(HBĐT) - Nói đến nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Mông tại xã Pà Cò (Mai Châu) không thể không nhắc đến nghề thủ công truyền thống như nghề dệt thêu thổ cẩm, vẽ sáp ong, nghề rèn, làm giấy… Trong đó, có nhiều nghề truyền thống không chỉ phục vụ hoạt động đời sống sinh hoạt, sản xuất mà còn mang lại nguồn thu đáng kể cho bà cong vùng cao nơi đây.

Lưu giữ tinh hoa trên thổ cẩm

Theo phong tục của người Mông, nghề dệt vẽ thêu thổ cẩm được mẹ truyền cho con gái, từ đời nọ sang đời kia. Bằng đôi bàn tay khéo léo, họ đã dệt nên những sản phẩm độc đáo với những họa tiết, hoa văn tinh tế biểu đạt giá trị văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào dân tộc Mông.

Mỗi một tấm vải được dệt và hoàn thành là cả thế giới tâm hồn phong phú và bàn tay khéo léo chế biến sợi lanh, chắp vải, vẽ hoạ tiết sáp ong và nhuộm chàm của bà con dân tộc Mông. Bà Mùa Y Gánh, Trưởng làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống xã Pà Cò cho biết: Người phụ nữ Mông nào đến tuổi trưởng thành cũng phải biết se lanh thành sợi để dệt vải phục vụ cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày của mỗi gia đình. Để làm ra một tấm vải lanh phải trải qua rất nhiều công đoạn, từ việc bắt đầu trồng cho đến khi lanh được cắt từ rừng về phơi khô, giã cho mềm rồi mới nối. Tiếp đến, người ta mắc các sợi lanh vào khung và quay cho chúng cuốn lại thành từng cuộn. Sau đó, đem cuộn sợi này luộc vào nước tro trong để sợi lanh có màu trắng rồi để cho khô sợi. Khi sợi đã chuẩn bị xong, đồng bào dân tộc Mông sẽ dệt vải trên một khung cửi. Để miếng vải có được màu trắng tinh giúp chàm bám chắc hơn khi nhuộm, chị em giặt, phơi cẩn thận và mang đi lu cho mặt vải bóng mịn. Khi đã có tấm vải lanh trắng mịn, tùy theo mục đích sử dụng, người dân sẽ chuyển sang công đoạn vẽ sáp ong trên vải. Vẽ xong hoa văn thì bỏ vải vào nồi nước đun sôi, đảo đều tay sao cho lớp sáp bong hết, để lại những nét hoa văn đẹp trên nền vải. Khi vải đã đạt yêu cầu, người ta đem nhuộm chàm, thêu hoa văn, ghép vải thành những sản phẩm trang phục váy áo, khăn, túi... 

Theo bà Mùa Y Gánh, với người Mông, mỗi họa tiết, hoa văn được thêu trên trang phục đều có ý nghĩa riêng, biểu đạt cho giá trị văn hóa, tín ngưỡng của người dân như: thêu chữ lên y phục để giữ lại chữ viết; thêu họa tiết ốc sên lên áo, váy để cầu mong cuộc sống no ấm hơn; thêu hình xoắn ốc để thể hiện guồng quay cuộc sống; hoa văn quả trám với bốn hình xoắn ốc biểu tượng cho tình đoàn kết trong gia đình, cộng đồng; hoa văn dương xỉ và hàng rào đặt cạnh nhau thể hiện cách bố trí không gian sống của người Mông... Do đó, cây lanh và nghề dệt vẽ thêu thổ cẩm là phần không thể thiếu đối với người Mông. Dù định cư ở nơi đâu, phụ nữ luôn dành một mảnh đất để gieo hạt lanh để xe sợ và dệt vải may quần, áo, váy cho cả gia đình. 
 
Bà Mùa Y Gánh, xã Pà Cò (Mai Châu) khéo léo thêu những hoa văn thổ cẩm truyền thống. 

Nghề làm giấy giang 

Trong các nghề truyền thống của người Mông, không thể không nhắc đến đề làm giấy thủ công. Với người Mông, giấy thủ công được làm từ cây giang non không dùng để viết mà thường chỉ để dùng trong các hoạt động phục vụ tín ngưỡng vào mỗi dịp hội hè, lễ, Tết. Trong các nghi lễ, bà con thường dùng giấy cắt thành những hình vuông, hình tròn, đây được quan niệm là những thông điệp của người Mông gửi cho tổ tiên, thần linh để cầu mong những điều tốt lành, may mắn, mùa vụ tốt tươi, xua đi cái xấu… Người Mông quan niệm, nếu muốn những lời cầu khấn thành kính mau linh nghiệm, tốt nhất là dùng giấy truyền thống do chính tay mình làm. Với quan niệm đó, vào những tháng cuối năm, người dân ở xã Hang Kia – Pà Cò lại vào rừng lấy giang về để làm giấy chuẩn bị cho những lễ hội, thờ cúng tổ tiên, thần linh, trang trí hay dùng cho những việc đầu xuân, năm mới. Ngày nay, không phải gia đình người Mông nào cũng làm giấy, nhưng trong tất cả các xóm, bản đều vẫn duy trì nghề này vì sản phẩm giấy thủ công truyền thống đã đi vào tâm linh của họ, là sự gắn kết giữa người sống với tổ tiên và nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn.
Chị Tếnh Thị Súa, xóm Pà Cò Lớn, xã Pà Cò cho biết: Mùa làm giấy giang bắt đầu từ tháng 10 đến tháng 12 dương lịch. Bà con vào rừng chọn những cây giang non, chặt thành khúc, bỏ mắt, gùi về nhà tước bỏ lớp vỏ xanh bên ngoài, chẻ thành từng thanh nhỏ. Thanh giang được bỏ vào nồi nấu cùng với tro bếp và vôi bột khoảng một ngày một đêm. Sau đó sẽ được vớt ra sửa sạch và cho vào tải ủ tưới nước thường xuyên. Ủ khoảng một tuần trở lên mới mang ra đập nát cho tới khi rợi giang trở nên nhỏ, mịn đều. Sợi giang được hòa vào nước sạch, khuấy đều, lọc bỏ hết phần bã, là lúc người Mông có thể bắt tay vào làm giấy. Tráng giấy là khâu khá khó, đòi hỏi người làm phải có kinh nghiệm tráng đều trên khung màn đóng sẵn. Khung giấy làm bằng tre được căng vải màn xô, có kích cỡ tùy thuộc vào ý định của gia chủ, thường là 1,5m x 2m. Người Mông đặt ngang chiếc khung vải, dùng muôi múc bột giấy dàn đều trên mặt vải, rồi cầm khung lắc đi lắc lại cho thật đều. Khi bột giấy đã dàn đều thì dựng khung nghiêng để phơi giấy cho đến khi giấy khô thì gỡ mép giấy trước, sau đó lột cả tờ giấy lên. Giấy làm bằng giang có độ mịn cao, màu hơi vàng tươi đẹp mắt. Công việc này đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo, thông thường do phụ nữ Mông làm. Gặp trời nắng, sau 4 tiếng, bột giấy sẽ khô, chỉ cần nhẹ nhàng bóc ra, người Mông đã thu được những tờ giấy bản truyền thống có kích thước tùy thích và gấp lại để sử dụng vào việc trọng đại của gia đình

Độc đáo nghề rèn truyền thống

Nếu như nghề làm giấy giang đòi hỏi sử tỉ mỉ, khéo léo của người phụ nữ Mông thì nghề rèn truyền thống của người Mông lại đòi hỏi sự tài hoa, khéo léo, thể hiện sự sáng tạo của người thợ rèn cho ra lò những sản phẩm tinh xảo vừa có giá trị làm vật dụng vừa thể hiện bản sắc văn hóa truyền thống độc đáo riêng của dân tộc Mông.

Anh Sùng A Màng, Chủ tịch UBND xã Pà Cò cho biết: Nghề rèn của đồng bào dân tộc Mông có từ lâu đời. Do tập quán người Mông thích ở trên núi cao, đường đi lại khó khăn nên họ thỉnh thoảng mới xuống chợ, những dụng cụ lao động đều do họ tự làm, tự rèn để tiết kiệm chi phí, phục vụ cho cuộc sống hàng ngày. Trước kia, hầu như gia đình người Mông nào cũng có một lò rèn riêng để làm ra những nông cụ và đồ dùng sinh hoạt trong gia đình. Hiện nay, nghề rèn thủ công truyền thống của đồng bào Mông đã dần bị mai một, trên địa bàn xã chỉ còn lại rất ít gia đình còn theo nghề rèn truyền thống, nhưng các sản phẩm rèn của người Mông vẫn nổi tiếng bởi độ bền, độ tinh xảo với bí quyết riêng. 


Du khách nước ngoài trải nghiệm vẽ sáp ong tại xã Pà Cò (Mai Châu).

Gia đình ông Mùa A Sang, xóm Pà Háng Lớn, xã Pà Cò là một trong số ít các gia đình người Mông hiện còn giữ lại được nghề rèn truyền thống. Bên lò rèn đang đỏ lửa, ông Sang chia sẻ: Các sản phẩm trong nghề rèn truyền thống của dân tộc Mông rất phong phú, thường là những công cụ được sử dụng nhiều trong sinh hoạt, lao động - sản xuất hàng ngày như: dao, rìu, liềm, thuổng, cuốc, xẻng... Chúng được làm từ thép nên sản phẩm rất bền, sử dụng đến mòn vẹt mà vẫn còn rất sắc bén. Để có sản phẩm rèn tốt phụ thuộc vào kinh nghiệm và chọn được loại thép phù hợp cho từng sản phẩm của từng người thợ. Vật liệu được chọn lọc từ những nhíp ô tô đã qua sử dụng chứ không lấy các loại sắt vụn thông thường. Ngoài việc chọn loại thép tốt, phù hợp cho từng sản phẩm, còn đòi hỏi kinh nghiệm tôi thép trong khi làm. Người thợ phải biết cách xem loại sắt để chọn cách tôi, nếu tôi thép chưa đủ độ nóng thì thép non, không dùng lâu được, mà tôi quá lửa lại hay bị gẫy, do vậy phải tôi thép làm sao để thép có đủ độ rắn và độ lạnh thì dao mới sắc và bền. 

Cầm con dao mới được rèn thô trên tay cho chúng tôi xem, anh Sùng A Chía, xóm Cang, xã Pà Cò cho biết: Người Mông không dùng than đá mà dùng than củi của những loại cây khó cháy, cháy lâu để đốt lò. Trong khi rèn, nhiệt độ lò rèn cũng rất quan trọng, nhiệt nóng đều sẽ cho ra sản phẩm tốt. Các sản phẩm được tạo ra hoàn toàn bằng thủ công, từ khâu cắt sắt, tạo hình, quai búa, làm tay cầm, mài cho sắc… tất cả vẫn làm bằng tay, không có sự can thiệp của máy móc. Nhưng cũng chính vì vậy, đồ rèn của người Mông làm ra vẫn có độ tinh xảo, sắc bén, dùng bền lâu hơn và các sản phẩm làm ra được coi như một công cụ quý vì nó đạt tới độ bền cao lại rất sắc.

Theo Chủ tịch UBND xã Pà Cò Sùng A Màng : Với đồng bào dân tộc Mông, sự tồn tại của các nghề truyền thống không chỉ góp phần thiết thực vào đời sống lao động sản xuất, mà còn góp phần duy trì nét văn hóa độc đáo truyền thống của dân tộc mình. Do đó, thời gian qua, xã Pà Cò đã ban hành nghị quyết bảo tồn và phát triển các nghề thủ công truyền thống của người Mông. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến việc hình thành và xây dựng các làng nghề tại địa phương không chỉ phục vụ nhu cầu sinh hoạt của cộng đồng mà còn đáp ứng nhu cầu thăm quan, tìm hiểu của khách du lịch. Từng bước góp phần làm nên diện mạo mới cho xóm, tạo điều kiện thuận lợi cho việc khai thác các tiềm năng sẵn có phát triển kinh tế thông qua hoạt động du lịch của địa phương.

Đỗ Hà

Các tin khác


119 cán bộ, công chức, viên chức được bồi dưỡng tiếng dân tộc Mường

Trường Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình vừa tổ chức bế giảng lớp bồi dưỡng và cấp chứng chỉ tiếng dân tộc Mường cho cán bộ, công chức, viên chức khóa I, II năm 2023.

Huyện Kim Bôi đẩy mạnh phong trào xây dựng đời sống văn hoá

Hưởng ứng phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, những năm qua, các cấp, các ngành, xã, thị trấn trên địa bàn huyện Kim Bôi đã cụ thể hóa bằng các hoạt động thiết thực, hiệu quả, góp phần xây dựng tinh thần đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững, xây dựng nếp sống văn minh, môi trường văn hóa lành mạnh, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.

Tết Nhảy - nghi lễ truyền thống của người Dao

Đồng bào dân tộc Dao trong tỉnh gìn giữ được nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc mình, nhất là trong nghi lễ, tín ngưỡng. Trong đó, Tết Nhảy là nghi lễ quan trọng bậc nhất có từ lâu đời, phản ánh sinh động đời sống tín ngưỡng của người Dao.

Lưu giữ giá trị nền “Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng thế giới

Hoà Bình là vùng đất cổ, với các dải núi đá vôi chạy dọc theo hướng Đông Nam, song song với dải Trường Sơn ở phía Tây đã tạo ra nhiều bồn địa, thung lũng với hệ động, thực vật phong phú. Ngay từ thời tiền sử, con người đã sớm sinh tụ trên mảnh đất này, để lại một nền văn hóa nổi tiếng thế giới - "Văn hóa Hòa Bình" (VHHB).

Du Xuân trẩy hội Bồng Lai

Tọa lạc tại chân núi Đầu Rồng thuộc khu 3, thị trấn Cao Phong (Cao Phong), đền Bồng Lai (còn gọi là Đền Thượng Bồng Lai) nằm trong quần thể di tích quốc gia danh lam thắng cảnh hang động núi Đầu Rồng. Cùng với đền Đông Sơn nằm gần kề, ngôi đền đón người dân và du khách nô nức đến dâng hương, vãn cảnh dịp đầu năm.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục