Phóng viên các cơ quan báo chí trên địa bàn phản ánh kịp thời các hoạt động đảm bảo an ninh trật tự của tỉnh.
Tuy nhiên, không ít cơ quan báo chí, nhất là tạp chí điện tử xa rời tôn chỉ, mục đích, có nguy cơ làm xói mòn bản chất báo chí cách mạng Việt Nam. Một bộ phận người làm báo trong các cơ quan báo chí đã có những thông tin sai sự thật, thổi phồng khuyết điểm, mặt trái của xã hội, viết trái quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Trước tình trạng không ít cơ quan báo, tạp chí vi phạm Luật Báo chí, biểu hiện "thương mại hóa”, "tư nhân hoá” báo chí, "báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử, Ban Tuyên giáo T.Ư đã ban hành kế hoạch tăng cường chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo, tạp chí, trang thông tin điện tử và mạng xã hội.
Thời gian qua, nhiều cơ quan báo chí đã bị cơ quan quản lý, đơn vị chức năng xử lý vì vi phạm hành chính với các vi phạm chủ yếu là: Đăng tải nhiều bài viết có nội dung mang tính suy diễn, không có cơ sở, đăng tải nội dung thông tin không thống nhất, thể hiện quan điểm, cách nhìn nhận trái ngược nhau về cùng một vụ việc; bài viết có tính chất giật gân, câu khách, miêu tả tỉ mỉ hành động tội ác, thông tin không phù hợp với thuần phong mỹ tục Việt Nam; thông tin sai sự thật và không đúng tôn chỉ, mục đích. Cơ quan chức năng cũng đã khởi tố, bắt giam nhiều phóng viên về tội cưỡng đoạt tài sản. Như vụ việc phóng viên một kênh truyền hình cầm đầu nhóm phóng viên đi tìm hiểu, ghi hình những trường hợp có dấu hiệu vi phạm trong lĩnh vực khai thác khoáng sản nhằm chiếm đoạt tài sản ở tỉnh Phú Thọ và nhiều tỉnh, thành phố khác. Hay vụ một phóng viên tạp chí bị bắt vì gây áp lực đòi Phó Chủ tịch huyện 300 triệu đồng để không đăng bài về sai phạm, một phóng viên bị bắt mới đây… Trên địa bàn tỉnh đã có hiện tượng phóng viên báo chí, tạp chí, trang thông tin hoạt động xa rời tôn chỉ, mục đích, bới lông tìm vết, gây áp lực cho địa phương, cơ quan, đơn vị, đe dọa đăng tải bài viết làm ảnh hưởng uy tín tổ chức, cá nhân… với mục đích không trong sáng.
Thực hiện chỉ đạo của T.Ư, ngày 22/8/2022, Tỉnh ủy ban hành Kế hoạch số 126-KH/TU về tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, chấn chỉnh hoạt động báo chí, tạp chí, trang thông tin điện tử, mạng xã hội trong giai đoạn hiện nay. Mục đích nhằm tạo sự thống nhất nhận thức về tầm quan trọng, sự cần thiết phải tăng cường công tác chỉ đạo, quản lý, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động báo chí, truyền thông trong giai đoạn hiện nay; đề cao trách nhiệm của cơ quan chỉ đạo, quản lý, chủ quản báo chí, cơ quan báo chí và tính tự giác, gương mẫu của những người làm báo; triển khai và thực hiện có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ "xây dựng nền báo chí, truyền thông chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại”. Tạo điều kiện thuận lợi để báo chí phát triển lành mạnh, đúng định hướng...
Yêu cầu quán triệt, nâng cao nhận thức của cấp ủy, tổ chức Đảng và đảng viên trong các cơ quan báo chí về vị trí, vai trò, trách nhiệm của báo chí cách mạng Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Xác định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan chủ quản, cơ quan báo chí trong việc để cơ quan báo chí, người làm báo có nhiều sai phạm, vi phạm pháp luật. Chấn chỉnh, xử lý nghiêm tình trạng vi phạm pháp luật trong hoạt động báo chí; tập trung xử lý, khắc phục tình trạng xa rời tôn chỉ, mục đích, "thương mại hóa”, "báo hóa” trang thông tin điện tử tổng hợp, mạng xã hội… Hội Nhà báo tỉnh thực hiện tốt vai trò, quyền hạn trong xử lý vi phạm đạo đức nghề nghiệp người làm báo; phát động phong trào thi đua xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí. Kiên quyết xử lý nghiêm minh, thuyết phục khi phát hiện có tình trạng "báo hóa” trang thông tin điện tử, mạng xã hội, tình trạng "tư nhân hóa" hoạt động báo chí.
Các cơ quan báo chí thực hiện đúng tôn chỉ, mục đích, chức năng, nhiệm vụ được giao; chấp hành nghiêm các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước về hoạt động báo chí; chủ động tuyên truyền, giáo dục, nâng cao phẩm chất, đạo đức nghề nghiệp của mỗi nhà báo, phóng viên; kịp thời phát hiện, nhắc nhở, xử lý nghiêm cán bộ, phóng viên, biên tập viên, người làm báo có sai phạm. Đảm bảo hài hòa, cân đối dung lượng thông tin, tránh thông tin nặng về phê phán những mặt tiêu cực, thổi phồng, khoét sâu yếu kém, khuyết điểm mà chưa quan tâm đúng mức đến tuyên truyền nhân tố mới, cách làm hay, những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Rà soát ban hành các quy định, quy chế của tòa soạn về quy trình tổ chức đề tài tác nghiệp, thẩm định, biên tập, phê duyệt xuất bản hoặc sửa chữa, gỡ hạ, đính chính tin, bài, ảnh; quy chế quản lý hoạt động tác nghiệp của phóng viên, cộng tác viên, không để lợi dụng danh nghĩa báo chí để trục lợi, vi phạm pháp luật. Đồng thời, cam kết xây dựng cơ quan báo chí văn hóa, người làm báo văn hóa, hướng tới mục tiêu cơ quan báo chí chuyên nghiệp, nhân văn và hiện đại.
Lê Chung