UBND xã Tòng Đậu (Mai Châu) hiện có 19 cán bộ, công chức. Đội ngũ cán bộ, công chức nơi đây được chăm lo đào tạo, bồi dưỡng cả về trình độ chuyên môn và trình độ LLCT. Đồng chí Hà Văn Tích, Chủ tịch UBND xã cho biết: Hầu hết cán bộ, công chức có trình độ đại học, cao đẳng, được theo học các lớp đào tạo và được cấp chứng chỉ đáp ứng tiêu chuẩn cán bộ, công chức cũng như các yêu cầu nhiệm vụ công việc. Đặc biệt, với đặc thù là địa phương vùng DTTS, trong số 19 cán bộ, công chức xã có tới 18 cán bộ, công chức được tiếp nhận là con em người dân tộc Thái, Mường, chiếm tỷ lệ 94,7%.
Với xã Long Sơn (Lương Sơn) có 22 cán bộ, công chức hiện đang công tác tại UBND xã, 100% là người dân tộc Mường. Đội ngũ công chức xã có trình độ chuyên môn cao đẳng, đại học chiếm tỷ lệ 70%. Đặc biệt, lớp cán bộ trẻ kế cận được quan tâm bố trí, sắp xếp cử đi đào tạo để đáp ứng về chuyên môn, nghiệp vụ. Hiện nay có 2 cán bộ lĩnh vực địa chính và tư pháp hộ tích được cử theo học lớp tạo nguồn của tỉnh trong thời gian 2 tháng tại trường Chính trị tỉnh. 80% cán bộ có trình độ LLCT, 80% cán bộ trẻ đã hoàn thành khóa bồi dưỡng QLNN ngạch chuyên viên... Từ đó, hầu hết đội ngũ công chức có năng lực, trình độ đáp ứng tốt yêu cầu công việc.
Với trình độ chuyên môn từ cao đẳng trở lên, đội ngũ công chức trẻ xã Long Sơn (Lương Sơn) đang thực hiện tốt yêu cầu công việc.
Để củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở vùng DTTS, tỉnh chú trọng công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sắp xếp, bố trí cán bộ, công chức, viên chức người DTTS thực hiện theo đúng quy trình, quy định. Với tổng số cán bộ, công chức, viên chức người DTTS hiện nay có 16.962 người, đội ngũ đang từng bước được nâng lên cả về số lượng và chất lượng. Kể từ năm 2010 - 2018, tỉnh đã cử 157 người đi đào tạo trình độ thạc sỹ, chuyên khoa I và 8 người đi đào tạo trình độ tiến sỹ, chuyên khoa II. Hỗ trợ quá trình học tập thực tế cho 165 cán bộ, công chức, viên chức người DTTS. Cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý là người DTTS chiếm tỷ lệ 38,58% tổng số cán bộ, công chức, viên chức giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý cấp tỉnh, cấp huyện. Giai đoạn 2003 - 2018 có 81.607 lượt cán bộ, công chức, viên chức người DTTS các cấp được đào tạo, bồi dưỡng về nghiệp vụ chuyên môn, lý luận chính trị, kiến thức QP-AN, ngoại ngữ, tiếng dân tộc và quản lý Nhà nước. Trong công tác luân chuyển, bổ nhiệm lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ người DTTS các cấp được đào tạo, bố trí, sử dụng hợp lý, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, tăng cường tạo nguồn cán bộ có trình độ, năng lực. Từ đó, nâng cao nhận thức của cán bộ về ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác luân chuyển.
Đổi mới công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức người DTTS theo hướng chủ động, tích cực, tỉnh xây dựng kế hoạch cụ thể, phối hợp với trường Đại học tổng hợp Nam Luzon, Philippin tổ chức khóa đào tạo nâng cao năng lực, kỹ năng giao tiếp tiếng Anh cho cán bộ, công chức của tỉnh. Từ năm 2010 đến nay có 57 cán bộ, công chức theo học các khóa đào tạo, trong đó có 18 người DTTS, chiếm tỷ lệ 31,57%. Về chính sách đãi ngộ, ngoài chính sách chung của Nhà nước, tỉnh đang thực hiện Nghị quyết số 35/2005/NQ-HĐND ngày 22/7/2005 của HĐND tỉnh và Quyết định số 55/2005/QĐ-UBND ngày 15/12/2005 của UBND tỉnh quy định về một số chính sách đối với việc cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng, tiếp nhận, sử dụng sinh viên và những người có trình độ về công tác tại tỉnh. Theo đó, cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS được hỗ trợ trong quá trình học tập thực tế với mức 350.000 đồng/tháng (nam), 400.000 đồng/tháng (nữ) ở nơi có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,1 - 0,2 và 400.000 đồng/tháng (nam), 450.000 đồng/tháng (nữ) ở nơi có hệ số phụ cấp khu vực từ 0,3 trở lên. Sinh viên người DTTS tốt nghiệp đại học nếu về công tác tại cấp xã được tỉnh trợ cấp 1 lần theo các mức: 6 triệu đồng/người tại các xã vùng đặc biệt khó khăn; 4 triệu đồng/người tại các xã còn lại; 2 triệu đồng/người tại phường, thị trấn.
Đồng chí Đinh Thị Thảo, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh cho biết: Hệ thống chính trị vùng DTTS được củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức và hiệu quả hoạt động thông qua các chính sách thu hút, đào tạo và phát triển nguồn nhân lực địa phương, công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý người DTTS, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng cán bộ người DTTS cũng như công tác bổ nhiệm, luân chuyển. Hiện, 70% cán bộ người DTTS đảm nhiệm các chức danh lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, huyện, các sở, ban, ngành. Tỷ lệ cán bộ người DTTS tham gia cấp ủy, HĐND các cấp cơ bản đảm bảo cơ cấu, số lượng, thành phần theo quy định của Trung ương. Nhiệm kỳ 2016 - 2021, ở cấp tỉnh có 41/61 đại biểu DTTS, cấp huyện 291/383 đại biểu DTTS, 3 đại biểu tôn giáo, cấp xã có 4.378/5.230 đại biểu DTTS, 32 đại biểu tôn giáo.
Bên cạnh đó, cấp ủy, chính quyền luôn chú trọng tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các nội quy, quy ước khu dân cư, tạo điều kiện cho người có uy tín, già làng hoạt động hiệu quả, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS. Giai đoạn 2018 - 2022, toàn tỉnh có 1.631 người được công nhận người có uy tín. Tỉnh thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với người có uy tín trong cộng đồng dân cư, động viên, khích lệ họ đóng góp cho sự nghiệp phát triển KT-XH gắn với việc giữ gìn ANCT - TTATXH ở vùng đồng bào DTTS.
Bên cạnh đó, công tác tạo nguồn kết nạp Đảng được cấp ủy, đoàn thể quan tâm, kịp thời phát hiện, đề xuất những quần chúng ưu tú, đủ điều kiện, có nguyện vọng được đứng trong hàng ngũ của Đảng để đưa vào danh sách cảm tình Đảng, cử đi học lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng. Từ năm 2003 đến nay, toàn tỉnh kết nạp được 65.620 đảng viên, trong đó, đảng viên người DTTS chiếm 60,74%.
Bùi Minh