đồng Nhân dân họp hàng tháng, quyết định đầu tư công có thể thông qua hàng tháng. Như vậy, sẽ không đảm bảo được tính tổng thể và hệ thống của mỗi địa phương. 

"Đề nghị Quốc hội cân nhắc, về hình thức có vẻ thuận lợi, vì Thường trực có thể triệu tập họp bất cứ lúc nào, còn triệu tập Hội đồng Nhân dân thì không phải dễ. Nhưng phải có cái nhìn tổng thể để cân đối để quyết định đầu tư," bà Nguyễn Thị Quyết Tâm nói.

Chủ tịch Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh đặt câu hỏi "tại sao Chính phủ lại đặt ra quy định giảm mức độ phức tạp cho đầu tư công trên cơ sở giao cho Hội đồng Nhân dân để Thường trực Hội đồng Nhân dân quyết định, mà không tính toán sửa đổi những nội dung khác để rút ngắn thủ tục đầu tư công?.”

Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, hiện thủ tục còn rất nan giải, có ý kiến các bộ, ngành. Cần đơn giản hóa thủ tục, nhưng thẩm quyền phải đủ sức quyết định và chịu trách nhiệm trước quyết định, sửa đổi thẩm quyền cho phù hợp để quyết định đầu tư công một cách hiệu quả. 

Cũng băn khoăn về vấn đề này, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho rằng phải rất cân nhắc bởi trách nhiệm thẩm tra, giám sát của Hội đồng Nhân dân rất quan trọng, nếu giao cho Thường trực Hội đồng Nhân dân thì thực hiện theo quy chế nào? 

"Tôi cho rằng để đảm bảo vai trò giám sát thì cần phát huy vai trò của Hội đồng Nhân dân. Các dự án đầu tư công của địa phương, quy trình thực hiện thường tính bằng năm, vậy giữa hai cuộc họp Hội đồng Nhân dân cách nhau 6 tháng, chúng ta có thể tổ chức thêm 2 cuộc họp thường xuyên giữa kỳ nữa, như thế là 3 tháng Hội đồng Nhân dân họp 1 lần, hoàn toàn đủ điều kiện thông qua bất cứ cái gì chính quyền cần với đầu tư công trung hạn. Cho nên theo tôi, sự cần thiết để ủy quyền như vậy không có, không rõ,” ông nói. 

Bộ trưởng Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể nêu lên thực tế khi triển khai dự án gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc. Yêu cầu của Quốc hội và Chính phủ bao giờ cũng phải làm nhanh, bảo đảm tiến độ, bảo đảm chất lượng, cố gắng hoàn thành tốt, đáp ứng yêu cầu phát triển, nhưng hiện nay, nếu làm nhanh mà không đảm bảo đúng thủ tục, đúng quy định thì việc này không cho phép. 

"Và chúng ta cũng đã có những bài học xương máu, rất nhiều dự án, nhiều công trình làm nhanh, bỏ qua một số giai đoạn mà chúng ta nghĩ rằng giai đoạn đó chỉ mang tính thủ tục, không ảnh hưởng gì đến chất lượng công trình, nhưng vừa rồi khi thanh tra, kiểm toán thì thấy, chỉ cần làm sai ngày tháng cũng bị nêu trong báo cáo là làm không đúng quy định. Do đó, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến Luật Đầu tư công, và nghiên cứu giải pháp nào để triển khai nhanh dự án."

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể bày tỏ "vẫn bất an, vẫn không an tâm lắm khi thảo luận điều chỉnh Luật Đầu tư công."

Chỉ ra quy trình của một dự án đầu tư công với quá nhiều giai đoạn, lòng vòng, thủ tục dài lê thê, phê duyệt dự án mất cả năm trời, Bộ trưởng cho rằng nếu sửa luật mà không cải thiện được quy trình này thì có chăng chỉ làm rõ thêm được trách nhiệm của một số bộ, ngành, cơ quan. Còn quy trình thì vẫn vậy, chúng ta sẽ mất nhiều thứ, "mất thứ nhất là thời gian, thứ hai là đội giá, trượt giá."

Khi đã trượt giá, nếu làm đúng theo quy mô được phê duyệt thì không đủ tiền, cắt gọn cũng không được. Có tiền không làm được thì lãng phí, bên cạnh đó, trượt giá nên đến khi thanh, quyết toán, số tiền sẽ cao hơn rất nhiều. 

"Tôi đề nghị với những dự án lớn thì thống nhất nên trình Quốc hội, quy định rõ quy mô lớn thế nào thì trình Quốc hội. Còn những dự án nhỏ thì Quốc hội nên quản lý theo mục tiêu. Chúng ta có cái bánh ngân sách Nhà nước, chúng ta định hướng đầu tư cho giao thông bao nhiêu phần trăm ngân sách, nông nghiệp bao nhiêu, công nghiệp bao nhiêu… phân bổ cho từng lĩnh vực. Với những dự án nhỏ thì giao trách nhiệm cho Chính phủ quyết, rồi báo cáo lại Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Sau đó, mỗi một kỳ họp Quốc hội, Chính phủ có trách nhiệm báo cáo tổng hợp lên Quốc hội để Quốc hội nắm được miếng bánh ngân sách đã được bố trí cho từng lĩnh vực ra sao,” Bộ trưởng đề xuất. 

Còn theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh), việc sửa đổi Luật Đầu tư công phải giảm quy trình thủ tục trong xét dự án đầu tư công, nhưng cũng không có nghĩa là quá dễ dãi với dự án đầu tư công. 

Đối với nguồn vốn, phải quan tâm đến nguồn để đầu tư công, để quyết định dự án đó do Quốc hội quyết định hay Hội đồng Nhân dân quyết định, chứ không phải quan tâm đến số vốn của dự án. Nếu ngân sách địa phương thì nên để Hội đồng Nhân dân quyết định, dù công trình đó có số vốn lên đến 30.000-40.000 tỷ đồng, nhưng dự án dù chỉ 1.000-2.000 tỷ đồng mà thực hiện bằng nguồn ngân sách của Trung ương thì nên để Quốc hội quyết định.

Cấm cán bộ thuế hướng dẫn, thỏa thuận với người đóng thuế để trốn thuế

Thảo luận về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), đại biểu Trần Hoàng Ngân phân tích trong hệ thống luật về thuế hiện có trên 10 luật thuế nên khi sửa Luật Quản lý thuế, ban soạn thảo cần nghiên cứu các điều khoản. Nếu liên quan đến các luật hiện hành, cần chỉnh sửa cho phù hợp, tránh trường hợp phải ban hành một luật sửa đổi nhiều luật sẽ dẫn đến không tương thích. Các từ ngữ trong dự án Luật Quản lý thuế sửa đổi hiện có độ vênh với một số luật, cần có điều khoản bảo đảm sự phối hợp và xem xét giữa các luật này.

Đại biểu cũng nhìn nhận Luật Quản lý thuế sửa đổi đã xem xét các yếu tố về tính minh bạch, công khai, bình đẳng, phù hợp với thông lệ quốc tế, tăng cường công tác giám sát của Mặt trận Tổ quốc. Tuy nhiên, để chống thất thu thuế, chống gian lận trong việc thực thi thuế còn nhiều việc để làm. 

Đại biểu Trương Trọng Nghĩa (Thành phố Hồ Chí Minh) chỉ ra hai hiện tượng trốn thuế, nợ thuế kéo dài dai dẳng làm tổn thương ngân sách và hiện tượng cán bộ thuế tư vấn, hướng dẫn cho doanh nghiệp trốn thuế. Với trường hợp cán bộ cố tình nhũng nhiễu doanh nghiệp để chung chi, lót tay thì doanh nghiệp kêu nhiều. Nhưng ngược lại, trường hợp cán bộ thuế chỉ vẽ hướng dẫn để trốn thuế thì doanh nghiệp không kêu vì đôi bên cùng có lợi, chỉ có Nhà nước và xã hội thiệt và hiện tượng này kéo dài. 


Ông đề nghị bên cạnh việc tăng cường quyền và nghĩa vụ của người đóng thuế, cơ quan thuế, trong luật cần quy định quyền và nghĩa vụ của cán bộ ngành thuế để đáp ứng thực tiễn hiện nay. Trong những nghĩa vụ của cán bộ thuế, có nghĩa vụ "tận tâm hướng dẫn cho doanh nghiệp nộp thuế một cánh nhanh chóng, tiện lợi và đầy đủ." Cấm cán bộ thuế hướng dẫn, thỏa thuận với người đóng thuế để trốn thuế. 

Cho rằng Luật Quản lý thuế (sửa đổi) cần quan tâm đến cải cách thủ tục hành chính và phân cấp triệt để cho các cấp đơn vị đạt mục tiêu đã đề ra, đại biểu Đỗ Thị Thu Hằng (Đồng Nai) đề nghị cơ quan soạn thảo đánh giá các nguồn lực để thực hiện thuế, qua đó đánh giá tác động của chính sách đối với xã hội (yếu tố bên ngoài) để có sự rà soát, xem xét tính phù hợp với thực tế khi đưa ra chính sách, quy định mới.

Song song với đó, cơ quan soạn thảo cũng cần xem xét, đánh giá nguồn lực để thực hiện phù hợp với các nội dung trong dự thảo, không gây áp lực cho người nộp thuế cũng như cán bộ, công chức thuế. Thực tế hiện nay cơ quan quản lý thuế hàng năm mới chỉ kiểm tra, thanh tra được khoảng 20% đối với số lượng doanh nghiệp, người nộp thuế hiện hữu. 

Đồng thời, đại biểu cho rằng cần chú trọng nâng cao năng lực của đội ngũ trong ngành để phát huy tối đa hiệu quả thể chế về thuế, cũng như đáp ứng được yêu cầu của quá trình hiện đại hóa và khối lượng công việc phải đảm trách trong xu hướng tinh giản về biên chế.

Đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Hà Nội) đề nghị cần áp dụng hóa đơn điện tử để giảm phiền hà, tăng tính công khai, minh bạch trong việc nộp thuế. Còn đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (Hà Nội) cho rằng chuyển giá, trốn thuế vẫn là vấn đề bức xúc, gây thất thu ngân sách nhà nước, Luật cần bổ sung các biện pháp, chế tài nghiêm minh hơn nữa, đi đôi với đó tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát. Việc ấn định thuế cũng là một sơ hở trong công tác quản lý, cần quy định trong trường hợp khoán thuế sai phải chịu trách nhiệm như thế nào.

Tương tự, quy định cụ thể về thẩm quyền xóa nợ thuế, đi đôi với quyền hạn của từng cấp trong xóa nợ, phải quy định trách nhiệm cụ thể để bảo đảm tính nghiêm minh./.

      TheoVietnamplus

Các tin khác


Hội thảo báo Đảng về vai trò Báo chí trong tuyên truyền xây dựng đô thị thông minh, hướng tới phát triển bền vững

(HBĐT) - Ngày 9/11, Báo Hà Nội Mới tổ chức Hội thảo Báo Đảng 5 thành phố trực thuộc trung ương với chủ đề "Vai trò của Báo chí trong tuyên truyền xây dựng đô thị thông minh, hướng tới phát triển bền vững”. Tham dự có đại diện lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên của Báo Đảng 5 thành phố trực thuộc trung ương và 15 báo Đảng địa phương đại diện cho các khu vực, vùng miền của cả nước.

Lễ kỷ niệm 30 thành lập Công ty Thủy điện Hòa Bình

(HBĐT) - Ngày 9/11, Công ty Thủy điện Hòa Bình long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập và phát triển (9/11/1988-9/11/2018), ghi dấu một chặng đường nhiều gian lao, thử thách để đưa Thủy điện Hòa Bình trở thành một trong những công trình thủy điện lớn nhất khu vực Đông Nam Á.

Trao đổi kinh nghiệm nâng cao hiệu quả hoạt động HĐND các cấp

(HBĐT) - Ngày 9/11, Thường trực HĐND tỉnh và Thường trực HĐND các huyện, thành phố đã tổ chức hội nghị giao ban trao đổi kinh nghiệm nâng cao hiệu quả hoạt động HĐND các cấp. Các đồng chí: Hoàng Văn Tứ; Đinh Văn Dực, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Chủ tịch Cuba: Quan hệ Cuba-Việt Nam luôn là mối quan hệ đặc biệt

Sáng 9/11, tại Phủ Chủ tịch, ngay sau khi kết thúc hội đàm, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch Miguel Mario Diáz Canel đã chứng kiến Lễ ký kết một số văn kiện hợp tác giữa hai nước: Hiệp định Thương mại và Nghị định thư Tài chính triển khai Dự án Hợp tác phát triển sản xuất Lúa gạo Việt Nam - Cuba giai đoạn 2019-2023.

Đoàn đại diện xúc tiến đầu tư tại một số địa bàn trọng điểm nước ngoài tìm hiểu, khảo sát về du lịch và thu hút đầu tư tại tỉnh ta

(HBĐT) Ngày 9/11, Đoàn đại diện xúc tiến đầu tư tại một số địa bàn trọng điểm nước ngoài (Bộ Kế hoạch & Đầu tư) đã làm việc với UBND tỉnh về công tác thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Huyện Đà Bắc: 10 tháng đầu năm tổ chức được 65 cuộc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân

(HBĐT) - Công tác tiếp xúc, đối thoại với nhân dân được cấp ủy, chính quyền các cấp huyện Đà Bắc quan tâm thực hiện đạt được nhiều kết quả quan trọng. Từ đầu năm đến nay, đã có 65 cuộc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân được chính quyền từ huyện đến cơ sở tổ chức thực hiện. Trong đó, lãnh đạo UBND huyện tổ chức 01 cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Hiệu trưởng các trường học trên địa bàn huyện; Đảng ủy các xã Mường Chiềng, Tân Minh, Hiền Lương, Suối Nánh, Đồng Chum, Vầy Nưa, Tiền Phong, Giắt Đắt, Mường Tuổng, Hào Lý,... tổ chức được 64 cuộc tiếp xúc, đối thoại với nhân dân tại các thôn, xóm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục