(HBĐT) - Suốt 10 năm ngược xuôi trên đường Hồ Chí Minh trên biển, đoàn tàu không số đã trải qua hơn 20 cơn bão, chiến đấu với 300 lượt tàu địch, 1.200 máy bay địch, cùng biết bao hy sinh thầm lặng.
Góc trưng bày về đoàn tàu không số tại Bảo tàng Hải quân Việt Nam.
Gần ngày kỷ niệm 60 năm đường Hồ Chí Minh trên biển, chúng tôi có dịp về thăm Bảo tàng Hải quân (Hải Phòng). Đại úy Nguyễn Thu Phương, nhân viên thuyết minh của bảo tàng giới thiệu về những kỳ tích, chiến công và những hiện vật được trưng bày tại bảo tàng: Chấp hành chỉ thị của T.Ư Đảng về việc vận chuyển vũ khí vào Nam bằng đường biển, từ cuối năm 1961 đến đầu năm 1962, lần lượt 6 thuyền gỗ của 4 tỉnh Bến Tre, Cà Mau, Bà Rịa, Trà Vinh ra miền Bắc an toàn. Ngày 23/10/1961, Bộ Quốc phòng ra quyết định thành lập Đoàn vận tải thuỷ 759 có nhiệm vụ vận chuyển vũ khí chi viện chiến trường miền Nam. Phương thức vận chuyển là chủ động, bí mật, bất ngờ, lợi dụng sơ hở của địch để đưa hàng vào bến. Đồng thời phải có sẵn phương án thật linh hoạt, mưu trí, đối phó với địch, khi bị lộ kiên quyết chiến đấu bảo vệ hàng, nếu cần có thể cho huỷ tàu để giữ bí mật con đường.
Con đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên Biển Đông với biết bao kỳ tích đã được mở như thế. Sử dụng thuyền gỗ gắn máy, đi sát ven biển (phương pháp địa văn), vận chuyển được 178 tấn vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam. Giai đoạn 1963 - 1965, Đoàn 759 vận chuyển bằng tàu sắt, đi xa bờ và được giao về Quân chủng Hải quân với phiên hiệu Đoàn 125. Đây là giai đoạn vận chuyển tích cực nhất, hiệu quả nhất của Đoàn 125. Với những con tàu sắt có trọng tải lớn, chở được nhiều hơn, đi xa bờ hơn, ta đã vận chuyển được 80 chuyến, với hơn 4.000 tấn vũ khí cho chiến trường, góp phần làm nên những chiến thắng lớn của quân dân miền Nam như chiến thắng Ấp Bắc (1963), Núi Thành, Vạn Tường (1965).
Tháng 12/1964, tàu 56 của Đoàn 125 chở 44 tấn vũ khí vào Bà Rịa. Tại đây, một trung đoàn bộ đội chủ lực tay không đã chờ sẵn, tiếp nhận vũ khí để tham gia chiến dịch Bình Giã và góp phần to lớn vào thắng lợi của chiến dịch, giải phóng một vùng rộng lớn phía Đông Bắc Sài Gòn. Trận này góp phần giáng một đòn quyết định làm phá sản hoàn toàn chiến lược "chiến tranh đặc biệt” của Mỹ - Nguỵ.
Giai đoạn 1965 - 1968, công tác vận chuyển trên biển đang phát triển thuận lợi thì một việc không may xảy ra. Ngày 16/2/1965, tàu 143 do thuyền trưởng Lê Văn Thêm và chính trị viên Phan Văn Bảng chỉ huy, chở 63 tấn vũ khí khi vào bến Vũng Rô - Phú Yên thì bị địch phát hiện. Con đường vận chuyển vũ khí bí mật bằng đường biển đã bị lộ...
Cuối năm 1968, Đoàn 125 được giao nhiệm vụ tổ chức chiến dịch vận tải gián tiếp VT-5, đưa vũ khí, hàng hoá từ Hải Phòng vào sông Gianh, từ đó hàng theo đường bộ vượt Trường Sơn vào chiến trường. Đây là giai đoạn vận chuyển đầy khó khăn, gian khổ nhưng cũng rất hào hùng của Đoàn 125, vận chuyển được hơn 400 tấn vũ khí chi viện chiến trường miền Nam. Tiêu biểu là chuyến đi của tàu 645 vào quân khu 9, ngày 24/4/1972. Khi chuyển hướng vào bến thì gặp tàu địch tấn công. Chính trị viên Nguyễn Văn Hiệu ra lệnh cho anh em rời tàu, còn anh ở lại điểm hoả các khối bộc phá cho tàu nổ tung và hy sinh anh dũng cùng với con tàu thân yêu của mình trên vùng biển Tây Nam của Tổ quốc.
Năm 1971 - 1972, công tác vận chuyển gặp nhiều khó khăn. Trước tình hình đó, Bộ Quốc phòng giao cho Hải quân phối hợp với Đoàn 371 - Quân khu 9 bí mật chở vũ khí trên những con tàu đánh cá hợp pháp. Trong 2 năm đã vận chuyển được 520 tấn vũ khí vào chiến trường khu 9. Đặc biệt, ta còn đưa đón các đồng chí lãnh đạo cao cấp đi công tác, làm nhiệm vụ chỉ đạo cách mạng miền Nam.
Trải qua 10 năm (1962 - 1972) trực tiếp vận chuyển vũ khí chi viện cho chiến trường miền Nam, cán bộ, chiến sỹ Đoàn 125 Hải quân đã vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, sự phong toả gắt gao, ác liệt của địch để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đoàn đã tổ chức 168 chuyến đi, vận chuyển được 6.105 tấn vũ khí, hàng hoá vào 19 bến trên địa bàn 9 tỉnh ở miền Nam, kịp thời chi viện vũ khí cho quân dân miền Nam làm nên những chiến thắng vang dội, góp phần làm phá sản hoàn toàn chiến lược "chiến tranh đặc biệt”, "chiến tranh cục bộ”, "Việt Nam hóa chiến tranh” của Mỹ - Ngụy, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
Minh Vũ