(HBĐT) - Cải cách hành chính (CCHC), trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính (TTHC) được xác định là 1 trong 3 đột phá chiến lược trong Chương trình hành động của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XVI, nhiệm kỳ 2015-2020. Từ năm 2017, hàng năm, UBND tỉnh đều ban hành kế hoạch CCHC. Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020-2025 tiếp tục nhấn mạnh giải pháp: tập trung CCHC, trọng tâm là cải cách thể chế hành chính; xây dựng chính quyền kiến tạo, phục vụ.
Người dân thực hiện thủ tục hành chính tại Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh.Cải cách thủ tục hành chính...
Để tạo bước chuyển trong cải cách TTHC, những năm qua, cùng với ban hành các văn bản, lãnh đạo tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo rốt ráo. Tỉnh đã thành lập Trung tâm Phục vụ hành chính công cấp tỉnh, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả cấp huyện và 151 xã, phường, thị trấn. Thúc đẩy sử dụng dịch vụ công (DVC) trực tuyến như: Dành nguồn lực cho chương trình mục tiêu CNTT (giai đoạn 2016-2020 trên 39 tỷ đồng). Áp dụng phần mềm một cửa điện tử dùng chung để tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ. Vận hành cổng DVC với tên miền dichvuconghoabinh.gov.vn giải quyết DVC trực tuyến theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Cổng DVC tỉnh đã kết nối với Cổng DVC quốc gia và cung cấp 765/921 DVC mức độ 3, 4. Hệ thống thanh toán trực tuyến phí, lệ phí trong giải quyết TTHC cũng đã được kết nối. Thực hiện lấy ý kiến công dân về mức độ hài lòng.
Các TTHC không cần thiết, không còn phù hợp được rà soát, điều chỉnh, bãi bỏ. Giai đoạn 2017 - 2020, Sở GTVT đã rà soát, đánh giá 20 TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết, đề xuất sửa đổi 20 TTHC. Sở Xây dựng công bố 60 TTHC thuộc thẩm quyền, trong đó hủy bỏ, bãi bỏ 25 TTHC. Sở KH&ĐT rà soát trình UBND tỉnh công bố 18 TTHC mới, 197 lượt TTHC sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ 189 lượt TTHC. UBND TP Hòa Bình đề xuất đơn giản hóa 117 TTHC… Công tác truyền thông về cải cách TTHC, sử dụng DVC trực tuyến được đẩy mạnh qua các phương tiện thông tin đại chúng, hội thi, lồng ghép tại hội nghị. Một số địa phương như TP Hòa Bình, huyện Lạc Sơn… phát huy vai trò của Đoàn thanh niên trong tuyên truyền kiến thức, kỹ năng cho người dân thực hiện DVC mức độ 3, 4, dịch vụ bưu chính công ích.
Qua kết quả giám sát của UB MTTQ tỉnh về cải cách TTHC giai đoạn 2017 - 2020 cho thấy, công tác này có chuyển biến tích cực. Các TTHC được cập nhật, niêm yết công khai, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp tìm hiểu, tra cứu, thực hiện. Một số đơn vị giải quyết số lượng lớn TTHC mà không có hồ sơ quá hạn, như Sở Xây dựng đã tiếp nhận, giải quyết 3.764 hồ sơ; hồ sơ giải quyết ở mức độ 3, 4 đạt khá như Sở KH&ĐT 6.017/8.392 hồ sơ… Kết quả cải cách TTHC góp phần từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động công vụ, phát triển KT-XH của tỉnh.
Tuy nhiên, cải cách TTHC còn nhiều hạn chế, người dân, doanh nghiệp còn phàn nàn về quy trình thủ tục, tinh thần, thái độ làm việc của một bộ phận cán bộ. Một số đơn vị giải quyết TTHC chậm, chưa đúng hẹn, nhất là lĩnh vực đất đai, lý lịch tư pháp. Trong tiếp nhận giải quyết TTHC một cửa liên thông chưa phối hợp thực hiện tốt giữa các sở, ngành, còn lúng túng. Có đơn vị chưa thực hiện việc xin lỗi bằng văn bản đối với tổ chức, cá nhân khi giải quyết TTHC chậm. Hạ tầng và ứng dụng CNTT của tỉnh thấp so với cả nước, phần mềm điện tử chưa hoàn thiện. Chậm đưa vào khai thác dịch vụ bưu chính công ích, DVC mức độ 3, 4; nhiều sở, ngành, huyện chưa có hồ sơ thực hiện ở mức độ này. Công tác rà soát TTHC chưa thực sự hiệu quả; việc kiểm tra thực hiện kiểm soát TTHC chưa thường xuyên. Một số đơn vị chưa cập nhật kịp thời, đầy đủ, công khai TTHC, quy định mới trên trang thông tin điện tử…
Để cải cách TTHC hiệu quả hơn, hướng đến sự hài lòng của người dân, doanh nghiệp, lãnh đạo các ngành kiến nghị mở các lớp tập huấn nghiệp vụ về kiểm soát TTHC, kỹ năng giao tiếp cho cán bộ trực tiếp làm công tác này. Nâng cao năng lực CNTT và tăng cường truyền thông, hướng dẫn thực hiện DVC mức độ 3, 4 cho cả đội ngũ cán bộ và công dân, hướng đến "công dân điện tử”. Nâng cấp hạ tầng CNTT, hoàn thiện phần mềm điện tử. Xây dựng, hoàn thiện các cơ chế, chính sách phù hợp thực tế để đẩy mạnh cải cách TTHC.
Đoàn giám sát UB MTTQ tỉnh kiến nghị UBND tỉnh tăng cường chỉ đạo các ngành kịp thời công bố đầy đủ, công khai, minh bạch TTHC; rà soát TTHC để trình Chính phủ đơn giản hóa sát với thực tế địa phương. Tăng cường chỉ đạo thực hiện DVC mức độ 3, 4. Các sở, huyện, thành phố đề cao trách nhiệm của cán bộ, đặc biệt là người đứng đầu, giải quyết TTHC đảm bảo thời gian, thực hiện nghiêm xin lỗi bằng văn bản với công dân khi giải quyết chậm và giải trình, kiểm điểm. Tìm các sáng kiến CCHC để áp dụng hiệu quả trong thực tế. Tăng cường thanh tra, kiểm tra công vụ, siết chặt kỷ luật, kỷ cương; kiên quyết xử lý, đưa ra khỏi bộ máy những cán bộ yếu kém về năng lực, nhũng nhiễu.
Trong nhiệm vụ và giải pháp về CCHC, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đã xác định: Tăng cường tính công khai, minh bạch, nâng cao chất lượng phục vụ của cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Tiếp tục rà soát, đơn giản hóa thành phần hồ sơ, giảm bớt thời gian giải quyết TTHC. Thực hiện tốt quy định "4 tại chỗ”, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân. Tăng cường phân cấp trong quản lý theo hướng rõ việc, rõ người, rõ địa chỉ trách nhiệm, đảm bảo các điều kiện để thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
Đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, cần có sự đột phá, sáng tạo, mạnh dạn trong cải cách TTHC. Tránh tình trạng "trên nóng dưới lạnh”, doanh nghiệp phải "bôi trơn” mới xong. Đổi mới cơ chế phối hợp giữa các ngành chức năng trong giải quyết TTHC liên thông, không gây phức tạp, kéo dài.