Tổng Chỉ huy (Tổng Tư lệnh) là chức vụ chỉ huy cao nhất của Quân đội nhân dân Việt Nam (QĐND) được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao cho đồng chí Võ Nguyên Giáp từ đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược[1].
Suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, trên cương vị Bí thư Quân ủy Trung ương (Trung ương Quân ủy, Tổng Chính ủy, Bí thư Tổng Quân ủy), Tổng Tư lệnh quân đội và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng; đặc biệt, trên cương vị Tổng Tư lệnh quân đội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cùng với Bộ Thống soái đề ra những quyết sách chiến lược, đồng thời trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện thắng lợi các quyết sách chiến lược đó. Bản lĩnh cách mạng và tài năng quân sự xuất chúng của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã được thực tiễn chứng minh và luôn tỏa sáng, phát huy mạnh mẽ, nhất là trong những thời điểm cực kỳ khó khăn và hệ trọng đối với vận mệnh của đất nước. Vai trò đó được thể hiện ở những dấu ấn nổi bật sau:
Thứ nhất, góp phần hoạch định thành công đường lối chiến tranh toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp và các đồng chí lãnh đạo Quân ủy Trung ương theo dõi diễn biến Chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Ảnh tư liệu
Suốt 30 năm chiến tranh cách mạng (1945-1975), Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp luôn nổi bật là một trí tuệ lỗi lạc hàng đầu, góp phần quan trọng vào hoạch định thành công đường lối chiến tranh toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính và tranh thủ sự ủng hộ quốc tế. Đường lối đó chính là tư tưởng chỉ đạo, điều hành chiến tranh cách mạng nhất quán, xuyên suốt của Đảng ta được Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thực hiện xuất sắc, nhằm từng bước thay đổi tương quan lực lượng, giành những thắng lợi vĩ đại cho dân tộc Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược. Đó còn là sự kết hợp chặt chẽ giữa các mặt đấu tranh: Quân sự, chính trị, kinh tế, ngoại giao, tư tưởng, văn hóa, giáo dục; quốc phòng với an ninh, kinh tế... đạt được thành công trên cả hai nhiệm vụ chiến lược: Kháng chiến và kiến quốc. Đánh địch bằng hai chân: Quân sự và chính trị; ba mũi giáp công: Quân sự, chính trị và binh, địch vận; trên cả ba vùng chiến lược: Rừng núi, nông thôn đồng bằng và đô thị.
Qua đó, Việt Nam có thêm điều kiện thuận lợi để vũ trang toàn dân; phát huy mạnh mẽ sức mạnh nội lực với sức mạnh thời đại để chiến thắng kẻ thù. Dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Bộ Chính trị Trung ương Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh lịch sử được giao: Chỉ đạo, điều hành quân và dân Việt Nam thực hiện thắng lợi cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính, đánh bại chiến tranh chính quy và làm phá sản hoàn toàn các chiến lược quân sự, chiến lược chiến tranh của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã góp phần hiện thực hóa thắng lợi đường lối kháng chiến bằng những chỉ đạo đúng đắn, sáng tạo trên cương vị Tổng Tư lệnh quân đội. So sánh tương quan lực lượng lúc đầu giữa ta và địch chênh lệch, địch mạnh hơn ta gấp bội; ta chỉ hơn địch về tinh thần và chính nghĩa; nhưng qua quá trình thực hiện chủ trương trường kỳ kháng chiến, vừa chiến đấu vừa xây dựng, phát triển và trưởng thành, lực lượng vũ trang (LLVT) ba thứ quân phát triển mạnh mẽ tiến lên đánh bại kẻ thù; các mặt đấu tranh khác đều có bước phát triển và đạt được những thành tựu quan trọng, nhất là phá tan thế bao vây cấm vận, mở rộng quan hệ đối ngoại, tranh thủ rộng rãi sự ủng hộ quốc tế. Ta đã triệt để thực hiện vũ trang toàn dân, phát triển mạnh mẽ chiến tranh du kích, chiến tranh chính quy. Không chỉ phát huy cao độ những nhân tố nội lực và đường lối kháng chiến toàn dân, toàn diện, Đảng ta còn chú trọng tranh thủ tối đa sự ủng hộ, giúp đỡ về vật chất và chính trị tinh thần của bạn bè quốc tế, đặc biệt là từ các nước xã hội chủ nghĩa anh em cho nhân dân Việt Nam chống xâm lược.
Thứ hai, chỉ đạo xây dựng LLVT nhân dân Việt Nam vững mạnh, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đánh thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược
Trên cương vị Tổng Tư lệnh quân đội, Đại tướng luôn tỏ rõ là nhà quân sự xuất chúng, có uy tín lớn đối với Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; có những đóng góp rất to lớn vào xây dựng quân đội hùng mạnh, chính quy, tinh nhuệ, ngày càng hiện đại. Từ Đội Việt Nam Tuyên truyền Giải phóng quân-Đội quân chủ lực đầu tiên với 34 chiến sĩ với trang bị thô sơ, đã từng bước phát triển thành các trung đoàn, đại đoàn thiện chiến, kiên cường chiến đấu, đánh thắng thực dân Pháp xâm lược. Chiến thắng "Lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” là minh chứng sinh động về sự phát triển, trưởng thành và lớn mạnh của Quân đội ta dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo sáng suốt của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và sự chỉ huy tài tình của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp.
Bước vào cuộc trường chinh chống Mỹ, cứu nước, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đã cùng tập thể Bộ Chính trị hoạch định những quyết sách chiến lược về xây dựng quân đội tiến lên chính quy, hiện đại; dành nhiều tâm sức chỉ đạo xây dựng các quân chủng: Phòng không-Không quân, hải quân; các binh chủng: Pháo binh, đặc công, tăng thiết giáp, thông tin, hóa học, công binh; triển khai xây dựng đường Hồ Chí Minh trên bộ, trên biển, chi viện hiệu quả sức người, sức của từ hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến lớn miền Nam. Trong chỉ đạo xây dựng LLVT ba thứ quân, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn coi trọng phát triển bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân, du kích với cơ cấu phù hợp, có chất lượng cao, phân bố trên phạm vi cả nước; đồng thời, chú trọng xây dựng tổ chức đảng trong sạch, vững mạnh, chăm lo xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng, tinh thần chiến đấu kiên cường, dũng cảm, rèn luyện kỹ, chiến thuật, khả năng sẵn sàng tác chiến cao cho bộ đội; thường xuyên giáo dục, bồi dưỡng phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ cho cán bộ, chiến sĩ QĐND Việt Nam.
Trong giai đoạn cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chủ động đề xuất với Trung ương Đảng thành lập các quân đoàn chủ lực 1, 2, 3, 4 và Đoàn 232 (tương đương quân đoàn) nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp của tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng quy mô lớn, thực hiện những đòn quyết chiến chiến lược giành thắng lợi quyết định. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975, đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh đã chứng minh đề xuất trên của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là sáng tạo, chính xác và phù hợp với thực tiễn chiến trường, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển tất yếu của quân đội và quy luật phát triển của chiến tranh cách mạng. Với sự nhạy bén và quyết đoán của nhà chiến lược quân sự sắc sảo, Đại tướng đã chỉ đạo 5 hướng tiến công bằng mệnh lệnh: "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng”.
Thứ ba, vị tướng tài năng quân sự xuất chúng, chỉ đạo tác chiến chiến lược, chiến dịch và chiến thuật sắc sảo
Những chiến dịch quân sự tiêu biểu giành được thắng lợi bước ngoặt trong 30 năm chiến tranh giải phóng (1945-1975) đều gắn chặt với sự chỉ đạo sắc sảo của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trên cương vị Tổng Tư lệnh quân đội. Đại tướng đã góp phần quan trọng vào những thắng lợi vĩ đại đó và trở thành "vị tướng huyền thoại”, một tài năng quân sự xuất chúng của thời đại; nhận được sự ngưỡng mộ, kính trọng của nhiều nguyên thủ quốc gia, chính khách và đông đảo nhân dân thế giới.
Thực tiễn chứng minh, bằng nhãn quan chiến lược nhạy bén, tư duy sắc sảo, vào những thời điểm bước ngoặt trong hai cuộc kháng chiến, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chỉ đạo gấp rút tập trung nhân lực, vật lực giành thắng lợi quyết định, xoay chuyển cục diện trên chiến trường. Phương châm chỉ đạo tác chiến tập trung binh, hỏa lực, "lấy ít địch nhiều” được Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp phát triển lên tầm cao mới. Ông chỉ đạo xây dựng thế trận, tổ chức, phối hợp tác chiến chặt chẽ LLVT ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân, du kích; tổ chức và sử dụng hợp lý quân đội, từ quy mô nhỏ tới sự phát triển các quân, binh chủng, các binh đoàn chủ lực-những "quả đấm thép” quyết định thắng lợi trên chiến trường trong hai cuộc kháng chiến. Trên cơ sở năng lực phân tích, dự báo đúng toàn cục, thấy rõ những điểm yếu của đối phương, Đại tướng đã chỉ đạo quân và dân ta chủ động chuẩn bị lực lượng, thế trận và tìm ra cách đánh tối ưu nhất bảo đảm "đánh chắc, tiến chắc”, ít tổn thất nhất cho bộ đội. Nắm vững nguyên tắc, quy luật vận động của chiến tranh và những điều cơ bản về chiến lược, chiến dịch, chiến thuật, nên trong tư duy chỉ đạo tác chiến, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thường đi trước những đối thủ được đào tạo bài bản; trở thành người tổ chức, điều hành chiến tranh hàng đầu của dân tộc.
Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp có tác phong lãnh đạo, chỉ huy sâu sát thực tiễn, nhạy bén, quyết đoán và rất cẩn trọng trước mọi quyết định; luôn chủ động đưa đối phương vào thế bị động, phải thay đổi thế trận, phân tán lực lượng, chấp nhận đánh theo cách đánh của ta. Tiêu biểu là quyết định chuyển phương châm tác chiến từ "đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang "đánh chắc, tiến chắc” trong Chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954-mà theo ông, đó là "Quyết định khó khăn nhất trong cuộc đời cầm quân của mình” đã giành thắng lợi bước ngoặt, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Đó là các quyết định chọn đúng hướng đột phá chiến dịch vào Buôn Ma Thuột-Tây Nguyên; kịp thời nắm bắt thời cơ chiến lược, đề nghị chuyển sang Kế hoạch giải phóng miền Nam ngay trong năm 1975; kiên quyết chỉ đạo mở Chiến dịch Trị Thiên, Chiến dịch giải phóng Đà Nẵng, giải phóng quần đảo Trường Sa; phê chuẩn thành lập cánh quân hướng Đông và ra mệnh lệnh "Thần tốc, thần tốc hơn nữa, táo bạo, táo bạo hơn nữa” cho toàn quân xốc tới; ra lệnh cho cánh quân hướng Đông phát triển giải phóng Sài Gòn, phối hợp chặt chẽ với các cánh quân khác gấp rút đánh thẳng vào sào huyệt của địch trong Chiến dịch Hồ Chí Minh, giành thắng lợi trọn vẹn, đưa sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta đến thắng lợi hoàn toàn. Kịp thời điều chỉnh, thay đổi cách đánh, đó là nhân tố quyết định làm nên Chiến thắng Điện Biên Phủ và Đại thắng mùa Xuân 1975. Có thể khẳng định trong các chiến dịch quân sự lớn và vào những thời khắc quan trọng, Đại tướng Võ Nguyên Giáp luôn thể hiện sự quyết đoán, sắc bén và tư duy quân sự, chiến thuật, tài chỉ huy đặc biệt của một Tổng Tư lệnh quân đội. Tài năng quân sự xuất chúng của Đại tướng được bồi đắp từ sự tự học, tự rèn, kế thừa có chọn lọc và từ đúc rút qua thực tiễn chỉ đạo quân đội chiến đấu chống giặc ngoại xâm vô cùng khốc liệt. Chính điều đó đã làm nên sự khác biệt của Đại tướng, khiến thế giới khâm phục, suy tôn ông là danh tướng mọi thời đại.
Thứ tư, chỉ đạo, điều hành cuộc chiến tranh nhân dân đạt đến đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Việt Nam
Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp không chỉ là một tài năng quân sự xuất chúng-người đã trực tiếp góp phần kiến tạo đường lối chiến tranh toàn dân, toàn diện, trường kỳ, dựa vào sức mình là chính; chỉ đạo xây dựng LLVT nhân dân vững mạnh; đưa sự nghiệp đấu tranh chính nghĩa của dân tộc Việt Nam giành được thắng lợi xứng tầm thời đại, đánh bại những danh tướng hàng đầu của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, mà còn góp phần đưa công tác chỉ huy, điều hành cuộc chiến tranh toàn dân trở thành nghệ thuật quân sự đặc sắc. Đại tướng chỉ đạo, điều hành cuộc chiến tranh nhân dân của Việt Nam hết sức độc đáo, sáng tạo, sinh động và hiệu quả trên cơ sở nguyên lý cốt lõi của đường lối chiến tranh toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh là quyết định, viện trợ bên ngoài là quan trọng; đánh địch bằng ba thứ quân: Bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân, du kích; lấy bộ đội chủ lực làm nòng cốt; kết hợp chặt chẽ chiến tranh du kích với chiến tranh chính quy trên quy mô phù hợp tính chất, đặc điểm, điều kiện kinh tế, chính trị tư tưởng và chiến trường trong mỗi giai đoạn lịch sử. Trên cương vị Tổng Tư lệnh quân đội, ông khích lệ toàn quân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, khơi dậy chủ nghĩa anh hùng cách mạng để cán bộ, chiến sĩ dũng cảm chiến đấu, sẵn sàng hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc; chỉ đạo chuẩn bị cuộc kháng chiến trường kỳ, chỉ huy chiến đấu linh hoạt cho đến khi đạt được thế cân bằng nhiều mặt, giành, giữ, phát huy quyền chủ động đánh thắng các đội quân xâm lược hùng mạnh. Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là vị tướng chỉ huy chiến đấu chống kẻ thù trong lúc tương quan hết sức bất lợi, thiếu vũ khí trang bị, thiếu nguồn lực tài chính, thiếu tri thức, kinh nghiệm... từ buổi đầu LLVT chưa mạnh, đã liên tiếp đánh bại quân đội nhà nghề thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, dù Pháp và Mỹ đã huy động những nguồn nhân lực, vật lực, kỹ thuật to lớn trong thời gian dài. Dưới sự chỉ đạo, điều hành tài tình của Đại tướng, quân và dân Việt Nam chiến thắng hai đế quốc to là Pháp và Mỹ bằng cuộc chiến tranh nhân dân vô cùng linh hoạt, sáng tạo và đặc sắc: Vũ trang toàn dân đánh giặc với nhiều hình thức đa dạng, "lấy yếu chống mạnh”, "lấy nhỏ đánh lớn”, "lấy ít địch nhiều”; khi tập trung, lúc lại linh hoạt chủ động phân tán lực lượng, triệt để thực hiện công tác hậu cần nhân dân, đoàn kết chặt chẽ quân với dân, thực hiện "quân với dân như cá với nước”, giữ nghiêm kỷ luật, đánh chắc thắng, giành thắng lợi từng bước, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn.
Thứ năm, Đại tướng Võ Nguyên Giáp là vị Tổng Tư lệnh mẫu mực về đạo đức cách mạng, có uy tín lớn đối với Đảng, Nhà nước, nhân dân, quân đội và bạn bè quốc tế
Trong cuộc đời cầm quân của mình, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp luôn lan tỏa những phẩm chất cao đẹp, một nhân cách lớn; là một tấm gương mẫu mực về đạo đức cách mạng: Cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư. Đặc biệt, 6 đức tính cần phải có của một vị tướng như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy: "Trí, Dũng, Nhân, Tín, Liêm, Trung” được Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp thực hiện đầy đủ, trọn vẹn. Đại tướng trở thành tấm gương tiêu biểu về sự liêm khiết, giản dị, khoan dung, nhân hậu, khiêm tốn, ham học hỏi, đoàn kết, sống nghĩa tình, hết lòng thương yêu đồng chí, đồng bào; để lại trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế hình ảnh về một vị tướng đức độ, tài năng, một nhà hoạt động thực tiễn xuất sắc; suốt đời tận tụy hy sinh "phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, không màng chút danh lợi, riêng tư. Chính lòng nhân hậu và tính cách đó đã góp phần đưa ông trở thành danh tướng thế giới.
Đại tướng không chỉ thể hiện tư duy độc lập, sáng tạo, quyết đoán của một vị chỉ huy ở tầm chiến lược sắc sảo, mà còn là người tổ chức, hoạt động vô cùng linh hoạt với tinh thần trách nhiệm cao, nghiêm túc và cẩn trọng, dám làm, dám chịu trách nhiệm. Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp-người chỉ huy tối cao của Quân đội ta không bao giờ chấp nhận một chiến thắng phải trả bằng bất kỳ giá nào về xương máu của cán bộ, chiến sĩ do những quyết định tùy tiện hoặc thiếu thận trọng gây ra. Tất cả các quyết định xuất phát từ trái tim của Đại tướng. Đó là cách đánh, cách tiến công nhân văn của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Trong đó, điểm cốt lõi xuyên suốt là "dùng binh là việc nhân nghĩa, muốn cứu nước, cứu dân”, để giải phóng dân tộc thoát khỏi ách thống trị tàn bạo của thực dân, đế quốc, mang lại cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Với Đại tướng, "làm chiến tranh” không phải vì chiến tranh mà vì quyền sống, quyền tự do, độc lập của cả một dân tộc. Mục tiêu đó mang tính chính nghĩa, tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc và làm nên "phong cách cầm quân” của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp. Đại tướng luôn ghi nhớ, noi gương và thực hiện lời căn dặn của lãnh tụ Hồ Chí Minh: Làm cách mạng là phải "Dĩ công vi thượng” (tức là phải đặt lợi ích chung lên trên hết). Cán bộ tham mưu tác chiến có mặt tại Sở Chỉ huy Bộ trong thời điểm một số chiến dịch phát triển không thuận lợi từng chứng kiến Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp nhiều đêm mất ngủ hoặc nhiều lần rơi lệ khi nghe báo cáo tình hình cán bộ, chiến sĩ của ta bị thương vong. Chính nỗi đau và sự trăn trở đó, góp phần quan trọng giúp Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp tìm ra đáp số cho những bài toán hóc búa; bình tĩnh, sáng suốt và quyết đoán xử lý chính xác các tình huống chiến lược, chiến dịch và chiến thuật để vừa đạt được yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến, vừa giảm thương vong cho cán bộ, chiến sĩ. "Chủ nghĩa nhân văn” đã thấm đượm vào tâm hồn vị Tổng Tư lệnh QĐND Việt Nam ngay trong những giờ phút thử thách quyết liệt của cuộc đấu trí, đấu lực với kẻ thù ở cả cấp chiến lược, chiến dịch và chiến thuật.
Phong cách chỉ huy của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp là luôn giữ nguyên tắc, nhưng rất linh hoạt; luôn đề cao vai trò của tập thể, phục tùng tổ chức, coi trọng thực tiễn, lắng nghe ý kiến xác đáng của quần chúng, chuyên gia, cố vấn; dám chịu trách nhiệm trước lịch sử, táo bạo nhưng không tùy tiện, đánh chắc thắng; tạo sự gần gũi, phát huy được tối đa trí tuệ và sức mạnh tập thể, trong đó có vai trò, trí tuệ và sở trường mỗi cá nhân. Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp được nhân dân Việt Nam hết lòng kính trọng, suy tôn là vị "Đại tướng của nhân dân”; cán bộ, chiến sĩ mến phục, suy tôn là người "Anh Cả” của QĐND Việt Nam; xứng đáng là "Tư lệnh của các tư lệnh, Tướng của các tướng”. Nhân dân và nhiều chính trị gia, tướng lĩnh trên thế giới ngưỡng mộ, nể phục nhân cách, đức độ của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, tôn vinh ông là Anh hùng dân tộc của nhân dân Việt Nam.
Đại tướng là một Tổng Tư lệnh "biết đau với từng vết thương của mỗi người lính, biết tiếc từng giọt máu của mỗi chiến binh”[2]. Ông luôn chỉ huy bằng cái tâm trong sáng, đặt sinh mệnh của người lính lên trên hết, trước hết. Quan điểm cốt tử trong chỉ đạo, điều hành cuộc chiến tranh chính nghĩa của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là dứt khoát phải giành bằng được chiến thắng với hiệu quả cao nhất, nhưng phải đi đôi với hạn chế thấp nhất sự hy sinh xương máu của cán bộ, chiến sĩ.
Đối với tù, hàng binh địch, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chỉ đạo đối xử hết sức nhân đạo, tạo sự cảm hóa sâu sắc, khiến cho đối phương bị bại trận phải tâm phục, khẩu phục. Đại tướng không chỉ chỉ huy đánh thắng địch bằng quân sự mà còn thắng quân địch bằng "nhân nghĩa”, "khoan dung” với mọi kẻ thù khi chúng đã đầu hàng; luôn luôn căn dặn cán bộ, chiến sĩ đối xử nhân đạo với tù, hàng binh.
Ba mươi năm chỉ đạo, điều hành cuộc chiến tranh cách mạng (1945-1975), trên cương vị Tổng Tư lệnh quân đội, Đại tướng Võ Nguyên Giáp góp phần quan trọng vào những thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta. Hình ảnh và những cống hiến đặc biệt xuất sắc của Đại tướng đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc luôn sống mãi với non sông, đất nước, trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, đúng như khẳng định của đồng chí Nguyễn Phú Trọng, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng: "Đảng, Nhà nước và nhân dân ta đánh giá cao công lao của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Các thế hệ cán bộ, chiến sĩ Quân đội ta suy tôn đồng chí là Anh Cả của QĐND Việt Nam. Con người, nhân cách và những cống hiến to lớn của đồng chí in đậm trong lòng nhân dân, là vị tướng của nhân dân, mãi mãi lưu danh trong lịch sử dân tộc”[3].
Noi theo tấm gương đạo đức cách mạng ngời sáng và tài năng quân sự xuất chúng của Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, chúng ta cần thực hiện tốt một số nội dung sau:
Thứ nhất, toàn quân cần chủ động phối hợp với các cấp, các ngành, các địa phương quán triệt sâu sắc và triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả đường lối quân sự, quốc phòng mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định: "Phát huy cao nhất sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị kết hợp với sức mạnh thời đại, tranh thủ tối đa sự đồng tình, ủng hộ của cộng đồng quốc tế để bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc... Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm, từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ, vùng trời, vùng biển; giữ vững môi trường hòa bình, ổn định để phát triển”[4].
Thứ hai, khắc phục mọi khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng và chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị; Chỉ thị 87 của Thường vụ Quân ủy Trung ương về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong Đảng bộ Quân đội và toàn quân, cùng với các phong trào thi đua, các cuộc vận động toàn quân, toàn quốc bằng nhiều mô hình, cách làm sáng tạo, phù hợp, hiệu quả, làm sâu sắc thêm truyền thống Quân đội ta; giữ vững và phát huy phẩm chất cao đẹp Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới, coi đây là giải pháp nền tảng góp phần xây dựng quân đội vững mạnh về chính trị. Nâng cao chất lượng công tác chính trị tư tưởng trong tình hình mới, thực hiện tốt chính sách đối với quân đội và hậu phương quân đội. Kịp thời khắc phục những nhận thức, tư tưởng lệch lạc, chủ động đấu tranh phòng, chống những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” trong nội bộ. Tập trung xây dựng cho cán bộ, chiến sĩ có bản lĩnh chính trị kiên định, vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân; có ý chí quyết tâm cao, sẵn sàng nhận và hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ được giao.
Thứ ba, trên cơ sở Kết luận số 16 ngày 7-7-2017 của Bộ Chính trị về tổ chức biên chế quân đội, gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 6 (khóa XII) ngày 28-10-2017 về đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị; Nghị quyết số 606 ngày 16-6-2018 của Quân ủy Trung ương về lãnh đạo triển khai Kết luận số 16 của Bộ Chính trị; các cấp ủy, tổ chức đảng và các cơ quan, đơn vị trong toàn quân chủ động xây dựng kế hoạch, chương trình hành động, đảm bảo chặt chẽ, đồng bộ, khoa học, phù hợp với đặc điểm, chức năng, nhiệm vụ; gắn với thực hiện quan điểm, mục tiêu của các nghị quyết, như: Nghị quyết số 28 ngày 25-12-2013 của Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới; Nghị quyết số 18 ngày 25-10-2017 của Hội nghị Trung ương 6 (khóa XII) về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; Nghị quyết số 29 ngày 25-7-2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về Chiến lược Bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; Nghị quyết số 30 ngày 25-7-2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về Chiến lược An ninh mạng; Nghị quyết số 33 ngày 28-9-2018 của Bộ Chính trị (khóa XII) về Chiến lược Bảo vệ biên giới quốc gia. Quyết liệt điều chỉnh tổ chức quân đội "tinh, gọn, mạnh”, cơ cấu tổ chức đồng bộ, hợp lý giữa các thành phần, lực lượng, phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, giảm đầu mối trung gian, đồng bộ giữa vũ khí trang bị với nhân lực và công tác bảo đảm, hoàn thành tốt nhiệm vụ trong mọi tình huống. Ưu tiên nguồn lực xây dựng đồng bộ hiện đại đối với các lực lượng: Phòng không-Không quân, hải quân, thông tin liên lạc, tác chiến điện tử, trinh sát kỹ thuật, cảnh sát biển, tác chiến không gian mạng, cơ yếu...
Thứ tư, toàn quân cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu, xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, một số quân chủng, binh chủng, lực lượng tiến thẳng lên hiện đại; đến năm 2025, cơ bản xây dựng quân đội tinh, gọn, mạnh, tạo tiền đề vững chắc, phấn đấu đến năm 2030 xây dựng QĐND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vững mạnh về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ [5]. Trước mắt, cần đột phá đổi mới, nâng cao chất lượng huấn luyện, diễn tập, coi trọng huấn luyện kỹ, chiến thuật đồng bộ, chuyên sâu, sát thực tế chiến đấu theo Nghị quyết số 765 của Quân ủy Trung ương. Huấn luyện làm chủ vũ khí trang bị, nhất là vũ khí trang bị mới, hiện đại; kết hợp huấn luyện quân sự với giáo dục chính trị và rèn luyện thể lực của bộ đội, nâng cao bản lĩnh, quyết tâm và khả năng cơ động trong mọi điều kiện, hoàn cảnh. Xây dựng nền công nghiệp quốc phòng độc lập, tự chủ, tự cường, hiện đại và lưỡng dụng, trở thành mũi nhọn của công nghiệp quốc gia; gắn kết công nghiệp quốc phòng với công nghiệp quốc gia, bảo đảm vũ khí, trang bị kỹ thuật cho quân đội, góp phần nâng cao tiềm lực, sức mạnh quân sự, quốc phòng của đất nước.
Thứ năm, xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch, vững mạnh "gương mẫu, tiêu biểu" theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân đội lần thứ XI. Các cấp ủy, tổ chức đảng và mọi cán bộ, đảng viên trong quân đội luôn tuyệt đối trung thành, kiên định Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng. Quán triệt, triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định về công tác xây dựng đảng. Nghiên cứu, bổ sung, hoàn thiện cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với quân đội trong tình hình mới; chấp hành nghiêm nguyên tắc tổ chức và sinh hoạt đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình; các quy định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư về tổ chức đảng và tổ chức cơ quan chính trị trong QĐND Việt Nam. Chăm lo xây dựng các cấp ủy, tổ chức đảng trong Đảng bộ Quân đội thực sự trong sạch, vững mạnh gắn với xây dựng cơ quan, đơn vị vững mạnh toàn diện "mẫu mực, tiêu biểu”, nhất là cấp cơ sở. Thường xuyên củng cố, kiện toàn các cấp ủy, tổ chức đảng; gắn xây dựng đội ngũ cấp ủy viên với cán bộ chủ trì các cấp bảo đảm cơ cấu, chất lượng. Chú trọng nâng cao tính chiến đấu, năng lực lãnh đạo và tổ chức thực hiện nghị quyết ở các cấp. Làm tốt công tác dân vận, thực hiện gắn bó máu thịt quân với dân; phát huy sức mạnh đoàn kết quân-dân trong tổ chức, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ quân sự, quốc phòng.
Thượng tướng NGUYỄN TÂN CƯƠNG
Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng
[1] Ngày 30-11-1946, Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Sắc lệnh số 230/SL, "Ủy quyền Tổng Chỉ huy quân đội toàn quốc cho ông Võ Nguyên Giáp”.
[2] Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp-Người Anh Cả của Quân đội nhân dân Việt Nam, Nxb QĐND, H, 2010, tr.61.
[3] Điếu văn do Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đọc tại Lễ Truy điệu Đại tướng Võ Nguyên Giáp ngày 13-10-2013.
[4], [5] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, tập 1, Nxb CTQGST, H, 2021, tr.155-158.
Theo QĐND.vn
Nhân kỷ niệm 110 năm Ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 - 25/8/2021), sáng 23/8, Đoàn đại biểu Quân ủy Trung ương - Bộ Quốc phòng do Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Quốc phòng làm Trưởng đoàn, đã tới dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, tại nhà 30 Hoàng Diệu, quận Ba Đình (Hà Nội).
(HBĐT) - Chú trọng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tăng cường cải cách hành chính, cải thiện môi trường kinh doanh; phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, từng bước hiện đại. Đó là 3 đột phá chiến lược được Đảng bộ huyện Cao Phong đẩy mạnh trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 nhằm thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Đảng bộ huyện lần thứ XXVIII.
(HBĐT) - Thực hiện phong trào thi đua "Tuổi cao - gương sáng”, hội viên người cao tuổi (NCT) xã Tú Sơn (Kim Bôi) luôn gương mẫu trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, thi đua phát triển kinh tế, hoạt động an sinh xã hội. Từng bước khẳng định vị trí, vai trò của NCT, là điểm tựa vững chắc thế hệ trẻ noi theo, góp phần hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ phát triển KT-XH địa phương.
Kết luận của Bộ Chính trị nhấn mạnh, dù ở bất cứ nơi đâu, đồng bào ta vẫn luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc.
(HBĐT) - Ngày 20/8, đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh thay mặt Ban Thường vụ (BTV) Tỉnh ủy ký ban hành Kế hoạch số 46-KH/TU về học tập, triển khai thực hiện Chuyên đề toàn khoá nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về ý chí tự lực, tự cường và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc”.
Sáng 22/8, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu Đoàn đại biểu lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tới dâng hương, dâng hoa tưởng niệm Đại tướng Võ Nguyên Giáp, nhân kỷ niệm 110 năm ngày sinh của Đại tướng (25/8/1911-25/8/2021).