Nếu được hỏi chắc ít người nhận rằng mình thích mùa đông. Người ta thường hay gộp mùa đông vào cụm từ “bốn mùa tươi đẹp”... để rồi tiếp với cách nói “nhưng yêu nhất là mùa xuân, mùa thu hay mùa hạ”... Bỗng nhiên, đông trở thành mùa để so sánh, có mặt trong nghệ thuật đòn bẩy của người nói. Ai yêu được cái cảm giác lạnh buốt khi rời ra khỏi chiếc chăn ấm. Ai yêu được thân mình bề bộn áo đơn, áo kép và chắc ít người giám nhận rằng mình không thèm cái cảm giác được nằm im trong chăn, không phải bước chân ra khỏi nhà, lười biếng thu mình mỗi ngày đông... Kỳ thực đó là yêu hay là không yêu? Cái điều người ta khó gọi tên chính là điều người ta phải nghĩ nhiều. Nhẽ thường đó như là một sự ấp ủ thầm kín, chỉ một mình mình cảm nhận, ngâm ngợi, đôi khi còn giữ riêng để nâng niu, chưng cất thành một bí mật. Lúc còn nhỏ, chị em tôi có trò chơi kì lắm. Đến giờ kể lại thấy lũ chúng tôi ngày đó hình như nhà đứa nào cũng giống nhau. Bố mẹ đi làm, lũ trẻ cứ được nghỉ học là kéo nhau vạch cái vỏ chăn ra chui vào bên trong. Cái chăn thành một ngôi nhà lùng bùng nhưng cực kỳ ấm áp. Hai chị lớn ngồi hai góc căng nóc ngôi nhà vải, hai cậu em lăn lăn khúc khích cười. Có lúc cả bốn chị em chụm đầu thì thầm, chị lớn bịa chuyện ma, bốn đứa co rúm. “Ngôi nhà vải” cũng rúm lại, bí ẩn. Nhiều hôm, nghe tiếng bước chân của mẹ, mấy đứa bấm nhau im lặng, đứa lớn khum người ôm đứa nhỏ trong lòng. Mẹ vào buồng, mẹ gọi. Im lặng! Mẹ trở ra, hốt hoảng. Đứa lớn thì thầm: “Im, mẹ biết mẹ mắng đấy, rách chăn của mẹ.” Đứa bé chịu không nổi, ọ oẹ: “ nhưng.... em nóng”... Mẹ nghi ngờ, quay trở lại, khẽ chạm tay vào “ ngôi nhà vải”, đứa chị bị nhột, cười phá. Ngôi nhà vải lùng bùng rồi đổ ra bốn góc giường, căng kéo và rúc rích. Mẹ không giận nổi, tìm cửa chăn, vén ra, ngó vào cái tổ ấm áp của bầy con. Đôi môi tái vì lạnh nở nụ cười hạnh phúc.

 

Sáng thức dậy khi mùa đông gõ cửa. Nhìn qua vuông kính thấy trời hửng. Nắng rất nhẹ. Xao động không gian bởi tiếng gà gáy, tiếng con chim cu nhà ai gù như vọng về từ một cõi xa xăm, tiếng chó sủa mừng, tiếng mấy bà hàng xóm tụ tập đưa trẻ ăn rong dưới ngõ... Có cái gì thân quen lạ. Ngày thường bận rộn thấy mùa đông lạnh cóng khi sáng ra là vội vã choàng lên mình chiếc áo to xù, vội vã xỏ giày, dắt xe ra....Rồi chập choạng mới tất bật trở về, dắt xe vào, cởi giày, cất áo... Nay vùi mình trong chăn, trễ nải nằm nghe kỹ tiếng của mùa đông vọng lại lúc xa, lúc gần, lúc dồn dập dóng dả, lúc thưa thớt... bỗng thấy yêu mùa đông, thấy nhung nhớ, hoài niệm. Không biết có bao giờ, mẹ tôi tần ngần nhớ cảm giác vạch cửa chăn thấy lũ con thò đầu ra như một bầy chim non háo hức chờ mồi ngon của mẹ; có bao giờ chị em tôi bé lại như ngày xưa để lại có thể chui vào cái tổ ấm áp mà thì thầm, rúc rích... Nếu mùa đông không còn lạnh, cứ nồng nàn như mùa hạ, dịu dàng như mùa thu, thanh khiết và ngập tràn sức sống như mùa xuân... thì sao nhỉ? Chị em tôi sẽ cất kỷ niệm vào tấm chăn cũ mèm của mẹ và tiếng chim cu gù mỗi sáng mùa đông sẽ khuất lấp vào những vang âm của buổi sáng, đâu còn vời vợi xa xăm như sớm mai này. Giống như dòng đời chảy mãi, dòng thời gian cũng trôi... trôi... trôi theo bốn mùa. Mùa đông như một nốt trầm sâu lắng, chạm vào là vang ngân. Càng nhiều mùa đông trôi qua trong cuộc đời, người ta càng dễ dàng ý thức được sự lắng đọng mà nốt trầm mang lại cho cuộc đời mình để rồi trân quý cuộc đời, đặc biệt là trân quý những phút giây ấm áp bên người thân, trân quý những điều giản dị, khó đặt tên, khó giãi bày, cất sâu, cất kỹ... thành kỷ niệm. Trân quý cả những lúc buộc phải đối diện với cái lạnh tê buốt của mùa đông để biết quý chiếc áo dày, chiếc khăn ấm, chiếc ủng nặng nề, biết quý ngôi nhà dù tuềnh toàng, tấm chăn dù mỏng... Sao bảo không yêu mùa đông?

 

Đông nhé! Hãy cứ ở lại bên đời. Thì sao nếu bạn khắc nghiệt trong khi thu thì quá dịu dàng? Thì sao nếu người ta mong bạn đi qua để háo hức đón xuân? Thì sao nếu bạn được đem ra để so sánh? Người ta rồi sẽ gom hết dịu dàng, thanh khiết, nồng nàn của thu, của xuân của hạ, gói vào chiếc áo cũ sờn của bạn để chiêm nghiệm cho mà xem. Vì chỉ khi có bạn bản nhạc bốn  mùa mới đủ làm xao xuyến mỗi chúng tôi.

                                   Tản văn của Lê Thanh Hồng

 

Các tin khác


Mãn nhãn với màn pháo hoa mừng ngày thống nhất đất nước

Tối 30/4, hàng nghìn người dân đổ về trung tâm TP Hồ Chí Minh để vui chơi và xem màn bắn pháo hoa mừng 49 năm ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2024).

Đặc sắc chương trình nghệ thuật "Bản hùng ca vang mãi"

Tối 29/4, tại phố đi bộ Nguyễn Huệ (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh), Ban Tổ chức kỷ niệm các ngày lễ lớn Thành phố Hồ Chí Minh tổ chức chương trình nghệ thuật đặc biệt kỷ niệm 49 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và 138 năm Ngày Quốc tế Lao động với chủ đề "Bản hùng ca vang mãi”.

Rộn ràng lời ca mừng ngày chiến thắng

Những ngày tháng Tư lịch sử, cùng với cả nước, từ thành thị đến nông thôn trên địa bàn tỉnh rực rỡ cờ hoa, sôi nổi các hoạt động văn hóa, văn nghệ chào mừng các ngày lễ lớn của đất nước. Lời ca, tiếng hát vang vọng mừng ngày chiến thắng.

Tác giả Vân Anh của tỉnh Hòa Bình được trao huy chương vàng tại Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc

Chiều 27/4, tại thành phố Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên, Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh Việt Nam và Hội Văn học - Nghệ thuật tỉnh Điện Biên phối hợp tổ chức khai mạc Liên hoan Ảnh nghệ thuật khu vực miền núi phía Bắc lần thứ 23, năm 2024.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục