Ngày 25-11, ngày làm việc thứ 30, kỳ họp thứ tám, QH khóa XII. Các đại biểu làm việc tại hội trường thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự và dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi).

 

Bảo đảm quyền tranh luận khi giải quyết vụ án dân sự

Thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, các đại biểu cơ bản đồng tình với báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật này, nhất là phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo luật.

Về vai trò của Viện KSND trong tố tụng dân sự và quyền khởi tố vụ án dân sự của Viện KSND vẫn còn những ý kiến khác nhau. Các đại biểu Hồ Văn Năm (Ðồng Nai), Hà Công Long (Gia Lai), Phạm Quốc Anh (Ðồng Nai), Ðặng Văn Khanh (Hà Nội), Nguyễn Ðăng Trừng (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, thực tiễn áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự về vai trò của Viện KSND trong tố tụng dân sự cho thấy nhiều bất cập, hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra. Mặt khác, từ khâu thụ lý, lập hồ sơ, thu thập, xác minh chứng cứ, nghiên cứu hồ sơ và giải quyết vụ, việc dân sự đều do Tòa án thực hiện, có nguy cơ dẫn đến tình trạng khép kín trong tố tụng, không bảo đảm khách quan khi giải quyết vụ, việc dân sự. Do đó, đề nghị Viện Kiểm sát có quyền tham gia tất cả các phiên tòa xét xử các vụ án dân sự và phiên họp giải quyết các việc dân sự để thực hiện chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật của những người tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng, phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, của người tham gia tố tụng và phát biểu khách quan về quan điểm giải quyết vụ việc dân sự, góp phần bảo đảm vụ án được giải quyết khách quan và toàn diện. Tuy nhiên, Viện Kiểm sát tham gia tố tụng chỉ đưa ra quan điểm về áp dụng pháp luật và không nghiêng về bên nào. Ðại biểu Võ Thị Thúy Loan (Tiền Giang) lại đề nghị nên hạn chế sự tham gia của Viện Kiểm sát đối với một số vụ, việc dân sự, như việc giải quyết ly hôn. Ðại biểu Vi Thị Hương (Ðiện Biên) không đồng tình với quy định Viện Kiểm sát tham gia tất cả các phiên tòa xét xử các vụ án dân sự và phiên họp giải quyết các việc dân sự.

Dự thảo luật bổ sung Ðiều 295a và 295b về việc kiến nghị và xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC khi có căn cứ giám đốc thẩm, Ðiều 309a và 309b về việc kiến nghị và xem xét lại quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC khi có căn cứ tái thẩm. Theo một số đại biểu, đây là cơ chế đặc biệt, do đó bày tỏ sự tán thành quy định này, bởi vì thực tế vẫn có trường hợp xảy ra sai lầm ở khâu giám đốc thẩm và tái thẩm. Các đại biểu Ðinh Xuân Thảo (Kiên Giang), Trần Thế Vượng (Hải Dương), Trần Ðình Nhã (Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị, cần nghiên cứu thiết lập cơ chế này chặt chẽ hơn, tránh tình trạng lạm dụng. Liên quan việc sửa đổi, bổ sung Ðiều 288 về thời hạn kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm, đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) nêu thực trạng có cơ quan chức năng nhận đơn đề nghị giám đốc thẩm nhưng vì lý do nào đó không trả lời, cho nên cần bổ sung dự thảo luật thêm ý: trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đơn đề nghị giám đốc thẩm phải trả lời bằng văn bản. Ðại biểu Trần Thị Phương Hoa (Nam Ðịnh) đề nghị bổ sung quy định số lần xem xét giám đốc thẩm, tái thẩm, tránh tràn lan.

Ðại biểu Võ Thị Thúy Loan (Tiền Giang) và một số đại biểu tán thành dự thảo luật bổ sung nguyên tắc 'Trong quá trình giải quyết vụ án dân sự, tòa án tạo điều kiện để các bên tranh chấp thực hiện quyền tranh luận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của họ'. Ðại biểu Lê Minh Hiền (Khánh Hòa) và nhiều đại biểu đồng tình với dự thảo luật quy định khi xét xử vụ án dân sự, tòa án có quyền hủy quyết định rõ ràng trái pháp luật của cơ quan, tổ chức khác xâm phạm quyền lợi hợp pháp của đương sự trong vụ án mà tòa án có nhiệm vụ giải quyết nhưng không trái với các quy định khác của pháp luật. Tuy nhiên, đại biểu Trần Thế Vượng (Hải Dương) đặt giả thiết, tòa án cấp huyện có thể hủy quyết định trái pháp luật của cấp trên hay không và đề nghị cần quy định rõ, cụ thể hơn trong dự thảo luật này.

Về Hội đồng định giá, dự thảo luật sửa đổi, bổ sung Ðiều 92, Bộ luật Tố tụng dân sự theo hướng: Các bên có quyền tự thỏa thuận về việc xác định giá tài sản, lựa chọn tổ chức thẩm định giá. Hội đồng định giá do tòa án thành lập gồm chủ tịch hội đồng định giá là đại diện cơ quan tài chính và thành viên là đại diện các cơ quan chuyên môn có liên quan. Các đại biểu Trần Thị Phương Hoa (Nam Ðịnh), Vi Thị Hương (Ðiện Biên), Nguyễn Duy Hữu (Ðác Lắc) đồng ý với quy định nói trên và cho rằng, quy định này nhằm nâng cao trách nhiệm của các cơ quan tài chính, cơ quan chuyên môn trong việc thực hiện yêu cầu của tòa án theo quy định của pháp luật, giảm tải cho cơ quan xét xử, đồng thời bảo đảm khách quan.

Ngoài ra, các đại biểu cũng đề cập về sự có mặt của nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan tại phiên tòa, việc thu thập, cung cấp, giao nộp chứng cứ của đương sự, chi phí giám định trong hoạt động tố tụng dân sự...

Sau đó, Chánh án TANDTC Trương Hòa Bình giải trình, làm rõ thêm một số vấn đề đại biểu QH nêu.

Tạo điều kiện cho hợp tác xã phát triển

Thảo luận dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi), các đại biểu QH tập trung vào năm nhóm vấn đề gồm phạm vi điều chỉnh ; khái niệm về hợp tác xã (HTX), liên hiệp HTX trong nền kinh tế thị trường định hướng XHCN phù hợp với đặc điểm của nước ta; vấn đề về tổ chức, phạm vi hoạt động, phương thức hoạt động của HTX; vấn đề phân phối và tài sản không chia của HTX; quản lý nhà nước đối với HTX.

Ða số ý kiến phát biểu bày tỏ sự đồng tình với nội dung trong Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH và Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành luật này. Bởi vì, thực trạng khu vực HTX hiện nay ở nước ta phát triển chưa thật sự vững chắc, còn gặp nhiều khó khăn. Luật HTX năm 2003 vẫn còn một số hạn chế, trong khi đó công tác quản lý nhà nước đối với HTX còn nhiều bất cập, hệ thống bộ máy quản lý nhà nước đối với HTX chưa được xác định rõ. Việc sửa đổi Luật HTX sẽ bảo đảm thực hiện quản lý nhà nước về HTX có hiệu quả. Bên cạnh đó hỗ trợ, thúc đẩy kinh tế HTX phát triển lành mạnh, bền vững, đóng góp tốt hơn vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Ðại biểu Nguyễn Tiến Quân (Quảng Nam) và một số đại biểu khác cho rằng, dự án Luật đã có bước hoàn thiện đáng kể trong một số nội dung liên quan tổ chức quản lý HTX và liên HTX, vấn đề Hội đồng quản trị và Ban điều hành HTX... Ðại biểu Trần Thị Kim Phương (Hà Nội) cho rằng, dự thảo luật sửa đổi lần này sẽ có tác động lớn, góp phần vào sự tăng trưởng, nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Với nhiều liên hiệp HTX được thành lập, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, sản xuất nông nghiệp sẽ mang lại nhiều lợi ích cho nông dân.

Tuy nhiên, đề cập một số nội dung cụ thể trong dự án Luật HTX (sửa đổi), nhiều đại biểu nhận xét, những nội dung được đề cập trong dự án luật này vẫn chưa xác định đúng bản chất kinh tế HTX, chưa sát thực tiễn, nhất là những khái niệm về đồng sở hữu, về tài sản chung trong HTX, vấn đề HTX hoạt động như một loại hình doanh nghiệp... Một số đại biểu cho rằng, dự án Luật HTX (sửa đổi) nhìn chung vẫn chưa giải quyết triệt để một số bất cập hiện đang gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển bền vững của khu vực HTX. Các quy định của dự án luật vẫn chưa làm rõ được hai vấn đề có tính căn bản đặt ra hiện nay của các HTX, đó là bản chất, tính đặc thù của HTX trong tương quan với các loại hình doanh nghiệp khác; và chính sách, cơ chế khuyến khích, hỗ trợ phù hợp cũng như chế tài xử lý các hành vi vi phạm, tạo điều kiện cho HTX phát triển nhưng không sai lệch bản chất. Theo ý kiến một số đại biểu, nhiều quy định trong dự thảo luật còn chung chung, khó áp dụng, một số quy định chưa dựa trên việc xem xét, cân nhắc kỹ tình hình thực tế và điều kiện cụ thể của HTX đang tồn tại.

Về chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước (Ðiều 6), đa số đại biểu cho rằng cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ đối với các HTX, liên hiệp HTX, nhưng phải phù hợp nguồn lực quốc gia cũng như các cam kết quốc tế, không thực hiện một cách đánh đồng, tràn lan nhằm tránh hiện tượng lợi dụng danh nghĩa HTX để hưởng lợi. Theo đại biểu Nguyễn Ngọc Hòa (TP Hồ Chí Minh), việc ưu đãi của Nhà nước nên theo hướng tạo điều kiện, hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực, giúp HTX có những nhà quản trị biết cách kinh doanh và điều hành hiệu quả. Về vai trò quản lý nhà nước đối với HTX, đại biểu Trần Thị Kim Phương và một số đại biểu khác cho rằng, trong dự thảo luật cần quy định rõ Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước đối với HTX, liên hiệp HTX nhằm tập trung chức năng quản lý nhà nước vào một hệ thống cơ quan thống nhất từ trung ương đến địa phương, tạo điều kiện cho HTX, liên hiệp HTX phát triển.

Nhiều đại biểu cho rằng, trong dự án luật cần quy định cụ thể trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ, UBND các cấp đối với HTX, liên hiệp HTX, cần xác định rõ địa vị pháp lý của tổ chức đại diện của HTX, liên hiệp HTX. Cơ chế này cho phép Nhà nước kịp thời hỗ trợ HTX, liên hiệp HTX khi gặp khó khăn và điều chỉnh các hoạt động của HTX khi có biểu hiện sai lệch bản chất và mô hình HTX.

Chiều 25-11, Văn phòng QH gặp mặt các phóng viên báo chí phục vụ kỳ họp thứ tám, QH Khóa XII. Dự buổi gặp mặt có Chủ nhiệm Văn phòng QH Trần Ðình Ðàn, đại diện các đơn vị chức năng của Văn phòng QH và đại diện các cơ quan báo chí.

Tại cuộc gặp mặt, Giám đốc Trung tâm thông tin - thư viện Phùng Văn Hùng, thay mặt Văn phòng QH cảm ơn và ghi nhận những đóng góp tích cực, nhiệt tình của các cơ quan thông tấn, báo chí đã thông tin, tuyên truyền về QH, về các kỳ họp QH nói chung và kỳ họp thứ tám, QH khóa XII nói riêng. Các cơ quan thông tấn, báo chí đã có nhiều phương thức tuyên truyền đa dạng, phong phú, giúp cử tri hiểu rõ và đầy đủ hơn về những đổi mới, cải tiến và hoạt động dân chủ của QH qua từng kỳ họp. Báo chí đã góp phần tạo sự đồng thuận của nhân dân với cơ quan quyền lực nhà nước tối cao; đóng vai trò tích cực và quan trọng trong việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật, và thực thi các đạo luật do QH ban hành.

Văn phòng QH mong muốn, báo chí tiếp tục là cầu nối giữa QH và cử tri; báo chí chuyển tới cử tri cả nước qua những tin, bài phản ánh phong phú, sinh động các hoạt động của QH. Trong thời gian tới, các cơ quan thông tấn, báo chí cần tiếp tục cải tiến, nâng cao chất lượng nội dung cũng như hình thức thông tin, tuyên truyền, để phản ánh các sự kiện, sự việc, hoạt động của QH một cách chính xác, khách quan, nhiều chiều, cần có thêm nhiều những bài viết thể hiện chính kiến, bình luận sâu sắc, đóng góp vào nội dung của chương trình nghị sự và việc cải tiến, đổi mới, nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của QH.

 

                                                                          Theo Báo Nhandan

Các tin khác


Đoàn Đại sứ quán Nhật Bản thăm và làm việc tại tỉnh Hòa Bình

Ngày 7/5, Hội Người cao tuổi (NCT) tỉnh phối hợp với Sở LĐ-TB&XH làm việc với đoàn Đại sứ quán Nhật Bản và đơn vị tài trợ thực hiện Dự án "Giảm nhẹ tính dễ bị tổn thương về thu nhập và sức khỏe của NCT tại Việt Nam” (VIE071). Tham dự có đại diện Tổ chức hỗ trợ NCT tại Việt Nam (HAI), lãnh đạo một số sở, ban, ngành liên quan.

Toàn văn phát biểu của Thủ tướng tại Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Sáng 7/5, tại thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tỉnh Điện Biên tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024). Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã đọc Diễn văn kỷ niệm. Xin trân trọng giới thiệu toàn văn Diễn văn: 

Huyện Lạc Sơn áp dụng sáng kiến, giải pháp thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính

Xác định rõ tầm quan trọng của công tác cải cách hành chính (CCHC) trong việc quản lý, điều hành, phát triển KT-XH trên mọi lĩnh vực, huyện Lạc Sơn đã chú trọng xây dựng các sáng kiến, giải pháp để thực hiện tốt nhiệm vụ CCHC. Đồng thời đẩy mạnh áp dụng sáng kiến, giải pháp nâng cao chất lượng, hiệu quả thực hiện nhiệm vụ CCHC trên địa bàn huyện.

Thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII

Chiều 6/5, Thường trực HĐND tỉnh tổ chức hội nghị liên tịch thống nhất thời gian, nội dung, chương trình Kỳ họp thường lệ giữa năm 2024, HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026. Đồng chí Bùi Đức Hinh, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chủ trì hội nghị.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục