Những năm gần đây, cùng với định hướng phát triển kinh tế du lịch, nghề dệt thổ cẩm truyền thống dân tộc Mông ở xã Pà Cò (Mai Châu) từng bước được bảo tồn và phát huy, trở thành nét văn hóa bản địa đặc sắc, góp phần cải thiện đời sống đồng bào dân tộc thiểu số.


Những tấm vải thổ cẩm đa sắc màu, họa tiết hoa văn tinh tế được dệt nên từ những đôi bàn tay khéo léo của phụ nữ xóm Pà Cò 1, xã Pà Cò (Mai Châu). 

Chị Mùa Y Gánh, nghệ nhân dệt thổ cẩm xã Pà Cò cho biết: Nghệ nhân nghề dệt thổ cẩm giờ còn rất ít. Trong nhịp sống hiện đại, trang phục may sẵn, vải dệt họa tiết thổ cẩm sản xuất theo dây chuyền bán nhiều ngoài chợ, giá rẻ. Vì vậy, nghề trồng lanh, dệt thổ cẩm của người Mông dần bị mai một. Phụ nữ Mông biết nghề nhưng ít khi    thực hành.

Từ năm 2018, mô hình du lịch cộng đồng được xây dựng và phát triển ở một số xóm, đưa Pà Cò trở thành điểm đến hấp dẫn. Bên cạnh sức hút cảnh quan thiên nhiên, các sản phẩm du lịch trải nghiệm, trong đó có nghề dệt thổ cẩm truyền thống được đông đảo du khách yêu thích. Từ đây, nghề dệt được khôi phục,   sản phẩm ngày càng phong phú, không chỉ để làm trang phục váy áo, khăn, mũ sử dụng trong sinh hoạt gia đình, mà phần lớn đáp ứng nhu cầu mua sắm đồ lưu niệm, quà tặng của du khách.

Cũng như các phụ nữ dân tộc Mông, chị Sùng Y Thanh ở xóm Pà Cò 1, xã Pà Cò đã theo mẹ trồng lanh, kéo sợi, thành thạo thao tác may, thêu thùa từ thuở chưa về nhà chồng. Chị Thanh chia sẻ: Để tạo ra những sản phẩm thổ cẩm hay bộ trang phục truyền thống phải qua nhiều công đoạn. Mỗi công đoạn từ trồng lanh, se sợi, in sáp, nhuộm chàm, thêu, may… đều đòi hỏi sự tỉ mỉ, khéo léo của người làm. Vì vậy mà trước đây và bây giờ, người phụ nữ Mông tài giỏi, chăm chỉ, khéo tay hay không được đánh giá qua tay nghề dệt vải lanh.

Vụ trồng lanh ở Pà Cò diễn ra khoảng tháng 3, tháng 4 hàng năm. Kỳ cây lanh cho thu hoạch vào khoảng tháng 7, tháng 8, bà con đem lanh phơi nắng cho khô rồi tước thành sợi. Sợi lanh được đưa vào cối giã mềm và nối lại, cuốn thành từng cuộn tròn mang đi giặt, sau đó luộc cho    sợi lanh mềm và trắng thì mang ra nắng phơi khô. Kết thúc công đoạn làm lanh, người Mông dùng guồng chia sợi trước khi mắc vào khung cửi để dệt.

Sau công đoạn dệt thành vải, chị em dùng bút làm bằng đồng hơ nóng lên để vẽ vào lớp sáp ong tạo hoa văn in vào vải rồi đem đi nhuộm chàm, khi vải có màu sẫm nhúng vào nước sôi, sáp ong chảy ra để lại những hoa văn màu xanh lơ. Tiếp đó là công đoạn thêu, họa tiết hoa văn trên nền trang phục của người Mông chủ yếu là những khối hình vuông, hình thoi, hình chữ nhật… được làm thủ công nên mất nhiều thời gian.

Cũng qua hoạt động du lịch, những sản phẩm dệt thủ công được nhiều người chú ý. Một số cơ sở đến tận nơi tìm hiểu và giới thiệu, kết nối tiêu thụ mặt hàng dệt thổ cẩm. Trên địa bàn 2 xã đã hình thành một số nhóm nghề quy tụ chị em phụ nữ cùng thực hiện công việc. Chị Sùng Y Gánh, thành viên nhóm nghề xóm Pà Cò 1 cho biết: Từ khi tham gia công việc tạo ra sản phẩm hàng hóa, tôi tự hào và ý thức hơn việc bảo tồn nghề truyền thống của dân tộc Mông. Đây cũng là nguồn thu nhập hỗ trợ đáng kể cho sinh hoạt gia đình.

Theo chị Sùng Y Thanh, nghề dệt thổ cẩm giờ không chỉ một số phụ nữ lớn tuổi làm, mà chị em tuổi trung niên cũng tích cực tham gia, trẻ em gái cũng được hướng dẫn, học hỏi để giữ nghề và truyền lại cho các thế hệ sau. Đến nay, các hộ làm homestay tiếp tục phát huy vai trò kết nối du lịch làng nghề để đa dạng hoạt động trải nghiệm cho điểm đến. Tại xã đã thành lập được 1 làng nghề dệt thổ cẩm truyền thống và một số nhóm nghề dệt; 2 điểm trưng bày và giới thiệu hàng lưu niệm thổ cẩm do các nghệ nhân của làng nghề, nhóm nghề thực hiện, 100% sản phẩm được dệt thủ công.   

Các làng nghề, nhóm nghề còn chủ động chào hàng, mang sản phẩm đến các cơ sở dịch vụ du lịch địa phương để giới thiệu, xúc tiến tiêu thụ, đồng thời giúp quảng bá để sản phẩm nghề dệt chứa đựng tinh hoa văn hóa dân tộc Mông Pà Cò ngày một vươn xa. 


Bùi Minh


Các tin khác


Giữ gìn bản sắc văn hóa Mường và nền "Văn hóa Hòa Bình"

Thực hiện chủ trương sáp nhập các đơn vị hành chính cấp tỉnh đang được triển khai mạnh mẽ theo định hướng tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, cử tri và Nhân dân tỉnh Hòa Bình đã thể hiện sự đồng thuận với tinh thần cải cách. Tuy nhiên, bên cạnh sự ủng hộ, nhiều người dân không khỏi lo lắng về nguy cơ mai một những giá trị văn hóa đặc sắc, nhất là bản sắc văn hóa dân tộc Mường - cội nguồn hình thành nên bản sắc riêng biệt của Hòa Bình.

Khai trương trưng bày chuyên đề “Dưới lá cờ Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh”

Chiều 16/5, Bảo tàng tỉnh tổ chức khai trương trưng bày chuyên đề "Dưới lá cờ Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh”. Tới dự có đồng chí Nguyễn Văn Toàn, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; lãnh đạo Tỉnh Đoàn, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch; Bảo tàng Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ; Bảo tàng, Thư viện tỉnh Vĩnh Phúc và đông đảo cán bộ, học sinh trên địa bàn.

Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động kỷ niệm Ngày sinh nhật Bác

Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, thành phố sẽ tổ chức nhiều triển lãm và chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc chào mừng Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 – 19/5/2025).

Hơn 190 tỷ đồng tu bổ núi Mâm Xôi và hồ phía Bắc Đền Kiếp Bạc

HĐND tỉnh Hải Dương vừa thông qua Nghị quyết dành 193 tỷ đồng từ ngân sách tỉnh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để cải tạo tu bổ núi Mâm Xôi và hồ phía Bắc Đền Kiếp Bạc thuộc Khu di tích quốc gia đặc biệt Côn Sơn – Kiếp Bạc, thành phố Chí Linh. Chủ đầu tư dự án là Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng tỉnh Hải Dương.

Khám phá Lễ hội đánh cá suối truyền thống xã Lỗ Sơn

Mỗi độ tháng Ba âm lịch, dòng suối Tló trong vắt lại sôi động với Lễ hội đánh cá suối truyền thống xã Lỗ Sơn, huyện Tân Lạc. Lễ hội không chỉ là dịp vui chơi cộng đồng, mà còn là sự kiện văn hóa tâm linh, thể hiện đậm nét tín ngưỡng nông nghiệp đặc trưng của người Mường nơi đây.

Di tích khảo cổ học cấp tỉnh bãi đá có hình khắc cổ tại suối Cỏ, xã Mỹ Thành

Mới đây, cộng đồng Mường Vang nói chung, người dân vùng Mường Cỏ, xã Mỹ Thành (Lạc Sơn) nói riêng phấn khởi khi di tích bãi đá có hình khắc cổ tại suối Cỏ, xã Mỹ Thành được xếp hạng di tích khảo cổ học cấp tỉnh.

Xem các tin đã đưa ngày:
Tin trong: Chuyên mục này Mọi chuyên mục