Những năm qua, công tác gìn giữ, phát huy bản sắc văn hoá các dân tộc trên địa bàn được huyện Kim Bôi xác định là nhiệm vụ thường xuyên, góp phần tuyên truyền, phổ biến và triển khai thực hiện hiệu quả chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Nghệ nhân Bùi Tiến Xô truyền dạy đánh chiêng Mường cho thành viên Câu lạc bộ chiêng Mường xóm Thao Cả, xã Vĩnh Tiến (Kim Bôi).
Huyện uỷ đã lãnh đạo, chỉ đạo các cấp, ngành tuyên truyền, quán triệt các chủ trương, chính sách về công tác bảo tồn và phát huy di sản văn hoá (DSVH). Tăng cường truyền thông, quảng bá để các tầng lớp Nhân dân hiểu biết về đường lối, chủ trương, chính sách dân tộc, tầm quan trọng và vị trí của việc bảo tồn, phát huy giá trị DSVH các dân tộc. Chú trọng khôi phục, gìn giữ và thúc đẩy sinh hoạt văn hoá cộng đồng, trò chơi dân gian. Quan tâm phát hiện, tôn vinh, đãi ngộ đối với các nghệ nhân, gia đình, cộng đồng có thành tích tiêu biểu trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị DSVH các dân tộc.
Hàng năm, Phòng Văn hóa và thông tin huyện đã tham mưu cho huyện tổ chức các chương trình biểu diễn, hội thi, hội diễn, liên hoan nghệ thuật quần chúng, tạo không gian văn hóa để lưu giữ và phát triển văn hóa dân tộc. Công tác phục dựng, bảo tồn các lễ hội truyền thống luôn được quan tâm như: lễ hội Mường Động, xã Vĩnh Đồng; lễ hội đình Lập, xóm Lập, xã Kim Lập; lễ hội chùa Sim, xóm Sim Ngoài, xã Hợp Tiến...
Đồng chí Nguyễn Thanh Hà, Trưởng phòng Văn hóa và thông tin huyện Kim Bôi cho biết: Để những giá trị văn hóa dân tộc Mường trường tồn với thời gian, huyện đã có giải pháp thiết thực. Trong năm 2023, phòng đã mở lớp tập huấn cho 50 đại biểu là cán bộ văn hóa, nghệ nhân mo Mường trên địa bàn; tổ chức ra mắt Câu lạc bộ (CLB) bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị DSVH mo Mường với 33 thành viên tham gia; phát huy vai trò người có uy tín trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của thế hệ trẻ đối với việc gìn giữ và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc Mường; tổ chức các chương trình liên hoan, hội thi, trò diễn dân gian...
Trong hoạt động bảo tồn DSVH phi vật thể, huyện đẩy mạnh kiểm kê, ghi danh, truyền dạy và phát huy DSVH, tôn vinh các nghệ nhân. Đến nay, toàn huyện có 9 nghệ nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu nghệ nhân, trong đó có 7 nghệ nhân về mo Mường, 1 nghệ nhân về dân ca Mường và 1 nghệ nhân về chiêng Mường. Các nghệ nhân luôn có ý thức lưu giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị DSVH dân tộc.
Bà Bạch Thị Đào, Nghệ nhân Ưu tú về dân ca Mường ở xóm Bèo, xã Xuân Thủy chia sẻ: Từ bé được nghe bố mẹ hát ru những bài dân ca Mường nên tôi rất đam mê, niềm đam mê ấy đã ngấm vào máu thịt nên khi lớn lên đi học, hay trong các buổi sinh hoạt phụ nữ tôi đều hát dân ca Mường. Để gìn giữ các làn điệu dân ca Mường, năm 2017 tôi đã thành lập được câu lạc bộ dân ca và đánh chiêng Mường. Ngoài ra tôi còn truyền dạy hát dân ca Mường cho các em thiếu niên, nhi đồng trên địa bàn xã.
Theo thống kê, toàn huyện Kim Bôi có khoảng 45 thầy mo chính đang hành nghề. Các thầy mo nắm giữ nhiều kiến thức, kinh nghiệm và giá trị nhân văn của mo Mường. Đồng thời luôn có ý thức lưu giữ, bảo tồn, phát huy các giá trị DSVH mo Mường, thường xuyên trao đổi thông tin, giới thiệu, truyền dạy các bài mo, dòng mo, thực hiện các nghi lễ của mo Mường trong nghi lễ mo ma theo quy ước của khu dân cư, không trái với quy định của pháp luật.
Thời gian tới, huyện Kim Bôi tiếp tục tuyên truyền, phổ biến sâu rộng công tác gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Đẩy mạnh tuyên truyền về việc gìn giữ, phát huy giá trị bản sắc văn hóa đến cán bộ, công chức, viên chức, lao động, học sinh và các tầng lớp nhân dân, từ đó nâng cao ý thức sưu tầm, gìn giữ và phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc. Khuyến khích các xã, thị trấn thành lập các câu lạc bộ, đánh giá, tôn vinh những người trực tiếp gìn giữ kho tàng văn hoá dân tộc.
BùiThoa (Trung tâm VH-TT&TT huyện Kim Bôi)
Với đa dạng loại hình, bên cạnh sự phát triển mạnh mẽ của nghệ thuật biểu diễn đương đại, nghệ thuật biểu diễn truyền thống tại Hà Nội và không ít địa phương trong cả nước có nhiều tiềm năng và dư địa để khai thác, xây dựng các sản phẩm, dịch vụ đặc sắc, có thể tạo nên sự bứt phá trong sân chơi công nghiệp văn hóa.
Ngày 9/12, sự kiện Ngày Phở Việt Nam tại Nam Phi được tổ chức tại khu chợ ẩm thực Hazel Food Market nổi tiếng của thủ đô Pretoria, Nam Phi. Đây là lần đầu tiên Ngày Phở Việt Nam được tổ chức tại "đất nước Cầu Vồng", là một trong những sáng kiến của Đại sứ quán Việt Nam tại Nam Phi, phối hợp cùng các cơ quan đại diện Việt Nam tại Nam Phi, nhằm lan tỏa tinh hoa ẩm thực Việt tới bạn bè bản địa và quốc tế.
Trong di sản văn hóa các dân tộc Việt Nam, di sản văn hoá Mường có dấu ấn đậm nét ở nhiều lĩnh vực. Để giới thiệu và tôn vinh những giá trị văn hoá Mường, mới đây, Bảo tàng tỉnh tổ chức trưng bày hiện vật với chủ đề "Nghe lời gốm kể”. Qua đó giới thiệu tới công chúng về phong tục, tập quán của người Mường cổ.
Sinh ra và trưởng thành ở xóm Liêu, xã Ngọc Lương, huyện Yên Thuỷ - làng quê giàu truyền thống văn hóa, ngay từ khi còn nhỏ ông Quách Công Sơn được đắm chìm trong những làn điệu hát chèo. Chính vì thế, dù cuộc sống còn khó khăn, vất vả, nhưng ông Sơn nhận thức được cần phải gìn giữ giá trị văn hóa độc đáo của quê hương. Niềm say mê những làn điệu dân gian cứ lớn dần trong tâm hồn ông.
Ngày 7/12 (tức ngày 25/10 âm lịch), UBND xã Lạc Thịnh (Yên Thủy) tổ chức khai mạc Lễ hội cơm Đe năm 2023.