Hội viên nông dân xã Cao Sơn (Đà Bắc) được cán bộ Hội Nông dân tuyên truyền kiến thức, pháp luật về đất đai và quản lý, bảo vệ rừng.
Tại huyện Mai Châu, đồng bào dân tộc Thái chiếm đa số với gần 60% dân số, dân tộc Mường chiếm trên 14%, dân tộc Mông chiếm 9,6%. Các tổ hòa giải cơ sở đã góp phần tích cực giải quyết vướng mắc xảy ra ở cộng đồng, được chính quyền, người dân đánh giá cao. Tuy nhiên, do việc trang bị kiến thức, kỹ năng cho thành viên tổ hòa giải chưa đồng bộ, nên công tác hòa giải ở cơ sở còn nhiều hạn chế. Đồng chí Sùng A Chênh, Chủ tịch HND huyện Mai Châu cho biết: Ở một số địa bàn, các tổ hòa giải cơ sở còn thiếu kiến thức, năng lực để giải quyết các vấn đề liên quan đến đất đai, quyền sử dụng đất và tài nguyên rừng của cộng đồng DTTS. Do đó, cần được nâng cao năng lực về khung pháp lý, kỹ năng liên quan để có thể hỗ trợ tốt nhất cho người dân và chính quyền trong giải quyết các vướng mắc ở cộng đồng. Dự án L4A dù mới được triển khai nhưng đã phần nào tăng cường năng lực các tổ hòa giải, tổ chức xã hội ở cấp cơ sở cũng như cộng đồng người DTTS, đặc biệt là phụ nữ trong việc xử lý các vấn đề liên quan đến đất và tài nguyên rừng của họ. Qua đó, từng bước góp phần xây dựng chính sách hiệu quả, bền vững.
Với mục tiêu xây dựng đội ngũ giảng viên nguồn ở các địa phương có đủ kiến thức, kỹ năng để đào tạo, hỗ trợ cán bộ cơ sở, tổ hòa giải, già làng, trưởng bản, người có uy tín… về chính sách đất đai, hòa giải các vướng mắc đất đai ở cơ sở, phân tích, đóng góp xây dựng chính sách. Dự án L4A đã triển khai chương trình đào tạo giảng viên nguồn với 5 khoá tập huấn về chính sách đất đai, hòa giải ở cơ sở trong lĩnh vực đất đai và đóng góp xây dựng chính sách đất đai cho đồng bào DTTS trong thời gian 3 năm (2020 - 2023). Học viên tham dự chương trình là cán bộ HND đã có kinh nghiệm, thường xuyên tổ chức các khóa tập huấn, tuyên truyền về chính sách, pháp luật ở địa phương.
Đồng chí Hoàng Hưng, Phó Chánh văn phòng HND tỉnh cho biết: Các vấn đề liên quan đến quyền sử dụng đất thường gây ra những tác động lớn đối với cuộc sống của người DTTS, vì sinh kế của họ phụ thuộc chủ yếu vào tài nguyên đất và rừng. Trong khi đó, đôi khi tiếng nói của họ lại chưa thật sự được lắng nghe. Do đó, việc thực hiện dự án là rất cần thiết. Điểm khác biệt của chương trình đào tạo là các nội dung về chính sách đất đai, hòa giải… được các chuyên gia của dự án thiết kế riêng, phù hợp với đồng bào DTTS khu vực miền núi - đối tượng hưởng lợi đặc thù của dự án. Đến nay, các đơn vị đã phối hợp tổ chức và hoàn thành xong 3 khoá tập huấn. Học viên nâng cao được nhận thức, kỹ năng tham gia góp ý xây dựng chính sách đất đai; kỹ năng hoà giải trong lĩnh vực đất đai. Dự kiến thời gian còn lại trong năm, các học viên sẽ hoàn thành đủ 5 khoá tập huấn. Sau đó, đội ngũ giảng viên nguồn thực hiện chuỗi tập huấn lại tại các địa bàn dự án cho cán bộ cấp cơ sở, thành viên tổ hòa giải ở địa phương, già làng, trưởng bản, người có uy tín… nhằm hỗ trợ hiệu quả về quyền sử dụng đất và tài nguyên rừng của người DTTS.
Thu Hằng