Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đến Việt Nam. (Ảnh: Nhan
Sáng/TTXVN)
Ngày 26/2, các hãng thông tấn nước ngoài đồng loạt đưa tin về sự
kiện Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un bắt đầu thăm hữu nghị chính thức Việt Nam
và tham gia Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên
lần thứ hai diễn ra trong 2 ngày 27-28/2.
Truyền thông Triều Tiên đã đưa đậm thông tin về chuyến thăm của
Nhà lãnh đạo nước này tới Việt Nam.
Báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của Đảng Lao động Triều Tiên,
mô tả sự kiện lần này đã hâm nóng bầu không khí tại thủ đô Hà Nội cũng như trên
toàn Việt Nam. An ninh được thắt chặt tối đa, công tác chuẩn bị chào đón nhà
lãnh đạo Triều Tiên cũng được triển khai chặt chẽ.
Truyền thông Triều Tiên chỉ mới bắt đầu đưa đậm thông tin chuyến
thăm của Nhà lãnh đạo Kim Jong-un tới Việt Nam từ hôm 24/2.
Đây được coi là động thái khác với truyền thống thông tin tại quốc
gia Đông Bắc Á khi hầu hết các chuyến thăm nước ngoài của nhà lãnh đạo nước này
sẽ chỉ được đưa tin sau khi ông Kim Jong-un trở về nước.
Trước đó, hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) đưa tin Chủ
tịch Kim Jong-un đã rời Bình Nhưỡng hôm 23/2.
Tháp tùng nhà lãnh đạo Triều Tiên trong chuyến đi này có nhiều
quan chức cấp cao, trong đó có bà Kim Yo-jong, Ủy viên dự khuyết Bộ Chính trị,
Phó trưởng ban Ban Tuyên truyền Đảng Lao động Triều Tiên, và ông Kim Yong-chol,
Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên.
Hãng tin AFP (Pháp) cũng ấn tượng với không khí chào đón nhà lãnh đạo Kim Jong-untại ga Đồng Đăng (Lạng Sơn) khi rất nhiều người dân và học sinh cầm cờ Việt Nam và Triều Tiên đứng dọc hai bên đường vẫy chào đón các nhà lãnh đạo Triều Tiên. Công tác đảm bảo an ninh cũng gây chú ý với lực lượng bảo vệ được bố trí túc trực tại khu vực ga tàu đến.
Trong khi đó, theo phóng viên TTXVN tại Indonesia, các phương tiện
truyền thông của Indonesia liên tục cập nhật thông tin xung quanh Hội nghị thượng
đỉnh Hoa Kỳ-Triều Tiên lần thứ hai và công tác chuẩn bị của nước chủ nhà Việt
Nam.
Báo Kompas cho rằng những lợi thế như khoảng cách địa lý gần gũi
giữa Việt Nam và Triều Tiên, Việt Nam có quan hệ ngoại giao với Mỹ và Triều
Tiên, và tình hình an ninh luôn ổn định là những yếu tố giúp Hà Nội trở thành địa
điểm được lựa chọn để tổ chức hội nghị có ý nghĩa đặc biệt này.
Ngoài ra, kinh nghiệm nhiều lần tổ chức thành công các hội nghị, sự
kiện quốc tế lớn cũng là yếu tố giúp Hà Nội trở thành chủ nhà của sự kiện.
Trong khi đó, các báo Tempo, hãng tin Antara và nhiều báo tiếng địa
phương khác ấn tượng với khâu chuẩn bị đón tiếp, đảm bảo an ninh tuyệt đối dọc
tuyến đường chào đón Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đến Việt Nam.
Vấn đề an ninh cho cuộc gặp được các báo phản ánh như một mối quan
tâm hàng đầu, trong đó các tờ báo đều đưa Việt Nam áp dụng các biện pháp để đảm
bảo an ninh tối đa cho hội nghị lần này.
Mạng tin trực tuyến Tribunnews nhấn mạnh dù Hà Nội chỉ có khoảng 10 ngày để chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh lần này, ngắn hơn nhiều so với thời gian chuẩn bị gần 2 tháng mà Singapore có được khi tổ chức hội nghị thượng đỉnh Hoa Kỳ- Triều Tiên lần thứ nhất hồi tháng 6 năm ngoái nhưng Chính phủ Việt Nam vẫn đảm bảo cung cấp các điều kiện tối ưu và hoàn hảo cho sự kiện lần này.
Bên cạnh những thông tin liên quan trực tiếp tới Hội nghị thượng đỉnh
Hoa Kỳ-Triều Tiên lần hai, truyền thông Indonesia cũng đưa rất nhiều thông tin
về thủ đô Hà Nội, và về một đất nước Việt Nam cùng những khát vọng hòa bình,
hòa giải, thân thiện và mến khách với những bước phát triển đáng tự hào./.
TheoVietnamplus