Đà Bắc là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều chiến công trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhiều năm qua, đất và người Đà Bắc luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng no ấm, hạnh phúc.
Trong những ngày tháng Tư lịch sử, ở xã Trung Thành (Đà Bắc), người dân vẫn truyền tai nhau đầy tự hào về một chiến công lẫy lừng của 58 năm về trước. Đó là kỳ tích dân quân xã Trung Thành bắn rơi chiếc máy bay RF101 của Mỹ vào ngày 29/4/1966 bằng súng trường. Trung Thành vốn là cái nôi cách mạng, trong thời kỳ tiền khởi nghĩa, vào tháng 4/1945, chiến khu cách mạng Mường Diềm đã được thành lập tại xã vùng cao này. Lực lượng cách mạng của khu căn cứ đã góp phần quan trọng vào thắng lợi của cuộc khởi nghĩa giành chính quyền vào tháng 8/1945 tại châu lỵ Chợ Bờ, Suối Rút, Phố Vãng (Hoà Bình) và Mộc Châu (Sơn La). Qua đó đập tan âm mưu lập "Xứ Mường tự trị” của thực dân Pháp. Đặc biệt, từ sự phát triển đó, dân quân xã Trung Thành đã làm nên chiến công bắn rơi máy bay RF101 của Mỹ.
Theo sử sách ghi lại, thời điểm năm 1965, máy bay Mỹ nhiều lần xâm nhập, ném bom đánh phá địa bàn Đà Bắc. Đến năm 1966, hoạt động của địch thường xuyên hơn với mục tiêu đánh phá đường giao thông. Trước tình hình đó, quân và dân xã Trung Thành nhiều lần dùng súng trường tổ chức đánh trả. Tuy nhiên, do máy bay Mỹ bay cao và nhanh nên chưa thể tiêu diệt được. Rút kinh nghiệm từ những trận đánh trước, lực lượng dân quân xã Trung Thành đã họp và quyết định chuyển trận địa lên đỉnh núi Pù Chung và Pù Thằm Nóc. Đây là 2 ngọn núi cao nhất trong dãy Phu Canh và cũng là điểm đón lõng máy bay Mỹ.
Khi đó, với 8 khẩu súng trường, lực lượng dân quân xã tập trung huấn luyện chiến thuật phù hợp với địa hình. Hồi 13h24’ ngày 29/4/1966, 3 chiếc máy bay trinh sát RF-101C từ hướng Mộc Châu bay vào vùng trời Đà Bắc. Sau khi lượn 3 vòng trên bầu trời khu vực xã Trung Thành và các xã lân cận để thám thính, chúng nối đuôi nhau chọc thẳng vào trận địa phòng không trên núi Pù Chung. Khi chiếc máy bay thứ nhất vút qua trận địa, lực lượng dân quân chỉ kịp bắn 2 phát đạn. Nhận định chiếc thứ 2 sẽ nối tiếp chiếc thứ nhất bay qua trận địa, khi còn cách trận địa khoảng 3 km và nhận thấy sự chủ quan của phi công bay thấp, tốc độ chậm, bay lách theo khe suối, các tay súng tổ dân quân đều hướng theo vật chuẩn đã chọn. Cả 4 khẩu súng đồng loạt nhả đạn, chiếc máy bay lướt qua trận địa rồi bốc cháy, tên thiếu tá phi công đã kịp nhảy dù nhưng bị lực lượng dân quân và nhân dân bắt sống.
Mặc dù với vũ khí thô sơ, chưa có kinh nghiệm bắn máy bay nhưng với tinh thần quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, dân quân xã Trung Thành đã giành chiến thắng. Chiến công đó không chỉ luôn in sâu trong tâm khảm của người dân Trung Thành, mà còn là động lực để xã vùng cao này tiếp bước trên hành trình vượt lên đói nghèo, xây dựng nông thôn mới. Ngày nay, mảnh đất Trung Thành từng ngày thay đổi với cơ sở hạ tầng ngày một khang trang hơn. Về Trung Thành không chỉ có tuyến đường độc đạo, ngoằn ngoèo và xa lắc như ngày nào. Với tuyến đường Cao Sơn - Trung Thành được mở, thời gian đi từ trung tâm huyện Đà Bắc đến với chiến khu Mường Diềm còn chưa đầy một giờ đồng hồ. Hệ thống đường giao thông trên địa bàn xã cũng được mở rộng, cứng hoá thuận lợi. Đó là động lực để người dân Trung Thành đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập.
Đồng chí Lường Văn Thái, Phó Bí thư Thường trực Đảng uỷ xã Trung Thành cho biết: Những năm qua, cấp uỷ, chính quyền luôn chú trọng giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ. Cùng với đó là đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi để nâng cao thu nhập cho người dân. Trong đó, mô hình trồng cây gai xanh với diện tích gần 50 ha đã đem lại những kết quả khả quan. Ngoài ra, xã đang thử nghiệm một số loại cây trồng mới, như trồng bí đao, su su lấy ngọn, khoai sọ, cây dược liệu. Với hệ thống cơ sở hạ tầng được đầu tư ngày càng đồng bộ là động lực quan trọng để Trung Thành tiến nhanh trong công cuộc xoá đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.
Viết Đào