(HBĐT) - Những ngày tháng tư, mỗi người con đất Việt và quê hương Hòa Bình lại bồi hồi nhớ về thời khắc lịch sử giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Chiến thắng 30/4/1975 đã khẳng định tinh thần yêu nước, đại đoàn kết toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Nhân dân Hòa Bình cùng cả nước bền gan, vững chí, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh, kiên trì đấu tranh và đi đến thắng lợi.           



Hộ nghèo xã Xuất Hóa (Lạc Sơn) nhận hỗ trợ xây nhà đại đoàn kết từ Quỹ vì người nghèo tỉnh. 

 Với sứ mệnh của mình, Mặt trận tổ quốc (MTTQ) các cấp trong tỉnh đã vận động, tập hợp các giai tầng xã hội cùng đoàn kết, vừa kiên cường chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, vừa là hậu phương vững chắc, hướng về miền Nam ruột thịt. Không ngại gian khổ, hiểm nguy, lớp lớp con em đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã lên đường nhập ngũ, chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Từ thanh niên, phụ nữ, đến các phụ lão, không phân biệt dân tộc, tôn giáo đều đồng lòng, chung sức. Từ khối đại đoàn kết, sức mạnh được nhân lên và trở thành những hành động cụ thể qua các phong trào thi đua. Quê hương Hòa Bình khi đó sôi nổi phong trào "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, "Sẵn sàng vì miền Nam ruột thịt”, "Thanh niên ba sẵn sàng”, "Phụ nữ ba đảm đang”…  

       Với tinh thần tất cả để đánh thắng giặc Mỹ, đã có hơn 1 vạn thanh niên Hòa Bình thuộc tất cả các dân tộc anh em trong tỉnh lên đường nhập ngũ. Phong trào xung phong đi bộ đội đánh giặc với những lá đơn tình nguyện đã làm nên hào khí cách mạng vẻ vang. Hòa Bình đã huấn luyện 3 tiểu đoàn với 1.500 cán bộ, chiến sĩ trực tiếp bổ sung cho chiến trường miền Nam. Tinh thần đoàn kết 2 miền Nam - Bắc còn được thể hiện rõ qua "mối tình” gắn bó Hòa Bình - Gia Định với khẩu hiệu: "Gia Định cần người, Hòa Bình có người; Gia Định cần của, Hòa Bình có của”. Những tên ngõ, con đường theo cách gọi của người dân Hòa Bình như "ngõ Hóc Môn” ở TP Hòa Bình đã trở nên thân thương. Tinh thần đoàn kết keo sơn đã trở thành biểu tượng đẹp và minh chứng sức mạnh đại đoàn kết để chung sức cùng cả nước làm nên đại thắng lịch sử.

          Đại đoàn kết toàn dân tộc là truyền thống quý báu, cội nguồn sức mạnh và tài sản vô giá của dân tộc ta. Bài học đó vẫn còn nguyên giá trị đến hôm nay và được MTTQ các cấp trong tỉnh kế thừa, phát huy. Trong những thời khắc lịch sử hay những thời điểm cam go đều có dấu ấn đậm nét của MTTQ trong tập hợp, quy tụ sức mạnh Nhân dân.

Còn nhớ khi dịch Covid-19 bùng phát mạnh năm 2021 và đầu năm 2022, Ủy ban MTTQ tỉnh đã kịp thời ra Lời kêu gọi toàn dân ủng hộ công tác phòng, chống dịch. Cùng với đồng thuận thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch, Nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình từ các cháu thiếu nhi đến học sinh, nông dân, công nhân, cán bộ, hưu trí, doanh nhân… đều tham gia ủng hộ. Những "Gian  hàng 0 đồng”, cây ATM gạo… đã kịp thời chia sẻ, đùm bọc nhau vượt qua lúc khó khăn.

 Khi TP Hồ Chí Minh ở thời khắc cam go nhất, "mối tình” gắn bó năm xưa lại được khơi dậy. Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Đặng Bích Ngọc nhớ lại: Chỉ sau 3 ngày ra Lời kêu gọi ủng hộ TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch, MTTQ tỉnh đã tiếp nhận trên 400 tấn hàng hóa, nhu yếu phẩm và kịp thời chuyển vào miền Nam bằng chuyến tàu HB2021, chở theo bao ân tình. Ngoài ra, hơn 600 cán bộ y tế trong tỉnh đã tình nguyện lên đường chi viện cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh bạn phòng, chống dịch cũng là biểu tượng đẹp của tinh thần đoàn kết. Trong thách thức, những nghĩa cử cao đẹp dưới sự tập hợp, vận động của MTTQ đã làm lay động lòng người và tạo nên sức mạnh để vượt qua.

 Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Bùi Tiến Lực khẳng định: Kế thừa truyền thống, MTTQ các cấp trong tỉnh đang tập trung đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng về người dân, về cơ sở để khẳng định vai trò, vị thế, đóng góp xứng đáng vào sự phát triển của tỉnh và vì sự ấm no, hạnh phúc của Nhân dân.

Điểm nổi bật là MTTQ tiếp tục tuyên truyền, vận động, tập hợp rộng rãi các tầng lớp Nhân dân, phát huy vai trò của những hạt nhân tiêu biểu, tạo sự đồng thuận và ổn định xã hội. Từng bước đổi mới công tác giám sát, phản biện xã hội; nội dung tập trung vào những vấn đề người dân quan tâm như giám sát cán bộ, đảng viên và các vấn đề về đất đai, giải phóng mặt bằng, giải quyết khiếu nại, tố cáo… Chủ trì phối hợp tổ chức các cuộc tiếp xúc cử tri. Nắm bắt tình hình Nhân dân để kịp thời tham mưu giải quyết những vấn đề phát sinh ngay từ cơ sở. Qua đó, góp phần tham gia xây dựng Đảng, chính quyền trong sạch, vững mạnh, củng cố niềm tin của Nhân dân, ổn định chính trị, xã hội.

Đặc biệt, MTTQ phát huy vai trò kết nối, vận động nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân trong, ngoài tỉnh và tổ chức hỗ trợ, giúp đỡ người nghèo trong tỉnh vươn lên. Lần đầu tiên Quỹ vì người nghèo tỉnh đã đạt con số trên 70 tỷ đồng ủng hộ và đăng ký ủng hộ. Từ nguồn quỹ đã hỗ trợ người nghèo quà Tết, xây nhà đại đoàn kết; hỗ trợ cộng đồng nghèo xây trường, cầu, đường… Bà Bùi Thị Trịnh, xã Thung Nai (Cao Phong); ông Bùi Văn Xương, xã Ân Nghĩa (Lạc Sơn) và gần 400 hộ nghèo khác trong tỉnh năm 2022 đã được ở trong ngôi nhà mơ ước. Ông Bùi Văn Xương xúc động chia sẻ: "Gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo, con bệnh tật, nếu không có sự hỗ trợ của MTTQ, giúp đỡ của cộng đồng thì chưa biết lúc nào tôi mới làm được nhà ở khang trang.” Phát huy kết quả đạt được, năm 2023, Ủy ban MTTQ tỉnh dự kiến vận động nguồn lực để phân bổ xây thêm hàng nghìn nhà đại đoàn kết tặng người nghèo.

Lắng nghe dân, đại diện cho người dân và hành động vì Nhân dân, MTTQ các cấp trong tỉnh đang nỗ lực đổi mới để khẳng định vị trí, vai trò tập hợp, đoàn kết, phát huy sức mạnh của toàn dân cùng chung sức, đồng lòng vượt qua mọi khó khăn, thử thách, viết tiếp lịch sử vẻ vang trong thời đại mới, hiện thực hóa khát vọng phát triển.


Cẩm Lệ

Các tin khác


Tuổi trẻ huyện Tân Lạc thắp sáng truyền thống quê hương anh hùng

Tân Lạc là huyện có bề dày lịch sử. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân huyện Tân Lạc đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu, lao động, sản xuất. Với khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, huyện Tân Lạc đã đóng góp trên 45.000 tấn lương thực, thực phẩm; trên 2.900 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 190 gia đình có từ 2 - 4 con đi bộ đội.

Chuyển động trong công tác xây dựng Đảng

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó đặc biệt quan tâm công tác cán bộ, lấy sản phẩm để đánh giá năng lực cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhờ vậy đã tạo nên sự chuyển động của bộ máy cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Nhịp sống mới ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Đà Bắc là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều chiến công trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhiều năm qua, đất và người Đà Bắc luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Xã Đồng Tâm thiết thực học tập và làm theo Bác

Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) trong học tập và làm theo Bác.

Đồng chí Đoàn Tiến Lập được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn

Chiều 26/4, HĐND huyện Lương Sơn khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức kỳ họp thứ 17 - kỳ họp chuyên đề về công tác cán bộ, bầu Chủ tịch UBND huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục