LTS: Trong khuôn khổ Kỳ họp thường kỳ giữa năm 2022 diễn ra từ ngày 14 – 15/7, HĐND tỉnh đã giành thời gian 1 buổi sáng để thảo luận, chất vấn và trả lời chất vấn các vấn đề mà cử tri và Nhân dân quan tâm. Tại phiên chất vấn, đã có 4 đại biểu chất vấn các vấn đề: Quản lý khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng; quản lý đất lâm nghiệp; thực hiện dự án cải tạo nâng cấp đường Hoàng Văn Thụ, TP Hòa Bình và vấn đề  BHYT. Báo Hòa Bình trích đăng các ý kiến chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp.


Đồng chí Nguyễn Trần Anh, Giám đốc Sở TN&MT trả lời chất vấn của đại biểu Bùi Văn Luyến, Tổ đại biểu huyện Đà Bắc.

Xử lý các sai phạm liên quan đến các dự án trồng rừng trên địa bàn tỉnh

Bùi Văn Luyến, Tổ đại biểu huyện Đà Bắc chất vấn: Đề nghị UBND tỉnh cho biết đã chỉ đạo khắc phục những sai lệch, chồng lấn trong giao đất lâm nghiệp theo Quyết định số 672/QĐ-TTg, ngày 28/4/2006 của Thủ tướng Chính phủ trên địa bàn tỉnh như thế nào? Đến bao giờ thì khắc phục xong? Đề nghị UBND tỉnh cho biết kết quả chỉ đạo, thực hiện các kiến nghị trong Kết luận số 05/KL-Ttr, ngày 14/2/2022 của Thanh tra tỉnh về việc thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng và việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với 10 dự án trồng rừng trên địa bàn tỉnh.

Đồng chí Nguyễn Trần Anh, Giám đốc Sở TN&MT trả lời:  Về khắc phục những sai lệch, chồng lấn trong giao đất lâm nghiệp theo Quyết định 672/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ: Thực hiện Quyết định 672/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt 2 dự án thành lập bản đồ địa chính, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp cho 8 tỉnh miền núi phía Bắc, duyên hải Bắc Trung Bộ và 9 tỉnh duyên hải miền Trung, Đông Nam Bộ, ngày 22/1/2007, UBND tỉnh đã phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán thành lập bản đồ địa chính 1/10.000 và hồ sơ địa chính cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp tỉnh Hoà Bình tại Quyết định số 127/QĐ-UBND; phê duyệt bổ sung kinh phí tại Quyết định số 946/QĐ-UBND, ngày 6/6/2011 (sau đây gọi tắt là dự án 672). 

Bản đồ địa chính đất lâm nghiệp tỷ lệ 1/10.000 được thành lập trên bản đồ nền tỷ lệ 1/10.000 (khoanh khu vực đất lâm nghiệp) do Bộ TN&MT cung cấp được thực hiện bằng phương pháp đo vẽ ảnh hàng không; theo thiết kế kỹ thuật - dự toán được duyệt đo vẽ chi tiết được thực hiện bằng phương pháp xét đoán tương quan (khoanh vẽ), đo vẽ bằng công nghệ GPS cầm tay nên sai sót lớn và thực hiện trước khi có Thông tư 25/2014/TT-BTNMT, ngày 19/5/2014 của Bộ TN&MT, đến nay có nhiều biến động, do đó cần phải đo đạc lại cấp giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính theo quy định tại Điểm 3.4, Mục 3, Điều 17, Thông tư số 25/2014/TT-BTNMT của Bộ TN&MT. 

UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở TN&MT báo cáo xin chủ trương thiết kế kỹ thuật - Dự toán đo đạc lập bản đồ địa chính gắn với đăng ký lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu đất lâm nghiệp. Sở TN&MT đã báo cáo UBND tỉnh cho chủ trương lập thiết kế kỹ thuật - dự toán đo đạc lập bản đồ địa chính gắn với đăng ký, lập hồ sơ địa chính, cấp giấy chứng nhận và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính đất lâm nghiệp trên địa bàn 7 huyện (trừ các huyện, thành phố thực hiện trong dự án tổng thể đang xin chủ trương, lập thiết kế kỹ thuật dự toán: Huyện Đà Bắc đang trong quá trình phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán; TP Hoà Bình và huyện Lương Sơn), thời gian thực hiện từ năm 2023 - 2026. 

Về xử lý các vi phạm về đất đai, đầu tư, xây dựng và nghĩa vụ tài chính các dự án trồng rừng trên địa bàn tỉnh: Thực hiện Kết luận thanh ra số 05/KL-TTr, ngày 14/2/2022 của Thanh tra tỉnh về việc thực hiện các quy định của pháp luật về đất đai, đầu tư, xây dựng và việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với 10 dự án trồng rừng trên địa bàn tỉnh, sau khi kiểm tra, rà soát hồ sơ các nội dung có liên quan, ngày 6/4/2022, Sở TN&MT đã có Công văn số 1140/STNMT-QLĐĐ gửi UBND các huyện Đà Bắc, Cao Phong và các cơ quan có liên quan về việc thực hiện Kết luận thanh tra số 05/KL-TTr, ngày 14/2/2022 của Thanh tra tỉnh, trong đó đề nghị UBND huyện Đà Bắc phối hợp với các cơ quan có liên quan phối hợp với các doanh nghiệp có liên quan rà soát lại toàn bộ diện tích đất thuê, đối chiếu với bản đồ đất lâm nghiệp theo Dự án 672 và các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo Nghị định số 2/NĐ-CP, ngày 15/1/1994 của Chính phủ để xác định vị trí, diện tích chồng lần với đất đã cấp cho các hộ gia đình, cá nhân quản lý, sử dụng làm cơ sở gửi Sở TN&MT thẩm định trình UBND tỉnh Quyết định điều chỉnh hoặc thu hồi diện tích của các công ty do chồng lấn. Đến nay, các Công ty đã cung cấp hồ sơ có liên quan đển UBND huyện Đà Bắc thực hiện rà soát. Do diện tích đất thuê của các đơn vị có quy mô lớn, trải dài trên nhiều xã nên hiện nay, UBND huyện Đà bắc đang phối hợp với các bên liên quan triển khai thực hiện rà soát  xác định diện tích đất chồng lấn các dự án trên từng đơn vị hành chính cấp xã. Sau khi có kết quả rà soát báo cáo Sở TN&MT tổng hợp trình UBND tỉnh điều chỉnh diện tích đất thuê cho các Công ty theo quy định. 

Chấn chỉnh và xử lý các vi phạm trong khai thác khoáng sản

Đại biểu Quách Thanh Hải, Tổ đại biểu TP Hoà Bình chất vấn: Theo thống kê, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình hiện có 91 dự án được UBND tỉnh cấp giấy phép khai thác thác khoáng sản (KTKS) còn hiệu lực và 1 dự án đang thực hiện các thủ tục để triển khai dự án. Có rất nhiều hệ lụy từ việc khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng, gây ảnh hưởng, tác động xấu tới môi trường và cuộc sống người dân. UBND tỉnh đã và sẽ có những giải pháp gì để chấn chỉnh và xử lý các vi phạm trong khai thác khoáng sản theo quy định hiện hành của pháp luật về kỹ thuật khai thác, an toàn lao động và bảo vệ môi trường.


Đồng chí Trần Tố Chinh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng trả lời chất vấn đại biểu Quách Thanh Hải, Tổ đại biểu thành phố Hoà Bình. 

Đồng chí Trần Tố Chinh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng trả lời: Công tác quản lý khoáng sản, khai thác vật liệu xây dựng trong thời gian vừa qua đã được UBND tỉnh có sự quan tâm sát sao. Năm 2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2001 thành lập tổ công tác liên ngành do Sở Xây dựng làm tổ trưởng phối hợp với các sở, ngành để tổ chức kiểm tra hoạt động khai thác khoáng sản, vật liệu xây dựng trên địa bàn tỉnh. Qua kiểm tra liên ngành đã phát hiện ra nhiều vi phạm, đặc biệt là vi phạm về khai thác theo thiết kế, vi phạm về an toàn lao động, đảm bảo môi trường trong quá trình khai thác khoáng sản. Sở và các ngành thành viên tổ công tác đã tham mưu cho UBND tỉnh có những biện pháp chấn chỉnh trong quá trình khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng. Trong giai đoạn đó, hầu hết các doanh nghiệp khai thác khoáng sản vi phạm đã phải thực hiện việc chấn chỉnh, theo hướng tổ chức cắt tầng khi khai thác, làm đường lên khai thác. Trong giai đoạn 2018 - 2019, các mỏ khai thác cơ bản đi vào nề nếp, các vụ tại nạn nghiêm trọng trong khai thác khoáng sản đã giảm rõ rệt. Tháng 5/2021, UBND tỉnh tiếp tục có quyết định thành lập tổ công tác liên ngành giao cho Cục Thuế chủ trì kiểm tra, phối hợp với các cơ quan kiểm tra về việc thu nộp ngân sách đối với các mỏ khai thác khoáng sản. Mới đây, UBND tỉnh có quyết định kiện toàn lại tổ công tác liên ngành và giao Sở Xây dựng tiếp tục phối hợp với các ngành thực hiện việc kiểm tra khai thác khoáng sản trên địa bàn. Sở đã xây dựng xong các nội dung, kế hoạch kiểm tra. Dự kiến trong tháng 7,8,9, tổ công tác liên ngành sẽ kiểm tra các mỏ khai thác khoáng sản, các mỏ đá trên địa bàn. Trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện sẽ tham mưu cho UBND tỉnh chấn chỉnh các hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn, nhằm giảm tối đa ảnh hưởng, hệ luỵ đến đời sống dân sinh, môi trường. 

Nguyên nhân và giải pháp không đạt chỉ tiêu về tỷ lệ bao phủ BHYT toàn dân 

Đại biểu Nguyễn Văn Gia, Tổ đại biểu huyện Lạc Sơn chất vấn: Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ tại Báo cáo tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 5 khoá XI một số vấn đề về chính sách xã hội giai đoạn 2012-2022 đánh giá: Lĩnh vực bảo hiểm y tế (BHYT) toàn dân còn nhiều bất cập, số người tham gia BHYT tự nguyện thấp. Đồng chí hãy cho biết rõ nguyên nhân, UBND tỉnh đã có biện pháp, giải pháp gì để chỉ đạo khắc phục tình trạng trên?


Đồng chí Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH trả lời chất vấn của đại biểu Nguyễn Văn Gia, Tổ đại biểu huyện Lạc Sơn.

Đồng chí Quách Thị Kiều, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH trả lời: Nguyên nhân người tham gia BHYT còn thấp là do trên thực tế hiện nay đa phần đối tượng đóng BHYT đều do Nhà nước hỗ trợ. Các doanh nghiệp, người sử dụng lao động và người lao động đóng theo quy định của pháp luật mới chỉ ở khu vực chính thức, trong khi đó, lao động nằm ở khu vực phi chính thức chưa tham gia BHYT nhiều. Một bộ phận người dân chỉ khi có bệnh mới tham gia BHYT. Đáng chú ý, năm 2020 do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên một số doanh nghiệp phải dừng hợp đồng lao động, chấm dứt hợp đồng lao động dẫn đến người lao động không được tham gia BHYT. Một số doanh nghiệp phải dừng sản xuất, người lao động không có việc làm nên số nợ BHYT tăng cao so với năm 2019. Một bộ phận người dân không có điều kiện để tiếp tục tham gia BHYT theo hộ gia đình... Một số cấp uỷ, chính quyền địa phương, lãnh đạo cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa nhận thức đầy đủ về tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHYT nên chưa quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo. Sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong thực hiện chính sách BHXH, BHYT, công tác kiểm tra, thanh tra có lúc có nơi chưa thường xuyên... Trong cơ cấu lực lượng lao động của tỉnh có 48% là lao động khu vực nông, lâm nghiệp thuỷ sản mà chính sách BHYT đang rất khó tiếp cận được do hầu hết đã lớn tuổi, khu vực nông thôn, vùng sâu vùng xa... 

Giải pháp để khắc phục tình trạng trên, tỉnh ta cần tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các giải pháp đồng bộ nhằm mở rộng người tham gia. Xây dựng chỉ tiêu phát triển người tham gia BHXH, BHYT trong kế hoạch phát triển KT-XH hàng năm của tỉnh đồng thời giao chỉ tiêu cho các huyện, thành phố, coi đây là nội dung đánh giá mức độ hoàn thành nhiệm vụ hàng năm. Các cơ quan truyền thông đẩy mạnh công tác tuyên truyền về quyền lợi, nghĩa vụ, phổ biến các chính sách hỗ trợ của Nhà nước đối với người tham gia BHXH tự nguyện. Xử lý nghiêm các đơn vị, cá nhân vi phạm chính sách pháp luật về BHXH, BHYT. Chú trọng chất lượng phục vụ gắn với đổi mới phương thức hoạt động theo hướng phục vụ chi trả nhanh chóng, kịp thời, đảm bảo quyền lợi người tham gia BHYT; xây dựng phát triển hệ thống BHXH đồng bộ với phát triển các dịch vụ xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu của Nhân dân. 

Khẩn trương hoàn thành đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo đường Hoàng Văn Thụ, TP Hoà Bình

Đại biểu Quách Đình Minh, Tổ đại biểu huyện Lương Sơn chất vấn: Tại Nghị quyết số 71, ngày 9/12/2021 về việc phê duyệt điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án nâng cấp, cải tạo đường Hoàng Văn Thụ, TP Hòa Bình, phê duyệt thời gian thực hiện dự án từ năm 2018 đến năm 2022. Song, vì một số lý do như tính toán kinh phí dự án chưa chính xác, phát sinh đền bù giải tỏa theo giá đất mới, nên dự án này không hoàn thành theo kế hoạch đã đề ra. Để giải quyết vấn đề nêu trên, theo đề nghị của UBND tỉnh, HĐND tỉnh đã ưu tiên bổ sung thêm kinh phí cho dự án này gần 46 tỷ đồng. Đề nghị: Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh xem xét và tiếp tục chỉ đạo các sở, ngành, địa phương và các đơn vị có liên quan thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh đã giao.


Đồng chí Ngô Ngọc Đức, Bí thư Thành uỷ Hoà Bình trả lời chất vấn của đại biểu Quách Đình Minh, Tổ đại biểu huyện Lương Sơn.

Đồng chí Ngô Ngọc Đức, Bí thư Thành uỷ Hoà Bình trả lời: Liên quan đến dự án nâng cấp cải tạo đường Hoàng Văn Thụ, TP Hoà Bình chậm tiến độ chủ yếu do công tác giải phóng mặt bằng chủ yếu là do đơn giá thay đổi làm tăng tổng mức đầu tư lên. Điều này ảnh hưởng đến nguồn vốn đầu tư. Trước đây, nguốn vốn của dự án là 100% của thành phố, tuy nhiên sau này khi phải điều chỉnh thêm thì có hỗ trợ. Đến thời điểm này, các nguồn vốn đã thông, các giải pháp liên quan đến điều chỉnh chủ trương đầu tư thì đã hoàn thiện xong. Hiện nay, thành phố đang chi trả tiền đền bù, tiến độ đã được khoảng 50%. Hiện còn một số hộ chưa đồng ý với mức chi trả, đang có kiến nghị và thành phố đang tiếp tục giải quyết. Theo kế hoạch của thành phố, trong tháng 8 sẽ giải quyết xong toàn bộ phần giải phóng mặt bằng và dự kiến trong tháng 11 năm 2022 sẽ hoàn thành dự án. Thời gian tới, Thành uỷ Hoà Bình sẽ thường xuyên chỉ đạo để dự án hoàn thành trong năm 2022.

PV

Các tin khác


Quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ là người dân tộc thiểu số

(HBĐT) - Xã Miền Đồi (Lạc Sơn) có 20 cán bộ, công chức cấp xã, trong đó 100% là người dân tộc thiểu số (DTTS). Đồng chí Bùi Văn Thượng, Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Là xã vùng cao, đặc biệt khó khăn của huyện nhưng đội ngũ cán bộ không ngừng học tập, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, tích cực học hỏi, ứng dụng CNTT trong công việc. Xã cũng luôn quan tâm, tạo điều kiện để cán bộ được học tập, nâng cao trình độ để nâng cao chất lượng công vụ.

Ngày 15/7, Hà Nội công bố quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ

Thành ủy Hà Nội dự kiến sẽ tổ chức hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị về công tác cán bộ vào chiều 15/7.

Bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí

(HBĐT) - Ngày 14/7, Ban Tổ chức Trung ương (T.Ư) đã phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông(TT&TT) tổ chức hội nghị trực tuyến bồi dưỡng kiến thức về xây dựng Đảng cho lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí năm 2022. Đồng chí Trương Thị Mai, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng Ban Tổ chức T.Ư dự và phát biểu chỉ đạo tại hội nghị. Dự hội nghị tại điểm cầu tỉnh ta có hơn 30 đại biểu là lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan thông tấn, báo chí trên địa bàn tỉnh.

Đảng bộ xã Phú Nghĩa xây dựng các mô hình học tập và làm theo Bác Hồ

(HBĐT) - Xác định việc học và làm theo Bác là một trong những nhiệm vụ quan trọng và phải được thực hiện thường xuyên, liên tục. Những năm qua, Đảng ủy xã Phú Nghĩa (Lạc Thuỷ) luôn coi trọng công tác rà soát, đánh giá chất lượng các mô hình điểm "Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” ở các cấp, lựa chọn các mô hình thực sự có hiệu quả để tiếp tục duy trì và nhân rộng.

Huyện Yên Thuỷ: Bộ máy chính quyền các xã sau sáp nhập vận hành hiệu lực, hiệu quả

(HBĐT) - Cùng với các địa phương trong tỉnh, huyện Yên Thuỷ có 2 đơn vị hành chính cấp xã thực hiện sáp nhập, gồm thị trấn Hàng Trạm và xã Bảo Hiệu. Theo đó, xã Yên Lạc sáp nhập vào thị trấn Hàng Trạm và xã Lạc Hưng sáp nhập vào xã Bảo Hiệu.

Bám sát chủ trương, đường lối, Nghị quyết của cấp uỷ Đảng để bàn thảo và đề ra những quyết sách quan trọng phục vụ phát triển KT - XH của tỉnh (*)

(HBÑT) - Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ Tám, HĐND tỉnh khóa XVII do đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư TT Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh trình bày.


Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục