(HBĐT) - Tại Hội nghị Thường trực HĐND 14 tỉnh Trung du và Miền núi phía Bắc lần thứ nhất, nhiệm kỳ 2021 - 2026 có 7 ý kiến tham luận của đại diện HĐND các tỉnh. Báo Hòa Bình trích đăng các ý kiến.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu HĐND



Đồng chí Nguyễn Thái Hưng, Chủ tịch HĐND tỉnh Sơn La. 

Để nâng cao chất lượng đại biểu HĐND trong nhiệm kỳ mới, góp phần quyết định nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, Thường trực HĐND tỉnh Sơn La đã và đang triển khai một số giải pháp sau:

Một là, đảm bảo sự lãnh đạo toàn diện của Đảng đối với hoạt động của HĐND, nhất là công tác cán bộ. Thực tiễn cho thấy, nơi nào quan tâm giới thiệu người tham gia đại biểu HĐND có đủ năng lực, trình độ, nơi đó chất lượng, hiệu quả hoạt động của HĐND được nâng lên.

Hai là, ban hành, sửa đổi bổ sung Quy chế hoạt động của HĐND tỉnh nhiệm kỳ 2021-2026, trong đó có quy định cụ thể về trách nhiệm và quyền của đại biểu HĐND; ban hành quy định đánh giá, xếp loại hoạt động hằng năm và cả nhiệm kỳ các Ban của HĐND, Tổ đại biểu HĐND tỉnh, trong đó có các tiêu chí về hoạt động của đại biểu HĐND làm cơ sở để đánh giá kết quả hoạt động của các Ban, các Tổ đại biểu.

Ba là, xây dựng các kế hoạch hoạt động và giao nhiệm vụ đặt hàng cụ thể để Tổ đại biểu HĐND, đại biểu HĐND tham gia tích cực vào các hoạt động của HĐND. Chỉ đạo các Ban, Tổ đại biểu HĐND thực hiện giám sát và tái giám sát kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri do các Tổ đại biểu tổng hợp, gửi Thường trực HĐND tỉnh chuyển đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Bốn là, quan tâm bồi dưỡng, tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng hoạt động cho đại biểu HĐND. Tập trung xây dựng các chuyên đề về kỹ năng ứng xử đối với các tình huống phát sinh từ thực tiễn cơ sở để giúp đại biểu có thêm kiến thức, kinh nghiệm cả về lý luận và thực tiễn để áp dụng vào thực tế hoạt động, nhất là đại biểu kiêm nhiệm, đại biểu lần đầu tham gia HĐND.

Năm là, thực hiện tốt việc cung cấp thông tin cho đại biểu để giúp đại biểu tiếp cận thông tin nhanh nhất, cung cấp đầy đủ tài liệu, các văn bản có liên quan, nhất là tài liệu về chủ trương, chính sách mới của Đảng, Nhà nước và thông tin về tình hình phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh ở địa phương, tài liệu của kỳ họp.


Vẫn còn nhiều vướng mắc trong giám sát giải quyết kiến nghị của cử tri



Đồng chí Đinh Hữu Học, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Lạng Sơn. 

Hoạt động giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri; đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân chủ yếu là do các đại biểu chuyên trách thực hiện. Mặt khác, lĩnh vực giải quyết kiến nghị của cử tri; giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân rất rộng đòi hỏi các đại biểu HĐND phải có kiến thức chuyên môn sâu, am hiểu pháp luật, trong khi hoạt động thu thập, xử lý thông tin, tự nghiên cứu văn bản luật và các văn bản có liên quan của một số ít đại biểu còn hạn chế. Cho nên, một số đại biểu chưa trao đổi, giải thích và làm rõ những nội dung đã được xem xét, giải quyết hoặc những kiến nghị chưa được xem xét, giải quyết do cơ chế, chính sách và nguồn lực; vẫn còn một số kiến nghị không thuộc thẩm quyền tổng hợp chuyển đến Thường trực HĐND tỉnh... 

Công tác phối hợp giữa các sở, ngành và UBND các huyện, thành phố, nhất là các cơ quan được giao chủ trì xem xét, giải quyết kiến nghị cử tri, đơn thư khiếu nại, tố cáo có lúc, có việc chưa thống nhất, chưa đảm bảo chặt chẽ; việc chỉ đạo giải quyết chưa quyết liệt, chưa bám sát nội dung, chưa đưa ra lộ trình và biện pháp giải quyết cụ thể, dẫn đến việc cử tri và công dân kiến nghị, gửi đơn thư nhiều lần, vượt cấp; việc giải quyết kiến nghị, đơn thư của một số huyện, ngành chưa nghiêm túc, chưa triệt để, một số nội dung trả lời còn chung chung, chưa đúng pháp luật. Công tác kiểm tra, đôn đốc xem xét kiến nghị của cử tri, đơn thư của công dân của các cơ quan chức năng có lúc, có việc chưa được quan tâm đúng mức; một số đơn thư, kiến nghị đã được tiếp thu, giải quyết nhưng cơ quan có trách nhiệm chưa đề ra lộ trình cụ thể... 


Phát huy năng lực, trách nhiệm của đại biểu HĐND, nhấn mạnh vai trò của truyền thông trong hoạt động chất vấn



Đồng chí Mai Thúy Nga, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Thái Nguyên. 

HĐND tỉnh Thái Nguyên đã phát huy tối đa năng lực, trách nhiệm của đại biểu HĐND: Tăng cường công tác tập huấn, bồi dưỡng để đại biểu HĐND làm tốt vai trò của mình trong hoạt động chất vấn, giải trình có thể đưa ra những câu hỏi cụ thể, rõ ràng, thể hiện chính kiến của mình, của cử tri, của địa phương hoặc vấn đề điển hình của việc thực thi pháp luật của các ngành, các cấp chính quyền. Đồng thời, tạo kênh thông tin chính thống để đại biểu có thông tin chính xác, kết hợp với việc đi khảo sát thực tế hoặc qua giám sát để lựa chọn vấn đề cử tri quan tâm. Quá trình chất vấn đòi hỏi người đại biểu phải có bản lĩnh, tự tin và nghị lực, không nể nang, e ngại; tranh luận đến cùng vấn đề đại biểu đưa ra để làm sáng tỏ và tìm ra những giải pháp có tính khả thi. Đối với những nội dung chất vấn trả lời bằng văn bản, đại biểu không đồng tình với nội dung trả lời thì có quyền đề nghị HĐND thảo luận tại kỳ họp hoặc kiến nghị HĐND xem xét trách nhiệm đối với người được chất vấn. 

Ngoài ra, HĐND tỉnh đã nhấn mạnh vai trò của truyền thông trong hoạt động chất vấn, giải trình: Hoạt động chất vấn, giải trình cần công khai, truyền hình, truyền thanh trực tiếp cũng như đăng tải các phóng sự, phỏng vấn về nội dung được chất vấn, đánh giá của cử tri và Nhân dân. Đặc biệt, các văn bản, tài liệu, nội dung trả lời cần đăng tải công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát. 


Nâng cao chất lượng công tác giám sát việc giải quyết các kiến nghị của cử tri



Đồng chí Chu Lê Chinh, Phó Chủ tịch thường trực HĐND tỉnh Lai Châu.

Để nâng cao chất lượng công tác giám sát, giải quyết kiến nghị của cử tri, HĐND tỉnh Lai Châu chú trọng các biện pháp: Nêu cao trách nhiệm đại biểu trong tiếp nhận, xử lý ý kiến, kiến nghị của cử tri; nâng cao chất lượng tổng hợp, phân loại, giảm số lượng kiến nghị chuyển UBND tỉnh.Chủ động theo sát tiến độ xem xét, giải quyết kiến nghị của cử tri của UBND tỉnh; thường xuyên đôn đốc UBND tỉnh và các cơ quan chức năng trong việc giải quyết các kiến nghị; không thụ động, không đợi báo cáo bằng văn bản của cơ quan chức năng rồi mới tiến hành lựa chọn nội dung kiến nghị để giám sát.Nâng cao trách nhiệm của cơ quan được giám sát, trong đó tập trung giám sát đối với đầu mối là UBND tỉnh - cơ quan có thẩm quyền giải quyết cao nhất đối với những kiến nghị của cử tri thuộc cấp tỉnh; hạn chế việc giám sát, làm việc với từng sở, ngành nếu không thực sự cần thiết.

Xây dựng báo cáo phải cụ thể, nêu rõ kiến nghị nào đã giải quyết xong, những kiến nghị nào đang giải quyết, những kiến nghị chưa giải quyết; nguyên nhân, trách nhiệm của các bên liên quan và đưa ra những đề xuất, kiến nghị phù hợp. Trường hợp cần thiết thì kiến nghị HĐND ban hành nghị quyết về giám sát.


Nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ họp



Đồng chí Hoàng Thị Thanh Bình, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Yên Bái.

Nhằm nâng cao chất lượng công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ họp, Thường trực HĐND tỉnh Yên Bái xin được trao đổi một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, Đảng đoàn, Thường trực HĐND tỉnh sớm thống nhất nội dung, chương trình, thời gian tổ chức kỳ họp với UBND tỉnh, UB MTTQ Việt Nam tỉnh; trình BTV Tỉnh uỷ cho chủ trương về nội dung, chương trình kỳ họp; thường xuyên chỉ đạo đổi mới công tác chuẩn bị và tổ chức kỳ họp; phân công nhiệm vụ rõ ràng cho các ban, văn phòng và chỉ đạo phối hợp chặt chẽ trong việc chuẩn bị các nội dung, chương trình kỳ họp;

Thứ hai, các Ban của HĐND tỉnh chuẩn bị và tổ chức tốt hoạt động thẩm tra. Các thành viên chủ động nghiên cứu các báo cáo, đề án, dự thảo nghị quyết, tổ chức khảo sát tình hình thực tế đối với những vấn đề liên quan đến quyền lợi của Nhân dân. Để thuận lợi cho hoạt động thẩm tra, phải yêu cầu cơ quan trình dự thảo nghị quyết, bảo đảm đầy đủ của hồ sơ theo quy định.

Thứ ba, tiếp tục phát huy, nâng cao vai trò chủ tọa kỳ họp trong các hoạt động điều hành, gợi ý thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn. Bố trí thời gian các phiên họp hợp lý, rút ngắn thời gian trình bày các báo cáo, tờ trình (trình bày bản tóm tắt); điều hành linh hoạt nội dung thảo luận tại hội trường,

Thứ tư, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về kỳ họp để cử tri có điều kiện theo dõi, giám sát hoạt động của HĐND; đồng thời qua đó để nhân dân hiểu và tự giác thực hiện chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và nghị quyết của HĐND.

Thứ năm, nâng cao vai trò, trách nhiệm của đại biểu HĐND trong các hoạt động kỳ họp, đại biểu chủ động và dành thời gian nghiên cứu kỹ các văn bản, tài liệu trình kỳ họp, có nhiều ý kiến góp ý xây dựng cho các báo cáo, đề án, nghị quyết.

Thứ sáu, Văn phòng tiếp tục quan tâm làm tốt vai trò tham mưu, giúp việc; tăng cường đôn đốc việc gửi tài liệu kỳ họp đúng tiến độ để kịp thời.

 
Quan tâm bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm hoạt động của các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử



Đồng chí Giàng Thị Hoa, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Điện Biên. 

Hoạt động chất vấn, giải trình của HĐND là một trong những hình thức giám sát trực tiếp, là diễn đàn dân chủ, thể hiện quyền lực của cơ quan dân cử ở địa phương, quyền và trách nhiệm của từng đại biểu HĐND, cũng như trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương đối với những vấn đề nổi cộm, bức xúc mà đại biểu, cử tri và Nhân dân quan tâm.

Nhằm nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của HĐND, Thường trực HĐND tỉnh, đề nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét sửa đổi hoặc sớm ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015, trong đó quy định cụ thể hơn nữa chế tài xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân không nghiêm túc thực hiện các cam kết, kết luận chất vấn tại kỳ họp của HĐND và tại phiên họp Thường trực HĐND tỉnh. Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiếp tục quan tâm, chỉ đạo tổ chức các hội nghị bồi dưỡng, trao đổi kinh nghiệm hoạt động của các cơ quan dân cử, đại biểu dân cử, nhất là bồi dưỡng kỹ năng giám sát, chất vấn cho đại biểu HĐND. 


Hướng dẫn cụ thể hơn về tổ chức hoạt động của Tổ đại biểu HĐND



Đồng chí Phạm Thị Minh Xuân, Phó Chủ tịch  HĐND tỉnh Tuyên Quang. 

Chất lượng, hiệu quả hoạt động của đại biểu đã góp phần quyết định vào những đổi mới, chất lượng và hiệu quả hoạt động của HĐND tỉnh. Trong nhiệm kỳ 2016 - 2021 và đầu nhiệm kỳ 2021 - 2026 đến nay, HĐND tỉnh tổ chức thành công 21 kỳ họp (14 kỳ họp thường lệ, 05 kỳ họp chuyên đề và 02 kỳ họp bất thường), thông qua 333 nghị quyết trên các lĩnh vực, kịp thời giải quyết những vấn đề thực tiễn đặt ra và điều chỉnh toàn diện các lĩnh vực đời sống xã hội trên địa bàn tỉnh. Việc chuẩn bị và tổ chức kỳ họp được thực hiện chặt chẽ, đảm bảo chất lượng, hiệu quả; thảo luận, chất vấn diễn ra sôi sổi, dân chủ, trách nhiệm; điều hành kỳ họp khoa học, linh hoạt và ứng dụng hiệu quả công nghệ thông tin. Thường trực HĐND, các Ban của HĐND tỉnh đã thực hiện 67 cuộc giám sát về thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ chủ yếu, những vấn đề cụ thể, nút thắt trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội cần kịp thời tháo gỡ. Hoạt động giám sát có nhiều đổi mới về cách thức tiến hành; chất lượng, hiệu quả giám sát được nâng lên, đặc biệt giám sát chuyên đề có minh hoạ bằng hình ảnh được chú trọng thực hiện góp phần tăng hiệu quả giám sát. 

Để nâng cao hiệu quả, chất lượng hoạt động của đại biểu, Thường trực HĐND tỉnh xin được kiến nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Có hướng dẫn cụ thể hơn về tổ chức hoạt động của Tổ đại biểu HĐND (chế độ, cơ chế thông tin, họp, cách thức tổ chức hoạt động giám sát của), nhiệm vụ của Tổ trưởng, Tổ phó Tổ đại biểu HĐND. Ban hành quy định về chế độ, thẩm quyền khen thưởng đối với các Ban của HĐND, đại biểu HĐND và Tổ đại biểu HĐND.

PV (t/h)

Các tin khác


Tuổi trẻ huyện Tân Lạc thắp sáng truyền thống quê hương anh hùng

Tân Lạc là huyện có bề dày lịch sử. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân huyện Tân Lạc đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu, lao động, sản xuất. Với khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, huyện Tân Lạc đã đóng góp trên 45.000 tấn lương thực, thực phẩm; trên 2.900 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 190 gia đình có từ 2 - 4 con đi bộ đội.

Chuyển động trong công tác xây dựng Đảng

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó đặc biệt quan tâm công tác cán bộ, lấy sản phẩm để đánh giá năng lực cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhờ vậy đã tạo nên sự chuyển động của bộ máy cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Nhịp sống mới ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Đà Bắc là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều chiến công trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhiều năm qua, đất và người Đà Bắc luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Xã Đồng Tâm thiết thực học tập và làm theo Bác

Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) trong học tập và làm theo Bác.

Đồng chí Đoàn Tiến Lập được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn

Chiều 26/4, HĐND huyện Lương Sơn khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức kỳ họp thứ 17 - kỳ họp chuyên đề về công tác cán bộ, bầu Chủ tịch UBND huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục