Góp ý dự thảo Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi) trong phiên thảo luận tại hội trường sáng 24/10, nhiều đại biểu Quốc hội nhấn mạnh, trong dự thảo Luật cần quy định cụ thể về tự chủ bệnh viện công để giúp các cơ sở này khai thác, phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của mình, phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân.


Toàn cảnh phiên họp tại Hội trường Diên Hồng sáng 24/10. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Bệnh viện xin thôi tự chủ - sự thất bại của chính sách?

Phát biểu thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) bày tỏ băn khoăn khi trong thời gian qua có hàng chục nghìn cán bộ y tế nghỉ việc, rời khỏi các bệnh viện công, kể cả các bệnh viện lớn. Nhiều bệnh viện lớn xin thôi không thực hiện cơ chế tự chủ mà chuyển sang cơ chế hưởng bao cấp từ ngân sách.

Theo đại biểu Hoàng Văn Cường, hiện tượng nhiều cán bộ y tế xin nghỉ việc, trong khi các bệnh viện lớn có danh tiếng luôn trong tình trạng quá tải vì được đông đảo người dân lựa chọn nhưng lại xin thôi tự chủ là một sự thất bại của chính sách trong cơ chế quản lý đối với bệnh viện công lập.

Phần lớn các y bác sĩ đều mong muốn bệnh viện có đầy đủ các trang thiết bị hiện đại, thuốc và vật tư đúng chủng loại để các thầy thuốc được toàn quyền lựa chọn thực hiện các phác đồ điều trị hữu hiệu nhất không bị giới hạn bởi các ràng buộc khống chế về chi phí, danh mục các loại thuốc và thiết bị.

Cần quy định về tự chủ để cởi nút thắt cơ chế cho bệnh viện công ảnh 1

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Các bệnh nhân cũng mong muốn và sẵn sàng chi trả viện phí cao để được khám, chữa trị trong điều kiện tốt nhất tại các bệnh viện công lập. Nhưng vì không được đáp ứng nên họ phải mang ngoại tệ đi ra nước ngoài điều trị hoặc phải chuyển sang khám, chữa trị tại bệnh viện tư hoặc các bệnh viện quốc tế với điều kiện và trang thiết bị hiện đại hơn.

Những vấn đề nêu trên đều xuất phát từ nguyên nhân căn bản là cơ chế quản lý đang trói buộc, chưa cho phép các bệnh viện khai thác phát huy hết các tiềm năng, lợi thế vốn có của mình, đại biểu Hoàng Văn Cường nêu thực trạng.

Do vậy, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu bổ sung vào dự thảo Luật khám, chữa bệnh (sửa đổi) lần này nội dung liên quan những cơ chế để bệnh viện công thực hiện quyền tự chủ trong tổ chức, quản lý hoạt động, để các cơ sở này trở thành nơi cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh có chất lượng cao ngang tầm khu vực và quốc tế.

Theo đại biểu, cần phải quy định rõ tự chủ là trao quyền cho các bệnh viện được tự quyết định các hoạt động khám, chữa bệnh, được quyền quyết định về tổ chức bộ máy và con người phù hợp với các hoạt động khám, chữa bệnh, cũng như tự chủ trong quyết định những vấn đề về tài chính của bệnh viện kể cả nguồn thu từ ngân sách.

Ngoài ra, cũng cần quy định cơ chế xác định giá dịch vụ y tế đối với cơ sở khám chữa bệnh tự chủ có sự khác biệt so với các đơn vị chưa tự chủ, dựa trên nguyên tắc giá dịch vụ y tế khám, chữa bệnh phải bảo đảm tính đúng, tính đủ chi phí trên cơ sở định mức kinh tế kỹ thuật.

Bên cạnh đó, đại biểu đề xuất cần quy định rõ cơ chế quản lý tài chính đối với bệnh viện tự chủ về tự quyết định sử dụng nguồn thu, quyết định mức chi, mức chi trả tiền lương, tự quyết định đầu tư mua sắm và trích lập các quỹ đầu tư phát triển cũng như các quỹ hỗ trợ cho bệnh nhân nghèo để tránh quan niệm không đúng về tự chủ là "khoán trắng” cho bệnh viện.

Cần quy định về tự chủ để cởi nút thắt cơ chế cho bệnh viện công ảnh 2

Đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình). (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Đồng quan điểm, đại biểu Trần Khánh Thu (Thái Bình) cũng cho rằng, cần bổ sung quy định về thực hiện tự chủ tại đơn vị y tế công lập trong dự thảo Luật. Đại biểu nêu rõ, hiện nay, các cơ sở y tế công lập đang gặp khó khăn trong việc thực hiện tự chủ. Dự thảo Luật lại chưa có điều khoản quy định về thực hiện tự chủ tại đơn vị y tế công lập.

 

Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung thêm điều khoản quy định về tự chủ tài chính đối với đơn vị y tế công lập. Trong đó, cần quy định xác định mức độ tự chủ, nguyên tắc phân loại, phân tiêu chí, phân loại mức độ tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập.

Cần chính sách đãi ngộ đặc biệt cho cán bộ ngành y

Góp ý vào dự thảo luật, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (Sóc Trăng) cho rằng, khoản 2, Điều 4 dự án luật quy định có chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với người hành nghề vẫn chưa cụ thể và khó áp dụng trong thực tế.

Cần quy định về tự chủ để cởi nút thắt cơ chế cho bệnh viện công ảnh 3

Đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm (Sóc Trăng). (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Đại biểu nêu câu hỏi: Yếu tố đặc biệt được định tính ở mức độ nào để đủ sức trở thành một trong những động lực cơ bản cho đội ngũ y tế, vì ngành y có thời gian đào tạo dài hơn, đặc thù hơn so các ngành khác. Đào tạo càng dài, tiêu chuẩn càng cao thì bảng lương, hệ số lương phải khác so với ngành nghề có thời gian đào tạo ngắn hơn.

Ngoài ra, với tính chất đặc thù nên sẽ có những nhiệm vụ đặc biệt phát sinh như trong đại dịch Covid-19 vừa qua, cần có những chính sách đãi ngộ đặc biệt để có thể áp dụng ngay khi cần, như hưởng 100% phụ cấp đặc thù, nên có một bảng lương theo từng bậc, từng ngạch riêng cho ngành y tế theo vị trí việc làm…, đại biểu Triệu Thị Ngọc Diễm nêu kiến nghị.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Văn An (Thái Bình) cũng nhấn mạnh chế độ, chính sách cho người làm nghề khám bệnh, chữa bệnh được giải trình trong báo cáo chưa thuyết phục, chưa thể hiện được chính sách đãi ngộ đặc biệt của Đảng, Nhà nước cho ngành y.

Cần quy định về tự chủ để cởi nút thắt cơ chế cho bệnh viện công ảnh 4

Đại biểu Nguyễn Văn An (Thái Bình) phát biểu thảo luận. (Ảnh: THỦY NGUYÊN)

Đại biểu cho rằng, đây mới chỉ là quy định về chính sách chung, cần được cụ thể hóa trong các điều luật cụ thể quy định về quyền của người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật, tại các quy định về quyền của người hành nghề từ Điều 36 đến Điều 40 của Mục 4 Chương III chưa thể hiện chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với người hành nghề.

Bên cạnh đó, thời gian qua, nhất là trong điều kiện dịch Covid-19 bùng phát, xã hội đều ghi nhận và tôn vinh công lao to lớn của lực lượng y tế trong công tác phòng, chống dịch, nhất là những người hành nghề khám chữa bệnh. Đồng thời, vừa qua có tình trạng nhân viên y tế xin nghỉ việc do đời sống khó khăn cùng các lý do khác. Do đó, cần có sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước cả về vật chất và tinh thần cho lực lượng này.

Từ phân tích trên, đại biểu Nguyễn Văn An đề nghị bổ sung quy định trong dự thảo Luật để cụ thể hóa chính sách đãi ngộ đặc biệt đối với người hành nghề, trên cơ sở đó giao Chính phủ quy định về chế độ, chính sách, tiền lương, phụ cấp, trang phục và chế độ đặc thù đối với người hành nghề tại các cơ sở y tế công lập.

 

TheoNhanDan


 


Các tin khác


Kiểm tra kết quả thực hiện quy chế dân chủ và công tác dân vận chính quyền tại Ban Dân tộc tỉnh

(HBĐT) - Chiều 21/10, đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) ở cơ sở tỉnh do đồng chí Bùi Tiến Lực, Ủy viên BTV Tỉnh uỷ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh làm trưởng đoàn đã kiểm tra kết quả thực hiện QCDC và công tác dân vận chính quyền tại Ban Dân tộc tỉnh.

Đoàn báo Đảng các tỉnh Trung du – Miền núi phía Bắc dâng hương Tượng đài Bác Hồ

(HBDT) - Chiều 21/10, đoàn báo Đảng các tỉnh: Hòa Bình, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu, Yên Bái, Lào Cai, Vĩnh Phúc, Phú Thọ và Bà Rịa – Vũng Tàu tổ chức dâng hương Tượng đài Bác Hồ trên công trình Thủy điện Hòa Bình. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ "Giải thể thao Phan Si Păng báo Đảng các tỉnh Trung du - Miền núi phía Bắc năm 2022” được tổ chức tại tỉnh Hòa Bình.

Ông Nguyễn Văn Thắng được phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải

Ông Nguyễn Văn Thắng, Bí thư tỉnh Điện Biên đã được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải nhiệm kỳ 2021-2026.

Đồng chí Ngô Văn Tuấn được Quốc hội bầu giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước, nhiệm kỳ 2021 - 2026

Chiều 21/10, với số phiếu 461 đại biểu có mặt, số đại biểu tán thành là 459 (chiếm 92,17%), Quốc hội đã bầu đồng chí Ngô Văn Tuấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước phụ trách Kiểm toán Nhà nước giữ chức Tổng Kiểm toán Nhà nước, nhiệm kỳ 2021 - 2026.

Kiểm tra thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở và công tác dân vận chính quyền tại Sở Công Thương

(HBĐT) - Ngày 21/10, đoàn công tác của Ban chỉ đạo (BCĐ) thực hiện quy chế dân chủ (QCDC) tỉnh do đồng chí Bùi Tiến Lực, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ tỉnh, Phó trưởng BCĐ làm trưởng đoàn đã kiểm tra việc thực hiện QCDC tại Sở Công Thương.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục