Hội CCB tỉnh, huyện Mai Châu thăm quan mô hình trồng dâu, nuôi tằm của CCB Hà Công Tím (người đứng thứ 3 từ bên phải sang).
Hơn 40 năm đau đáu ước muốn trồng dâu nuôi tằm
Ông Hà Công Tím chia sẻ: "Năm 1978, tôi rời quân ngũ trở về quê hương với thương tật 42%. Khắc ghi lời dạy của Bác "Thương binh tàn nhưng không phế”, tôi nỗ lực tìm hướng phát triển kinh tế và ấp ủ những dự định. Đầu những năm 1980, tôi có cơ hội tiếp xúc với người nước ngoài đến thăm quan, nghỉ dưỡng tại bản. Những vị khách này đã rất thích thú với những sản phẩm du lịch mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Đặc biệt các sản phẩm được làm từ vải thổ cẩm do chính đôi tay tài hoa, khéo léo của những người phụ nữ Thái nơi đây dệt nên. Chính vì thế, tôi đã có ý tưởng khôi phục lại nghề trồng dâu, nuôi tằm truyền thống, vừa phục vụ phát triển kinh tế, du lịch, vừa giữ gìn được nét đặc trưng, bản sắc văn hóa dân tộc".
Năm 1995, khi loại hình dịch vụ du lịch, du lịch cộng đồng được chú trọng phát triển, ông và gia đình mạnh dạn dựng ngôi nhà sàn rộng rãi, đầy đủ điều kiện, cơ sở vật chất để phục vụ mục đích làm du lịch. Với kinh nghiệm, cái duyên, sự chân thành, mộc mạc của ông và các thành viên trong gia đình, đặc biệt là tâm niệm làm du lịch phải có cái tâm, phải giữ gìn bản sắc, cảnh quan môi trường trong lành, gần gũi, văn hóa, văn minh… mới thu hút, hấp dẫn được khách du lịch. Chính vì làm du lịch với cái tâm vậy mà khách du lịch về bản nghỉ ở nhà ông luôn hài lòng và hẹn trở lại. Mỗi năm, trung bình gia đình ông đón khoảng trên 2.000 lượt khách trong nước và khoảng 200 lượt khách nước ngoài đến thăm quan, nghỉ dưỡng.
Tuy đầu tư phát triển dịch vụ du lịch kết hợp với phát triển vườn, ao, chuồng đem lại hiệu quả kinh tế ổn định cho gia đình nhưng ông Tím vẫn đau đáu một ước muốn trồng dâu, nuôi tằm, se tơ, dệt vải kết hợp với du lịch trải nghiệm. Vì thế, trong những năm ông được bà con tín nhiệm bầu làm trưởng bản, ông mạnh dạn cùng chính quyền địa phương nhận thực hiện dự án "Năng suất xanh” của Sở KH-CN nhằm khôi phục nghề trồng dâu nuôi tằm. Biết rằng trồng dâu, nuôi tằm, se sợi, dệt vải là công việc vất vả, cần sự chăm chỉ, nhẫn nại, tỉ mỉ, thu nhập từ những công việc này không cao nhưng ông Tím vẫn tha thiết và quyết tâm làm. Khi dự án kết thúc, ông vẫn cùng vợ con, anh em trong gia đình giữ gìn diện tích đất trồng dâu để nuôi tằm giúp cho nghề du lịch tại địa phương thêm đậm đà bản sắc.
"Người lính cựu không chọn việc nhẹ nhàng”
Đó là nhận xét của nhiều đồng đội CCB dành cho ông. Là một CCB, thương binh và với độ tuổi, điều kiện của ông như hiện tại, có lẽ nhiều người đã nghỉ ngơi để tận hưởng cuộc sống an nhàn. Nhưng ông Tím lại không nghỉ ngơi mà tiếp tục làm nhiều việc hơn, những việc không hề đơn giản, nhẹ nhàng.
Quả thực, chúng tôi chưa hết bất ngờ sau khi thăm vườn dâu và những nong tằm ông Tím hàng ngày cần mẫn chăm sóc, đến ngạc nhiên khi chứng kiến ông cùng với các CCB và bà con thu dọn, xử lý rác thải của cả xóm. Công việc này ông tự nguyện đứng ra nhận làm từ nhiều năm nay, dù khá nặng nhọc, độc hại và không hề có kinh phí nhưng ông lại rất vui vẻ nhận làm.
Ông Hà Văn Chiến, Chủ tịch Hội CCB xã Chiềng Châu cho biết: Rác thải của 125 hộ dân và khách du lịch được tập hợp về khu vực cách xa bản. Ông Tím là người trực tiếp làm và kêu gọi thêm sự tự nguyện của người dân tham gia phân loại và xử lý rác. Có lẽ vì ông - một người cao tuổi gương mẫu, uy tín làm vì trách nhiệm chung, không nề hà khó khăn hay đòi hỏi gì mà nhiều người dân nhìn vào đó đã ý thức hơn trong việc giữ gìn vệ sinh chung và cùng ông nâng cao ý thức bảo vệ môi trường.
Ông Tím cười chia sẻ: "Là bản du lịch nên yếu tố môi trường rất quan trọng. Môi trường không đảm bảo sẽ không thu hút được khách du lịch. Làm công việc này không phải tôi không thu được gì. Tôi phân loại những phần rác hữu cơ rồi xử lý làm phân bón cho vườn dâu. Đấy, vườn dâu của tôi xanh tốt mơn mởn. Tôi làm như vậy nhiều người cùng tham gia làm mà không nề hà đòi hỏi gì. Thế hệ trẻ trong bản cũng học tập, ý thức hơn trong việc bảo vệ môi trường. Đó là những cái được lớn hơn bất kể đồng tiền công nào!”.
Mãi là người có uy tín của bản
Gần 10 năm làm trưởng bản (1995-2012) rồi chi hội trưởng CCB, ông Tím luôn được bà con trong bản tin tưởng, tín nhiệm, nể phục. Khi còn chưa nghỉ công tác, với cương vị của mình, ông thường xuyên tuyên truyền tới người dân các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước để dân bản nắm được và làm theo. Đặc biệt, ông luôn nhắc nhở mọi người, nhất là thế hệ trẻ phải giữ lấy bản sắc văn hóa dân tộc để phát triển một cách bền vững. Năm 2010, bản Lác vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba. Thành tích đó có sự đóng góp không nhỏ của trưởng bản Hà Công Tím. Bản thân ông được tặng thưởng nhiều giấy khen của xã, huyện. Gia đình ông liên tục được công nhận là gia đình văn hóa tiêu biểu, gia đình thương binh kiểu mẫu.
Bản Lác ngày một khang trang, phát triển nhưng luôn giữ bản sắc văn hóa riêng, độc đáo và môi trường trong lành, thân thiện, đó vẫn luôn là ý niệm trong tâm khảm người con của bản - Hà Công Tím. Có một ý tưởng mà ông đang ngày đêm nỗ lực để biến thành hiện thực. Ông đang trồng dâu, nuôi tằm, se tơ, dệt vải, làm các món đồ lưu niệm từ chính sản phẩm thổ của gia đình để bán cho khách du lịch. Quy trình này của gia đình ông sẽ được xây dựng thành chuỗi để giới thiệu với khách du lịch, từ đó phát triển dịch vụ du lịch trải nghiệm cho du khách… Tin rằng dự định đầy tâm huyết của người lính cụ Hồ Hà Công Tím sẽ thành hiện thực trong một ngày không xa.
Hồng Duyên