Theo đặc phái viên TTXVN, sáng 13/11, tại Phnom Penh (Campuchia), trong khuôn khổ chương trình làm việc của Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị Cấp cao liên quan, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã tham dự Hội nghị Cấp cao Đông Á (EAS) lần thứ 17, cùng Lãnh đạo các nước ASEAN và các Đối tác EAS.


Thủ tướng Campuchia, Chủ tịch ASEAN 2022 Samdech Techo Hun Sen cùng Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern, Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah và Tổng thư ký ASEAN Dato Lim Jock Hoi chụp ảnh chung tại Hội nghị EAS. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Các Đối tác EAS gồm Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, New Zealand, Ấn Độ, Nga, Hoa Kỳ và Tổng Thư ký ASEAN. Chủ tịch Hội đồng Châu Âu và Tổng Thư ký Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO) được mời trình bày về hợp tác bảo đảm an ninh lương thực và năng lượng.

Tại Hội nghị, Lãnh đạo ASEAN và các Đối tác EAS đánh giá cao vai trò và đóng góp quan trọng của EAS với tư cách là diễn đàn của các Lãnh đạo đối thoại về các vấn đề chiến lược, bảo đảm hòa bình, an ninh và phát triển thịnh vượng ở khu vực. Các nước nhất trí cần thúc đẩy EAS phát huy hơn nữa giá trị chiến lược và khả năng thích ứng trước ngày càng nhiều thách thức nảy sinh trong bối cảnh mới.


Nguyên thủ các nước tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN - Đông Á (EAS) lần thứ 17. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Ghi nhận những tiến triển trong năm cuối cùng triển khai Kế hoạch hành động EAS giai đoạn 2018 - 2022, các Lãnh đạo EAS nhấn mạnh cần khẩn trương hoàn tất soạn thảo Kế hoạch hành động EAS giai đoạn tiếp theo 2023 - 2027, phù hợp với tình hình mới, tập trung ưu tiên cho các nỗ lực phục hồi, phát triển xanh và bền vững.

Các nước chia sẻ nhận định hợp tác EAS còn nhiều tiềm năng phát triển thời gian tới, theo đó nhất trí tăng cường phối hợp thúc đẩy phục hồi toàn diện, nhất là nâng cao năng lực tự cường y tế, phục hồi kinh tế, đẩy mạnh giao thương, ổn định chuỗi cung ứng và sản xuất, đồng thời mở rộng hợp tác chuyển đổi số, năng lượng, ứng phó biến đổi khí hậu, hướng tới tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.


Hội nghị Cấp cao ASEAN - Đông Á (EAS) lần thứ 17. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm, các Lãnh đạo nhất trí EAS cần phát huy vai trò, đóng góp hiệu quả cho các nỗ lực bảo đảm hòa bình, an ninh và ổn định khu vực. Các nước nhấn mạnh chia sẻ lợi ích và đề cao trách nhiệm bảo đảm hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông, kiềm chế không có hoạt động làm gia tăng căng thẳng và phức tạp tình hình, không quân sự hoá, không sử dụng và đe doạ sử dụng vũ lực, giải quyết hoà bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982; kêu gọi ASEAN và Trung Quốc thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.

Các Đối tác EAS bày tỏ quan ngại về tình hình phức tạp tiếp diễn tại Myanmar, khẳng định ủng hộ vai trò và nỗ lực của ASEAN thúc đẩy đối thoại, hòa giải, hỗ trợ Myanmar tìm giải pháp sớm ổn định tình hình. Chia sẻ quan ngại sâu sắc về các diễn biến gần đây trên Bán đảo Triều Tiên, ASEAN bày tỏ ủng hộ các nỗ lực thúc đẩy hoà bình, ổn định và phi hạt nhân hoá hoàn toàn Bán đảo Triều Tiên, sẵn sàng đóng vai trò xây dựng, tạo thuận lợi cho đối thoại giữa các bên liên quan tại các cơ chế do ASEAN chủ trì. Về xung đột tại Ukraine, các nước nhấn mạnh các khác biệt, bất đồng cần được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác ở Đông Nam Á (TAC) và luật pháp quốc tế.


Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN - Đông Á (EAS) lần thứ 17. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh trong bối cảnh khó khăn, phức tạp hiện nay, sự hiện diện đông đủ của các Lãnh đạo EAS tại Hội nghị lần này là một thành công lớn, minh chứng hùng hồn cho sự đoàn kết, sức sống và sức hút của EAS.Với sứ mệnh là diễn đàn chiến lược hàng đầu, EAS mang đến cơ hội để cùng tìm ra các giải pháp lâu dài, bền vững cho các vấn đề đang nổi lên hiện nay, đóng góp tích cực cho hoà bình, an ninh và thịnh vượng chung.

Định hướng hợp tác EAS thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh cần ưu tiên đẩy mạnh phục hồi kinh tế dựa trên phát triển bền vững, giao thương thông thoáng và bảo đảm các chuỗi cung ứng thông suốt, kêu gọi các nước khẩn trương mở cửa thị trường, tạo điều kiện thuận lợi cho chu chuyển hàng hoá và dịch vụ, tăng cường hội nhập, khắc phục chuỗi cung ứng bị đứt gãy, góp phần thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, thương mại tự do, công bằng và bao trùm, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.

ASEAN mong các Đối tác EAS hỗ trợ ASEAN thúc đẩy chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển kinh tế tuần hoàn, đảm bảo an ninh năng lương, an ninh lương thực, an ninh thông tin, triển khai hiệu quả cam kết phát triển xanh và bền vững. Thủ tướng đề nghị các Đối tác EAS ủng hộ các nỗ lực của ASEAN phát triển tiểu vùng, trong đó có Mekong, góp phần thu hẹp khoảng cách phát triển và thúc đẩy phát triển đồng đều, bền vững, bao trùm và toàn diện.

Thủ tướng khẳng định ASEAN sẵn sàng làm "trung gian tin cậy" cùng các Đối tác EAS tham vấn, đối thoại, cùng tìm kiếm các giải pháp hữu hiệu, bền vững và lâu dài cho các thách thức an ninh hiện nay, trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau, nâng cao hiểu biết, tin cậy, đối thoại và hợp tác. Để định hình và củng cố hệ thống quốc tế và cấu trúc đa phương hiệu quả, minh bạch, bao trùm và dựa trên luật pháp quốc tế,  tạo nền tảng cho hòa bình lâu dài và bền vững, ASEAN sẽ tiếp tục cùng các Đối tác đề cao chủ nghĩa đa phương và tuân thủ luật pháp quốc tế, trên tinh thần minh bạch, xây dựng, tôn trọng vai trò trung tâm của ASEAN và tham vấn đầy đủ với ASEAN.

Chia sẻ quan điểm về các vấn đề khu vực và quốc tế, Thủ tướng khẳng định lập trường nguyên tắc của ASEAN về Biển Đông, đề nghị các nước cùng nhau xây dựng Biển Đông thành vùng biển hoà bình, ổn định, hợp tác và phát triển bền vững, giải quyết hoà bình các mâu thuẫn, kêu gọi cộng đồng quốc tế và các nước EAS ủng hộ nỗ lực sớm đạt được Bộ COC hiệu lực, hiệu quả, công bằng và hợp lý với tất cả các bên có liên quan, phù hợp với luật pháp quốc tế và UNCLOS 1982. Thủ tướng đề nghị các Đối tác EAS ủng hộ ASEAN thực hiện Đồng thuận 5 điểm, hỗ trợ Myanmar tìm kiếm giải pháp ổn định tình hình.

* Ngay sau Hội nghị Cấp cao EAS-17, Lãnh đạo các nước đã tham dự Lễ Bế mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị Cấp cao liên quan, và Lễ chuyển giao Chủ tịch ASEAN từ Campuchia sang Indonesia.

Trong phát biểu đảm nhận cương vị Chủ tịch luân phiên của ASEAN trong năm 2023, Tổng thống Indonesia thông báo chủ đề của năm ASEAN 2023 là "ASEAN Matters: The Epicentrum of Growth" (Tạm dịch: ASEAN Tầm vóc - Tâm điểm của Tăng trưởng), đồng thời chia sẻ một số ưu tiên mà Indonesia sẽ thúc đẩy trong năm 2023 về xây dựng Cộng đồng ASEAN, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động của ASEAN, quan hệ giữa ASEAN với các đối tác, củng cố đoàn kết và phát huy vai trò và vị thế của ASEAN ở khu vực và toàn cầu.

Các Hội nghị Cấp cao đã khép lại sau 4 ngày làm việc khẩn trương và tích cực, đánh dấu một năm thành công của ASEAN trên tinh thần "ASEAN Hành động - Cùng ứng phó thách thức”, tạo tiền đề và động lực để ASEAN tiếp tục ghi các dấu ấn thành công mới trong những năm tiếp theo.

Đoàn Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu đã tham gia tích cực và đóng góp thực chất, hiệu quả vào tất cả các hoạt động, góp phần vào thành công chung của các Hội nghị, thể hiện nhất quán sự ủng hộ của Việt Nam đối với Chủ tịch ASEAN 2022 Campuchia cũng như tích cực phát huy tinh thần chủ động, trách nhiệm đối với công việc chung của ASEAN.

Trong chiều 13/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng đoàn đại biểu Việt Nam rời Phnom Penh về nước, kết thúc thành công chuyến công tác thăm chính thức Campuchia và dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 40, 41 và các Hội nghị Cấp cao liên quan.

Theo Baotintuc.vn

Các tin khác


Nâng cao chất lượng đảng viên ở xã Cun Pheo

(HBĐT) - Xã Cun Pheo (Mai Châu) từng là địa bàn phức tạp về ANTT, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn, song với quyết tâm chuyển hóa bằng nhiều giải pháp hiệu quả, đến nay, Cun Pheo đã có những đổi thay rõ rệt.

Thị trấn Hàng Trạm lan tỏa các mô hình "dân vận khéo"

(HBĐT) - Phong trào thi đua "dân vận khéo" được cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể thị trấn Hàng Trạm (Yên Thủy) triển khai sâu rộng trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Do đó, nhận thức của cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên và Nhân dân về công tác "dân vận khéo" được nâng lên, cụ thể hoá qua các mô hình, điển hình tiêu biểu, được cấp ủy, chính quyền địa phương ghi nhận.

Đoàn đại biểu cấp cao HĐND tỉnh TUV, nước Mông Cổ hội kiến đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh 

(HBĐT) - Chiều 11/11, đoàn đại biểu cấp cao HĐND tỉnh TUV, nước Mông Cổ do ngài Ts.Jambalsuren, Chủ tịch HĐND tỉnh TUV làm trưởng đoàn đã hội kiến đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh. Cùng tiếp đoàn có các đồng chí: Võ Ngọc Kiên, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh; Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh.

Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 41: Khẳng định vai trò và trách nhiệm của ASEAN trong các vấn đề quốc tế, khu vực

Theo đặc phái viên TTXVN, tiếp tục chương trình làm việc trong sáng 11/11, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 41 với trọng tâm thảo luận về quan hệ đối ngoại của ASEAN, cấu trúc khu vực và các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm.

Kinh nghiệm rút ra từ đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2022 - 2025

(HBĐT) - Thực hiện Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ đã ban hành Chỉ thị số 22-CT/TU, ngày 30/3/2022 về đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở nhiệm kỳ 2022 - 2025. Theo đó, tính đến ngày 30/6/2022, Đảng bộ tỉnh có 3.154/3.181 chi bộ (99,15%); 27 chi bộ không tiến hành đại hội do mới thành lập trong năm 2022.

Đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh góp ý vào dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi)

(HBĐT) - Trong phiên họp chiều 10/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi). Góp ý vào dự thảo Luật này, đại biểu Đặng Bích Ngọc, Phó Chủ tịch Thường trực UBMTTQ Việt Nam tỉnh, bày tỏ thống nhất cao với sự cần thiết ban hành Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) nhằm khắc phục những bất cập của Luật hiện hành, đồng thời xử lý những mâu thuẫn, chồng chéo của Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng với các luật được Quốc hội ban hành từ năm 2011 đến nay, đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật phù hợp với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số, thương mại điện tử, đặc biệt trong giai đoạn hiện nay khi nhiều phương thức kinh doanh, tiêu dùng mới ra đời và phát triển.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục