(HBĐT) - Những năm qua, tình hình an ninh, trật tự (ANTT) trên địa bàn tỉnh Hòa Bình cơ bản được giữ vững, ổn định, phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc (TDBVANTQ) có nhiều chuyển biến tích cực, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn tiềm ẩn nhiều diễn biến phức tạp về ANTT, đòi hỏi cần có sự vào cuộc nỗ lực, quyết liệt của cả hệ thống chính trị.
Lãnh đạo Bộ Công an về dự và chỉ đạo Ngày hội toàn dân bảo vệ ANTQ trên địa bàn tỉnh.
Xác định được yêu cầu nhiệm vụ từ tình hình trên, Công an tỉnh Hòa Bình đã phối hợp với MTTQ tỉnh và các tổ chức thành viên làm tốt chức năng tham mưu UBND tỉnh, Ban Chỉ đạo (BCĐ) phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào TDBVANTQ tỉnh xây dựng và ban hành Chương trình số 09/Ctr-BCĐ-CAT, ngày 7/1/2014 phối hợp giữa Công an tỉnh với Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên về "Đẩy mạnh phong trào TDBVANTQ trong tình hình mới" nhằm triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp số 09/CTr-BCA-MTTW (viết tắt là Chương trình phối hợp số 09) ngày 1/8/2013 giữa Bộ Công an và Ban Thường trực Ủy ban T.Ư MTTQ Việt Nam và Bộ Công an; đồng thời tham mưu Tỉnh ủy ban hành Quyết định số 605 - QĐ/TU, ngày 27/7/2012 về thành lập BCĐ phòng, chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào TDBVANTQ tỉnh Hòa Bình; tham mưu UBND tỉnh xây dựng Đề án về nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào TDBVANTQ trên địa bàn tỉnh các giai đoạn 2012-2020, 2021-2025…
Trên cơ sở hướng dẫn của BCĐ tỉnh, Công an tỉnh, MTTQ tỉnh, các tổ chức thành viên cấp huyện, thành phố đã làm tốt chức năng tham mưu UBND, BCĐ huyện phối hợp chặt chẽ trong công tác triển khai các biện pháp, giải pháp bảo đảm ANTT; phát động mạnh mẽ phong trào TDBVANTQ trên địa bàn với nhiều nội dung, hình thức đa dạng, phong phú và hiệu quả; khơi dậy sức mạnh, tiềm lực to lớn của nhân dân trong công tác bảo đảm ANCT, giữ gìn TTATXH; đồng thời phát huy được vai trò tiên phong của cán bộ, đảng viên trong các hoạt động bảo đảm ANTT nói chung, công tác dân vận nói riêng. Đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia bảo vệ ANCT, TTATXH thông qua các hình thức hội họp của các ngành, đoàn thể, công tác hội, hệ thống giáo dục quốc gia nhằm nâng cao nhận thức cho cho cán bộ, công chức, viên chức, hội viên, lao động, học sinh về giữ gìn trật tự, an toàn giao thông, xây dựng nông thôn mới khu dân cư xã, phường… Trong đó đã lồng ghép thường xuyên, có hiệu quả phong trào TDBVANTQ với Cuộc vận động "Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh"; vận động phát huy vai trò của 1.276 người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, 320 chức sắc, chức việc trong các tôn giáo tham gia bảo vệ ANTQ; tuyên truyền, vận động Nhân dân tích cực tham gia xây dựng trên 75% khu dân cư, xã, phường, thị trấn, cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục đạt tiêu chuẩn "An toàn về ANTT”, chuyển hóa thành công 36/36 xã ra khỏi diện "Xã trọng điểm phức tạp về ANTT”, xây dựng 125/129 (97%) xã đạt Tiêu chí 19.2 "Xã an toàn về an ninh, trật tự xã hội và bảo đảm bình yên” trong xây dựng nông thôn mới.
Công tác tổ chức thực hiện "Ngày hội TDBVANTQ", xây dựng khu dân cư, cơ quan, doanh nghiệp, nhà trường đạt tiêu chuẩn "An toàn về ANTT’ cũng được hai đơn vị quan tâm; công tác phối hợp trong xây dựng lực lượng Công an, MTTQ và các tổ chức thành viên trong sạch, vững mạnh, gắn bó mật thiết với nhân dân ngày càng hiệu quả. Điển hình, lực lượng Công an trong tỉnh đã tổ chức 307 hội nghị, diễn đàn và tiếp thu 8.122 ý kiến đóng góp của các cơ quan và nhân dân. Qua đó đã góp phần tích cực trong thay đổi tác phong, lề lối làm việc của cán bộ, chiến sỹ, chủ động hơn trong thực hiện nhiệm vụ công tác đảm bảo ANTT tại địa phương.
Do có sự chỉ đạo quyết liệt, đồng bộ của cấp ủy, chính quyền, vai trò nòng cốt và phối hợp chặt chẽ của lực lượng Công an, Uỷ ban MTTQ và các tổ chức thành viên các cấp trong tỉnh, phong trào TDBVANTQ của tỉnh đã có sự chuyển biến toàn diện, tạo sức lan toả rộng rãi, huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân tham gia. Toàn tỉnh hiện duy trì 45 mô hình: trong đó 1.589 điểm mô hình và 2.590 tổ thực hiện mô hình trong phong trào TDBVANTQ theo hướng tự phòng, tự bảo vệ, tự hòa giải các vấn đề liên quan ANTT ở cơ sở, đang phát huy tác dụng, hiệu quả cao trong công tác đảm bảo ANTT, làm nền tảng, tiền đề cho các phong trào khác ở địa phương, được các cấp, các ngành và nhân dân đánh giá cao, điển hình như: " Tổ liên gia tự quản về ANTT’’, "Tổ dân phố, thôn, xóm an toàn”, "An toàn trường học”, "Dòng họ tự quản về ANTT", "Ổ nhà tự quản”, "Cụm giáp ranh an toàn về ANTT”, "Quản lý, giáo dục thanh, thiếu niên hư có nguy cơ vi phạm pháp luật”; "Toàn dân tham gia đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trên internet, mạng xã hội”; "Camera an ninh"…Thông qua công tác tuyên truyền, Nhân dân đã cung cấp trên 15 nghìn nguồn tin có giá trị liên quan đến ANTT, giúp lực lượng Công an điều tra, khám phá hàng nghìn vụ phạm tội và vi phạm pháp luật. Ủy ban MTTQ và các tổ chức thành viên còn phát huy tốt vai trò giám sát việc thực hiện Quy chế dân chủ ở cơ sở và các lĩnh vực phát triển KT-XH thông qua 3.531 Tổ tự quản ở các thôn, bản, tổ dân phố, 156 Ban Thanh tra Nhân dân, 161 Ban Giám sát đầu tư cộng đồng, hàng nghìn tổ hòa giải ở cơ sở. Từ đó góp phần đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả phong trào TDBVANTQ, giữ vững ổn định ANCT, TTATXH, phục vụ đắc lực công cuộc xây dựng, phát triển KT-XH của tỉnh.
Nhờ phát huy hiệu quả vai trò trong công tác phối hợp giữa hai đơn vị Công an tỉnh và Ủy ban MTTQ tỉnh, từ năm 2013 đến nay, đã có 1.521 cá nhân thuộc tỉnh Hòa Bình được Bộ Công an tặng Kỷ niệm chương "Bảo vệ ANTQ”; 70 tập thể, 42 cá nhân được Bộ Công an tặng bằng khen; 62 tập thể, 108 cá nhân được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen và hàng trăm lượt tập thể, cá nhân được các cấp khen thưởng. Những kết quả qua 10 năm thực hiện Chương trình phối hợp số 09 đã góp phần quan trọng bảo đảm tốt ANTT trên địa bàn, phục vụ đắc lực nhiệm vụ phát triển KT-XH của tỉnh.
Với trách nhiệm và việc làm cụ thể, lực lượng Công an và Ủy ban MTTQ cùng các tổ chức thành viên các cấp trên địa bàn tỉnh đã thể hiện rõ tinh thần, sức mạnh "Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết, thành công, thành công, đại thành công” như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn. Để tiếp tục phát huy hiệu quả công tác phối hợp giữa Công an tỉnh và MTTQ tỉnh, trong thời gian tới, hai đơn vị tiếp tục quán triệt chỉ đạo thực hiện có hiệu quả Chương trình phối hợp số 09; tăng cường đoàn kết, phối hợp "Đẩy mạnh phong trào TDBVANTQ trong tình hình mới”. Trong đó tập trung phối hợp thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:
Tăng cường tham mưu cấp ủy, chính quyền địa phương xây dựng thế trận an ninh nhân dân kết hợp thế trận quốc phòng toàn dân vững chắc, xây dựng phong trào TDBVANTQ, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội trong tình hình mới. Nâng cao trách nhiệm của MTTQ, các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trong việc tuyên truyền, vận động cán bộ, Nhân dân tham gia bảo vệ ANTQ. Quan tâm đổi mới nội dung, biện pháp xây dựng phong trào TDBVANTQ trên địa bàn, nhất là tại các địa bàn chiến lược, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đồng bào theo tôn giáo, trong các cơ quan, doanh nghiệp, cơ sở giáo dục, các khu công nghiệp; phối hợp triển khai xây dựng phong trào TDBVANTQ trên không gian mạng; gắn kết chặt chẽ phong trào với các cuộc vận động, phong trào cách mạng khác; đẩy mạnh thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, vận động Nhân dân thực hiện tiêu chuẩn "An toàn về ANTT”, xây dựng đời sống văn hoá, nông thôn mới, đô thị văn minh, phát hiện, tố giác tội phạm, tham gia quản lý, giáo dục và giúp đỡ người lầm lỗi tại cộng đồng dân cư, tích cực lan tỏa những "gương người tốt, việc tốt”, điển hình trong tham gia bảo vệ ANTQ. Đồng thời tăng cường công tác vận động, phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số, chức sắc, chức việc trong các tôn giáo, đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức, nhà khoa học tham gia sự nghiệp bảo vệ ANTQ.
Tiếp tục duy trì và phát huy hiệu quả hoạt động của các mô hình phong trào hiện có; rà soát, nghiên cứu xây dựng, nhân rộng các mô hình mới, nhất là mô hình "Camera an ninh", "Toàn dân tham gia đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch" và các mô hình trên không gian mạng đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế. Chủ động nắm chắc tình hình, địa bàn; tham mưu, phối hợp giải quyết có hiệu quả các tranh chấp, khiếu kiện, mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, không để hình thành "điểm nóng về ANTT; tổ chức tấn công, trấn áp mạnh đối với các loại tội phạm, tệ nạn xã hội, không để phát sinh các tụ điểm, ổ nhóm phức tạp về trật tự xã hội gây bức xúc trong dư luận. Thường xuyên làm tốt công tác kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc các đơn vị, địa phương trong công tác phối hợp xây dựng phong trào; coi trọng việc sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm để phát huy, nhân rộng những cách làm hay, những mô hình, điển hình tiên tiến; động viên khen thưởng kịp thời những tập thể, cá nhân xuất sắc để cổ vũ phong trào phát triển sâu rộng.