Chiều 25/2, tại Thủ đô Hà Nội đã diễn ra Phiên khai mạc Diễn đàn Tương lai ASEAN (AFF) 2025, với chủ đề "Xây dựng ASEAN đoàn kết, bao trùm và tự cường trong một thế giới biến động”. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và có bài phát biểu quan trọng, đề xuất 3 ưu tiên chiến lược và 3 đột phá hành động: Đoàn kết, tự cường, bản sắc, thích ứng linh hoạt, huy động mọi nguồn lực cho phát triển và kết nối ASEAN với thế giới.


Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Diễn đàn Tương lai ASEAN là sáng kiến được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề xuất tại Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 43 ở Indonesia năm 2023. Ngay sau đó, tháng 4/2024, Diễn đàn Tương lai ASEAN 2024 với chủ đề "Xây dựng Cộng đồng ASEAN phát triển nhanh, bền vững, lấy người dân làm trung tâm" diễn ra tại Thủ đô Hà Nội.

Tiếp nối thành công của lần tổ chức đầu tiên, Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025 thu hút hơn 600 đại biểu tham dự trực tiếp, trong đó có nhiều Lãnh đạo Cấp cao các nước ASEAN và đối tác. Đặc biệt, ngay phiên khai mạc có sự tham dự của Tổng thống Cộng hòa Dân chủ Đông Timor José Ramos-Horta; Phó Thủ tướng các nước Lào, Campuchia; Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Thái Lan, Tổng Thư ký ASEAN.

Nhiều lãnh đạo các nước, tổ chức quốc tế đã gửi thông điệp tới Diễn đàn bằng hình thức phát biểu ghi hình và bằng văn bản như Thủ tướng Thái Lan, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, Phó Tổng thư ký Liên hợp quốc, Thủ tướng Nga. Dự kiến Thủ tướng Malaysia và Thủ tướng New Zealand sẽ tham dự Phiên toàn thể Diễn đàn tương lai ASEAN 2025.

Phát biểu tại Phiên khai mạc Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025, chuyển lời của Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và nhân danh cá nhân nhiệt liệt chào mừng các đại biểu đã tham dự Diễn đàn, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho rằng, với chủ đề "Xây dựng ASEAN đoàn kết, bao trùm và tự cường trong một thế giới biến động”, Diễn đàn là sự kiện rất có ý nghĩa trong thời điểm kỷ niệm 10 năm hình thành cộng đồng ASEAN, 30 năm Việt Nam gia nhập mái nhà chung ASEAN. Đây cũng là năm ASEAN thông qua tầm nhìn cộng đồng ASEAN đến năm 2045 để đưa ASEAN bước vào kỷ nguyên mới hướng tới một cộng đồng đoàn kết, thống nhất trong đa dạng, tự cường, đổi mới sáng tạo, lấy người dân làm trung tâm.

Theo Thủ tướng Phạm Minh Chính, thế giới và khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang chứng kiến những biến động sâu sắc với các thách thức, cơ hội đan xen, song thách thức và khó khăn nhiều hơn. Các vấn đề mang tính toàn cầu, toàn dân, toàn diện diễn biến nhanh hơn, phức tạp hơn, khó lường hơn.

Thế giới ngày nay đang đứng trước các xu thế phân cực hóa về chính trị, già hóa dân số, cạn kiệt tài nguyên; đa dạng hóa về thị trường, sản phẩm, chuỗi cung ứng; xanh hóa về sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; số hóa về mọi hoạt động của con người. Bối cảnh đó đặt ra nhiều bài toán khó nhưng cũng mở ra cơ hội hiếm có để ASEAN khẳng định vị thế, bứt phá vươn lên.

Thủ tướng cho biết, ra đời cách đây gần 60 năm mới chỉ 5 thành viên sáng lập, ASEAN ngày nay trở thành cộng đồng 10 quốc gia thống nhất trong đa dạng; là nền kinh tế lớn thứ 5 trên thế giới với tốc độ tăng trưởng hàng đầu; trung tâm của các tiến trình liên kết khu vực và toàn cầu; cầu nối của đối thoại hợp tác vì hòa bình và phát triển ở khu vực, góp phần tích cực định hình một trật tự thế giới mới.

Bước vào giai đoạn phát triển mới ASEAN được dự báo trở thành nền kinh tế lớn thứ ba thế giới với GDP vượt 10.000 tỷ USD, thị trường tiêu dùng hơn 800 triệu dân, đồng thời sẽ là trung tâm công nghệ, kinh tế số và đổi mới sáng tạo, với nền kinh tế số dự kiến 1.000 tỉ USD vào năm 2030. Để dự báo đó trở thành hiện thực ASEAN không chỉ cần sự đoàn kết nhất trí, đồng lòng mà còn cần có tư duy đột phá, chiến lược sắc bén, lộ trình khả thi, nguồn lực tập trung và hành động quyết liệt.

Trên cơ sở đó, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề xuất 3 ưu tiên chiến lược và 3 đột phá hành động. Trong đó, 3 ưu tiên chiến lược gồm: Thứ nhất, ưu tiên củng cố ASEAN tự chủ về chiến lược thông qua tăng cường đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN. Một ASEAN tự chủ chiến lược là một ASEAN đồng thuận, đoàn kết; đồng thời cân bằng, linh hoạt trong quan hệ đối ngoại; đóng vai trò tích cực trong định hình trật tự khu vực và đoàn kết hợp tác quốc tế trong bối cảnh hiện nay.

Thứ hai, xây dựng một ASEAN tự cường về kinh tế. Thông qua đổi mới các động lực tăng trưởng truyền thống, đồng thời thúc đẩy động lực tăng trưởng mới, nhất là về khoa học công nghệ đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. ASEAN cần đi đầu trong đẩy mạnh chuyển đổi số và đổi mới sáng tạo, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo, kết nối sâu với chuỗi cung ứng toàn cầu để trở thành trung tâm sản xuất chiến lược của thế giới.

Thứ ba, giữ vững giá trị và bản sắc của ASEAN như: Tinh thần đồng thuận, hài hòa, thống nhất trong đa dạng và tôn trọng sự khác biệt. Điều này không chỉ được tiếp tục phát huy mà còn là giá trị cần được chia sẻ, lan tỏa rộng khắp để trở thành phương châm ứng xử chung của các nước trong quan hệ quốc tế.


Thủ tướng Phạm Minh Chính và các Trưởng đoàn tham dự Diễn đàn Tương lai ASEAN 2025. Ảnh: Dương Giang/TTXVN

Cùng với đó, 3 đột phá hành động gồm: Thứ nhất, xây dựng cơ chế, ra quyết định linh hoạt, hiệu quả, trách nhiệm hơn; đảm bảo vừa giữ nguyên tắc đồng thuận, vừa có cơ chế đặc thù cho các sáng kiến chiến lược.

Thứ hai, đẩy mạnh hợp tác công tư để huy động mọi nguồn lực cho phát triển khu vực ASEAN, nhất là các dự án trọng điểm; khuyến khích sự tham gia ngày càng lớn hơn của khu vực tư nhân trong tổng đầu tư toàn xã hội; loại bỏ hơn nữa các rào cản và hạn chế thương mại truyền thống; phát triển môi trường kinh tế số, thông minh, an toàn để phục vụ thương mại đầu tư ASEAN.

Thứ ba, tăng cường hơn nữa kết nối ASEAN, nhất là kết nối hạ tầng, giao lưu nhân dân và hài hòa hóa về thể chế; nỗ lực rút ngắn hơn nữa quá trình ra quyết định và đơn giản hóa các quy trình, thủ tục hành chính trong từng nước ASEAN để triển khai hiệu quả các hoạt động hợp tác.

Thủ tướng nhấn mạnh, ba thập kỷ đồng hành cùng ASEAN đã khẳng định tầm nhìn chiến lược đúng đắn của Việt Nam. ASEAN trở thành không gian chiến lược và môi trường phát triển tự nhiên của Việt Nam. Còn Việt Nam luôn là thành viên tích cực có trách nhiệm trong việc củng cố đoàn kết, tăng cường vai trò trung tâm và thúc đẩy phát triển bền vững của ASEAN.

Dẫn câu tục ngữ "Một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao"; cho rằng điều này càng đúng đắn trong bối cảnh hiện nay khi ASEAN và Việt Nam đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới, cùng hướng tới những mục tiêu đầy khát vọng, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, Việt Nam tin tưởng mạnh mẽ vào sự đoàn kết, thống nhất, tinh thần hợp tác, sức sống và giá trị chiến lược của ASEAN. Đồng thời cam kết là thành viên chủ động, tích cực và có trách nhiệm trong xây dựng Cộng đồng ASEAN đoàn kết, bao trùm và tự cường, cùng hiện thực hóa Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN 2045 vì lợi ích của mọi người dân trong khu vực, cùng các nước thành viên, đối tác và bạn bè quốc tế viết tiếp những trang sử mới đầy tự hào trong hành trình phát triển của ASEAN.


Theo TTXVN


Các tin khác


Đảng bộ thị trấn Ba Hàng Đồi: Nhiều giải pháp phát triển đảng viên

Xác định công tác phát triển đảng viên là nhiệm vụ quan trọng nhằm góp phần nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng. Những năm qua, Đảng bộ thị trấn Ba Hàng Đồi (Lạc Thuỷ) đã có nhiều giải pháp, cách làm phù hợp nhằm phát hiện, bồi dưỡng nguồn kế cận cho các tổ chức đảng. Nhiều năm nay, công tác kết nạp đảng viên mới của thị trấn đều đạt và vượt kế hoạch, được Ban Thường vụ Huyện uỷ Lạc Thuỷ đánh giá cao.

Thủ tướng: Xây dựng đường kết nối sân bay Gia Bình với Hà Nội trong thời gian không quá 2 năm

Chiều tối 23/2, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì họp với các bộ, ngành, địa phương về dự án đầu tư xây dựng sây bay Gia Bình (Bắc Ninh), đường kết nối sân bay Gia Bình với Thủ đô Hà Nội.

Thủ tướng: Kiểm tra phải nêu bật kết quả, cũng như chỉ ra hạn chế và giải pháp khắc phục

Chiều 23/2, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Trưởng đoàn kiểm tra số 1908 đã chủ trì Hội nghị công bố quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2025 kiểm tra đối với Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu.

Kỷ niệm 60 năm Báo Tuyên Quang xuất bản số đầu tiên

Sáng 22/2, Báo Tuyên Quang long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 60 năm xuất bản số đầu tiên (3/2/1965 - 3/2/2025). Dự buổi lễ có các đồng chí: Hà Thị Khiết, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, nguyên Trưởng Ban Dân vận Trung ương, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Tuyên Quang, Phó Chủ tịch không chuyên trách Uỷ ban T.Ư MTTQ Việt Nam; Lê Quốc Minh, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương (BCH T.Ư) Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam; Hà Thị Nga, Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tuyên Quang...

Phong trào thi đua yêu nước tạo động lực phát triển

"Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất” - lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn là động lực để khơi dậy phong trào, tạo ra sức lan tỏa rộng, thúc đẩy hoạt động kinh tế - xã hội (KT-XH) và mọi mặt đời sống của tỉnh Hòa Bình những năm qua.

Năm 2025 phấn đấu đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trở lên

Sáng 21/2, Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tiếp và trực tuyến với các địa phương về thực hiện Kết luận của Trung ương, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về tăng trưởng kinh tế. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các Phó Thủ tướng Chính phủ đồng chủ trì hội nghị. Tham dự có lãnh đạo các bộ, ngành và 63 tỉnh, thành phố. Dự hội nghị tại điểm cầu Hòa Bình có các đồng chí: Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Nguyễn Văn Chương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh; lãnh đạo một số sở, ban, ngành.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục