Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: "Nhân dân ta có hai lực lượng. Một là Quân đội để đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn hòa bình. Một lực lượng nữa là Công an để chống kẻ địch trong nước, chống bọn phá hoại. Có lúc chiến tranh, có lúc hòa bình. Lúc chiến tranh thì Quân đội đánh giặc, lúc hòa bình thì tập luyện. Còn Công an thì phải đánh địch thường xuyên, lúc chiến tranh có việc, lúc hòa bình lại càng nhiều việc...” Dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ vĩ đại, lực lượng Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam đã trưởng thành và ngày càng lớn mạnh, được nhân dân cả nước tôn vinh với danh hiệu vô cùng cao quý "Bộ đội Cụ Hồ”.
Các học sinh Trường THPT Ngô Quyền (thành phố Hòa Bình) được giới thiệu, giáo dục ngoại khóa về kiến thức quốc phòng tại Bộ CHQS tỉnh. Ảnh: M.H
Trải qua các cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và nay là sẵn sàng chiến đấu bảo vệ vững chắc Tổ quốc từ sớm, từ xa, "Bộ đội Cụ Hồ” đã trở thành danh hiệu thiêng liêng của CBCS QĐND Việt Nam.
Theo hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, xuất xứ của danh hiệu "Bộ đội Cụ Hồ” xuất hiện ngay sau khi "Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân” được thành lập. Đồng bào các dân tộc thiểu số ở Việt Bắc thường yêu quý gọi các đơn vị vũ trang ta là "Bộ đội Ông Ké” hay "Bộ đội Ông Cụ” một cách thân thương, chân thành như tấm lòng của đồng bào đối với lãnh tụ của mình khi mà nhiều người lúc đó chưa biết tên Bác. Về sau, khi biết tên "Ông Cụ”, "Ông Ké” là Bác Hồ, là Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu, đồng bào đã gọi "Bộ đội Ông Ké”, "Bộ đội Ông Cụ” là "Bộ đội Cụ Hồ”. Từ chiến khu Việt Bắc, danh hiệu thân thuộc ấy lan tỏa, bừng sáng trong nhân dân cả nước trong suốt các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc ta từ đó đến nay.
Trong lịch sử cách mạng nước ta, vẻ đẹp nhân cách "Bộ đội Cụ Hồ” là biểu tượng văn hóa độc đáo của dân tộc, đồng thời là đỉnh cao sáng ngời về phẩm chất, năng lực của người lính cách mạng trong thời đại Hồ Chí Minh, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của Nhân dân.
Danh hiệu "Bộ đội Cụ Hồ” là một hình thức diễn ngôn mang phong cách văn hóa dân tộc vô cùng gần gũi, thân thiết. Nhân dân ta đã trìu mến, thân thương gọi CBCS quân đội là "Bộ đội Cụ Hồ”. Bởi lẽ, các thế hệ CBCS trong Quân đội ta luôn học tập, phấn đấu, rèn luyện và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, xứng đáng là LLVT cách mạng của Đảng và Bác Hồ vĩ đại. Danh hiệu này chính là biểu tượng nhân cách văn hóa sáng ngời của Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ vĩ đại, kính yêu của toàn dân tộc trong thời đại mới. Danh hiệu này còn thể hiện tình cảm trân trọng, quý mến và niềm tin mãnh liệt mà quần chúng nhân dân dành cho Quân đội, Đảng và Bác Hồ kính yêu. Nhân dân đã gọi như vậy, vì còn cảm nhận được mối quan hệ sâu sắc gắn bó đặc biệt hiếm có giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với CBCS trong toàn quân.
Bác Hồ - người cha thân yêu của các LLVT nhân dân, người khai sinh ra Quân đội, dày công vun đắp, chăm lo từng bước trưởng thành; luôn gần gũi, yêu thương và tin tưởng về lòng dũng cảm, sự sáng tạo của bộ đội; thấu hiểu, cảm thông và xúc động trước sức chịu đựng gian khổ và sẵn sàng hy sinh của người chiến sĩ trong chiến đấu.
Dưới sự lãnh đạo của Đảng, 80 năm qua, các thế hệ CBCS "Bộ đội Cụ Hồ” luôn xứng đáng với niềm tin yêu của Nhân dân, ngày càng trưởng thành, lớn mạnh, vượt qua nhiều thử thách, khó khăn, chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù, bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Danh hiệu "Bộ đội Cụ Hồ” chính là sự hội tụ, kết tinh và tỏa sáng cao độ giá trị văn hóa đặc sắc của Quân đội ta nói riêng, giá trị văn hóa Việt Nam nói chung trong thời đại Hồ Chí Minh.
Giá trị văn hóa Bộ đội Cụ Hồ là các chuẩn mực văn hóa cách mạng của QĐND Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; thể hiện những giá trị văn hóa cách mạng thời đại Hồ Chí Minh; là biểu tượng sáng ngời về truyền thống yêu nước.
Vào những năm 40 của thế kỷ XX, trước yêu cầu cấp bách chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang, dưới sự lãnh đạo của Đảng mà đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, "Đội Việt Nam Tuyên truyền giải phóng quân” được thành lập với người chỉ huy đầu tiên là đồng chí Võ Nguyên Giáp. Hai trận đánh Nà Ngần và Phai Khắt là chiến thắng mở màn viết nên trang sử vẻ vang của Quân đội ta. Ngày 19/8/1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Bác Hồ, cuộc tổng khởi nghĩa tháng Tám đã thắng lợi và ngày 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đọc bản "Tuyên ngôn Độc lập” khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Vượt qua mọi gian khổ, "Bộ đội Cụ Hồ” đã làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu và tiếp theo là chiến thắng giặc Mỹ, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Hiện nay, "Bộ đội Cụ Hồ” đang ngày càng phát triển "tinh, gọn, mạnh”, tiến lên hiện đại, sẵn sàng bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tham gia QĐND Việt Nam là đông đảo những thanh niên ưu tú được giác ngộ cách mạng, xuất thân là con em của nhân dân lao động trong cả nước, quyết tâm phấn đấu thực hiện lý tưởng cách mạng mà Đảng, Bác Hồ, Quân đội ta và toàn thể nhân dân hướng đến, xứng danh là "Bộ đội Cụ Hồ”. Năm 1954, tại đền Giếng, khu di tích lịch sử - văn hóa Đền Hùng (Phú Thọ), kế thừa, tiếp nối truyền thống "Tướng sĩ một lòng phụ tử”, Bác Hồ đã căn dặn CBCS quân đội ta: "Các vua Hùng đã có công dựng nước. Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”. Chính vì vậy, nhân dân đã vô cùng trân trọng lấy danh xưng thân thiết của vị lãnh tụ kính yêu để đặt tên cho đội quân những người lính cách mạng yêu mến của mình là "Bộ đội Cụ Hồ”, với ý nghĩa khẳng định: đây là bộ đội của Cụ Hồ, là quân đội thể hiện phẩm chất đạo đức, nhân cách văn hóa, lý tưởng cách mạng cao đẹp của Cụ Hồ.
Trải qua 80 năm kể từ khi thành lập ngày 22/12/1944 cho đến nay, CBCS Quân đội ta đã và đang phát huy cao nhất tinh thần "Vì nhân dân quên mình, vì nhân dân hy sinh”. Đó là mệnh lệnh của trái tim, là vẻ đẹp phẩm chất đạo đức cách mạng của "Bộ đội Cụ Hồ” trên khắp mọi miền đất nước. Thực hiện nghiêm túc "10 lời thề danh dự” thiêng liêng của QĐND Việt Nam, CBCS luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, thực hiện "quân với dân như cá với nước”, "đi dân nhớ, ở dân thương”. Thực tế cho thấy, "Bộ đội Cụ Hồ” là lực lượng chủ lực hùng hậu để bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa trong tình hình mới; sẵn sàng thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, xử lý ô nhiễm môi trường hay dò gỡ bom, mìn. "Bộ đội Cụ Hồ” luôn có mặt sớm nhất ở nơi thiên tai, địch họa, hiểm nguy để bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân. Trên những vùng núi cao, rừng thẳm, nơi biên giới, hải đảo xa xôi, "Bộ đội Cụ Hồ” đã làm bác sĩ chữa bệnh, làm thầy giáo dạy trẻ, làm cán bộ tuyên truyền đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước. Vì vậy, người dân Việt Nam có câu nói quen thuộc mà ý nghĩa sâu sắc: "Ở đâu có bộ đội, ở đó bà con yên tâm”.
Danh hiệu "Bộ đội Cụ Hồ” là biểu tượng cho chân lý chính nghĩa của dân tộc và thời đại, là hiện thân của tinh thần nhân văn, nhân đạo, hòa bình, hữu nghị của văn hóa Việt Nam. Trong suốt chiều dài lịch sử cách mạng, với vẻ đẹp giá trị văn hóa "Bộ đội Cụ Hồ”, với tư thế chính nghĩa, Quân đội đã quyết tâm chiến đấu để bảo vệ độc lập, tự do của dân tộc, hòa bình thế giới, có tinh thần nhân văn, nhân đạo cao cả, coi trọng tình hữu nghị giữa các dân tộc. Trong các cuộc chiến đấu chống kẻ thù chung là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, CBCS Quân đội với phẩm chất "Bộ đội Cụ Hồ” đã tình nguyện sang Lào chiến đấu, đóng góp nhiều công sức làm nên những chiến công oanh liệt của sự nghiệp cách mạng nước bạn. "Bộ đội Cụ Hồ” đã tình nguyện làm nghĩa vụ quốc tế giúp nhân dân Campuchia hồi sinh, thoát khỏi nạn diệt chủng man rợ, được nhân dân xứ sở chùa tháp gọi là "đội quân nhà Phật”. Trong lịch sử quân sự thế giới, hiếm thấy một đội quân nào anh dũng, yêu nước, nhân văn cao cả, được nhân dân trong nước cũng như nước bạn tin tưởng tuyệt đối như vậy. Gần đây, CBCS Quân đội đã tích cực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, lan tỏa vẻ đẹp giá trị văn hóa "Bộ đội Cụ Hồ” cũng là vẻ đẹp văn hóa dân tộc Việt Nam trên thế giới trong sự yêu mến, khâm phục của nhân dân thế giới.
Ngày nay, giá trị văn hóa "Bộ đội Cụ Hồ” vẫn được biểu hiện sinh động trong tình quê hương đất nước tha thiết, yêu dân tộc, yêu nhân dân, yêu con người, tinh thần nhân văn, nhân đạo cao cả, ý chí và nghị lực kiên cường, thông minh, sáng tạo trong chiến đấu, tinh thần xả thân, khát vọng cống hiến vì Tổ quốc. Giá trị văn hóa "Bộ đội Cụ Hồ” còn được thể hiện ở tinh thần ham học hỏi, cầu thị, khát vọng vươn lên chiếm lĩnh những tri thức KHCN mới về quân sự, kiến thức quân sự trong tác chiến, làm chủ vũ khí, khí tài hiện đại để chiến đấu có hiệu quả; là ý thức kỷ luật rất cao, sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng và Nhân dân giao phó trong mọi tình huống. Thời gian qua, các thế lực thù địch, bọn phản động quốc tế liên tục thực hiện nhiều thủ đoạn tinh vi, thâm độc nhằm chống phá cách mạng Việt Nam để gây ra "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa” hòng thực hiện "cách mạng nhung”, "cách mạng màu”, âm mưu gây bạo loạn, lật đổ chế độ ta.
Hiểu rõ QĐND Việt Nam là lực lượng chính trị tin cậy, lực lượng chiến đấu trung thành tuyệt đối của Đảng, Nhà nước và Nhân dân, các thế lực thù địch và bọn phản động thường ra sức kích động hòng chia rẽ mối quan hệ quân dân, âm mưu thúc đẩy "phi chính trị hóa” quân đội, hòng làm thoát ly sự lãnh đạo của Đảng với Quân đội. Bởi vậy, nhiệm vụ kiên quyết ngăn chặn và làm thất bại thủ đoạn "diễn biến hòa bình” và âm mưu "phi chính trị hóa” quân đội của các thế lực thù địch cần phải được coi là yêu cầu chính trị trọng tâm, hàng đầu, thường xuyên và có hiệu quả. Từ Quân ủy Trung ương đến tất cả cấp ủy, lãnh đạo, chỉ huy và CBCS các đơn vị trong toàn quân cần nâng cao ý thức chính trị cách mạng, thấm nhuần sâu sắc lời dạy của Bác Hồ: "Quân sự phục tùng chính trị” vì "quân sự mà không có chính trị như cây không có gốc, vô dụng lại có hại”. Đi đôi với nhiệm vụ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao về khoa học quân sự, quốc phòng đáp ứng yêu cầu cấp bách bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, việc đẩy mạnh học tập, rèn luyện bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức cách mạng của "Bộ đội Cụ Hồ” cho CBCS trong toàn quân, nhất là CBCS trẻ là yếu tố quan trọng hàng đầu để xây dựng, phát triển Quân đội tinh, gọn, mạnh, nguồn lực nội sinh đặc biệt để xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì một nước Việt Nam cường thịnh, phồn vinh, hạnh phúc và tích cực góp phần bảo vệ hòa bình thế giới.
Phát huy phẩm chất tốt đẹp "Bộ đội Cụ Hồ” thời kỳ mới, CBCS LLVT tỉnh Hòa Bình không ngừng tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực, trình độ, khả năng sẵn sàng chiến đấu, là lực lượng tin cậy, trung thành tuyệt đối, nòng cốt trong nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc, góp phần xây dựng quê hương Hòa Bình giàu mạnh. Những kết quả trong huấn luyện, diễn tập, sẵn sàng chiến đấu, xây dựng LLVT tỉnh những năm qua, nhất là năm 2024 được Bộ Tư lệnh quân khu khen ngợi, Bộ Quốc phòng tặng cờ thi đua xuất sắc... Đó là những minh chứng sinh động nhất thiết thực chào mừng 80 năm Ngày thành lập QĐND Việt Nam, 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân.
Đại tá, PGS, TS Phạm Thành Trung
Phó Chính ủy Bộ CHQS tỉnh
Chiều 6/12, Văn phòng Đoàn ĐBQH&HĐND tỉnh tổ chức họp báo công bố kết quả Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024, HĐND tỉnh khoá XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Tham dự có lãnh đạo các Ban của HĐND tỉnh; đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, các cơ quan báo chí của tỉnh.
Sáng 6/12, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị công bố Quyết định bổ nhiệm Giám đốc Đài Phát thanh và Truyền hình (PT&TH) tỉnh Hòa Bình. Đồng chí Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự có lãnh đạo Ban Tổ chức Tỉnh ủy, Sở Nội vụ, Văn phòng UBND tỉnh.
Sau 3 ngày làm việc, Kỳ họp thường lệ cuối năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 – 2026 đã hoàn thành nội dung, chương trình đề ra. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh đã phát bế mạc Kỳ họp. Báo Hòa Bình trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.
Ngày 6/12, tại xóm Khị, xã Nhân Nghĩa (Lạc Sơn), Ban tổ chức các hoạt động kỷ niệm của tỉnh tổ chức Ra mắt địa điểm thành lập Tỉnh đội bộ dân quân Hòa Bình, nay là Bộ Chỉ huy quân sự (CHQS) tỉnh. Dự buổi lễ có các đồng chí: Nguyễn Phi Long, Ủy viên dự khuyết BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Bí thư Đảng ủy Quân sự tỉnh; Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Bùi Văn Khánh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh...
Trước ngày 20/1/2025, hoàn thành dự thảo báo cáo tổng kết Nghị quyết 18, đề xuất đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị bảo đảm tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Ban Chỉ đạo Trung ương về tổng kết Nghị quyết 18 yêu cầu tập trung chỉ đạo hoạt động thông suốt, hiệu lực, hiệu quả ngay các công việc được giao, không để gián đoạn công việc.