Khi những cánh hoa đào, hoa mận khoe sắc rực rỡ trên triền đồi cũng là lúc đồng bào Mường nơi vùng quê cách mạng Thạch Yên - Cao Phong chuẩn bị vui Xuân, đón Tết. Đã thành lệ, dù đi xa về gần, đúng ngày 28/12 âm lịch, người dân tập trung đông đủ cùng người thân chuẩn bị làm lễ "tát giếng" trên đỉnh Vó Vua. Theo những người già trong làng chia sẻ, chỉ khi làm xong lễ "tát giếng", nhà nhà mới bắt đầu mổ lợn, đồ xôi, gói bánh ăn Tết, bởi khi tiết trời đầu xuân, người dân làm lễ xin nước, lấy nước mới, nước mát về gia đình mong cho cuộc sống quanh năm được an lành, hạnh phúc, may mắn...


Người dân làm lễ xin nước tại đồi Vó Vua, xã Thạch Yên (Cao Phong). 

Vó Vua (tức giếng Vua) nằm trong khu rừng nguyên sinh xóm Khánh, xã Thạch Yên, ở độ cao hơn 1.000m so với mực nước biển. Theo những già làng kể lại, không biết Vó Vua được hình thành từ khi nào, nhưng giếng có nước quanh năm với dòng nước mát về mùa hè và ấm về mùa đông. Cuối năm, người dân làm lễ tát giếng, đầu năm làm lễ xin nước trên đồi Vó Vua để mong một năm mới may mắn. Tục lệ này bắt nguồn từ huyền tích về 2 mẹ con vợ Thánh Tản Viên là "Mệ Dạ Hoàng Pà (tức vợ thứ 2 của Thánh Tản Viên)

Tương truyền, 2 mẹ con được Thánh Tản cử giả danh người dân nghèo khổ để đi chu du thiên hạ, mục đích khảo sát dân tình, thử lòng người dân từng vùng và giúp đỡ những người nghèo khổ. Sau khi rời khỏi đất Thiên Quan Lạc Khổ, bà dẫn người con đi, đi mãi và đến Mường Đai (nay là xã Thạch Yên). Hai mẹ con tìm đến nhà Ậu Lộc (thầy cúng) đang cúng lễ Tền tháng 7, vì nghèo nên lễ Tền chỉ có: Cơm gạo tưới (cơm tẻ đồ), bánh uôi, rau đu đủ, rau tẻ teng, khoai, quả cà… Ậu Lộc cúng xong, thấy 2 mẹ con đang đói, ông thương tình lấy hết cơm tưới để trong chõ và tất cả rau thập cẩm cho ăn. Khi bà và con đã ăn no, để tỏ lòng biết ơn, bà kể về thân thế của mình cho Ậu Lộc nghe và dặn thêm: Để tỏ lòng biết ơn người Mường Đai có lòng tốt đối với mẹ con bà, sau này ở trên nhìn xuống cho mưa thuận, gió hòa và phù hộ cho người dân Mường Đai.

Dặn dò Ậu Lộc xong, 2 mẹ con chào gia chủ và tiếp tục đi đến chân đồi Thai Bái (Vó Vua ngày nay). Đến đó, con khát nước, bà nghĩ giữa nơi rừng thiêng nước độc này lấy đâu ra nước cho con uống, tìm mãi không có một nguồn nước nào. Bà lấy gươm cắm xuống đất và nói một câu: "Nếu còn xứng là Thiên tử thì hãy cho con một con đường sống”, nói xong bà rút gươm và một cột nước từ trong lòng đất mọc lên. Thái tử uống nước và nghỉ ngơi một lát. Sau đó hai mẹ con đi tiếp, khi bước qua một hòn đá vết chân của Thái tử in lại trên đó. Đến nay, khu đất này không có loại cây cỏ gì mọc lên được. Ý định 2 mẹ con sẽ đóng đô ở trên đỉnh đồi Thai Bái. Nhưng nhìn ngang ra còn thấy núi Tản nên bà thay đổi ý định và tiếp tục đi đến Đầm Đa, Lạc Thủy và quyết định đóng đô ở đó.

Từ đấy về sau, người dân Mường Đai đặt tên mó nước là Vó Vua (giếng Vua), khu đất quanh đấy là đồi Vó Vua. Để tưởng nhớ mẹ con bà, hàng năm, người dân xóm Đai làm lễ cúng (xôi, gà) và tát giếng vào ngày 28/12 âm lịch. Khi tiết trời đầu xuân, người dân đến lấy nước mới, nước mát về gia đình mong cho cuộc sống quanh năm được may mắn. 

Đồng chí Bùi Đức Chung, Chủ tịch UBND xã Thạch Yên cho biết: Vó Vua và bãi đất đen còn lưu lại nơi đây gắn với lời ca, điệu nhạc và tiếng chiêng của ngày hội xuống đồng trên đất Mường Thàng. Quanh Vó Vua là khu rừng ở độ cao trên dưới 1.000m với cảnh quan thiên nhiên hoang sơ, xanh mát, những thảm cỏ, hoa mua, hoa sim trải dọc triền đồi. Trên đỉnh đồi Vó Vua không khí mát lành, có thể phóng tầm mắt ngắm cảnh đẹp của các vùng xung quanh. Vì vậy, xã đang đề nghị huyện quy hoạch xây dựng tuyến du lịch tâm linh chùa Khánh - đồi Vó Vua và trải nghiệm ruộng bậc thang Yên Thượng gắn với tuyến du lịch bản Giang Mỗ (Bình Thanh) - đền Bờ (Thung Nai) - núi Đầu Rồng, đền Bồng Lai (thị trấn Cao Phong). UBND xã đã vận động nhân dân với bề dày lịch sử, văn hóa, truyền thống cách mạng nỗ lực phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, xây dựng Thạch Yên trở thành xã nông thôn mới, tạo tiền đề khơi dậy tiềm năng về du lịch gắn với phát triển bền vững. 


Đinh Hòa

Các tin khác


Bộ CHQS tỉnh tiếp nhận 870 dàn pháo hoa để bắn trong đêm giao thừa đón Xuân Ất Tỵ

Ngày 22/1, Bộ CHQS tỉnh đã tiếp nhận 870 dàn pháo hoa từ Nhà máy Z121, Tổng Cục Công nghiệp, Bộ Quốc phòng để phục vụ bắn pháo hoa chào mừng năm mới, Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 tại các địa phương trong toàn tỉnh.

Thực phẩm handmade được ưa chuộng dịp Tết

Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025 đã cận kề. Đây cũng là thời điểm nhu cầu về tiêu dùng thực phẩm tăng cao gấp nhiều lần so với ngày thường. Những năm gần đây, bên cạnh nhiều sản phẩm công nghiệp thì thực phẩm tự làm (handmade) ngày càng trở nên phổ biến trong cuộc sống hiện đại, nhất là vào dịp Tết Nguyên đán. Với sự tiện lợi, giá thành hợp lý, sản phẩm phong phú, có thể điều chỉnh theo khẩu vị…, bởi vậy thực phẩm handmade ngày càng thu hút người tiêu dùng.

Khai mạc Hội Báo Xuân Ất Tỵ - Hòa Bình 2025 vào 17h, ngày 22/1

Đúng 17h ngày 22/1 (tức ngày 23 tháng Chạp), Hội Báo Xuân Ất Tỵ - Hòa Bình 2025 sẽ khai mạc tại Quảng trường Hòa Bình (thành phố Hòa Bình).

Triển lãm ''Đảng Cộng sản Việt Nam - 95 năm đồng hành cùng dân tộc''

Ngày 21/1, triển lãm "Đảng Cộng sản Việt Nam - 95 năm đồng hành cùng dân tộc” đã khai mạc tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.

Công khai danh sách cá nhân đề nghị xét tặng danh hiệu “Nghệ nhân nhân dân”, “Nghệ nhân ưu tú” lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Hòa Bình lần thứ Tư để lấy ý kiến

Căn cứ Nghị định số 93/2023/NĐ-CP, ngày 25/12/2023 của Chính phủ quy định về xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân”, "Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể; các văn bản liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Quyết định số 1690/QĐ-BVHTTDL, ngày 24/6/2024 ban hành Kế hoạch xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân”, "Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Tư; Công văn số 2806/BVHTTDL-TCCB, ngày 4/7/2024 về việc hướng dẫn xét tặng danh hiệu "Nghệ nhân nhân dân”, "Nghệ nhân ưu tú” trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể lần thứ Tư.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục