Các Đại biểu QH thảo luận tại hội trường

Các Đại biểu QH thảo luận tại hội trường

Ngày 24-5, ngày làm việc thứ tư, kỳ họp thứ bảy, QH khóa XII, các đại biểu QH làm việc ở hội trường, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, thảo luận những vấn đề còn ý kiến khác nhau của hai dự thảo: Luật Thi hành án hình sự và Luật Trọng tài thương mại.

Những ý kiến khác nhau

Buổi sáng, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Thu Ba trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thi hành án hình sự. Báo cáo cho biết, trên cơ sở ý kiến góp ý của các đại biểu QH và các đoàn đại biểu QH, Ủy ban Tư pháp và cơ quan hữu quan tổng hợp ý kiến, nghiên cứu, tiếp thu, và chỉnh lý dự thảo luật nói trên. Dự thảo Luật Thi hành án hình sự (THAHS) gồm 15 chương, 174 điều.

Về điều 19, quy định nhiệm vụ, quyền hạn của UBND cấp xã, đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái) và một số đại biểu khác tán thành với báo cáo là "UBND cấp xã thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn về giám sát, giáo dục người phải chấp hành hình phạt cải tạo không giam giữ, cấm cư trú, quản chế, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định, tước một số quyền công dân và án treo. Công an cấp xã tham mưu, giúp UBND cấp xã tổ chức thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Luật THAHS". Tuy nhiên, để UBND cấp xã làm tốt công tác này, một số đại biểu nhấn mạnh, cần có những quy định chặt chẽ nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế  hiện nay trong công tác này ở một số UBND xã, phường, thị trấn; đề nghị cần hỗ trợ kinh phí, biên chế cho UBND cấp xã để UBND cấp xã tổ chức thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của luật này.

Một vấn đề được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận là hình thức thi hành án tử hình (THATH). Các đại biểu Nguyễn Văn Tuyết (Yên Bái), Lê Văn Hưng (Hưng Yên), Trần Bá Thiều (Hải Phòng), Nguyễn Thị Kim Tiến (Hà Tĩnh) và nhiều đại biểu tán thành như quy định của dự thảo luật là bằng hình thức tiêm thuốc độc, vì hình thức này có nhiều ưu việt, nhẹ nhàng, nhân đạo, ít gây đau đớn cho người bị thi hành án, bảo đảm tử thi còn nguyên vẹn và giảm áp lực tâm lý cho người trực tiếp thi hành án. Ðại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) phân tích, hình thức tiêm thuốc độc phù hợp với thực tiễn, vẫn bảo đảm tính răn đe vì bản chất là việc THATH là tước quyền sống của người phạm tội. Ðại biểu Ðặng Huyền Thái (Hà Nội) đề nghị việc THATH bằng tiêm thuốc độc cần làm cẩn thận, có quy trình chặt chẽ. Theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội), không nên giao nhiệm vụ tiêm thuốc độc cho nhân viên y tế mà phải quy định có lực lượng chuyên trách làm việc này. Tuy nhiên, đại biểu Trần Ðình Long (Ðác Lắc) và Phạm Xuân Thường (Thái Bình) lại cho rằng, nên giữ cả hai hình thức: xử bắn và tiêm thuốc độc để hội đồng thi hành án các địa phương lựa chọn, có thể áp dụng xử bắn đối với đối tượng lĩnh án tử hình trong các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc dư luận. Ðại biểu Nguyễn Hữu Nhơn (Ðồng Tháp) đề nghị ngoài tiêm thuốc độc còn có thể sử dụng thêm biện pháp THATH bằng điện.

Nhiều ý kiến cũng đề cập điều 57 quy định về giải quyết cho nhận hài cốt, tử thi của người bị THATH trong dự thảo luật. Ðại biểu Trần Thế Vượng (Hải Dương) và nhiều đại biểu tán thành quy định cho thân nhân người bị kết án tử hình nhận hài cốt, tử thi, vừa bảo đảm tính nhân đạo, phù hợp truyền thống văn hóa phương Ðông.

Về chế độ ăn, mặc, thăm gặp thân nhân, nhận quà và liên lạc của phạm nhân; chế độ chăm sóc y tế cho phạm nhân; một số đại biểu đồng ý như dự thảo luật nhưng đề nghị cần có những quy định chi tiết, chặt chẽ hơn. Ðại biểu Trần Ðình Nhã (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị không nên chỉ giới hạn là thân nhân, mà phạm nhân có thể gặp những người khác như bạn bè, đồng sự, luật sư... Ðại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) đề nghị cần có chế độ quản lý, giáo dục phù hợp đối với phạm nhân là người chưa thành niên, phạm nhân nữ trong thời kỳ thai sản, nuôi con nhỏ. Về chế độ lao động của phạm nhân, đại biểu Trịnh Thị Thanh Bình (Bến Tre) nhất trí như dự thảo luật, đồng thời đề nghị cần quy định tỷ lệ thời gian học tập, học nghề và thời gian lao động của phạm nhân tại trại giam để bảo đảm hợp lý, và phạm nhân có thể học nghề trực tiếp tại trại giam hoặc học từ xa. Một số đại biểu cũng đề nghị các bộ, ngành, cơ quan chức năng, các doanh nghiệp cần phối hợp làm tốt việc dạy nghề, dạy chữ và tổ chức lao động cho phạm nhân.

Ðại biểu Trần Văn Ðộ (An Giang) và một số đại biểu cho rằng, địa vị pháp lý của tòa án quy định trong dự thảo luật còn chung chung, không nên giao nhiệm vụ THAHS cho tòa án, vì Bộ Công an đã có hệ thống cơ quan THAHS từ T.Ư đến địa phương, do đó nên giao cho cơ quan này thực hiện nhằm bảo đảm tính khách quan. Ðại biểu Lê Văn Hưng (Hưng Yên) và Trần Ðình Long (Ðác Lắc) đề nghị dự thảo luật nên chỉnh sửa theo hướng Chánh án tòa án đã ra quyết định thi hành án ra quyết định thành lập Hội đồng thi hành án tử hình và cử thẩm phán làm Chủ tịch Hội đồng thi hành án tử hình.

Chú trọng năng lực và tinh thần trách nhiệm của trọng tài thương mại

Buổi chiều, các đại biểu QH đã nghe Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Thu Ba trình bày Báo cáo của Ủy ban Thường vụ QH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trọng tài thương mại. Dự thảo luật này trình QH xem xét, thông qua gồm 13 chương, 83 điều.

Năng lực, trách nhiệm và quyền hạn của trọng tài thương mại là một trong những vấn đề được các đại biểu QH quan tâm thảo luận. Các đại biểu: Trần Việt Hưng (Hòa Bình), Lê Việt Trường (An Giang) và một số đại biểu khác đề nghị Ban soạn thảo cần làm rõ thế nào là trọng tài viên có trình độ chuyên môn cao, có kinh nghiệm. Ðồng thời đề nghị cần quy định rõ các trọng tài viên phải qua các khóa đào tạo, bồi dưỡng và có đầy đủ các văn bằng liên quan. Trọng tài viên cần có trình độ ngoại ngữ tốt, có thể sử dụng trong công việc của mình, qua đó tăng cường khả năng hội nhập, học hỏi kinh nghiệm trọng tài thương mại quốc tế. Ðiều 22 của dự thảo luật ghi: Khi thực hiện nhiệm vụ, trọng tài viên chỉ phải chịu trách nhiệm về các hành vi của mình khi cố ý vi phạm các quy định của pháp luật. Theo đại biểu Huỳnh Nghĩa (Ðà Nẵng), dự thảo không nên đặt vấn đề "cố ý vi phạm" hay "không cố ý vi phạm" mà  cần nêu cụ thể, rõ ràng: "Các trọng tài viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về phán quyết của mình khi thực hiện nhiệm vụ", qua đó nâng cao tinh thần tránh nhiệm và uy tín của trọng tài viên.

Ðại biểu Võ Thị Thúy Loan (Tiền Giang), Nguyễn Văn Luật (Kiên Giang) và một số đại biểu khác nhất trí với dự thảo luật trong việc quy định Hội đồng trọng tài có quyền áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vì phù hợp thực tiễn hoạt động. Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Ðào (Hà Nội) lại cho rằng, dự thảo luật không nên giao Hội đồng trọng tài áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời mà cần để Tòa án quyết định. Bên cạnh đó, việc xây dựng dự thảo Luật Trọng tài thương mại cần chú ý đến thực tế của hoạt động thương mại Việt Nam hiện nay để bảo đảm tính khả thi của luật khi được áp dụng trong thực tế cuộc sống.

Ðối với Ðiều 9 về Thương lượng, hòa giải trong tố tụng trọng tài, đại biểu Lê Văn Tâm (Cần Thơ) đề nghị việc thương  lượng, hòa giải cần được xem như một giải pháp bắt buộc trong các tranh chấp thương mại chứ không thể là sự lựa chọn của các bên có tranh chấp. Về tiêu chuẩn trọng tài viên, Ðiều 20, đại biểu này cho rằng, các trọng tài viên nhất thiết phải được đào tạo và bồi dưỡng để có đầy đủ kỹ năng giải quyết tranh chấp.

Về nguyên tắc giải quyết tranh chấp bằng trọng tài

(Ðiều 4), đại biểu Nguyễn Ðăng Trừng (TP Hồ Chí Minh), Ngô Quang Xuân (Ðồng Tháp) và một số đại biểu khác nhất trí với  Dự thảo quy định là không công khai, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Quy định như dự thảo luật là phù hợp với luật mẫu về Trọng tài thương mại quốc tế và Luật Trọng tài thương mại của nhiều quốc gia trên thế giới, đồng thời đáp ứng được nhu cầu thực tế và của các doanh nghiệp.

Ðại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) nêu lên một thực trạng hiện nay là nhiều trung tâm trọng tài của Việt Nam  không phát triển được do chưa khẳng định được vị trí và uy tín của mình. Vì vậy, việc xây dựng  Luật Trọng tài thương mại phải khắc phục được tình trạng này. Ðối với Ðiều 69 về Căn cứ hủy phán quyết trọng tài, đại biểu này và một số đại biểu khác đề nghị bổ sung: Phán quyết của trọng tài  bị hủy nếu trái với một trong những quy định cụ thể của pháp luật Việt Nam liên quan. Ðại biểu này cũng đề nghị dự thảo bỏ quy định về Giám đốc thẩm, tái thẩm để nhanh chóng giải quyết dứt điểm những tranh chấp. Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, thủ tục Giám đốc thẩm, tái thẩm là khâu quan trọng cuối cùng nhằm bảo đảm tính chính xác, khách quan của phán quyết trọng tài...
 
                                                                            Theo Báo Nhandan

Các tin khác


Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh tiếp xúc cử tri huyện Cao Phong

Chiều 6/5, tại xã Tây Phong, huyện Cao Phong, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh tiếp tục tiếp xúc cử tri (TXCT) trước Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục