Tiếp tục kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XII, ngày 1/11, Quốc hội họp phiên toàn thể tại hội trường, thảo luận về tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2010 và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011. Tại phiên thảo luận, các vấn đề về chất lượng tăng trưởng kinh tế, phát triển nông nghiệp, nông thôn, hiệu quả hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước, đời sống nhân dân, tính bền vững, ổn định trong tăng trưởng kinh tế - xã hội…, được nhiều đại biểu Quốc hội đề cập, phân tích. Quốc hội cũng đã nghe một số Bộ trưởng, trưởng ngành làm rõ thêm một số nội dung các đại biểu quan tâm.

 

Tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng chất lượng tăng trưởng còn thấp

Năm 2010, nước ta đã thực hiện thành công 2 mục tiêu lớn là vừa ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát vừa phục hồi tốc độ tăng trưởng kinh tế cao hơn năm 2009. Báo cáo của Chính phủ cho thấy nền kinh tế đã có những dấu hiệu khả quan, môi trường kinh doanh và đầu tư được cải thiện đáng kể... Tuy nhiên, theo nhiều đại biểu Quốc hội, hiện nay tốc độ tăng trưởng kinh tế cao nhưng chưa đi liền với chất lượng tăng trưởng.

Theo đại biểu Vũ Quang Hải (Hưng Yên), chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế nước ta đang phải đối mặt với một loạt vấn đề đặt ra: chỉ số ICOR và lạm phát cao; nợ công đang tiệm cận mức không an toàn; các dự án tạo ra giá trị gia tăng thấp; nhiều tập đoàn, tổng công ty nhà nước vay lớn nhưng hoạt động kém hiệu quả; đời sống của người dân vẫn chưa được cải thiện; tăng trưởng trong nông nghiệp thấp…
 
Đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng, nếu tăng trưởng cao nhưng chỉ số lạm phát vẫn cao thì sẽ làm giảm ý nghĩa của tăng trưởng. Những tình trạng nhập siêu cao, dư nợ công cao… chứng tỏ chính sách tài chính và tiền tệ vẫn còn nhiều vấn đề cần lưu ý.

Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) nêu ý kiến, về quy hoạch những năm qua còn nhiều bất cập như: thiếu tầm nhìn xa, dự báo kém, gây lãng phí lớn về cơ hội và tài nguyên. Quy hoạch của nhiều ngành như xi măng, thép, than phải điều chỉnh nhiều lần; tình trạng “tiền trảm hậu tấu” trong quy hoạch dẫn đến nhiều dự án ngoài quy hoạch. Đại biểu này dẫn chứng: “Trong 12 năm qua, Bộ Xây dựng 4 lần điều chỉnh ngành xi măng do cung – cầu phá vỡ quy hoạch. Ông nói: Ngành thép cũng thế, do nhiều địa phương xé rào quy hoạch. Một tỉnh miền Đông Nam bộ có 14 dự án, trong đó 9 dự án ngoài quy hoạch, xài hết 60% sản lượng điện của toàn tỉnh. Tỉnh này trở thành thiếu điện, thừa ô nhiễm”. Theo đại biểu Tiến, vẫn còn khá nhiều ví dụ khác về qui hoạch kém, qui hoạch treo… Đại biểu đề nghị cần chấn chỉnh lại công tác quản lý quy hoạch, đồng thời qui hoạch nhân lực, đảm bảo nguồn nhân lực đáp ứng tốt cho công tác qui hoạch, bên cạnh đó phải có những liều kháng sinh mạnh như thanh tra, kiểm tra thì mới có thể khắc phục tình trạng yếu kém, bất cập trong qui hoạch.

Ưu tiên đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và những vùng khó khăn

Thảo luận về lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Tuyên Quang) đề nghị, Chính phủ cần báo cáo rõ lộ trình đầu tư cho khu vực này bằng những con số cụ thể để có sự so sánh tương quan với các lĩnh vực khác một cách minh bạch. Lộ trình đầu tư này phải được thực hiện hết sức nghiêm túc, căn cơ để những năm tiếp theo có hiệu quả rõ nét. Các đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Tuyên Quang), Chu Lê Trinh (Lai Châu)...cho rằng cần đầu tư thỏa đáng cho khu vực này không chỉ đơn thuần giải quyết vấn đề tăng trưởng mà còn vì một mục tiêu lớn hơn rất nhiều là ổn định chính trị - xã hội. Thực tế, lĩnh vực này đầu tư chưa thực sự hấp dẫn, hạ tầng chưa có chuyển biến rõ nét, đặc biệt là giao thông. Người dân vẫn khó khăn hơn khi tiếp cận với các nguồn vốn vay phát triển kinh tế, thậm chí có người phải vay với lãi suất cao để đầu tư sản xuất, chữa bệnh, cho con em đi học...

Theo đại biểu Bùi Thị Hòa (Đắk Nông), ở nước ta, số hộ nghèo vẫn chủ yếu là ở nông thôn, miền núi. Có thể nói là sản xuất nông nghiệp, nguồn thu nhập chủ yếu của đồng bào vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún, năng suất thấp, chất lượng sản phẩm kém, chưa tạo được thị trường. Đại biểu cho rằng, giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần phải được giải quyết bằng những biện pháp căn cơ, phù hợp với tập quán, điều kiện đất đai, phương tiện của từng dân tộc, từng vùng miền và điều quan trọng là phát huy được ý thức tự thoát nghèo của chính người dân.

Nhiều đại biểu đề nghị, Nhà nước cần khẩn trương giải quyết đủ đất sản xuất cho đồng bào; giải quyết hài hòa việc mở rộng diện tích trồng cây công nghiệp, phát triển thủy điện, thủy lợi giao thông với việc quy hoạch đảm bảo đủ đất sản xuất, đất ở cho nhân dân.

Đại biểu Chu Lê Trinh (Lai Châu) đề nghị cần tiếp tục có nhiều chính sách đầu tư hỗ trợ đủ mạnh để đẩy mạnh tốc độ phát triển kinh tế - xã hội, thúc đẩy chuyển dịch kinh tế theo hướng sản xuất hàng hóa, chuyển đổi nghề, chuyển dịch cơ cấu lao động, tăng thu nhập, nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào dân tộc thiểu số, thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các dân tộc và các vùng miền.

GDP cả năm 2010 của nước ta tăng 6,7%, tuy nhiên trong đó khu vực nông nghiệp chỉ tăng 2,6%. Từ kết quả này, đại biểu Nguyễn Hữu Nhị (Nghệ An) cho rằng: cử tri nông thôn còn nhiều băn khoăn vì sao nước ta xuất khẩu mạnh thủy sản, nông sản nhưng người nông dân vẫn nghèo. Bởi vì hiện nay, theo đại biểu, trong phát triển nông nghiệp, nông thôn đang tồn tại nhiều vấn đề: đất nông nghiệp bị xé nhỏ, quá manh mún vì sự xâm lấn của các sân gôn, khu công nghiệp; giá đầu vào của vật tư cao, biến đổi khí hậu, lũ lụt, hán hạn ...nhưng vẫn chưa có giải pháp hữu hiệu; Đại biểu Vi Trọng Lễ (Phú Thọ) đề nghị, Chính phủ cần sớm tổng kết việc thực thi chính sách đất đai trong đó có đất nông nghiệp; có chính sách đồng bộ khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, tăng cường quản lý thị trường nông sản, đầu tư hệ thống kho tàng dự trữ tốt hơn…

Đại biểu Bùi Thị Hòa (Đắk Nông), đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) và nhiều đại biểu đề xuất Nhà nước cần tiếp tục có chính sách đầu tư phát triển kinh tế xã hội ở các xã đặc biệt khó khăn, thực hiện có hiệu quả hơn chính sách giảm nghèo, sử dụng có hiệu quả đất nông lâm nghiệp, tiếp tục hỗ trợ bảo vệ rừng; tiếp tục thực hiện tốt hơn các chính sách định canh định cư.

Đại biểu Trần Hồng Việt (Hậu Giang) cho rằng, GDP tăng cao nhưng mức sống, chất lượng sống các tầng lớp dân cư bị giảm sút làm cho con số này mất đi nhiều ý nghĩa. Thể hiện rõ nhất là điện cho sinh hoạt, sản xuất bị cắt liên tục, đặc biệt ở nông thôn; giá thuốc điều trị vượt ngoài tầm kiểm soát của Chính phủ. Việc chạy trường, chạy lớp mẫu giáo, mầm non công lập, tiểu học công đạt chuẩn ở các đô thị ngày càng phổ biến. Từ tình hình thực tế, đại biểu đề nghị Chính phủ nghiên cứu đưa ra mục tiêu “Tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, giảm bội chi ngân sách và kiềm chế lạm phát”.

Hoạt động của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) chưa được báo cáo của Chính phủ phân tích đầy đủ

Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn), cho rằng những thành tựu đạt được trên tất cả các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội ở nước ta những năm qua là rất đáng ghi nhận, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Minh Thuyết bày tỏ sự băn khoăn, lo lắng vì tình trạng quản lý yếu kém đối với các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Tập đoàn Vinashin sụp đổ trút lên vai đồng bào món nợ trên dưới 100.000 tỷ đồng. Vậy, ngoài lãnh đạo Vinashin, còn ai phải chịu trách nhiệm? Đại biểu Nguyễn Minh Thuyết đề nghị: Quốc hội thành lập ủy ban lâm thời để điều tra trách nhiệm trong vụ việc của Vinashin. Để từ vụ việc Vinashin đưa hoạt động của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đi vào quỹ đạo lành mạnh, lấy lại niềm tin của nhân dân về vai trò chủ đạo và dẫn dắt nền kinh tế của thành phần kinh tế nhà nước.

Đồng tình với quan điểm của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết. Đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) cho rằng: Chính phủ đứng ra bảo lãnh cho Vinashin vay hàng tỷ đô la. Vinashin đi mua tàu, đi đầu tư khắp nơi trong nhiều lĩnh vực mà không ngăn chặn được, không kiểm tra, kiểm soát kịp thời. Đại biểu đề nghị thành lập một Ủy ban lâm thời điều tra, xác minh để xử lý nghiêm, không chỉ Vinashin mà cả các tập đoàn nhà nước khác”. Đại biểu Cuông nêu thêm: Cử tri kiến nghị cần xác định rõ trách nhiệm của các thành viên Chính phủ, bộ chủ quản, không thể chỉ nêu chung chung như báo cáo.

Cũng về vấn đề này, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) có ý kiến, nguyên nhân từ đâu và trách nhiệm của những cá nhân, tổ chức để xảy ra đổ vỡ của Tập đoàn Công nghiệp tàu thủy (Vinashin) này như thế nào lại chưa được đánh giá thỏa đáng. Tuy nhiên, có thể coi Vinashin là biến cố trong quá trình hình thành và phát triển của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước; là điển hình cho sự quản lý yếu kém các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Vấn đề “hậu Vinashin" cũng rất cần được quan tâm, trong đó có vấn đề chuyển đổi tư duy quản lý các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

Đại biểu Lê Thị Nga (Thái Nguyên) đề nghị, từ sự đổ vỡ của Vinashin cần tiến hành kiểm toán, thanh tra hoạt động của các tập đoàn nhà nước còn lại; tổng kết việc thí điểm thành lập các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, nếu kết quả của mô hình thí điểm này là thành công thì cần tạo hành lang pháp lý đầy đủ cho hoạt động của các các tập đoàn, tổng công ty này.

Đại biểu Nguyễn Văn Sỹ (Quảng Nam) đề nghị, cần xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước.

                                                                                   Theo ĐCSVN

Các tin khác


Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh: Khảo sát việc thi hành Luật Công đoàn tại Liên đoàn Lao động tỉnh

Chiều 7/5, Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh do đồng chí Đặng Bích Ngọc, Phó Trưởng đoàn chuyên trách phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh làm trưởng đoàn đã tiến hành khảo sát việc thi hành Luật Công đoàn tại Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh. Tham dự có đồng chí Nguyễn Thị Cẩm Phương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh.

Đoàn Đại sứ quán Nhật Bản thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình

Ngày 7/5, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH làm việc với đoàn Đại sứ quán Nhật Bản và đơn vị tài trợ thực hiện Dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của NCT tại Việt Nam” (VIE071). Tham dự có đại diện Tổ chức hỗ trợ NCT tại Việt Nam (HAI), lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục