Nhiều vườn rau xanh ở xóm 10, xã Sủ Ngòi không cho thu hái.

Nhiều vườn rau xanh ở xóm 10, xã Sủ Ngòi không cho thu hái.

(HBĐT) - Gần 1 tuần nay, tại các chợ trên địa bàn thành phố Hòa Bình, nguồn cung ứng rau xanh trở nên khó khăn, lượng rau khan hiếm. Chị Phạm Thị Loan, một chủ cửa hàng kinh doanh rau, củ, quả tại chợ Phương Lâm lo lắng: Phần lớn lượng rau nhập về các chợ từ các xã vùng ven thành phố như Sủ Ngòi, Thái Bình, Thống Nhất. Trước đây, người trồng rau đem hàng rao tận chợ, nhưng mấy ngày rồi, chị phải tới tận các vườn mới nhặt nhạnh được ít rau xanh về bán.

 

Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng thiếu nguồn rau xanh trên địa bàn là do ảnh hưởng của thời tiết mưa, nắng thất thường, đặc biệt là cơn bão số 2 đã làm cho nhiều diện tích rau của bà con nông dân vùng cung ứng trọng điểm rau xanh phát triển kém, thậm chí bị chết hàng loạt do úng nước. Ông Nguyễn Văn Quân ở xóm 10, xã Sủ Ngòi buồn bã: Nguồn thu chính của gia đình nhờ cả vào trồng rau xanh. Nhiều diện tích rau ngót, rau muống, bí lấy ngọn của gia đình sau đận bão số 2 đã bị thối rễ dẫn đến chết, diện tích còn lại phát triển kém. Trước đây, cứ cách 1 tháng, gia đình ông thu hoạch 1 lứa rau ngót với khoảng 300 mớ/lứa, nhưng nay, không thu được mớ nào. Thời tiết bất thuận, vạt bí trong vườn nhà ông cũng không đâm ngọn.

 

Chị Bùi Thị Nguyệt, một hộ chuyên trồng rau ở tổ 9, phường Thái Bình cho biết thêm: Các hộ triển khai gieo trồng rau vào thời điểm trước trận mưa, bão vừa rồi hoặc bị trôi sạch, hoặc rất chậm phát triển. Ví dụ như trường hợp của gia đình chị, vào nửa tháng trước, chị gieo 10 luống hạt cải. Chẳng ngờ mưa, bão ập đến, làm hỏng hết hạt giống, tới đây lại phải gieo lại. Cánh đồng của tổ 9 từ xưa đến nay trồng rau muống là nhiều nhưng dạo này, mưa dầm, nắng hạn nên rau cũng phát triển kém, chậm cho thu.

 

Thực tế trên đã tác động trực tiếp đến người trồng rau bởi mặc dù giá thu mua rau đang đội lên gấp đôi, ba lần so với ngày thường nhưng rau xanh cũng không có để bán. Các hộ trồng rau ở xóm 2, xóm 3, xóm 4, xã Sủ Ngòi cho biết: rau ngót, rau muống, rau đay, mồng tơi bán buôn tại vườn đã là 5.000 đồng/mớ, giá bán buôn đậu đũa 8.000 đồng/kg nhưng việc thu hái rất chậm, mất mùa. Không ít hộ đầu tư nhiều công sức trồng, chăm sóc nhưng chưa thu được lứa rau nào đã hứng chịu ảnh hưởng của mưa bão, thất thu.

 

Khó khăn nguồn cung ứng rau xanh tác động không nhỏ đến hoạt động kinh doanh, buôn bán của tiểu thương. Qua khảo sát tại các chợ Thái Bình, Phương Lâm, Nghĩa Phương, Hữu Nghị, có rất ít người trồng rau mang rau đến bán tại chợ như trước. Một vài cửa hàng rau trong chợ chỉ đủ hàng bán đến hết buổi trưa còn buổi chiều tạm đóng cửa. Người tiêu dùng cũng đành chấp nhận mua rau xanh với giá đắt gấp đôi, gấp ba so với ngày thường. Đơn cử, rau muống 7.000 đồng/mớ, rau ngót, mồng tơi 6.000 đồng/mớ, bầu 10.000 đồng/kg, cà chua 15.000 đồng/kg. Cùng lúc này, rau thơm các loại tăng giá mạnh, cụ thể 100.000 đồng/kg rau thì là, mùi (giá bán buôn tại vườn).

 

Những ngày tới, thời tiết còn diễn biến khó lường, sẽ còn xảy ra nhiều đợt mưa, bão ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp nói chung và thị trường rau xanh nói riêng. Với người trồng rau, đây sẽ là những thách thức trong  việc cung ứng nguồn hàng. Trên thị trường, lượng rau khó có thể đủ lượng dồi dào như cùng thời điểm năm 2010. Giá các loại rau xanh không giảm, thậm chí còn tiếp tục tăng sẽ tác động trực tiếp đến chi tiêu, sinh hoạt của người dân.

 

                                                                    

                                                                                           Lạc Bình

 

Các tin khác


Tuổi trẻ huyện Tân Lạc thắp sáng truyền thống quê hương anh hùng

Tân Lạc là huyện có bề dày lịch sử. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân huyện Tân Lạc đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu, lao động, sản xuất. Với khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, huyện Tân Lạc đã đóng góp trên 45.000 tấn lương thực, thực phẩm; trên 2.900 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 190 gia đình có từ 2 - 4 con đi bộ đội.

Chuyển động trong công tác xây dựng Đảng

Thời gian qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Trong đó đặc biệt quan tâm công tác cán bộ, lấy sản phẩm để đánh giá năng lực cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu trong thực hiện nhiệm vụ chính trị, nhờ vậy đã tạo nên sự chuyển động của bộ máy cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII.

Nhịp sống mới ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Đà Bắc là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều chiến công trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhiều năm qua, đất và người Đà Bắc luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Xã Đồng Tâm thiết thực học tập và làm theo Bác

Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) trong học tập và làm theo Bác.

Đồng chí Đoàn Tiến Lập được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn

Chiều 26/4, HĐND huyện Lương Sơn khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức kỳ họp thứ 17 - kỳ họp chuyên đề về công tác cán bộ, bầu Chủ tịch UBND huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục