Trong 10 ngày xét xử ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm, đã có nhiều câu nói rất được chú ý của đại diện HĐXX, Viện Kiểm sát, luật sư cũng như từ các bị cáo.
Trả lời thẩm vấn của HĐXX, bị cáo Vũ Hồng Chương, nguyên Trưởng Ban QLDA Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, khai rằng, trong việc tạm ứng tiền, bản thân chịu sức ép ghê gớm. Thậm chí, bị cáo Nguyễn Xuân Sơn - nguyên Phó TGĐ PVN - còn ký công văn yêu cầu bị cáo chuyển tiền ngay trong ngày.
"Tôi không biết, các ông phải chuyển tiền cho PVC vào tuần sau”
Liên quan đến hợp đồng EPC số 33 chưa đủ điều kiện, bị cáo Vũ Hồng Chương khai rằng đã báo với ông Đinh La Thăng về việc này nhưng ông Thăng vẫn lệnh: "Tôi không biết, các ông phải làm sao chuyển tiền tạm ứng cho PVC thực hiện dự án vào tuần sau!”.
"Bị cáo nộp tiền khắc phục hậu quả vì tình anh em”
Khi được hỏi về số tiền gia đình bị cáo đã nộp để khắc phục hậu quả, Trịnh Xuân Thanh cho rằng, với trách nhiệm là người đứng đầu và vì... tình nghĩa anh em với bị cáo Nguyễn Anh Minh (nguyên Phó TGĐ PVC), bị cáo đã đề nghị cho bị cáo nộp tiền khắc phục hậu quả, khi các cơ quan tố tụng tìm ra căn nguyên sẽ xử lý sau.
"Bị cáo luôn nhận trách nhiệm người đứng đầu”
Quá trình HĐXX thẩm vấn, ông Thăng luôn nhận trách nhiệm người đứng đầu. Tuy nhiên, cựu Chủ tịch HĐTV PVN cho rằng, theo pháp luật còn có trách nhiệm của HĐTV, trách nhiệm của Chủ tịch HĐTVtheo quy định cũng như các chức danh khác; trách nhiệm của tổng thầu, chủ đầu tư.
Về nguồn vốn của PVN "đổ vào” dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2, ông Thăng cho biết, số vốn này thuộc trách nhiệm của Tổng Giám đốc và các Phó TGĐ PVN, không thuộc trách nhiệm của HĐTV và Chủ tịch HĐTV.
"Bị cáo từng nói, nếu dự án không giảm 100 triệu USD sẽ từ chức”
Nói về năng lực của PVC, ông Thăng cho rằng, năng lực của đơn vị này đã được kiểm nghiệm qua một số dự án. Có dự án đơn vị này liên danh với Lilama đã mang lại hiệu quả hơn 100 triệu USD như dự án nhiệt điện Nhơn Trạch 2.
"Dự án đó khi có quyết định đấu thầu quốc tế rồi, bản thân bị cáo đã báo cáo, nếu Chính phủ cho phép, bị cáo tìm nhà thầu trong nước triển khai. Nếu không giảm được 100 triệu USD bị cáo xin từ chức. Thực tế dự án đó đã giảm được trên 100 triệu USD.” - lời ông Thăng.
Tại phiên toà, bị cáo Lương Văn Hòa (nguyên Giám đốc Ban ĐHDA Vũng Áng - Quảng Trạch thuộc PVC) khai được Nguyễn Anh Minh gọi điện thoại, yêu cầu chuẩn bị tiền tiêu Tết. Trong điện thoại, Hoà nghe rõ giọng Trịnh Xuân Thanh nói: "Cho tao 4 đồng tiêu Tết”. Bị cáo Hòa hiểu "4 đồng” nghĩa là 4 tỷ đồng. Trong khi đó, Trịnh Xuân Thanh phủ nhận việc trên.
Trịnh Xuân Thanh là điển hình tha hóa, biến chất
Tại bản luận tội, đại diện VKS khẳng định, không chỉ bị cáo Đinh La Thăng phải chịu trách nhiệm trong vụ án này mà còn kéo theo hàng loạt cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tập đoàn và các đơn vị thành viên của PVN, trong đó nhiều người có chức sắc, nhiều người từng là các nhà khoa học trong ngành dầu khí, nhiều người từ đây đã tha hóa, biến chất như Trịnh Xuân Thanh là điển hình.
"Nếu có chết thì là ma tự do, không phải ma tù”
Tự bào chữa trước tòa, cựu Chủ tịch HĐTV PVN nói: "Bản thân bị cáo bị rất nhiều bệnh. Bị cáo chỉ mong muốn làm sao chấp hành án, trước khi chết thì được ra tù để được chết tại nhà mình, trong vòng tay người thân. Bị cáo cũng mong muốn, nếu có chết thì là ma tự do, chứ không phải ma tù.”.
"Thấy rõ mối quan hệ mang tính lợi ích nhóm trong vụ án”
Đại diện VKS cho rằng, xét mối quan hệ cho thấy Vũ Đức Thuận và Trịnh Xuân Thanh đều do ông Đinh La Thăng quyết định trong việc đưa về bổ nhiệm, cất nhắc. Trên cơ sở quan hệ đó, mặc dù biết rõ PVC khó khăn tài chính, không đủ năng lực nhưng để tạo điều kiện cho PVC, ông Đinh La Thăng vẫn chỉ định thầu, chỉ đạo các bị cáo và đối tượng liên quan ở PVPower ký hợp đồng EPC số 33 và tạm ứng tiền trái pháp luật để Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận sử dụng trái mục đích, gây thiệt hại cho Nhà nước.
"Qua đó thấy rõ mối quan hệ mang tính lợi ích nhóm trong vụ án.” - đại diện VKS nêu quan điểm.
"Không phải cứ ký bổ nhiệm là có lợi ích nhóm”
Tranh luận với ý kiến của đại diện Viện Kiểm sát cho rằng có lợi ích nhóm từ việc ông Đinh La Thăng ký bổ nhiệm Trịnh Xuân Thanh, Vũ Đức Thuận, bị cáo Thăng đề nghị VKS, HĐXX xem xét lại vì "không phải cứ ký bổ nhiệm là có lợi ích nhóm”.
Ông Thăng cho rằng, không thể quy hết trách nhiệm cho người ký bổ nhiệm được. "Tất cả những anh ngồi đây, từ anh Thực (bị cáo Phùng Đình Thực - PV) trở xuống đều do bị cáo ký bổ nhiệm. Bị cáo cũng là người được bổ nhiệm. Không phải cứ ký bổ nhiệm là có lợi ích nhóm được.” - bị cáo Thăng nói.
Ông Đinh La Thăng có vai trò chủ mưu, xuyên suốt
Đối đáp với tranh luận của các luật sư, đại diện VKS khẳng định, trong vụ án này, đóng vai trò chủ mưu xuyên suốt là bị cáo Đinh La Thăng, khởi nguồn từ chỉ định thầu. Vai trò của các bị cáo sau là biết nhưng vẫn thực hiện, đó là hành vi cố ý làm trái.
"Cho phép bị cáo sang Đức để chăm sóc vợ con”
Trong những lời sau cùng, nói về gia đình, Trịnh Xuân Thanh cho biết, vợ cùng 3 người con nhỏ của bị cáo đang sinh sống tại Đức. Vợ bị cáo không biết tiếng nên nuôi các con rất vất vả.
"Đề nghị HĐXX xem xét sau khi kết thúc vụ án cho phép bị cáo được sang Đức ở để gần và có điều kiện chăm sóc vợ con.” - cựu Chủ tịch HĐQT PVC nói.
Thực hiện kế hoạch chiến lược Đông - Xuân 1967-1968, đến những tháng cuối năm 1967, công tác chuẩn bị của đặc công, biệt động tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 càng được đẩy mạnh. Lực lượng ở miền Bắc và vũ khí, phương tiện đặc chủng liên tục được tăng cường cho chiến trường miền Nam.
Các bị cáo Đinh La Thăng và Trịnh Xuân Thanh được dành thêm thời gian tự bào chữa chiều 16-1. Sáng 17-1, các bị cáo sẽ nói lời sau cùng.