Điện lực Kim Bôi đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng để đóng điện cho bản Dao Đằng Long (Bắc Sơn- Kim Bôi) trước Tết âm lịch Quý Tỵ.

Điện lực Kim Bôi đang hoàn tất những công đoạn cuối cùng để đóng điện cho bản Dao Đằng Long (Bắc Sơn- Kim Bôi) trước Tết âm lịch Quý Tỵ.

(HBĐT) - Những năm gần đây, phong trào hiến đất để đưa điện về bản đã được đông đảo dân cư các xóm, bản ở mường Động tích cực hưởng ứng, góp phần tạo nên sự đổi mới của vùng nông thôn.

 

Những ngày cuối năm Nhâm Thìn, trong tiết xuân ấm áp, trở lại Bắc Sơn (Kim Bôi),  chúng tôi cùng hòa mình cùng niềm vui của người dân bản Dao Đằng Long đang háo hức chờ ngày đóng điện. Dù cuộc sống của người dân ở Đằng Long chưa thực sự khấm khá nhưng nhà nào cũng cố gắng dành dụm để khi điện về không chỉ “Núi rừng có điện thay sao” mà còn được xem vô tuyến, nghe ca nhạc rồi chuẩn bị sẵn chiếc quạt để chống cái nắng mùa hè, mua nồi cơm điện cho đỡ nhọ nhem vì bếp củi. Nhà nào khá giả hơn còn mua cả tủ lạnh, máy giặt để được tận hưởng những tiện nghi tiên tiến, hiện đại. Già làng Triệu Văn Phây phấn khởi cho biết: “Được Nhà nước đầu tư hơn 6 tỷ đồng xây dựng đường dây, trạm biến áp để kéo điện lưới quốc gia về bản, mọi người từ già đến trẻ, ai nấy đều vui mừng. Nghe thông báo dự án không có tiền đền bù giải phóng mặt bằng, cả 92 hộ đều không một chút chần chừ cùng đồng lòng hiến đất với mong muốn công trình được triển khai thật sớm, thật nhanh. Vì mặt bằng của dự án không phải đền bù nên chúng tôi không kiểm đếm đất và tài sản trên đất, chỉ biết dự án có 1 trạm biến áp 100KVA, đường dây 35Kv dài 4.968 m, đường dây 0,4Kv dài 983 m chạy qua đất vườn, ruộng, đất rừng của hàng chục hộ. Không chỉ hiến đất xây dựng công trình, người dân trong xóm còn tự nguyện tham gia đào hố, dựng cột, kéo dây. Ai cũng hiểu, lợi ích của gia đình mình gắn với lợi ích chung của cả bản”.

 

Được đầu tư trên 4,2 tỷ xây dựng hệ thống lưới điện quốc gia gồm 1 trạm biến áp 250 KVA, 320 m đường dây cao cấp 35Kv và 6.551m đường dây hạ áp 0,4Kv, cả 5 xóm từ Sấu Dưới, Rù I, Rù II đến Chiềng, Cốc (Vĩnh Đồng) vui như ngày hội. Không chỉ tự nguyện hiến đất vườn, đất ruộng, đất rừng để xây dựng công trình, gần 800 hộ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho đơn vị thi công bằng việc bỏ công sức phạt cỏ, chặt cây để nhà thầu tiếp nhận mặt bằng rộng rãi, thoáng đãng. Ông Bùi Văn Thẳm, Trưởng xóm Cốc vui vẻ cho biết: Nhận được thông tin  được Nhà nước đầu tư công trình điện, các hộ dân trong xóm đều đồng tình cao trong việc hiến đất để xây dựng công trình. Ai cũng hiểu, có điện là điều kiện để mở mang phát triển. Giờ đây, nhìn những hàng cột điện bê tông vững chắc lừng lững bên sườn đồi, khe suối, đan xen giữa đồi mía, bãi ngô, ai cũng yên tâm, phấn khởi và có đôi chút tự hào vì đã được góp một phần nhỏ để xây dựng quê hương ngày càng đổi mới và phát triển.

 

Những năm trước đây, mỗi lần tổng kết cuối năm, chính quyền xã Nam Thượng đều lúng túng khi thống kê các chỉ tiêu KT-XH, nhất là chỉ tiêu về tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới quốc gia trên địa bàn vì cả xã chỉ duy nhất còn bản Nước Ruộng với hệ thống cột, đường dây điện tạm bợ được các hộ xây dựng tự phát. Vào mùa mưa bão, không chỉ các hộ dân mà chính quyền xóm, xã luôn trong tình trạng nơm nớp trước nguy cơ “cây đổ, cột gãy, dây đứt”... Bởi vậy, từ lãnh đạo xã đến cán bộ bản và các hộ dân đều hồ hởi đón nhận công trình mới. Với 1 trạm biến áp 100KVA và hệ thống đường dây 35 Kv,  0,4 Kv dài 8.124 m, công trình liên quan đến vườn tược, đất đai, cây cối của gần 100 hộ nhưng chưa bao giờ ở bản Nước Ruộng lại có một cuộc họp với thời gian ngắn và thống nhất cao đến thế. Từ thông báo chủ trương đầu tư đến biểu quyết hiến đất xây dựng công trình chỉ có 15 phút với tỷ lệ người tham gia đạt 100%.

 

Không chỉ ở Vĩnh Đồng, Nam Thượng, Bắc Sơn có những công trình điện được người dân tự nguyện hiến đất, tự giải phóng mặt bằng để các nhà thầu triển khai thi công, từ năm 2010 đến nay, hàng trăm hộ dân ở các xã khác như Nật Sơn, Cuối Hạ, Nuông Dăm, Hạ Bì, Sào Báy đã tích cực hưởng ứng phong trào và tự nguyện bàn giao ruộng vườn, đất đai, cây cối, hoa màu để Nhà nước triển khai xây dựng công trình. Do không đền bù, kiểm đếm, giải tỏa nên các ngành chức năng của huyện và chính quyền các xã cũng không nắm được cụ thể có bao nhiêu hộ đã hiến bao nhiêu m2 đất, quá trình triển khai thi công các công trình gây thiệt hại đến bao nhiêu cây cối, hoa màu, các công trình của người dân. Nhưng một điều luôn có thể nhận rõ nhất, cụ thể nhất là tấm lòng tự nguyện của người dân đã góp phần xây dựng lên những công trình mới tạo cho diện mạo nông thôn ở Kim Bôi ngày thêm khang trang, khởi sắc, tạo điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh phát triển KT-XH, xóa đói- giảm nghèo bền vững.

 

Ông Đinh Công Hồng, Bí thư Huyện ủy Kim Bôi cho biết: Để thực hiện tốt công tác đền bù GPMB, thúc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư trên địa bàn huyện, ngày 12/9/2008, Huyện ủy Kim Bôi đã ban hành Chỉ thị số 16-CT/HU “Về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác đền bù GPMB các dự án đầu tư trên địa bàn huyện Kim Bôi”. Đồng thời, ra quyết định thành lập BCĐ và Hội đồng GPMB huyện và các xã, thị trấn.

 

Quá trình triển khai thực hiện công tác đền bù GPMB đã có phối hợp chặt chẽ giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể nhân dân trong, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, vừa có tính cấp bách, vừa có tính chiến lược lâu dài cần thực hiện kịp thời có hiệu quả. Công tác tuyên truyền, vận động được tăng cường làm cho mọi người hiểu rõ, đầy đủ nghĩa vụ, trách nhiệm và quyền lợi được hưởng theo quy định của pháp luật. Cán bộ, đảng viên đi đầu, gương mẫu trong thực hiên công tác đền bù và bàn giao mặt bằng cho dự án đầu tư đúng thời gian, tiến độ quy định. BCĐ thường xuyên bám sát cơ sở nắm chắc và kịp thời giải quyết những đơn, thư KN-TC liên quan đến lĩnh vực đất đai, nhất là đơn, thư liên quan đến công tác đền bù GPMB. Kiên quyết xử lý nghiêm những cán bộ, đảng viên, hội viên, đoàn viên có vi phạm trong công tác đền bù GPMB thực hiện các dự án, Với chức năng, nhiệm vụ được giao, UBND huyện tập trung chỉ đạo các ngành chức năng thực hiện tốt các quy định của pháp luật và các quy định khác của Nhà nước trong công tác đền bù, thu hồi, giải tỏa, xây dựng khu tái định cư, ổn định cuộc sống, tạo việc làm, dạy nghề, hỗ trợ cho nhân dân và những đơn vị có dự án đầu tư, đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư và quyền lợi chính đáng, hợp pháp của nhân dân. Động viên, biểu dương, khen thưởng các tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác đền bù GPMB, phong trào ứng mặt bằng, hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng.

 

Ý Đảng, lòng dân hòa quện đã tạo nên sức sống mới trên vùng đất Mường Động. Đơn vị tiêu biểu của tỉnh về phong trào ứng mặt mặt bằng và hiến đất xây dựng cơ sở hạ tầng. Từ kết quả đó, đến nay, tỷ lệ hộ được sử dụng điện lưới quốc gia của huyện Kim Bôi đạt 99,7%,  toàn huyện chỉ còn xóm Khú (Thượng Tiến) là xóm cuối cùng và duy nhất chưa có điện lưới quốc gia.

                                                                            

 

 

                                                          Đức Phượng

 

Các tin khác


Đổi mới sinh hoạt chi bộ ở Đảng bộ Khối các cơ quan tỉnh

Những năm qua, Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo việc đổi mới, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi bộ, coi đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Qua đó góp phần xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các tổ chức đảng và chất lượng đội ngũ đảng viên, đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.

Nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động công đoàn cơ sở

LTS: Hòa chung khí thế cả nước hân hoan kỷ niệm 49 năm ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024); 138 năm ngày Quốc tế Lao động (1/5/1886 - 1/5/2024) và hướng đến kỷ niệm 95 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929 - 28/7/2024); 73 năm thành lập Công đoàn tỉnh Hòa Bình (1951 - 2024), phóng viên Báo Hòa Bình có cuộc trao đổi với đồng chí Nguyễn Mạnh Cương, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh về sự lớn mạnh của đội ngũ công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) tỉnh trong phát triển KT - XH địa phương.

Lễ Thượng cờ ''Thống nhất non sông'' tại Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải

Sáng 30/4, tại Kỳ đài ở khu Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương-Bến Hải, Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Trị long trọng tổ chức Lễ Thượng cờ "Thống nhất non sông” nhân dịp Kỷ niệm 49 năm Ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975-30/4/2024), 52 năm Ngày giải phóng tỉnh Quảng Trị (1/5/1972-1/5/2024).

Tuổi trẻ huyện Tân Lạc thắp sáng truyền thống quê hương anh hùng

Tân Lạc là huyện có bề dày lịch sử. Trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước, quân và dân huyện Tân Lạc đã phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, lập nhiều chiến công xuất sắc trong chiến đấu, lao động, sản xuất. Với khẩu hiệu "Tất cả vì tiền tuyến, tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược” và tinh thần "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, huyện Tân Lạc đã đóng góp trên 45.000 tấn lương thực, thực phẩm; trên 2.900 thanh niên lên đường nhập ngũ, trong đó có 190 gia đình có từ 2 - 4 con đi bộ đội.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục