Nông dân xã Vũ Bình (Lạc Sơn) cải tạo vườn tạp, xây dựng mô hình trồng thanh long ruột đỏ mang lại giá trị kinh tế cao.
Trước đây, trong sản xuất nông nghiệp, cây lúa, cây ngô gần như chiếm giữ vị trí canh tác chủ đạo trên đồng đất. Bước đột phá chỉ bắt đầu khi đề án về chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi và cải tạo vườn tạp được triển khai. Điển hình như xã Văn Nghĩa đã chuyển đổi đất lúa sang trồng mướp đắng, dưa chuột, bí đỏ lấy hạt chất lượng cao. Từ đồng ruộng 1 vụ, người dân trồng cây lấy hạt 2 vụ, thậm chí có hộ làm cả vụ thứ 3 (vụ đông) để nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế. Đồng thời, thực hiện liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm để đảm bảo "đầu ra" ổn định, bền vững. Mô hình hiện đã mở rộng với quy mô 50 ha trên toàn xã, bình quân thu nhập trên mỗi ha canh tác đạt 300 - 400 triệu đồng/năm.
Trải qua 3 - 4 năm kiến thiết đầu tư, diện tích cây ăn quả có múi gần 850 ha, chủ yếu là cam lòng vàng, cam đường Canh trên địa bàn huyện đã bước vào thời kỳ kinh doanh ở niên vụ 2019-2020 và 2020-2021. Diện tích cây ăn quả có múi được trồng nhiều trên đất đồi và vườn tạp sau cải tạo, chủ yếu ở các xã: Thượng Cốc, Hương Nhượng, Văn Sơn, Tân Mỹ, Ân Nghĩa, Vũ Bình. Từ đây, trên địa bàn hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng hiệu quả khoa học kỹ thuật, cho thu nhập cao. Các mô hình tiêu biểu có quy mô 5-10 ha cam hộ các ông: Nguyễn Văn Tứ ở xóm La Văn Cầu, xã Thượng Cốc; Nguyễn Văn Thọ ở xóm Ba Rường, xã Mỹ Thành; Bùi Văn Việt ở xóm Cổi, xã Vũ Bình...
Bên cạnh thế mạnh về đất đai, nguồn lao động cho nông nghiệp, huyện còn được biết đến có tiềm năng về du lịch, với những danh thắng như thác Mu - xã Tự Do, Đồi Thung - xã Quý Hòa, đồng Bãi Bùi - xã Ngọc Lâu... Bản sắc văn hóa đặc sắc, gắn liền với lễ hội, các nghi lễ, phong tục, tín ngưỡng, di tích lịch sử, văn hóa cách mạng tiêu biểu được gìn giữ, bảo tồn, phát huy. Trong giai đoạn 2015-2020, lượng khách du lịch đến thăm quan, trải nghiệm liên tục tăng. Một số nhà đầu tư đã khảo sát và lựa chọn nơi đây làm điểm lý tưởng để triển khai dự án khu nghỉ mát, nghỉ dưỡng sinh thái.
Song song với nông nghiệp, phát triển CN - TTCN, thương mại - dịch vụ được huyện ưu tiên chú trọng. Thông qua việc tạo điều kiện mọi mặt về cơ chế, chính sách, cải cách thủ tục hành chính, môi trường thuận lợi, huyện đã thu hút được nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đầu tư tại địa phương, giúp cơ cấu kinh tế có sự chuyển dịch tích cực. Các nhà máy sản xuất về may mặc, điện tử, du lịch... đã, đang tạo việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn lao động, tăng nguồn thu ngân sách cho địa phương.
Đồng chí Bùi Văn Kía, Phó Bí thư TT Huyện ủy khẳng định: Sự phấn đấu, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, các thành phần kinh tế và Nhân dân trong thực hiện nghị quyết đại hội đã đưa kinh tế của huyện có bước phát triển khá, bộ mặt nông thôn, đô thị có nhiều khởi sắc. Đến năm 2020, cơ cấu kinh tế nông, lâm nghiệp chiếm 36,6%, công nghiệp 29%, dịch vụ 34,4%. Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 10,09%. Tỷ lệ hộ nghèo còn 11,87%, giảm 3,28% so với năm 2019.
Nghị quyết số 01-NQ/HU, ngày 14/12/2020 của BCH Đảng bộ huyện đặt mục tiêu phấn đấu năm 2021, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất bình quân 12%, thu nhập bình quân đầu người đạt 50 triệu đồng. Nhiều giải pháp sẽ được triển khai đồng bộ và quyết liệt: Trong sản xuất nông nghiệp, quan tâm phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sạch, tích cực chuyển đổi các loại giống mới có năng suất, chất lượng, giá trị kinh tế cao; đẩy nhanh tiến độ xây dựng thương hiệu "Cam Lạc Sơn", giữ vững thương hiệu "Gà Lạc Sơn"; tăng cường quảng bá tiềm năng du lịch, ưu tiên, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp vào đầu tư trong lĩnh vực du lịch; đầu tư, phát triển các nhà máy chế biến sản phẩm nông nghiệp sau thu hoạch...
Bùi Minh