Một góc thành phố Điện Biên hôm nay. 
(Ảnh: HD)

Một góc thành phố Điện Biên hôm nay. (Ảnh: HD)

(HBĐT) - Có một thi sĩ từng ví “Hoa ban nở thành người con gái Thái” khi một lần qua miền Tây Bắc và đến với đất trời Điện Biên năm nào. Còn một nhạc sĩ từng cất lên: “Vẫn còn nguyên trong ba lô, chiếc áo trấn thủ, vẫn còn nguyên trong trang thơ, cành hoa ban ép vội. Cho tôi mơ, cho tôi hát những ngày Điện Biên năm xưa, cho tôi mơ, cho tôi hát những ngày Điện Biên hôm nay”...

 

Điện Biên anh hùng, Điện Biên của thi ca, nhạc họa... Mấy người không mong ước được đến và tiếp tục đến với Điện Biên - mảnh đất tạo nên những cảm hứng tuyệt vời cho mỗi du khách, mỗi người bạn gần xa. Mùa này, chúng tôi lại có cơ duyên đến với Điện Biên vào mùa “Trời Tây Bắc xanh trong như ngà ngọc”...

 

Không phải năm chẵn gắn với chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ năm 1954 nhưng có cảm giác: lúc nào Điện Biên cũng có du khách lạ, du khách quen. Trên tuyến đường ngược Tây Bắc mùa khô không còn hoa ban nở trắng rừng nhưng lại thấy được màu vàng rực rỡ của những nương lúa đang kỳ thu hoạch trên đồi cao, của hoa lau trắng, tím sườn non vẫn gặp những đoàn xe với các tấm băng rôn đỏ rực căng ngang thành xe. Qua đỉnh Pha-Đin, chiếc xe khách cỡ lớn có dòng chữ “Đoàn dân công về thăm Điện Biên” khiến nhiều người chú ý bởi câu hò, tiếng hát không lúc nào ngớt của các thành viên. 57 năm rồi, có người mới có dịp quay lại chiến trường xưa, khi mây, trời Điện Biên không còn vương mùi đạn bom. Chúng tôi thấy họ đứng thật lâu nơi cụm Tượng đài Đường kéo pháo vào Điện Biên nơi cửa ngõ tỉnh. Hôm đứng giữa cánh đồng Mường Thanh, nơi những cánh đồng lúa vừa được thu hoạch, ngửa mặt nhìn máy bay của Việt Nam Airline chuẩn bị hạ cánh (ngày có 4 lần lên/xuống) thấy như gần gũi thân quen hơn với những du khách sắp nhập cư Điện Biên. Đứng vung cờ Tổ quốc chụp hình trên nóc hầm Đờ-cát, mấy bạn trẻ người Hà Nội dường như cố tình cho du khách trên máy bay nhìn thấy để cùng chia sẻ niềm vui lần đầu được đến Điện Biên... Điều gì tạo nên niềm hưng phấn cho du khách khi đến miền đất này? Một đồng nghiệp ở Báo Điện Biên Phủ chia sẻ: Bạn không thấy vì sao ư? Nói gọn thế này: Điện Biên có lợi thế về chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”. Đồng thời, Điện Biên còn khai thác tốt du lịch văn hóa và du lịch sinh thái. Những năm qua, tỉnh Điện Biên và các bộ, ngành chức năng đã phối hợp đầu tư 8 hạng mục quan trọng trong quần thể di tích lịch sử chiến thắng Điện Biên Phủ; có đề án phát triển bản sắc văn hóa của 21 dân tộc anh em... Ngắn gọn là thế nhưng nếu không được đến thăm một số vùng đất trong quần thể danh thắng Điện Biên thì đó là một sự thiệt thòi ghê gớm...  

 

Đoàn cán bộ, phóng viên Báo Hòa Bình bên Tượng đài chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

 

Quả thật, có được đứng trên cầu Mường Thanh (nơi đại quân tràn qua tấn công hầm Đờ Cát), nhìn nước dòng sông Nậm Rốm hiền hòa chảy và nhẹ nhàng đi bên những vuông cỏ, cắm nén hương thành kính nơi Nghĩa trang liệt sĩ Điện Biên mới thấu hiểu hết ý nghĩa của cuộc sống hôm nay. Các anh, những anh hùng liệt sĩ đã hy sinh tuổi thanh xuân của mình cho chiến thắng của cả dân tộc. Phan Đình Giót, Bế Văn Đàn, Tô Vĩnh Diện... và những địa danh Mường Phăng, Mường Thanh, Him Lam, Bản Kéo... đã được đặt tên cho những con đường, phố mới, trường học không chỉ ở Điện Biên. Nơi khu Tượng đài chiến thắng lịch sử trên đồi cao, gió lộng và nắng chan hòa, phóng tầm mắt về bốn phía như thấy hình ảnh đoàn quân từ 4 phía hội tụ trong ngày 7-5-1954. Đồi A1 bình yên trong ngày mới, có một nhóm du khách châu âu đang chụp ảnh bên hố mìn năm xưa. Cỏ đã làm mềm lại những nỗi niềm về cuộc chiến nhiều gian khổ và hy sinh, mất mát; hai chú bé người bản địa đang trèo lên tháp pháo, nòng pháo để chụp hình. Đã 57 năm rồi, hiện nay, Điện Biên đang triển khai các chương trình quảng bá hướng tới kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ vào năm 2014...  

Điều vui nhất trong chuyến đi này là được đến thăm bản văn hóa Phiêng Lơi, xã Thanh Minh-thành phố Điện Biên Phủ (một điểm trong chuỗi các điểm làng, bản văn hóa ở Điện Biên như bản Co My (xã Thanh Chăn), bản Mển (xã Thanh Nưa, Điện Biên), bản Ten (Thanh Xương)... Đây là một bản còn giữ lại nét văn hóa của dân tộc Thái từ kiến trúc nhà ở, trang phục, ẩm thực, văn hóa-văn nghệ... Cây cầu treo bắc qua dòng sông trước bản không làm du khách ngại ngần vì phía xa kia là tiếng hát, tiếng mời rượu của các diễn viên nghiệp dư Kim Xuyến, Hà Hương... Nét mộc mạc, chân thành của các cô gái Thái đã làm nên nét duyên du lịch Điện Biên. Nếu cần nét phố, nét hiện đại, du khách đã chẳng đến Điện Biên. Cho nên càng thấy lý do trở lại Điện Biên của các thực khách từ Hà Nội, Hải Phòng trong buổi giao lưu mở rộng tại Phiêng Lơi... Đêm giã bạn, điểm du lịch sinh thái: nhà nghỉ suối nước nóng Hua Pe (xã Thanh Luông, huyện Điện Biên) là điểm dừng chân đến. Trăng chiều chênh chếch mé rừng. Đây đã là xã vùng biên ải, nơi có đồn biên phòng Thanh Luông đứng chân. Cũng là lần đầu tiên được nếm cảm giác “Chiều biên giới em ơi, có nơi nào cao hơn, như đầu sông đầu suối/như đầu mưa đầu gió/ như tình yêu đôi ta...”. Không hẹn mà gặp các đồng nghiệp ở Hà Nội, Sơn La đang say sưa tác nghiệp ảnh nghệ thuật bên bờ suối. Không gian hư ảo, tím biếc nơi vùng biên làm lòng yên tĩnh lạ thường. Nhiều người tìm sự thư thái trong bồn tắm, bể tắm nước nóng Hua Pe. Nơi này, trạm Viettel đã có mặt. Thảo nào, một phụ nữ người dân tộc (có trang điểm 1 đồng bạc trắng trên búi tóc), vừa lùa đàn ngựa từ vùng biên về, vừa thoăn thoắt nhắn tin... Một nhóm thanh niên (khoảng 10 nam, nữ) đi xe gắn máy đến là nhóm khách cuối cùng rời điểm suối nước nóng. “Thỉnh thoảng, muốn đổi gió chúng em lại hành quân từ thành phố Điện Biên vào đây nghỉ ngơi, tắm táp”... Du khách đến Điện Biên, họ không chỉ dừng chân ở thành phố mà còn muốn được đến, được thăm thú nhiều nơi trong vùng. Quỹ thời gian của một chuyến đi không cho phép được đi khắp các danh thắng ở miền đất Điện Biên anh hùng. Sự hấp dẫn vẫn không hề mất đi mà lưu giữ cho lần gặp mới. Điện Biên xa mà gần biết bao. Năm 2009 có 250.000 lượt du khách đã đến Điện Biên tham quan, du lịch (trong đó có 44.000 lượt du khách quốc tế), đạt mức doanh thu 95 tỷ đồng; năm 2010 có trên 300.000 lượt người (45.000 lượt du khách quốc tế), doanh thu 150 tỷ đồng. Năm 2011, lượng du khách cũng vượt qua con số 300.000 lượt người. Điện Biên đang dồn sức, tạo nên sức hấp dẫn mới để năm 2015 có được 400.000 lượt du khách đến đây (70.000 lượt khách quốc tế). Điều đó với Điện Biên có thể trong tầm tay vì tỉnh miền Tây Tổ quốc đã tạo dựng được trong mắt du khách môt hình ảnh đẹp quyến rũ, thân thiện và mến khách...  

Nhóm khách chúng tôi chia tay Phiêng Lơi bằng lời hẹn của Kim Xuyến - cô gái bản địa mộc mạc: “Năm Điện Biên kỷ niệm 60 năm chiến thắng lịch sử, các anh lại đến bản em nhé”. Sao lại phải đợi đến năm 2014, biết đâu, với nhiều cơ duyên, ngay đầu năm 2012, khi hoa ban nở trắng rừng Tây Bắc lại có dịp trở lại Điện Biên được không Kim Xuyến, cô gái bản xa?...

 

                                                           Văn Tưởng

Các tin khác

Giáo xứ Hòa Bình tưng bừng các hoạt động chào dón năm mới.
Dong riềng - cây trồng chủ lực mang lại giá trị kinh tế cao cho người dân vùng đất bãi Kỳ Sơn.
Không có hình ảnh
Các đồng chí lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và đông đảo du khách đã về dự hội xuân Chùa Tiên Phú Lão (Lạc Thủy)

Đi trong lòng thành phố trẻ

(HBĐT) - Không biết có phải cố tình hay ngẫu nhiên mà đúng dịp cuối năm này, người bạn đồng niên (từng xa thành phố Hoà Bình từ năm 1991) trở lại nơi này. Bạn bè gặp lại, ánh mắt, nụ cười hân hoan, những câu chuyện của thời trẻ cứ tuôn trào không ngớt.

Thung Dao mùa hoa Đào nở

(HBĐT) - Đã nhiều lần biết đến sự duyên dáng của Thung Rếch - con đường tình yêu qua những lời hát mượt mà nhưng có dịp theo con đường rải nhựa uốn lượn quanh các sườn núi từ trường tiểu học xã Tú Sơn lên bản Thung Dao - cửa ngõ vùng Thung Rếch, xã Tú Sơn (Kim Bôi) mới thấy hết sự thú vị của vùng đất này. Những nương ngô bạt ngàn đã vào kỳ chắc hạt chờ tay người thu hoạch trải dài từ chân núi tiến sát tận mép đường. Cạnh đó là những bãi mía ngút ngàn như tấm thảm nhung mềm mại.

Phật giáo Hoà Bình với các hoạt động vì cộng đồng

(HBĐT) - Từ bi cứu khổ là bản hoài của người con Phật. Tình thương này đã được gắn kết cùng tinh thần dân tộc, thấm đẫm vào mỗi hành động và suy nghĩ của con dân Việt. Theo bước chân của những người con Phật quy y tam bảo tại Hòa Bình Phật Quang tự, chúng tôi đã có một chuyến đi làm từ thiện đầy ý nghĩa tại huyện Đà Bắc và Kim Bôi nhân dịp đầu xuân.

Mường Bi làm theo lời Bác

(HBĐT) - Cánh đồng xã Địch Giáo (Tân Lạc) chiều cuối năm se lạnh, từng tốp người tất bật với công việc đồng áng. Những thửa ruộng trơ gốc rạ sau vụ gặt được thay thế bằng những luống rau vụ đông tươi tốt. ông Nguyễn Viết Hùng, xóm Mùn, xã Địch Giáo tranh thủ tưới nốt vườn rau, vui vẻ cho biết: ông bà tuổi đã cao nhưng luôn chân luôn tay chẳng mấy lúc nghỉ ngơi. ở nhà thì chăm con lợn, con gà, ngoài đồng thì làm rau, làm cỏ. Vườn rau bắp cải này đang thời kỳ cuốn bắp, kịp để phục vụ rau xanh cho thị trường Tết Nguyên đán năm nay.

Gặp người nấu cơm cho Bác Hồ ở Pác Bó

(HBĐT) - Một ngày cuối đông trong giá lạnh, chúng tôi ngược dốc, ngược đèo để lên với mảnh đất cách mạng Cao Bằng. Nơi đây, 72 năm trước sau 30 năm bôn ba ở nước ngoài, Bác Hồ đã đặt bước chân đầu tiên về nước. Mảnh đất này đã bảo vệ Bác, che chở cho Bác ngày đầu làm cách mạng. Và càng may mắn hơn, lần này, chúng tôi gặp đượcmột trong hai người cuối cùng nấu cơm, đưa cơm và bảo vệ Bác trong những ngày đầu Người về nước.

Sức sống mới ở xóm Cầu

(HBĐT) - Mùa xuân đến với nhân dân xóm Cầu, xã Bắc Sơn, huyện Kim Bôi thật đặc biệt và hân hoan. Xóm Cầu hôm nay đang từng ngày khởi sắc nhưng vẫn giữ được nét văn hoá cồng chiêng đặc sắc của dân tộc mình. Đó là ấn tượng đẹp đẽ nhất khi đến với xóm Cầu trong những ngày giáp Tết.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục