Trong những năm qua, nội dung các phong trào thi đua (PTTĐ) do tỉnh phát động khá phong phú, xác định được mục tiêu, đối tượng thi đua. Các PTTĐ có chủ đề, tên gọi, tiêu chí cụ thể, tập trung vào những nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách, những nhiệm vụ khó, phức tạp, có tác động tích cực đến phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) của tỉnh.
Đồng chí Bùi Ngọc Đại, Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Một trong những PTTĐ nổi bật được tỉnh phát động là "Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án a trọng điểm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2024 - 2030”. Bên cạnh sử dụng hiệu quả nguồn vốn ngân sách nhà nước, tiếp tục tập trung huy động các nguồn vốn để đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm, ưu tiên đầu tư phát triển vùng động lực, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng, giao thông nông thôn; hạ tầng khu, cụm công nghiệp, đô thị, khu, điểm du lịch quốc gia...
Tỉnh đã quan tâm, chỉ đạo tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện thủ tục và thực hiện các dự án trọng điểm như: Đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu), cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn Km19 - Km53 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình), đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) kết nối với quốc lộ 6; đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai, Hà Nội (giai đoạn 1)... Trong năm 2023, tỉnh đã khởi công 5 dự án trọng điểm, trong đó có 3 dự án đầu tư công gồm: Đường nối từ đường Trần Hưng Đạo đến phường Dân Chủ (TP Hòa Bình) kết nối với quốc lộ 6; đường kết nối thị trấn Lương Sơn - Xuân Mai, Hà Nội (giai đoạn 1); đường liên kết vùng Hòa Bình - Hà Nội và cao tốc Sơn La (Hòa Bình - Mộc Châu). 2 dự án đầu tư ngoài ngân sách: Khởi công đầu Hòa Bình tuyến cáp treo Hương Bình tại xã Phú Nghĩa (Lạc Thuỷ) nối chùa Tiên và chùa Hương; Nhà máy sản xuất vôi và bột nhẹ Xuân Thiện Hoà Bình tại xã Yên Bồng (Lạc Thuỷ).
Cùng với đó, Tỉnh ủy, UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện tốt việc huy động nguồn vốn để đầu tư các dự án hạ tầng trọng điểm, ưu tiên đầu tư phát triển vùng động lực, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông liên vùng, giao thông nông thôn; hạ tầng khu, cụm công nghiệp, đô thị, khu, điểm du lịch quốc gia... Năm 2024, tỉnh tập trung đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công gắn với triển khai các dự án trọng điểm, gắn trách nhiệm của người đứng đầu để đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, nhất là dự án đường liên kết vùng, cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu và các dự án khác. Mới đây, tỉnh đã khởi công dự án cao tốc Hòa Bình - Mộc Châu (đoạn từ Km19 - Km53 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình), mở ra cơ hội phát triển KT-XH của tỉnh Hòa Bình nói riêng và các tỉnh Tây Bắc nói chung.
Đồng chí Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng tỉnh cho biết: Ngoài việc tổ chức có hiệu quả các PTTĐ do Trung ương phát động, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện có hiệu quả 12 PTTĐ chuyên đề, đặc thù do UBND tỉnh phát động trên các lĩnh vực của đời sống xã hội. Trong đó có các PTTĐ thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển KT-XH hàng năm và kế hoạch 5 năm (2021 - 2025) theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hòa Bình lần thứ XVII.
Năm 2023 - 2024, tỉnh đã phát động, triển khai thực hiện 6 PTTĐ chuyên đề, đặc thù gắn với thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhiệm vụ mang tính đột phá, chiến lược và mục tiêu nước rút để góp phần phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN của tỉnh. Trong đó, năm 2024, tỉnh phát động 3 PTTĐ: "Toàn dân tham gia phát hiện, cung cấp thông tin, hình ảnh phản ánh vi phạm về trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”, "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc Mường và nền Văn hóa Hòa Bình, giai đoạn 2024 - 2030 trên địa bàn tỉnh Hòa Bình”, "Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng phục vụ triển khai các dự án trọng điểm trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2024 - 2030”.
Bên cạnh đó, các PTTĐ trong lĩnh vực xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền và toàn hệ thống chính trị; xây dựng và phát triển văn hoá, xã hội, khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân; thực hiện chương trình chuyển đổi số quốc gia; các PTTĐ trên lĩnh vực cải cách hành chính, xây dựng chính quyền, công tác dân tộc, tôn giáo, QP-AN, đối ngoại, tư pháp, thanh tra tiếp tục được triển khai sâu rộng. Nhờ đó, tình hình KT-XH của tỉnh đạt được những kết quả tích cực, toàn diện. Tính đến hết tháng 9/2024, tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) ước tăng 9,02% so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu các ngành kinh tế trong GRDP: tỷ trọng ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản 16,62%; công nghiệp - xây dựng 46,75%; dịch vụ 31,84%; thuế sản phẩm 4,79%. Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12,1% so với cùng kỳ năm trước. Trong 9 tháng ước có 375 doanh nghiệp thành lập mới, tổng vốn đăng ký 6.500 tỷ đồng. Đến hết tháng 9, tỷ lệ đô thị hóa ước đạt 36%.
Với sự quan tâm, chỉ đạo thực hiện tốt các PTTĐ và sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã góp phần thực hiện quyết liệt, đồng bộ 4 đột phá chiến lược của tỉnh. Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; nhiều dự án trọng điểm nhằm hoàn thiện kết cấu hạ tầng KT-XH của tỉnh được khởi công, triển khai thực hiện. Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh tiếp tục được đẩy mạnh; an sinh và phúc lợi xã hội được quan tâm thực hiện; các lĩnh vực văn hóa, giáo dục, đào tạo, y tế, khoa học và công nghệ, lao động, việc làm được chú trọng. Quốc phòng, an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội ổn định. Hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc tế tiếp tục triển khai có hiệu quả.
Hương Lan