Liên minh Châu Á vì động vật (Asia For Animals Coalition - AFA) đã có thư gửi Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện - Bộ VHTT&DL kêu gọi cấm dùng động vật hoang dã trong hoạt động biểu diễn xiếc. Là đơn vị đang sử dụng nhiều loài vật hoang dã trong biểu diễn xiếc, Liên đoàn Xiếc Việt Nam nói gì?

Cách đây không lâu, Liên minh Châu Á vì động vật (Asia For Animals Coalition - AFA) đã có thư gửi Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện - Bộ VHTT&DL kêu gọi cấm dùng động vật hoang dã trong hoạt động biểu diễn xiếc.

Trong thư, tổ chức này viện dẫn báo cáo của Tổ chức Động vật châu Á công bố gần đây cho biết hiện có 19 loài động vật khác nhau đang được sử dụng để biểu diễn tại các rạp xiếc, trong đó có cả những loài được xếp vào mức độ nguy cấp. Theo những thông tin mà các điều tra viên thu thập được, có rất nhiều cá thể bị nuôi nhốt trái phép.

 

NSND Tạ Duy Ánh - Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam chia sẻ trong buổi gặp gỡ báo giới. Ảnh: Tùng Long.

Những con vật sống trong điều kiện vô cùng nghèo nàn, nơi ở tồi tàn, chế độ huấn luyện mang tính ngược đãi động vật, bị khống chế bằng sự sợ hãi và đe dọa để ép buộc chúng phải thực hiện các hành vi phi tự nhiên trong trạng thái căng thẳng tột độ. AFA bày tỏ mong muốn Bộ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện xem xét, phối hợp với AFA để chấm dứt hoàn toàn sự bóc lột động vật tại các cơ sở biểu diễn xiếc.

Liên quan đến vấn đề này, ông Tạ Duy Ánh - Giám đốc Liên đoàn xiếc Việt Nam chia sẻ, ngành xiếc Việt Nam khởi đầu từ năm 1922 bằng đoàn xiếc thú rất lớn gồm: sư tử, hổ, báo, lạc đà, ngựa vằn... của cố NSND Tạ Duy Hiển. Đến 1956, Đoàn Xiếc Việt Nam thành lập gồm cả xiếc người và xiếc thú trên cơ sở sát nhập đoàn xiếc của NSND Tạ Duy Hiển với Đoàn xiếc Nhân dân Trung ương.

"Tại sao đến bây giờ trên thế giới vẫn quy định sân khấu biểu diễn xiếc vẫn duy trì sân khấu vòng tròn 13m là vì xuất phát từ thể loại biểu diễn xiếc ngựa và xiếc thú. Hiện nay, trên thế giới đang chia làm hai luồng ý kiến xung quanh sự việc này. Luồng thứ nhất cho rằng, phải bảo vệ động vật hoang dã, trả chúng về đúng với thiên nhiên. Luồng thứ hai cho rằng, cần phải tạo môi trường để con người gần gũi với con thú.

Thậm chí, gần đây, trong các cuộc liên hoan xiếc quốc tế ở những nước có thế mạnh về xiếc như: Pháp, Nga, Italia, Tây Ban Nha, Trung Quốc... đều có phần thi về xiếc thú. Ở Việt Nam, cách đây gần 5 tháng, Hiệp hội Bảo vệ động vật Châu Á đã từng "tuýt còi” đoàn xiếc trong Đàm Sơn - TP.HCM, cấm không cho biểu diễn xiếc thú.

Hiệp hội Bảo vệ động vật Châu Á cũng từng tới Liên đoàn Xiếc Việt Nam để thảo luận về việc này. Hôm đó, chúng tôi có mời họ xuống tận nơi tham quan khu chăm nuôi thú của chúng tôi. Sau khi xem xét rất kỹ, khi quay lại phòng làm việc, họ bày tỏ rất hài lòng. Họ nói rằng: "Ở đây, các bạn có điều kiện cơ sở vật chất rất tốt. Chuồng, trại... thoáng mát, sạch sẽ, được đầu tư kỹ lưỡng”.

Thực tế, hiện chúng tôi có khoảng độ 20 công nhân làm nhiệm vụ chăm sóc các thú nuôi hàng ngày. Có một bộ phận thú y thực hiện việc tiêm chủng định kỳ. Có bộ phận hậu cần tuyển chọn thực phẩm và nấu ăn đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trên tinh thần không có roi vọt, đánh đập, ngược đãi... đối với động vật trong quá trình huấn luyện biểu diễn. Khi họ quay lại đây bàn về vấn đề sử dụng động vật biểu diễn xiếc, họ có bảo thêm rằng "Nếu điều kiện cơ sở vật chất như thế này chúng tôi cũng cảm thấy yên tâm. Không như một số cơ sở tư nhân có sử dụng động vật biểu diễn xiếc”.

Riêng Liên đoàn Xiếc Việt Nam, có những con voi biểu diễn xiếc lâu năm, khoảng 30 năm, khi không còn khả năng biểu diễn được nữa chúng tôi sẽ chuyển đổi để chúng được về với thiên nhiên. Khoảng 3 năm trở lại đây, chúng tôi đã đề ra chiến lược lâu dài là sẽ dần chuyển đổi các con thú hoang dã bằng các vật nuôi gần gũi với con người như: đà điểu, lợn, mèo, chó, gà, trâu... trong biểu diễn xiếc thú. Những loại động vật quý hiếm sẽ không sử dụng biểu diễn nữa chúng tôi sẽ đưa lên Công viên Thủ Lệ (Hà Nội) để đưa chúng về gần với môi trường thiên nhiên. Ở đây, hàng tháng, hàng quý... có Chi cục Kiểm lâm của Hà Nội xuống kiểm tra”, NSND Tạ Duy Ánh nói.

Theo Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam, cách đây khá lâu, Cộng hòa Dân chủ Đức có tặng cho Liên đoàn 4 con sư tử (3 đực, 1 cái). Khi xóa bỏ chế độ bao cấp, do không đủ điều kiện để nuôi, Liên đoàn cũng đã chuyển đổi 4 con sư tử lên Vườn thú Hà Nội. Các loài vật khác như: voi, ngựa, gấu... khi không khai thác biểu diễn nữa cũng sẽ chuyển đổi sang các khu sinh thái hoặc các trung tâm nuôi dưỡng động vật hoang dã để chúng được về gần với môi trường thiên nhiên nhất.

NSƯT Tống Toàn Thắng cũng cho biết thêm, hôm Hiệp hội Bảo vệ động vật Châu Á đến làm việc với Liên đoàn Xiếc Việt Nam, không khí diễn ra rất nhẹ nhàng. Bản thân họ cũng nhận thấy điều kiện cơ sở vật chất và việc chăm sóc của Liên đoàn đối với các động vật tốt chỉ sau vườn thú nên không đặt ra nhiều vấn đề.

 

Biểu diễn xiếc thú tại Rạp xiếc Trung ương. Ảnh: TL.

"Tuy nhiên, họ có đặt cho chúng tôi câu hỏi "Các đồng chí có biết con vật thích biểu diễn xiếc hay không?”. Nghĩa là người ta bảo vệ cái quyền rất cơ bản của động vật. Mặc dù đây là một điều rất mới ở Việt Nam nhưng điều đó rất hợp lý. Về xu thế, trong tương lai, chúng tôi sẽ thay thế các động vật hoang dã bằng các vật nuôi gần gũi với con người trong biểu diễn.

Chúng ta đã hội nhập rồi, chúng ta không thể tách rời ra khỏi xu thế chung đó của thế giới. Tôi nghĩ rằng, với mong muốn của Liên minh Châu Á vì động vật, chúng tôi không thể không thực hiện nhưng cũng cần có lộ trình. Tất nhiên, sân khấu biểu diễn xiếc không thể không có biểu diễn xiếc thú bởi mỗi con vật đều gắn liền với ký ức tuổi thơ lẫn việc giáo dục cho trẻ em”, NSƯT Tống Toàn Thắng bày tỏ thêm.

Theo NSƯT Tống Toàn Thắng, vì sự kiện này, mà sắp tới đây, trong chương trình "Thế giới hoạt hình trong khu rừng thần tiên” chào mừng Ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Liên đoàn Xiếc Việt Nam cũng sẽ cơ cấu thật hợp lý giữa biểu diễn xiếc thú với xiếc người. Theo đó, chương trình đặc biệt (gồm xiếc người, xiếc thú, hài và ảo thuật) dành cho các khán giả nhí sẽ diễn ra tại Rạp Xiếc Trung ương từ ngày 26/5 đến hết dịp hè.

Nội dung chương trình chia làm hai phần, kể về hai anh em chuối Hột và chuối Tiêu bị lạc vào một khu rừng thần tiên, gặp được Công chúa Tóc mây, tham gia "Vũ hội muôn loài” và hành trình đi giải cứu công chúa cùng anh em siêu nhân. Trong chương trình này, các khán giả nhí sẽ được gặp lại các nhân vật hoạt hình nổi tiếng: Công chúa Tóc mây, mèo máy Doremon, gấu Kungfu Panda, khỉ Haluman, phù thủy ác độc, năm anh em siêu nhân… Ngoài ra, còn có các tiết mục xiếc thú: voi, gấu, trăn, khỉ, chó, lợn, vẹt…


                                                                          Hà Tùng Long/Dân Trí

 


Các tin khác


Hà Nội - những ấn tượng đẹp đối với du khách quốc tế

Có người nói: "Khi đi giữa những con phố cổ, bất chợt cảm thấy Hà Nội như một cơ thể sống, có vui buồn, có lắng đọng, mang xúc cảm của một tâm hồn”.

Không gian sách về vị cha già của dân tộc giữa lòng Thủ đô Hà Nội

Hội chợ sách cũ Hà Nội tháng Năm sẽ kéo dài từ ngày 17-20/5 tại Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (số 2 Hoa Lư, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Sự khởi sắc của phim hoạt hình tại Liên hoan phim Cannes 2018

Tuy không lọt vào danh sách đề cử giải Cành cọ vàng của Liên hoan phim quốc tế Cannes 2018, song thể loại phim hoạt hình lại đang thu hút rất nhiều sự chú ý nơi thành phố duyên hải xinh đẹp miền Nam nước Pháp này.

Trên 80 học viên tham gia lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý cơ sở lưu trú và kỹ năng nghề du lịch

(HBĐT) - Ngày 14/5, Sở VH,TT&DL phối hợp với Hiệp hội Du lịch tỉnh tổ chức khai giảng lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý cơ sở lưu trú và kỹ năng nghề du lịch cho trên 80 học viên là cán bộ quản lý, nhân viên các đơn vị và chủ hộ hoạt động kinh doanh du lịch và dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh.

Khai mạc Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính toàn quốc

Tối 13/5, tại Quảng trường 26/3, thành phố Hà Giang, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Giang tổ chức khai mạc Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính toàn quốc lần thứ VI năm 2018 và công bố Quy hoạch khu du lịch Quốc gia Cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang.

Bế mạc liên hoan tiếng hát CNVCLĐ tỉnh năm 2018

(HBĐT) - Như tin đã đưa, trong 2 ngày 11và 12/5, tại Cung văn hóa tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh và Sở VHTT&DL tỉnh đã tổ chức Liên hoan tiếng hát công nhân viên chức lao động (CNVCLĐ) tỉnh năm 2018. Đến dự có đại diện lãnh đạo một số sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh, lãnh đạo LĐLĐ của 11 huyện, thành phố, các nhà tài trợ.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục