Các đồng chí lãnh đạo tỉnh, Ban chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 tỉnh và các y, bác sỹ tại lễ ra quân hỗ trợ TP Hà Nội phòng, chống dịch Covid-19.
Những mệnh lệnh từ trái tim
Ngày 22/7/2021, thời tiết nắng nóng khiến nhiều người chỉ muốn được trở về nhà sau ngày làm việc mệt mỏi dưới cái nóng như rang giữa hè. Lúc này, trên phố, một đoàn xe chở nhóm y bác sỹ mặc đồ bảo hộ kín mít, lao nhanh về phía ngoại thành. Thông tin mới nhất, tại công ty Avina thuộc khu công nghiệp Yên Quang (TP Hòa Bình) thông báo 1 trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2, lực lượng thường trực truy vết lấy mẫu thuộc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tỉnh tức tốc lên đường. Tổ công tác thực hiện truy vết xuyên đêm, khoanh vùng lấy mẫu xét nghiệm và chuyển thẳng về khoa xét nghiệm thuộc CDC tỉnh. 6h ngày hôm sau, toàn bộ mẫu xét nghiệm PCR của các F1 đã có kết quả, phục vụ công tác phòng, chống dịch (PCD).
Có mặt tại nhiều "điểm nóng” dịch bệnh trên địa bàn tỉnh, bác sỹ Bùi Văn Phón, Trưởng Khoa Truyền nhiễm (CDC tỉnh) cho biết: Ngay khi dịch Covid-19 bùng phát, CDC tỉnh đã thành lập một đội thường trực truy vết, lấy mẫu xét nghiệm. Anh em cán bộ xác định tâm thế vào cuộc quyết liệt, lên đường không kể thời gian với quyết tâm cao nhất, hành động nhanh chóng khoanh vùng ổ dịch và các yếu tố nguy cơ để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Nếu lực lượng truy vết phải chạy đua với thời gian, chạy đua với tốc độ lây lan của virus để lấy mẫu xét nghiệm nhiều nhất, nhanh nhất có thể thì những cán bộ làm công tác xét nghiệm lại "chạy đua tại chỗ”, gần như làm việc 24/24h để cho ra kết quả chính xác nhất, nhanh nhất, đáp ứng nhu cầu cấp bách trong PCD Covid-19. Để thực hiện xét nghiệm PCR, trước tiên lực lượng y tế phải phân loại, đánh số, ghi mã, kiểm tra xem mẫu đã đảm bảo hay chưa, sau đó mới đưa vào phòng xét nghiệm. Trung bình mỗi mẻ xét nghiệm khoảng 90 mẫu, thời gian mỗi mẻ khoảng 3 - 4 tiếng. Tuy nhiên có những ngày, số lượng mẫu phải xét nghiệm lên đến 1.000 - 2.000 mẫu. Vì vậy, nhiều thời điểm, cán bộ xét nghiệm liên tục làm việc thâu đêm và hàng tháng trời không thể về nhà. Họ ăn ngủ tại chỗ, từng nhóm thay nhau nghỉ rồi lại làm, liên tục như vậy trong nhiều ngày. Tiếp xúc trực tiếp với mầm bệnh nên tất cả phải mặc quần áo bảo hộ kín mít, làm việc trong môi trường áp lực âm nhiều ngày liên tục, cán bộ xét nghiệm cũng không khác những y, bác sỹ nơi tuyến đầu chống dịch với khuôn mặt hằn vết đỏ do đeo khẩu trang liên tục, những bàn tay nhăn nheo, trắng bệch vì đeo găng tay suốt ngày. Điều họ lo lắng nhất không phải là sự kiệt sức của bản thân mà là máy móc có thể quá tải.
"Đây là dịch bệnh chưa từng có trong tiền lệ, bản thân cán bộ, y, bác sỹ cũng chưa thể hiểu hết về dịch bệnh. Tuy nhiên, với trách nhiệm, lương tâm của người thầy thuốc, các y, bác sỹ trung tâm đều phải vào cuộc, trực tiếp tham gia chống dịch” - bác sỹ Kiều Đình Vì, Giám đốc CDC tỉnh chia sẻ.
Thực tế khi đợt dịch thứ 4 bùng phát, tỉnh huy động tất cả lực lượng y tế cho công tác PCD. Khó nói hết được những gian khổ, sự hy sinh của các y, bác sỹ tuyến đầu. Đó là những nữ y tá đã bỏ lại con nhỏ, gác lại trách nhiệm chăm lo cho gia đình để vào khu điều trị F0 trắng đêm theo dõi từng nhịp thở bệnh nhân, thay người nhà chăm sóc, theo dõi từng bữa ăn, giấc ngủ cho người bệnh. Là cán bộ trung tâm y tế các huyện, thành phố dầm mình trong những bộ quần áo bảo hộ dưới cái nắng, nóng liên tục gần 400C tại các trạm, chốt kiểm soát dịch bệnh để trực tiếp lấy mẫu xét nghiệm. Là những cán bộ y tế trắng đêm viết đơn tình nguyện lên đường vào Nam chống dịch khi cuộc chiến với Covid-19 trong giai đoạn ác liệt nhất. Là những y, bác sỹ vừa hết F0 đã vội vàng quay trở lại với người bệnh…
Tri ân những "chiến sỹ áo trắng"
"Trong thời gian điều trị, các y, bác sỹ, điều dưỡng nhiệt tình, tận tụy chăm sóc chúng tôi không kể ngày đêm. Họ làm việc rất vất vả, luôn đặt tính mạng của bệnh nhân lên hàng đầu để chúng tôi, những người bệnh khi vào viện rất nặng đến hôm nay đã được ổn định như thế này”. Đó là lời cảm ơn chân thành của bà L.T.X, 62 tuổi - một bệnh nhân mắc Covid-19 khá nặng trong ngày ra viện gửi đến y, bác sỹ Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Có lẽ đối với mỗi thành viên tuyến đầu, nhận được những lời cảm ơn, hay chỉ đơn giản là hàng ngày đi động viên, thăm hỏi từng bệnh nhân, cảm nhận được cố gắng của người bệnh trong từng nhịp thở chính là động lực để vượt qua những khó khăn, thách thức.
Trong cuộc chiến gian nan ấy đã có những mất mát, đã có những y, bác sỹ bị nhiễm virus SARS-CoV-2, nhưng bằng tình yêu thương, trách nhiệm với cộng đồng - những chiến sỹ áo trắng luôn nỗ lực từng ngày, nỗ lực để điều trị tốt nhất cho bệnh nhân. Tính đến nay, tỉnh đã điều trị khỏi hàng chục nghìn bệnh nhân mắc Covid-19. "Đây là niềm động viên lớn nhất để y, bác sỹ chúng tôi tiếp tục chiến đấu với dịch bệnh, mang lại sức khỏe, nụ cười cho bệnh nhân và đó là niềm hy vọng, là niềm tin mãnh liệt sẽ chiến thắng Covid” - bác sỹ Hoàng Đại Tá, Bệnh viện dã chiến số 1 chia sẻ.
Ngày 27/2 - kỷ niệm 67 năm ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2022), thấm nhuần lời dạy của Bác, những người thầy thuốc đã "kể” những câu chuyện thật đẹp về sự hy sinh thầm lặng của những "chiến sỹ” trên mặt trận không tiếng súng, họ hy sinh tất cả niềm riêng vì nhiệm vụ chung chữa bệnh cứu người, PCD bệnh, bảo vệ sức khỏe cho Nhân dân.
Tri ân các "chiến sỹ áo trắng", lực lượng tuyến đầu bằng trái tim và bằng hành động tích cực, mỗi người dân hãy xem chính mình là một "chiến sỹ” trên mặt trận PCD. Tuân thủ chặt chẽ quy định "5K”, bảo vệ an toàn cho bản thân và gia đình, đẩy lùi được đại dịch, để những "chiến sỹ áo trắng" được trở về bên gia đình thân yêu.