Tháng 9-1995, trở thành mốc son trong phong trào phụ nữ quốc tế với sự ra đời của Cương lĩnh hành động Bắc Kinh (CLHÐBK) vì Bình đẳng giới, phát triển và Hòa bình của Liên hợp quốc (LHQ) do 189 quốc gia thành viên LHQ (trong đó có Việt Nam) thông qua và cam kết thực hiện.

Theo đó, năm năm một lần, LHQ thông qua Ủy ban địa vị phụ nữ LHQ tổ chức hội nghị kiểm điểm việc thực hiện Cương lĩnh Hành động Bắc Kinh trên phạm vi toàn cầu "Bắc Kinh cộng 5" năm 2000, "Bắc Kinh cộng 10" năm 2005 và tháng 3 năm nay (2010), LHQ tổ chức Hội nghị "Bắc Kinh cộng 15" tại Niu Óoc (Mỹ) kết hợp mít-tinh kỷ niệm 100 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ 8-3, với sự tham dự và chủ trì của Tổng thư ký LHQ.


15 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Nhà nước ta, Việt Nam có nhiều thay đổi tích cực, toàn diện về mọi mặt, với mức tăng GDP trung bình hằng năm khá cao từ 7-8%. Việt Nam đang hội nhập ngày càng sâu rộng với cộng đồng quốc tế, được các tổ chức quốc tế đánh giá có nhiều tiến bộ trong việc cải thiện các chỉ số phát triển con người và công bằng giới: Chỉ số phát triển con người (HDI) đứng ở vị trí 116/182 thuộc nhóm phát triển trung bình, chỉ số giới (GDI) đứng ở vị trí 94/155 nước; Lần đầu Việt Nam có tên trong danh sách các nước có chỉ số về sự trao quyền cho giới (GEM) với vị trí thứ 52/93 nước; về chỉ số cách biệt giới (GGI) năm 2008 của Việt Nam là 68/130 nước.


Là tổ chức chính trị - xã hội, đại diện cho quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của phụ nữ, với gần 14 triệu hội viên trên cả nước, Hội LHPN Việt Nam có tầm ảnh hưởng mạnh mẽ và vai trò tích cực hỗ trợ Chính phủ thực hiện cam kết quốc tế về CLHÐBK. Hội đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động góp phần cải thiện và nâng cao đời sống vật chất, tinh thần, địa vị xã hội và quyền bình đẳng cho phụ nữ trong pháp luật và trong thực tiễn 15 năm qua, Hội tích cực tham gia quá trình nội hóa Chương trình Hành động Bắc Kinh trong hệ thống chính sách pháp luật, phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh cụ thể của đất nước. Hội đã đề xuất, tham mưu, phối hợp soạn thảo Luật Bình đẳng giới được Quốc hội thông qua tháng 11-2006 và Nghị quyết số 11/NQ-TW ngày 27-4-2007 của Bộ Chính trị về Công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước; tham gia xây dựng nhiều luật định liên quan quyền và lợi ích của phụ nữ, gồm: Luật Hôn nhân và gia đình (năm 2000); Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (năm 2007); Nghị định số 19/2003/NÐ-CP của Chính phủ ngày 7-3-2003 quy định trách nhiệm của cơ quan hành chính nhà nước các cấp trong việc bảo đảm cho các cấp Hội tham gia quản lý nhà nước. Hội đang tích cực tham gia xây dựng các dự thảo Luật Người khuyết tật, Luật Nuôi con nuôi, Luật Phòng, chống buôn bán người; nâng cao vai trò phụ nữ tham gia chính trị như tăng tỷ lệ nữ tham gia các cấp ủy, QH, HÐND các cấp; chủ động kiến nghị đề xuất với Chính phủ các đề án thiết thực vì mục tiêu bình đẳng giới, như: Ðề án đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt của Hội; Ðề án truyền thông, giáo dục năm triệu bà mẹ về nuôi dạy con; Ðề án hỗ trợ dạy nghề và tạo việc làm cho phụ nữ; Ðề án phổ biến, giáo dục pháp luật cho phụ nữ nông thôn và dân tộc thiểu số; tham gia giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về phụ nữ và bình đẳng giới; tổ chức hoặc phối hợp hệ thống Ủy ban Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam, các cơ quan, tổ chức khác và cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc cùng kiểm tra, giám sát việc thực hiện các chính sách và pháp luật về phụ nữ và bình đẳng giới.


Hỗ trợ và tạo cơ hội phát triển kinh tế cho phụ nữ luôn được Hội coi trọng và trở thành một trong những chương trình, nhiệm vụ trọng tâm của Hội thời kỳ đổi mới, là động lực thúc đẩy phong trào phụ nữ, nổi bật là các hoạt động xóa đói, giảm nghèo và tăng quyền năng kinh tế cho phụ nữ. Hội LHPN đã nỗ lực tìm nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ nghèo thông qua việc ký liên tịch với Ngân hàng Chính sách xã hội và Ngân hàng Nông nghiệp Việt Nam. Phong trào "Ngày tiết kiệm vì phụ nữ nghèo" đã giúp các cấp Hội huy động hơn 900 tỷ đồng trong phụ nữ để giúp chị em vay vốn xóa đói, giảm nghèo. Tính đến tháng 12-2009, các nguồn vốn phụ nữ vay thông qua Hội Phụ nữ các cấp là hơn 30 nghìn tỷ đồng. Mỗi năm có 500.000 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ được Hội hỗ trợ các hoạt động xóa đói, giảm nghèo và phát triển kinh tế (hơn 50.000 hộ đã thoát nghèo). Nhóm phụ nữ yếu thế như phụ nữ khuyết tật, phụ nữ bị ảnh hưởng của HIV/AIDS, phụ nữ bị buôn bán trở về được Hội quan tâm giúp vay vốn hoạt động tăng thu nhập, hòa nhập cộng đồng.


Hội triển khai các chương trình Dạy nghề với Tổng cục Dạy nghề cho lao động nữ nông thôn. Năm 2009, các cấp Hội đã tổ chức dạy nghề cho 44.930 phụ nữ. Ðến nay, có 33 cơ sở dạy nghề và chín Trung tâm giới thiệu việc làm trực thuộc trung ương và các tỉnh/thành Hội trên toàn quốc. Bốn năm gần đây, Hội LHPN Việt Nam cùng Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tổ chức trao giải và cúp "Bông hồng vàng" cho 144 doanh nhân nữ tiêu biểu xuất sắc trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh.


Trong lĩnh vực giáo dục-đào tạo cho phụ nữ và trẻ em gái, từ năm 1992-2007, Hội LHPN Việt Nam phối hợp ngành giáo dục, đào tạo và Bộ đội Biên phòng tổ chức các lớp học xóa mù chữ cho 825.330 người (có 502.643 phụ nữ); đào tạo bồi dưỡng sau xóa mù chữ cho 79.562 phụ nữ (từ năm 1997-2007). Chương trình liên tịch xóa mù chữ và hạn chế trẻ em bỏ học của Hội LHPN Việt Nam với Bộ Giáo dục và Ðào tạo (giai đoạn 1991-2004) đã xóa mù chữ cho gần hai triệu phụ nữ và vận động hơn 150 nghìn trẻ em bỏ học trở lại trường.


Trong các hoạt động Phụ nữ và truyền thông, mỗi năm có hàng trăm tin, bài, ảnh, phóng sự tuyên truyền các nội dung liên quan bình đẳng giới, được đăng tải trên mạng lưới truyền thông của Hội, bao gồm: Báo Phụ nữ Việt Nam, Nhà Xuất bản phụ nữ, Tập san Thông tin phụ nữ, website thông tin điện tử và gần 30 cơ quan báo chí, đài phát thanh truyền hình từ trung ương đến địa phương. 15 năm qua, Hội Phụ nữ các cấp đã đẩy mạnh hoạt động truyền thông, giáo dục, vận động phụ nữ tham gia bảo vệ môi trường; xây bếp cải tiến tiết kiệm năng lượng bảo vệ môi trường; mô hình tổ phụ nữ tự quản thu gom rác thải.


Những năm gần đây, Hội tích cực tham gia xây dựng và thực hiện Chương trình hành động quốc gia phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em; tham gia bổ sung, sửa đổi Quy chế tiếp nhận tái hòa nhập cộng đồng cho phụ nữ, trẻ em bị buôn bán từ nước ngoài trở về; tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cộng đồng và phụ nữ về các thủ đoạn buôn người, hậu quả của việc bị buôn bán, các chính sách của nhà nước về hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng, đồng thời tổ chức thực hiện nhiều mô hình phòng, chống buôn bán phụ nữ, trẻ em và bạo lực gia đình với sự tham gia của cả phụ nữ và nam giới.


Ðặc biệt, trong 15 năm thực hiện CLHÐBK, Hội đã tiến hành nhiều hoạt động thúc đẩy phụ nữ tham gia quản lý lãnh đạo, tăng cường năng lực của phụ nữ, chuẩn bị nguồn cán bộ để giới thiệu vào các vị trí lãnh đạo. Từ năm 1995, Hội đã tổ chức tập huấn nâng cao kỹ năng cho 275.173 cán bộ; phối hợp Ủy ban Quốc gia tổ chức tập huấn kỹ năng lãnh đạo cho hơn 1.000 cán bộ nữ trong các lĩnh vực. Hội tích cực tham gia vào quá trình chuẩn bị nhân sự nữ cấp ủy, QH, HÐND các cấp; tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng lãnh đạo cho phụ nữ là ứng cử viên đại biểu QH, HÐND để giúp họ chủ động, tự tin, tăng khả năng trúng cử. Hội đã thực hiện hơn 30 đề tài nghiên cứu khoa học ứng dụng, triển khai về các vấn đề giới trong nhiều lĩnh vực.


15 năm thực hiện CLHÐBK, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu đáng kể về bình đẳng giới. Dù vẫn còn một số rào cản đối với sự nghiệp bình đẳng giới ở nước ta, do định kiến giới tồn tại khá phổ biến trong mọi tầng lớp xã hội; trong thực tế phân công lao động vẫn có xu hướng dồn gánh nặng lên phụ nữ; mặt trái của quá trình đô thị hóa có tác động tiêu cực nhiều hơn tới phụ nữ cùng với những tác động của mặt trái kinh tế thị trường, toàn cầu hóa và các tệ nạn xã hội... Chúng ta tin rằng, với sự quan tâm của Ðảng, Nhà nước, sự cam kết của Chính phủ Việt Nam với quốc tế trong lĩnh vực thực hiện bình đẳng giới, sự nỗ lực của Hội LHPN, sự đoàn kết nhất trí của hội viên và các tầng lớp phụ nữ, Việt Nam sẽ thành công trong việc phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2020, trở thành một trong các quốc gia có thành tựu bình đẳng giới tiến bộ nhất của khu vực.


Bạn có biết?

Ngày Quốc tế phụ nữ

Ngày 8-3, bắt đầu từ phong trào nữ công nhân nước Mỹ. Cuối thế kỷ 19, chủ nghĩa tư bản ở Mỹ đã phát triển một cách mạnh mẽ. Nền kỹ nghệ đã thu hút nhiều phụ nữ và trẻ em vào các nhà máy, xí nghiệp. Nhưng bọn chủ tư bản trả lương rất rẻ mạt, giờ giấc làm việc không hạn định cốt sao thu được nhiều sản phẩm cho chúng. Căm phẫn trước sự bất công đó, ngày 8-3 năm 1899, nữ công nhân nước Mỹ đã đứng lên đấu tranh đòi tăng lương, giảm giờ làm. Phong trào bắt đầu từ nữ công nhân ngành dệt và ngành may tại hai thành phố Chi-ca-gô và Niu Oóc. Mặc dù bị bọn tư bản thẳng tay đàn áp, chị em vẫn đoàn kết chặt chẽ, bền bỉ đấu tranh buộc chúng phải nhượng bộ. Cuộc đấu tranh của nữ công nhân Mỹ đã cổ vũ mạnh mẽ phong trào phụ nữ lao động trên thế giới, đặc biệt phụ nữ ở nước Ðức, một nước có kỹ nghệ tiên tiến lúc bấy giờ. Trong phong trào đấu tranh giai cấp lúc đó đã xuất hiện hai nữ chiến sĩ lỗi lạc, đó là bà Cla-ra Zet-kin (Ðức) và bà Rô-gia Lúc-xăm-bua (Ba Lan). Nhận thức được sự mạnh mẽ và đông đảo của lực lượng lao động nữ và sự cần thiết phải có tổ chức, phải có lãnh đạo để giành thắng lợi cho phong trào phụ nữ nên năm 1907, hai bà phối hợp với bà Crup-xkai-a (vợ đồng chí Lê-nin) vận động thành lập Ban "Thư ký phụ nữ quốc tế". Bà Cla-ra Zet-kin được cử làm Bí thư.

Năm 1910, Ðại hội phụ nữ quốc tế XHCN họp tại Cô-pen-ha-gen (thủ đô nước Ðan Mạch) quyết định lấy ngày 8-3 làm ngày "Quốc tế phụ nữ", ngày đoàn kết đấu tranh của phụ nữ với những khẩu hiệu:- Ngày làm 8 giờ.

- Việc làm ngang nhau.

- Bảo vệ bà mẹ và trẻ em.

Từ đó ngày 8-3 trở thành ngày đấu tranh chung của phụ nữ lao động trên toàn thế giới.

Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Mùa xuân năm 40, Hai Bà Trưng phất cờ khởi nghĩa. Lời hịch thiêng liêng "Ðền nợ nước, trả thù nhà" đã nhận được sự hưởng ứng của các Lạc hầu, Lạc tướng, của những người yêu nước ở khắp các thị quận và đông đảo lực lượng là phụ nữ tham gia khởi nghĩa như bà: Man Thiện (mẹ của Hai Bà Trưng), bà Lê Chân (Hải Phòng), bà Bát Màn (Thái Bình), bà Lê Thị Hoa (Thanh Hóa), bà Thánh Thiện (Hà Bắc)... Ý chí kiên cường và lòng yêu nước của Hai Bà đã được đúc kết lại bằng những vần thơ bất hủ:

"Một xin rửa sạch nước thù
Hai xin đem lại nghiệp xưa họ Hùng
Ba kẻo oan ức lòng chồng
Bốn xin vẻn vẹn sở công lênh này".

Cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng đã lan rộng khắp nơi. Trong một thời gian ngắn, dưới sự lãnh đạo tài tình của Hai Bà, nghĩa quân đã đập tan chính quyền đô hộ. Tên Thái thú Tô Ðịnh phải cải trang bằng cách cắt tóc, cạo râu tìm đường tẩu thoát về nước.

Bà Trưng Trắc được các tướng lĩnh và nhân dân suy tôn làm vua. Bà lên ngôi và lấy niên hiệu là Trưng Nữ Vương; đóng đô ở Mê Linh (huyện Mê Linh, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay).

Năm 42, nhà Hán lại kéo quân sang xâm lược nước ta. Hai Bà lại một lần nữa ra quân, phất cờ khởi nghĩa. Cuộc khởi nghĩa lần này chỉ kéo dài được hai năm do thế và lực của ta và địch chênh lệch quá lớn. Hai Bà đã dũng cảm chiến đấu và hy sinh anh dũng để giữ tròn khí tiết của mình, bảo vệ đất nước, bảo vệ dân tộc.

Mặc dù chỉ giành độc lập trong thời gian ngắn nhưng thắng lợi của Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là một bản anh hùng ca bất diệt, thể hiện ý chí độc lập, tự chủ và tinh thần dân tộc cao cả. Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng còn là một minh chứng cho sức mạnh lớn lao, khả năng dồi dào của người phụ nữ Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Trang sử oanh liệt này sẽ mãi mãi được lưu truyền cho muôn đời con cháu mai sau.

 

                                                                                Theo ND

Các tin khác


Đoàn Đại sứ quán Nhật Bản thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình

Ngày 7/5, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH làm việc với đoàn Đại sứ quán Nhật Bản và đơn vị tài trợ thực hiện Dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của NCT tại Việt Nam” (VIE071). Tham dự có đại diện Tổ chức hỗ trợ NCT tại Việt Nam (HAI), lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục