(HBĐT) - Tháng 9/2018, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 124 về việc nhập, đặt tên, đổi tên xóm, tổ dân phố trên phạm vi toàn tỉnh. Đây là chủ trương lớn nhằm tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo của Đảng, chính quyền và các tổ chức đoàn thể ở cấp xã… Vì vậy được triển khai tích cực và đạt được kết quả đáng khích lệ.
Ngay khi tiếp nhận Kế hoạch số 124 của UBND tỉnh, công tác tuyên truyền được các cấp, ngành, địa phương triển khai tích cực. Cấp xã sớm bắt tay vào việc rà soát hiện trạng, xác định, đề xuất phương án sắp xếp, tổ chức lại thôn, xóm, tổ dân phố trên địa bàn báo cáo UBND huyện, thành phố. Một mặt, xây dựng phương án nhập, đặt tên, đổi tên xóm, tổ dân phố và tổ chức lấy ý kiến cử tri tại các thôn, xóm, tổ dân phố thực hiện phương án sáp nhập. Tiếp đó, các cơ sở tổ chức kỳ họp HĐND cấp xã (bất thường) để xem xét, thông qua và hoàn thiện hồ sơ, thủ tục trình UBND huyện, thành phố tổng hợp thẩm định. Sau khi tiếp nhận hồ sơ của các huyện, thành phố, Sở Nội vụ đã thẩm định và đề nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh về số lượng các thôn, xóm, tổ dân phố dự kiến sẽ nhập, đặt tên, đổi tên.
Tại Kỳ họp thứ 7, HĐND tỉnh khóa XVI (tháng 12/2018), HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 117 về việc nhập, đặt tên, đổi tên xóm, tổ dân phố trên phạm vi toàn tỉnh. Theo tinh thần Nghị quyết, ngày 25/12/2018, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3026 về việc nhập, điều chỉnh 175 tổ dân phố; đặt tên đối với 90 tổ dân phố; đổi tên đối với 10 tổ dân phố; nhập, điều chỉnh 641 thôn, xóm và đặt tên đối với 320 thôn, xóm, đổi tên đối với 8 thôn, xóm thuộc 125 xã, phường, thị trấn trên địa bàn 9 huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh, gồm: TP Hòa Bình, Cao Phong, Đà Bắc, Kim Bôi, Kỳ Sơn, Lạc Sơn, Lạc Thủy, Lương Sơn, Tân Lạc (2 huyện Mai Châu và Yên Thủy chưa có hồ sơ trình trong đợt này).
Tính đến thời điểm hiện tại, toàn tỉnh còn 1.593 thôn, xóm, tổ dân phố, giảm 406 đơn vị so với trước. Cùng với việc sáp nhập, việc đặt, đổi tên cho thôn, xóm, tổ dân phố được thực hiện đồng tốc. Kịp thời kiện toàn các chức danh những người hoạt động không chuyên trách ở thôn, xóm, tổ dân phố; chi trả chế độ, chính sách cho người hoạt động không chuyên trách ở thôn, xóm, tổ dân phố nghỉ công tác (sau sáp nhập) kịp thời và đúng quy định.
Nhiều vướng mắc phát sinh
Tuy nhiên, quá trình triển khai, thực hiện cũng còn nhiều vướng mắc phát sinh, đó là: Sau khi sáp nhập, việc bố trí, sắp xếp cán bộ ở một số thôn, xóm, tổ dân phố gặp khó khăn. Trình độ, năng lực, sức khỏe của cán bộ cấp thôn, xóm còn hạn chế (đa phần trưởng xóm, bí thư chi bộ, trưởng ban công tác mặt trận… là người cao tuổi, nhiều người đã nghỉ hưu), không đảm đương được công việc khi phải quản lý địa bàn rộng, dân cư đông gấp 2 - 3 lần. Một số cán bộ trẻ, có năng lực xin nghỉ do công việc ở thôn, xóm nhiều nhưng phụ cấp ít. Một số xóm gặp khó trong việc bố trí quỹ đất và kinh phí để xây nhà văn hóa mới làm nơi sinh hoạt cộng đồng, thiếu khu vui chơi cho trẻ em…
Là tỉnh miền núi nên địa hình chia cắt, việc phân bố dân cư ở các địa phương không đồng đều, giao thông đi lại khó khăn… khiến việc sáp nhập xóm ở một số nơi gặp khó, như huyện Mai Châu hiện mới sáp nhập được 14 xóm thành 7 xóm; huyện Đà Bắc nhập 42 xóm thành 20 xóm…
Đồng chí Nguyễn Vũ Chi, Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn cho biết: Huyện đang gặp khó vì hiện còn 15 xóm diện phải sáp nhập nhưng chưa được sự đồng thuận từ phía người dân. Cụ thể, xã Tân Thành có 1 xóm đồng bào dân tộc Dao, 1 xóm đồng bào dân tộc Mường khác biệt về nếp sống, sinh hoạt, phong tục tập quán nên người dân không muốn sáp nhập. Tiểu khu 3 và tiểu khu 4, thị trấn Lương Sơn nếu sáp nhập thì số hộ dân lên tới trên 300 hộ, bên cạnh đó bà con chưa thống nhất được việc đặt tên mới cho khu dân cư… nên tỷ lệ người dân ủng hộ còn thấp. Lãnh đạo UBND các huyện Kim Bôi, Lạc Thủy, Mai Châu, Đà Bắc… cũng nêu lý do tương tự, cần có cái nhìn cụ thể để giải quyết vấn đề.
Gỡ vướng cho lộ trình nhập, đặt tên, đổi tên xóm, tổ dân phố
Để việc nhập, đặt, đổi tên thôn, xóm, tổ dân phố đảm bảo tiến độ và hiệu quả, đồng chí Bùi Văn Cửu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo (BCĐ) 1084 tỉnh đã chỉ rõ: UBND các huyện, thành phố, các xã, phường, thị trấn tập trung chỉ đạo, phân công các đồng chí cấp ủy tuyên truyền, vận động, thuyết phục cán bộ, đảng viên và nhân dân tiến hành sáp nhập đối với các thôn, xóm, tổ dân phố quá nhỏ. Chỉ đạo, triển khai, thực hiện và giải quyết kịp thời, thỏa đáng những vướng mắc liên quan đến việc nhập, đặt, đổi tên thôn, xóm, tổ dân phố như: thay đổi sổ hộ khẩu, chứng minh nhân dân, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và các chế độ, chính sách đối với tổ chức, cá nhân. Chỉ đạo rà soát kỹ các thôn, xóm, tổ dân phố thuộc diện đặc biệt không thể sáp nhập báo cáo cụ thể từng trường hợp với BCĐ 1084 và UBND tỉnh (qua Sở Nội vụ) để nghiên cứu, chỉ đạo chung.
Các thành viên BCĐ 1084 tỉnh chịu trách nhiệm trước BCĐ và UBND tỉnh về nhiệm vụ được giao phụ trách các huyện, thành phố. Chủ động phối hợp với địa phương giải quyết những khó khăn, bất cập để tiến hành sáp nhập những thôn, xóm, tổ dân phố chưa đáp ứng về tiêu chuẩn. Các ban, ngành, đoàn thể căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên và nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước trong sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát và giải quyết kịp thời những khó khăn, vương mắc trong quá trình triển khai thực hiện những phần việc cuối cùng theo Kế hoạch số 124 của UBND tỉnh. Đảm bảo tiến độ sáp nhập thôn, xóm, tổ dân phố là điều cần thiết, nhưng phải tuân thủ đúng quy trình để tạo sự đồng thuận từ phía người dân.