Đại biểu QH Nguyễn Thanh Hải phát biểu thảo luận tại tổ.

Đại biểu QH Nguyễn Thanh Hải phát biểu thảo luận tại tổ.

(HBĐT) - Chiều ngày 1/11/2013, Quốc hội thảo luận tại tổ về dự án Luật công chứng (sửa đổi) và quy hoạch tổng thể về thủy điện.

 

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Thanh Hải bày tỏ quan điểm thống nhất với đại biểu Nguyễn Tiến Sinh, Phó trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình đề nghị làm rõ địa vị pháp lý của Văn phòng công chứng; khái niệm “tính xác thực của văn bản công chứng” quy định tại Điều 2 nhằm tránh quy định chung chung như dự thảo, dễ dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau, không thống nhất. Hơn nữa, việc yêu cầu công chứng viên (CCV) chứng nhận tính xác thực của bản dịch là khó khả thi trên thực tế vì không phải CCV nào cũng đủ trình độ ngoại ngữ để có thể hiểu và chứng nhận được bản dịch. Do đó, đại biểu đề nghị cần sửa đổi, bổ sung quy định này sao cho phù hợp với tình hình thực tế của nước ta hiện nay.

 

Đại biểu thống nhất quy định tại Khoản 3, Điều 14 dự thảo luật về tuổi hành nghề của CCV là đến khi đủ 65 tuổi, không phân biệt nam, nữ. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị luật cần bổ sung quy định về độ tuổi để được bổ nhiệm CCV lần đầu nhằm tránh tình trạng bổ nhiệm CCV tràn lan, không phân biệt độ tuổi như hiện nay, dễ dẫn đến hậu quả là nhiều cán bộ, công chức đã đến tuổi nghỉ hưu hoặc già yếu vẫn được bổ nhiệm làm CCV nhưng sức khỏe của họ không đảm bảo để có thể làm việc liên tục theo quy định của Luật công chứng hiện hành, đôi lúc họ không còn minh mẫn để xử lý công việc, do đó phần nào làm ảnh hưởng đến hiệu quả, uy tín của hoạt động công chứng.

 

Đại biểu cho rằng, Khoản 1, Điều 30 quy định, Văn phòng công chứng do một CCV thành lập phải có thêm ít nhất một CCV làm việc theo chế độ hợp đồng là quá máy móc. Vì trong thực tế, có một số Văn phòng công chứng thực hiện rất ít giao dịch trong một năm, lượng khách đến công chứng không nhiều, bản thân Trưởng Văn phòng cũng không thường xuyên có việc làm. Do vậy, trong trường hợp này việc thuê thêm một CCV làm việc là không cần thiết, sẽ làm tăng thêm chi phí, tăng thêm gánh nặng cho tổ chức hành nghề công chứng. Do đó, đại biểu đề nghị cần sửa đổi quy định này theo hướng: Căn cứ vào số lượng văn bản công chứng thực hiện trong một năm, Văn phòng công chứng do một CCV thành lập phải bổ sung thêm CCV làm việc. Nếu thực hiện công chứng vượt quá số lượng văn bản nêu trên trong một năm mà Văn phòng công chứng vẫn không bổ sung CCV thì sẽ bị đình chỉ hoạt động.

 

Khoản 3, Điều 55 quy định, đối với một bất động sản đã được thế chấp để bảo đảm thực hiện một nghĩa vụ và hợp đồng thế chấp đã được công chứng mà sau đó được tiếp tục thế chấp để bảo đảm cho một nghĩa vụ khác trong phạm vi pháp luật cho phép thì các hợp đồng thế chấp tiếp theo phải do CCV của tổ chức hành nghề công chứng đã công chứng hợp đồng thế chấp lần đầu thực hiện. Đại biểu cho rằng, quy định này không phù hợp, vì trên thực tế có thể CCV đã công chứng hợp đồng thế chấp lần đầu đó nghỉ phép hoặc đi vắng một thời gian thì sẽ xử lý ra sao? Nếu áp dụng cứng nhắc quy định này sẽ gây bất lợi cho khách hàng, ảnh hưởng đến việc thực hiện quyền tài sản của họ. Vì vậy, đề nghị cần sửa đổi quy định này theo hướng mềm dẻo hơn nhằm bảo đảm quyền về tài sản của công dân.

 

Việc chia sẻ thông tin trong hoạt động công chứng là nội dung cực kỳ quan trọng, nhưng luật chưa đề cập đến vấn đề này trong khi đây là cách phòng ngừa rủi ro hữu hiệu trong hoạt động công chứng, đặc biệt là đối với những giao dịch liên quan đến bất động sản. Thực tế cho thấy, các giao dịch về bất động sản trong thời gian gần đây diễn ra khá lộn xộn, nhiều tranh chấp, khiếu kiện đã xảy ra. Nguyên nhân một phần là do thiếu sự gắn kết, chia sẻ thông tin giữa các tổ chức hành nghề công chứng nên có tình trạng tổ chức này chấp nhận công chứng văn bản cho khách hàng do không được chia sẻ thông tin ngăn chặn nhưng tổ chức khác lại không chấp nhận vì phát hiện ra thông tin ngăn chặn đối với tài sản đó. Vì vậy, nhằm chấm dứt tình trạng này và nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động công chứng trên toàn quốc, đại biểu đề nghị luật cần bổ sung quy định theo hướng bắt buộc tất cả các tỉnh đều phải xây dựng cơ sở dữ liệu chung liên kết giữa các tổ chức hành nghề công chứng với nhau. Về quy định tổ chức và hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng, đề nghị luật cần quy định trong một năm, một công chứng viên được công chứng tối đa là bao nhiêu hồ sơ, nhằm đảm bảo công chứng viên phải đọc kỹ hồ sơ trước khi ký.

 

      

              Đại biểu QH Nguyễn Tiến Sinh phát biểu thảo luận tại tổ.

 

Về quy hoạch tổng thể thủy điện, các đại biểu cho rằng: Việc xây dựng thủy điện trong thời gian qua đã phát huy được hiệu quả tích cực. Tuy nhiên, Báo cáo của Chính phủ về quy hoạch thủy điện chỉ mới đánh giá chung chung và thực hiện khá vội vàng dẫn đến chất lượng và hiệu quả khó có thể đánh giá được, vì vậy Chính phủ  nên có báo cáo sâu hơn về vấn đề này. Trong báo cáo của Chính phủ, chưa làm rõ việc quy hoạch, xây dựng thủy điện tiêu tốn ngân sách của nhà nước là bao nhiêu? thẩm quyền chỉ đạo điều hành, điều tiết nước của chính quyền địa phương… Vì vậy, các đại biểu đề nghị Chính phủ nên làm rõ vấn đề này để hoạt động của thủy điện phát huy hiệu quả hơn. Đồng thời, đề nghị cần có đánh giá việc vận hành của thủy điện, những hậu quả do thủy điện gây ra; những dự án thủy điện bị bỏ dở trong quá trình thực hiện; đề nghị Quốc hội sớm có nghị quyết về vấn đề này để Quốc hội có điều kiện theo dõi và giám sát. Đối với việc trồng rừng để bù lại diện tích đất để làm thủy điện chỉ đạt 3,7%, đây là vấn đề cần phải xem xét lại trách nhiệm của từng tổ chức, cá nhân. Đồng thời, trong Nghị quyết của Quốc hội lần này cần phải nêu rõ tại kỳ họp sau Chính phủ phải báo cáo rõ hiệu quả của Quy hoạch, nêu rõ trách nhiệm của từng bộ ngành, địa phương, từng cá nhân để tránh thất thoát cho ngân sách nhà nước. Về việc tái định cư, hiện nay đời sống của nhân dân còn gặp nhiều khó khăn, các hộ nghèo của vùng chiếm 0,7%, thu nhập 6,6 triệu/người/năm, trong khi thu nhập bình quân đầu người ở Hòa Bình 22 triệu/người/năm, báo cáo đánh giá không xác thực. Các đại biểu đề nghị: Cần ban hành Nghị quyết của Quốc hội để ban hành chính sách, giám sát về chương trình thủy điện; Báo cáo cần nêu cụ thể hơn và đầy đủ hơn vì còn nhiều dự án chưa được nêu trong báo cáo; Chính phủ cương quyết có biện pháp giải quyết dứt điểm các công trình thủy điện; Cần có quy chế đặc thù cho đầu tư dự án lòng hồ sông Đà; có chính sách phát triển cơ sở hạ tầng vùng nông thôn; đầu tư các dự án nước sạch; lập làng tái định cư; cho vay khoản vốn nhất định với mức ưu đãi để bà con nơi đây ổn định cuộc sống; Chính phủ cho xây dựng nhà máy thủy điện Hòa Bình giai đoạn II./.

 

 

 

                                                      Bùi Mạnh Cường

                              (Văn phòng Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh)

 

 

 

Các tin khác


Nhịp sống mới ở vùng đất giàu truyền thống cách mạng

Đà Bắc là vùng đất giàu truyền thống cách mạng, với nhiều chiến công trong công cuộc đấu tranh bảo vệ Tổ quốc. Nhiều năm qua, đất và người Đà Bắc luôn nỗ lực vượt lên khó khăn, xây dựng quê hương ngày càng no ấm, hạnh phúc.

Xã Đồng Tâm thiết thực học tập và làm theo Bác

Sau 3 năm thực hiện Kết luận số 01-KL/TW, ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW về "đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” đã tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, hành động của cán bộ, đảng viên và nhân dân xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) trong học tập và làm theo Bác.

Đồng chí Đoàn Tiến Lập được bầu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Lương Sơn

Chiều 26/4, HĐND huyện Lương Sơn khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026 đã tổ chức kỳ họp thứ 17 - kỳ họp chuyên đề về công tác cán bộ, bầu Chủ tịch UBND huyện khóa XX, nhiệm kỳ 2021-2026.

Xây dựng Đảng bộ Công an huyện Đà Bắc vững mạnh toàn diện

Nhờ chú trọng đổi mới phương thức lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện, Đảng bộ Công an huyện Đà Bắc đã lãnh đạo đơn vị hoàn thành thắng lợi mọi nhiệm vụ chính trị đề ra. An ninh chính trị được giữ vững, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, tội phạm được kiềm chế là nền tảng vững chắc để xây dựng thế trận an ninh, trật tự từ cơ sở, phục vụ có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đảng bộ xã Tú Lý khẳng định vai trò lãnh đạo

Sau sáp nhập, xã Tú Lý có địa bàn rộng, dân số đông. Trong những nhiệm vụ trọng tâm của nhiệm kỳ 2020 - 2025, xã định hướng tiếp tục củng cố và nâng cao chất lượng cơ sở hạ tầng; thực hiện các mô hình sản xuất hiệu quả để nâng cao thu nhập cho người dân và giảm nghèo bền vững. Để đạt được điều này, Đảng bộ xã xác định vai trò lãnh đạo của cấp ủy và sự tiên phong, gương mẫu của đảng viên là hết sức quan trọng.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục