Tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan - nơi ghi dấu chiến công anh hùng
Thứ ba, 29/8/2023 | 9:23:40 Sáng
(HBĐT) - Tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan tại xã Bình Thanh (Cao Phong) là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ, đây cũng là điểm di tích lịch sử nằm trong chuỗi tham quan hồ Hòa Bình đi theo đường Bình Thanh - Thung Nai.
Đoàn viên, thanh niên xã Bình Thanh (Cao Phong) dọn dẹp, tạo cảnh quan sạch đẹp tại di tích Tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan.
Anh hùng liệt sỹ Cù Chính Lan (tên thật là Cù Văn Mấu), sinh năm 1930 trong một gia đình nông dân nghèo tại làng Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Năm 1946, quân Pháp trở lại xâm lược nước ta, anh Cù Chính Lan khi đó mới 16 tuổi đã xin gia nhập Vệ quốc đoàn, tình nguyện lên đường đánh giặc. Tháng 11/1951, thực dân Pháp mở rộng cuộc tấn công ra vùng tự do của ta ở Hòa Bình với âm mưu nối lại "hành lang Đông - Tây” nhằm cắt đứt liên lạc của ta giữa Việt Bắc và Khu 3, Khu 4 để giành lại quyền chủ động trên chiến trường chính. Ở Hòa Bình, chúng thực hiện âm mưu thành lập "Xứ Mường tự trị” để phá hoại khối đoàn kết dân tộc. Trước tình hình đó, T.Ư Đảng chỉ thị đánh địch trên cả hai mặt trận là Hòa Bình và vùng đồng bằng Bắc Bộ. Ngày 24/11/1951, Tổng Quân ủy quyết định mở chiến dịch Hòa Bình.
Trong trận đánh ngày 13/12/1951, khi quân Pháp lọt vào trận địa, cả đơn vị đã nổ súng quyết liệt, diệt gọn 1 đại đội địch, lúc chuẩn bị rút thì xe tăng địch tới tiếp viện bắn dữ dội vào đội hình của ta, chặn đường rút và làm nhiều chiến sỹ thương vong. Anh Cù Chính Lan đã nhanh chóng nhảy lên xe tăng, kề tiểu liên vào khe hở trên tháp xe bóp cò, nhưng không may tiểu liên bị hóc, chiếc xe tăng vẫn vừa chạy vừa bắn. Anh hô đồng đội tập trung lựu đạn đến cho mình rồi tiếp tục nhảy lên xe, giật nắp quăng lựu đạn vào trong xe, giặc nhặt lựu đạn ném trả lại và lái xe tăng chuyển hướng.
Thời cơ diệt xe tăng địch ngay trước mắt, anh Cù Chính Lan táo bạo mở chốt lựu đạn, chờ cho khói thuốc xì ra vài giây rồi mới ném vào buồng lái. Lựu đạn nổ, những tên giặc trong xe chết đè lên nhau. Chiếc xe tăng mang nhãn hiệu "B2885498 USA”, dừng ngay tại chỗ, trận đánh kết thúc thắng lợi. Chiến thắng oanh liệt tại dốc Giang Mỗ với tinh thần anh dũng của Anh hùng Cù Chính Lan và các chiến sỹ Tiểu đoàn 353, Trung đoàn 66 diệt xe tăng của bọn xâm lược Pháp do đế quốc Mỹ trang bị đã mở đầu phong trào đánh xe tăng chiến đấu hiện đại của địch bằng vũ khí thông thường.
Ngày 29/12/1951, khi tham gia trận đánh ác liệt trên đường 6 đoạn Lương Sơn - Hòa Bình. Mặc dù bị thương rất nặng nhưng anh Cù Chính Lan vẫn không rời trận địa, chỉ huy tiểu đội liên tiếp phá mở những lớp hàng rào dây thép gai vào lô cốt địch, dọn đường cho đồng đội lên tiêu diệt quân thù. Khi đồn Cô Tô của địch bị quân ta tiêu diệt hoàn toàn cũng là lúc anh trút hơi thở cuối cùng. Anh hy sinh khi vừa 21 tuổi. Ngày 19/5/1952, tại Đại hội Chiến sỹ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, liệt sỹ Cù Chính Lan là 1 trong 7 người đầu tiên trên toàn quốc được Chủ tịch nước truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân .
Để ghi nhớ chiến công của Anh hùng Cù Chính Lan, năm 1993, Bộ Văn hóa - Thông tin ra quyết định công nhận địa điểm ghi dấu chiến công diệt xe tăng Pháp của Cù Chính Lan là di tích lịch sử cách mạng cấp quốc gia. Năm 1994 khởi công xây dựng khu di tích, dựng Tượng đài Anh hùng diệt xe tăng. Công trình được xây dựng trên tổng diện tích 3.638 m2, trong đó tượng và bệ tượng được chế tác từ nguồn nguyên liệu đá xanh nguyên khối Thanh Hóa.
Cùng đoàn viên, thanh niên trong xã đến dọn dẹp, dâng hương tại Tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan, đồng chí Lê Ánh Hồng, Bí thư Đoàn xã Bình Thanh cho biết: Tượng đài được xây dựng khẳng định thêm niềm tự hào của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân các dân tộc trong tỉnh và là nơi giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ, phấn đấu, rèn luyện trở thành người chủ xây dựng quê hương, đất nước. Hàng năm, xã phối hợp các nhà trường tổ chức cho học sinh ra điểm di tích dọn dẹp, nghe ôn lại truyền thống lịch sử cách mạng. Ngoài ra, vào mỗi đợt tuyển quân, trước khi các tân binh lên đường làm nghĩa vụ quân sự đều đến dâng hương, ôn lại truyền thống, giúp các em có ý chí, cố gắng trong rèn luyện, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Di tích Tượng đài Anh hùng Cù Chính Lan còn nằm trong chuỗi tham quan du lịch hồ Hoà Bình với các điểm du tịch tại địa phương, là điểm hấp dẫn, thu hút khách du lịch trong và ngoài tỉnh khi đến Hoà Bình.
(HBĐT) - Nằm dưới chân núi Khụ Khênh, đình Khênh, xã Văn Sơn (Lạc Sơn) có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời. Truyền thuyết kể rằng, xưa kia, khi giặc Ngô đến xâm lược xứ Mường, ông Chưởng Tín, bà Triệu Ân đã lấy núi Khụ Khênh làm căn cứ chiêu binh, huấn luyện quân sỹ, đem quân đi đánh tan giặc Ngô, giết chết tướng giặc. Hai vị chặt đầu tướng giặc đem về Khụ Khênh tế trời, đất. Về sau, các vị hoá ở Khụ Khênh. Người dân Mường tưởng nhớ công ơn các vị nên đã lập đình để khói hương thờ phụng. Ngôi đình còn thờ các vị thần thánh là người có công mở đất, khai phá ruộng nước lập nên Mường Khênh.
(HBĐT) - Ngày 25/8 (tức 10/7 âm lịch), tại khu văn hóa tâm linh – Chùa Phật Quang Hòa Bình, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Hòa Bình tổ chức Đại lễ Vu Lan báo hiếu (PL 2567 – DL 2023).
Hà Nội đang trong tiết trời mùa thu - mùa được coi đẹp nhất trong năm với khí hậu dịu mát, cảnh sắc yên bình, lãng mạn. Sức cuốn hút của mùa thu Hà Nội khiến không chỉ người dân Thủ đô mà cả du khách gần xa thích thú. Gần đây, ngành du lịch Hà Nội đang từng bước khai thác vẻ đẹp mùa thu, xây dựng thành sản phẩm du lịch hấp dẫn.
Tối 24/8, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Ban Thông tin truyền thông Trung ương - Giáo hội Phật giáo Việt Nam phối hợp với Công ty cổ phần Phát triển truyền thông văn hóa Việt Nam tổ chức Chương trình giao lưu nghệ thuật "Vu Lan - Đạo hiếu và Dân tộc” năm 2023.