(HBĐT) - Những thông tin tích cực, gương người tốt, việc tốt, những việc làm bình dị, đầy tính nhân văn hàng ngày được chia sẻ trên báo chí, mạng xã hội đang góp phần quan trọng đẩy lùi những thông tin xấu, độc, lan tỏa những giá trị tốt đẹp trong xã hội.
Tấm gương Bùi Thị Hương Thơm, trường TH&THCS Hương Nhượng (Lạc Sơn) trong suốt nhiều năm đạp xe đưa bạn là em Bùi Diệu Linh không may bị bệnh phải cắt bỏ một chân tới trường đã đem lại sự xúc động, đậm tính nhân văn, giúp Linh có thêm niềm tin yêu trong cuộc sống, khắc phục hoàn cảnh tiếp tục đến trường. Hương Thơm không nghĩ xa xôi, chỉ mong muốn Linh vượt qua khó khăn để tiếp tục được đi học. Nhờ sự giúp đỡ của Hương Thơm, bạn bè, thầy cô, con đường tới lớp của Linh đã tràn ngập màu nắng, tình yêu thương, sự sẻ chia.
Em Bùi Thị Hương Thơm là tấm gương đội viên có những việc làm tốt, hành động đẹp, tạo được sự lan tỏa trong liên đội trường TH&THCS Hương Nhượng cũng như nhiều trường trong huyện và tỉnh. Em được vinh danh là "Dũng sĩ nghìn việc tốt" của cả nước trong lễ kỷ niệm 60 năm phong trào "Nghìn việc tốt” do Trung ương Đoàn, Hội Đồng đội Trung ương và UBND tỉnh Bắc Ninh phối hợp tổ chức.
Tấm gương giúp bạn tới trường của Hương Thơm chỉ là một trong rất nhiều tấm gương có thể thấy được ở nhiều trường học trên địa bàn tỉnh, học sinh được truyền thụ kiến thức, lòng nhân ái đang nhân lên những việc tốt ở khắp nơi. Thời gian qua, trên mạng xã hội và truyền thông lan tỏa nhiều thông tin về những hành động đẹp, việc làm tích cực của học sinh, đó là việc học sinh giúp đỡ người già qua đường, học sinh nhặt được của rơi trả lại người đánh mất...
Mới đây xuất hiện thông tin tích cực về một tốp học sinh trên địa bàn huyện Lương Sơn giúp đỡ người buôn bán phế liệu nhặt đồ bị rơi. Theo đó, trung tuần tháng 5 vừa qua, một người chở đồ phế liệu bị rơi vãi trên quốc lộ 6, gần trụ sở UBND huyện Lương Sơn. Tốp học sinh cùng nhau giúp người buôn phế liệu nhặt đồ vương vãi. Hành động nhỏ này đã thể hiện hiệu quả giáo dục, các em được dạy bảo trong môi trường giáo dục lành mạnh, nhân văn.
Có thể thấy, ở mọi lĩnh vực, mọi hoạt động, mọi địa bàn, trong đời sống xã hội đều có những việc làm bình dị nhưng có sức lan tỏa rộng lớn, hướng tới một xã hội chân - thiện - mỹ. Đó là những công nhân lao động hưởng ứng phong trào thi đua "năng suất, chất lượng, hiệu quả”, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để tiết kiệm chi phí sản xuất, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh của sản phẩm trong khối doanh nghiệp nước ngoài. Là cán bộ, công chức tận tụy cống hiến phục vụ tổ chức, cá nhân trong khối cơ quan quản lý nhà nước. Là những đại biểu nhân dân phát huy vai trò, làm tròn chức năng của người đại biểu dân cử. Hay những chiến sỹ quân đội giúp dân gặt lúa trong nắng hè rắc lửa, xây dựng đường giao thông, hỗ trợ người dân có hoàn cảnh khó khăn sản xuất, xây dựng nhà đại đoàn kết, làm công trình nước sạch; những chiến sỹ công an vì dân quên mình, vượt qua khó khăn hỗ trợ người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn làm căn cước công dân… Những việc làm tốt đẹp được lan tỏa trên truyền thông và mạng xã hội tạo hiệu ứng tích cực, thể hiện trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức, chiến sỹ đối với người dân, cũng như thể hiện sự yêu thương, chia sẻ, đạo lý tốt đẹp của dân tộc.
Thực tế những tấm gương điển hình, những việc làm tốt tự thân rất có giá trị, song nếu được chia sẻ rộng rãi thì những giá trị tốt đẹp đó sẽ được phát huy, tỏa sáng, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần xã hội thêm lành mạnh, văn minh. Việc lan toả những thông tin tích cực không chỉ là nhiệm vụ của các cơ quan báo chí mà còn là trách nhiệm của cán bộ, đảng viên. Cán bộ, đảng viên cần nhận thức rõ và thực hiện nghiêm túc quy tắc ứng xử trên mạng xã hội, tích cực lan tỏa, chia sẻ những điều tốt đẹp, tuyên truyền, quảng bá hình ảnh, các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, công cuộc đổi mới, xây dựng quê hương, đất nước. Đối với cán bộ, phóng viên các cơ quan báo chí, việc chú trọng tuyên truyền, phản ánh đề tài người tốt, việc tốt là sứ mệnh, cũng là hoạt động thiết thực, góp phần hiện thực hóa một trong những tiêu chí của cơ quan báo chí văn hóa là: "Đề cao yếu tố văn hóa trong hoạt động nghiệp vụ và trong tác phẩm báo chí; nêu cao tính nhân văn, hướng đến các giá trị chân - thiện - mỹ, lan tỏa những điều tốt đẹp trong xã hội”, góp phần thực hiện phong trào "Xây dựng môi trường văn hóa trong các cơ quan báo chí”.
Lê Chung