Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã ký Quyết định số 2262/QĐ-TTg ban hành Chương trình tổng thể của Chính phủ về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.
Siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách
Việc xây dựng và thực hiện Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 là yếu tố quan trọng nhằm tạo nguồn lực góp phần khắc phục hậu quả của dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, tạo đà khôi phục và phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022.
Vì vậy, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 cần tập trung thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm trật tự an toàn xã hội để khôi phục và phát triển kinh tế, phấn đấu thực hiện cao nhất các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội đề ra để góp phần đưa tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6 - 6,5%, quy mô GDP bình quân đầu người khoảng 3.900 USD/người.
Theo đó, cần siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính, ngân sách; thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, thu hồi nợ thuế; kiểm soát chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước. Quán triệt quan điểm triệt để tiết kiệm các khoản chi ngân sách nhà nước (kể cả chi đầu tư và chi thường xuyên); tiếp tục cơ cấu lại ngân sách nhà nước, giảm chi thường xuyên, tăng tỉ trọng chi đầu tư phát triển.
Tiếp tục quán triệt nguyên tắc công khai, minh bạch và yêu cầu thực hiện chống lãng phí ngay từ khâu xác định nhiệm vụ; chủ động rà soát, sắp xếp thứ tự ưu tiên các khoản chi thực hiện theo mức độ cấp thiết, quan trọng, khả năng triển khai thực hiện trong phạm vi nguồn ngân sách nhà nước được phân bổ và các nguồn huy động hợp pháp khác. Chỉ trình cấp có thẩm quyền ban hành chính sách, đề án, nhiệm vụ mới khi thực sự cần thiết và có nguồn bảo đảm; dự kiến đầy đủ nhu cầu kinh phí thực hiện các chính sách, chế độ, nhiệm vụ mới đã được cấp có thẩm quyền quyết định; không bố trí dự toán chi cho các chính sách chưa ban hành.
Bên cạnh đó, kiên quyết đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy, giảm đầu mối, tránh chồng chéo, tinh giản biên chế gắn với cơ cấu lại đội ngũ công chức, viên chức. Triển khai quyết liệt công tác sắp xếp, tổ chức lại, đổi mới các đơn vị sự nghiệp công lập bảo đảm tinh gọn, có cơ cấu hợp lý, có năng lực tự chủ, quản trị tiên tiến, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Quyết liệt đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công
Chương trình Tổng thể cũng nêu rõ nội dung về tăng cường quản lý vốn đầu tư công; quyết liệt đẩy mạnh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công gắn với sử dụng vốn đầu tư công có hiệu quả để góp phần thúc đẩy xây dựng và hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cần thiết nhằm nâng cao sức cạnh tranh, hỗ trợ các hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và doanh nghiệp, thu hút các nguồn vốn đầu tư xã hội khác.
Cùng với đó, việc quản lý nợ công được thực hiện theo quy định của Luật Quản lý nợ công năm 2017 và các văn bản hướng dẫn. Việc huy động, quản lý và sử dụng vốn vay phải gắn với việc cơ cấu lại đầu tư công và định hướng huy động, sử dụng nguồn vốn này trong từng thời kỳ; rà soát chặt chẽ kế hoạch sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài; kiên quyết loại bỏ các dự án không thật sự cần thiết, kém hiệu quả. Không bố trí vốn vay cho các nhiệm vụ chi thường xuyên.
Đồng thời, đẩy mạnh triển khai thi hành Luật Quản lý, sử dụng tài sản công và các văn bản quy định chi tiết thi hành Luật, góp phần quản lý chặt chẽ, sử dụng tiết kiệm, khai thác có hiệu quả tài sản công, phòng, chống thất thoát, lãng phí, tham nhũng, phát huy nguồn lực nhằm tái tạo tài sản và phát triển kinh tế - xã hội; tích cực thực hiện chuyển đổi số quốc gia, gắn các mục tiêu chuyển đổi số quốc gia với các mục tiêu thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí thực hiện trên tất cả các lĩnh vực
Việc thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2022 được thực hiện trên tất cả các lĩnh vực theo quy định của Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
Cụ thể, trong quản lý, sử dụng kinh phí chi thường xuyên của ngân sách nhà nước, năm 2022, thực hiện siết chặt kỷ luật tài khóa - ngân sách nhà nước; bảo đảm chi ngân sách nhà nước tiết kiệm, hiệu quả và theo đúng dự toán được Quốc hội thông qua; quyết liệt đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động đơn vị sự nghiệp công lập theo tinh thần Nghị quyết số 19-NQ/TW ngày 25/10/2017; tập trung thực hiện chuyển đổi đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần theo danh mục được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 26/2021/QĐ-TTg ngày 12/8/2021 đảm bảo đúng quy định, công khai minh bạch, không làm thất thoát tài sản nhà nước.
Ngân sách nhà nước không hỗ trợ chi thường xuyên đối với đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo toàn bộ chi đầu tư và chi thường xuyên, đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo chi thường xuyên. Các đơn vị sự nghiệp công lập tự đảm bảo một phần chi thường xuyên thuộc các bộ, cơ quan trung ương xây dựng dự toán chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2022-2025 giảm tối thiểu 15% so với dự toán chi ngân sách nhà nước giai đoạn 2017-2021, năm 2022 giảm tối thiểu 2,5% chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước, giảm biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước tương ứng mức giảm chi thường xuyên từ ngân sách, hướng tới mục tiêu năm 2025 giảm tối thiểu bình quân cả nước 10% số lượng đơn vị sự nghiệp công lập và 10% biên chế sự nghiệp hưởng lương từ ngân sách nhà nước so với năm 2021.
Các đơn vị sự nghiệp công lập do ngân sách nhà nước đảm bảo chi thường xuyên thuộc các bộ, cơ quan trung ương tiếp tục giảm bình quân 10% chi trực tiếp từ ngân sách nhà nước so với giai đoạn 2016 - 2020, dự toán chi năm 2022 giảm tối thiểu 2% chi hỗ trợ trực tiếp từ ngân sách nhà nước trừ các dịch vụ công cơ bản, thiết yếu do ngân sách nhà nước đảm bảo.
Trong quản lý, sử dụng vốn đầu tư công, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các quy định của Luật Đầu tư công số 39/2019/QH14 và các Nghị định hướng dẫn Luật để vốn đầu tư công thực sự đóng vai trò dẫn dắt, thu hút các nguồn vốn đầu tư từ các khu vực kinh tế ngoài nhà nước; tạo chuyển biến rõ nét trong đột phá chiến lược về phát triển hạ tầng, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm an sinh xã hội, đặc biệt là đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng theo phương thức đối tác công tư; thực hiện tiết kiệm từ chủ trương đầu tư, chỉ quyết định chủ trương đầu tư các dự án có hiệu quả và phù hợp với khả năng cân đối nguồn vốn đầu tư công; đảm bảo 100% các dự án đầu tư công có đầy đủ thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư công.
Bên cạnh đó, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong năm 2022 tập trung tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong giải ngân vốn đầu tư công, rà soát việc phân bổ vốn cho các dự án phù hợp với tiến độ thực hiện và khả năng giải ngân; kiên quyết khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, lãng phí, kém hiệu quả; thực hiện cắt bỏ những dự án chưa thực sự cần thiết, kém hiệu quả; cắt giảm số lượng các dự án khởi công mới, bảo đảm từng dự án khởi công mới phải có giải trình cụ thể về sự cần thiết, hiệu quả đầu tư và sự tuân thủ các quy định pháp luật. Không bố trí vốn ngân sách trung ương cho các dự án khởi công mới nhóm C của địa phương, trừ trường hợp đã có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.
Thực hiện nghiêm việc thu hồi các diện tích đất không đúng quy định
Trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, Chương trình Tổng thể nêu rõ nội dung về việc quản lý chặt chẽ, nâng cao hiệu quả sử dụng, phát huy nguồn lực kinh tế, tài chính từ đất đai cho phát triển kinh tế. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai và theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các kết luận thanh tra, kiểm tra đã ban hành để phát hiện, xử lý kiên quyết, dứt điểm các vi phạm, không để tồn tại kéo dài. Thực hiện nghiêm việc xử lý, thu hồi các diện tích đất đai, mặt nước sử dụng không đúng quy định của pháp luật, sử dụng đất sai mục đích, sai quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, sử dụng lãng phí, kém hiệu quả, bỏ hoang hóa và lấn chiếm đất trái quy định.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng tập trung giữ những lĩnh vực then chốt, thiết yếu; những địa bàn quan trọng về quốc phòng, an ninh; những lĩnh vực mà doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác không đầu tư; rà soát, xử lý các tồn tại, yếu kém của doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước; thực hiện có hiệu quả các quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của chủ sở hữu nhà nước đối với doanh nghiệp nhà nước và vốn nhà nước tại doanh nghiệp…
Theo Baotintuc
(HBĐT) - Năm 2021, công tác phát triển đảng viên trên địa bàn huyện Yên Thủy tiếp tục được quan tâm. Huyện đã có nhiều giải pháp tạo nguồn, bồi dưỡng, rèn luyện, giúp đỡ hiệu quả để kết nạp quần chúng ưu tú là đoàn viên thanh niên, hội viên hội phụ nữ, hội viên hội nông dân vào Đảng.
Từ 63 ứng viên, Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam đã bầu 52 nhân sự tham gia Ban Chấp hành Hội Nhà báo Việt Nam khoá XI, nhiệm kỳ 2020-2025.
Sáng 31/12, tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã dự Đại hội đại biểu toàn quốc Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam lần thứ VII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 với chủ đề "Doanh nghiệp vững mạnh – Quốc gia thịnh vượng”.
Sáng 31/12, Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nhà báo Việt Nam lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025) đã diễn ra tại Hà Nội.
(HBĐT) - Nhân dịp đón chào năm mới 2022, đồng chí BÙI VĂN KHÁNH, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh có bài viết đánh giá những kết quả đạt được trong năm 2021 và những định hướng, giải pháp phát triển KT-XH của tỉnh năm 2022. Báo Hòa Bình điện tử xin trân trọng giới thiệu bài viết của đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh.